Trang chủ --> Tin tức Hoàng Kim --> Cử nhân khiếm thị mở cơ sở tẩm quất cho người mù
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Cử nhân khiếm thị mở cơ sở tẩm quất cho người mù

Lớn lên chưa được thấy mặt trời, không một lần nhìn rõ dáng hình cha mẹ, tuổi thơ Hoàng Xuân Hạnh nặng gánh những khó khăn.

Cử nhân hai bằng Đại học

Hạnh sinh ra ở miền quê nghèo Hà Tĩnh, nơi đất cằn khô bám lấy số phận con người. Bố mẹ bị nhiễm chất độc da cam, ba người con sinh ra đều khiếm thị. Nỗi khổ chồng chất niềm đau, đến tuổi tới trường, Hạnh không được lên lớp như bạn bè đồng trang lứa.

Nối khát khao học chữ cứ như ngọn lửa bùng cháy, Hạnh nằng nặc đòi đến lớp với bạn bè. Bố anh thương con, dắt con đến trường năn nỉ xin học. Ban đầu, Hạnh chỉ được học dự thính, sau mới trở thành học sinh chính thức như mọi người.

Đến lớp, Hạnh cố gắng lắng nghe. Không viết được chữ, anh cố “nuốt” hết những lời cô giáo giảng. “6 tuổi mắt tôi vẫn thấy lờ mờ, cố ghé sát bảng nhớ mặt chữ của cô rồi về tập viết lại nhờ bố mẹ hướng dẫn” – anh nói.

Ít lâu sau Hạnh tập viết. Những con chữ nguệch ngoạc, ngoằn ngoèo trên trang giấy. Hồi đó chưa có chữ nổi, mỗi khi muốn học lại, Hạnh phải nhờ bố mẹ đọc cho nghe. Phải ít lâu, bố mẹ mới quen dần và luận được chữ anh. Có riêng môn hình học là bố phải căng dây lên tấm bìa. Hạnh sờ vào đó mà ghi nhớ và tìm ra cách giải.

Tư chất thông minh, liên tiếp nhiều năm Hạnh là học sinh xuất sắc. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã đặc cách tốt nghiệp THPT cho anh.

Năm 1997, Hạnh được cử ra Hà Nội học lớp giáo viên nguồn và được giữ lại làm giảng viên tại trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù – Hội người mù Việt Nam.

Năm 2000 anh thi đỗ và theo học chuyên ngành Quản lý xã hội thuộc Khoa Triết, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Đi lại khó khăn, để có tiền bắt xe ôm tới lớp, Hạnh lân la học tẩm quất để hành nghề.

Có những hôm tìm đến nhà khách ở xa, anh vấp ngã mặt mày thâm tím. Thỉnh thoảng gặp phải người nhiễu sự, Hạnh còn bị chửi mắng linh tinh. Một mình vất vả xa quê, anh cắn răng chịu đựng để học hành cho tới nơi tới chốn.

Năm 2004, Hạnh tốt nghiệp. Anh được đặc cách vào Khoa quản trị Kinh doanh của Viện Đại học Mở. 3 năm sau, Hạnh đã cầm trên tay tấm bằng Đại học thứ 2 của mình.

Mở cơ sở tẩm quất cho người mù

Suốt mấy năm trời vừa đi tẩm quất vừa đến lớp học, Hạnh nhận thấy nhu cầu rất lớn của người dân. Anh cũng thấu đến tận cùng nỗi đau, hiểu những người khiếm thị như mình rất muốn tìm cách để mưu sinh, kiếm sống.

Hạnh đã quyết định mở một cơ sở tẩm quất của người mù lấy tên Hoàng Kim. Hiện trụ sở nằm ở ngõ 639 đường Hoàng Hoa Thám. Lượng khách tới mỗi ngày một đông, bởi hiệu quả, má giá thành lại rẻ.

Cử nhân khiếm thị Hoàng Xuân Hạnh

Cử nhân khiếm thị Hoàng Xuân Hạnh

Hiện tại cơ sở của Hạnh có 6-7 người làm, một quản lý, thu nhập ổn định từ 3-6 triệu đồng. Anh còn mở hai trang thông tin điện tử, để quảng bá và tư vấn nghề nghiệp, tạo diễn đàn cho những người cùng ngành nghề, hoàn cảnh. Công ty CP Tư vấn và Hỗ trợ nghề nghiệp do anh làm chủ cũng mới được thành lập cách đây không lâu.

Hạnh bảo: “Mình không thể giúp đỡ mọi người bằng cách cho họ tiền, chỉ có thể tạo điều kiện để họ có thể kiếm sống”. Anh không giấu nổi niềm vui sau đôi mắt đục mờ khi nhắc tới những học viên đã thành đạt của mình.

Với những nỗ lực cố gắng của bản thân, năm 2012 Hoàng Xuân Hạnh được nhận giấy khen của Hiệp hội thương mại điện tử và huy chương vì hạnh phúc người mù.

Hoàng Xuân Hạnh nhận giấy khen của Hiệp hội thương mại điện tử.

Hoàng Xuân Hạnh nhận giấy khen của Hiệp hội thương mại điện tử.

Hạnh phúc giản đơn

Hiên tại, ban ngày Hạnh vẫn đang dạy ở trung tâm phục hồi chức năng của hội người mù Việt Nam. Chỉ đến tối mới về nhà, cũng là nơi đặt trụ sở của Hoàng Kim.

Anh lấy vợ đã được 8 năm nay. Chị là cô gái xứ Quảng, cán bộ của Tỉnh hội người mù ra Hà Nội tập huấn. Cảm phục trước tấm gương đầy nghị lực của chàng trai khiếm thị, Vũ Kim Anh tình nguyện làm xe ôm chở Hạnh tới trường.

7 tháng tập huấn kết thúc mau, Hạnh không thấy cô gái trẻ Kim Anh quay trở về quê hương với gia đình nữa. Hỏi ra mới biết, cô gái trẻ thầm thương mến mình đã tự lâu. Tình yêu đến một cách dung dị và tự nhiên, họ gắn bó 6 năm trời rồi cùng nhau đi đến cuối con đường hạnh phúc.

Hạnh bảo: “Gia đình cô ấy phản đối ghê lắm. Cũng đúng thôi, có ai muốn con gái mình lấy một người tàn phế đâu. Tôi phải rất nhiều lần về quê trò chuyện và thuyết phục gia đình, cuối cùng mới có thể lấy được cô ấy”.

Hiện tại hai vợ chồng đã có một đứa con. Đứa bé hoàn toàn bình thường, không bị
“mù” như bố.

Câu chuyện về cuộc đời Hạnh như cuốn tiểu thuyết dài trang, mà ngẫm lại, anh chỉ khẽ cười và nói: “Không có gì tệ hại hơn thất bại là việc không dám làm”.

Lương Lý

 

Hoàng Kim (Theo Đồng Hành)

Lượt xem : 57937 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo