Trang chủ --> Tin tức Hoàng Kim --> Chàng trai khiếm thị mang "ánh sáng" cho những người cùng cảnh ngộ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Chàng trai khiếm thị mang "ánh sáng" cho những người cùng cảnh ngộ

Anh Hoàng Xuân Hạnh sinh ra trong một gia đình có cha mẹ bị nhiễm chất độc da cam do di chứng chiến tranh để lại. Bởi vậy, cả ba chị em Hạnh đều bị khiếm thị khi mới lọt lòng.

Thỉnh thoảng, tôi tự suy ngẫm và tâm đắc về câu nói "Ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả". Thế nhưng, phải đến khi gặp anh - người thanh niên khiếm thị xuất thân từ một vùng quê nghèo của mảnh đất Hà Tĩnh nắng gió, tôi mới càng thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của câu nói đó. Anh vui vẻ nói: "Mình chưa bao giờ cảm thấy đang phải sống trong bóng tối".

Hai bàn tay trắng của chàng trai khiếm thị

Anh Hoàng Xuân Hạnh sinh ra trong một gia đình có cha mẹ bị nhiễm chất độc da cam do di chứng chiến tranh để lại. Bởi vậy, cả ba chị em Hạnh đều bị khiếm thị khi mới lọt lòng.

Đến tuổi đi học nhưng Hạnh không thể lên lớp như bạn bè đồng trang lứa, niềm khát khao cháy bỏng được học chữ của cậu bé khiếm thị đã làm bố mẹ và các thầy cô trong trường xúc động. Cậu bé Hạnh được chấp thuận cho học dự thính rồi sau đó là học bình thường như các bạn. Cách học của Hạnh lúc đó là học thuộc lời cô giảng trên lớp, về nhà được bố đọc sách cho nghe, với môn hình học thì bố phải căng dây lên tấm bìa để cậu sờ vào, cảm nhận và ghi nhớ.

Cứ thế, cậu học lên từng lớp với thành tích học tập cao. Tốt nghiệp THPT, năm 1997, Hoàng Xuân Hạnh được Hội Người mù Việt Nam gửi giấy mời ra Hà Nội học lớp giáo viên nguồn. Xác định đây là một cơ hội lớn trong cuộc đời, vượt qua những lo ngại về khó khăn, Hạnh quyết tâm khăn gói lên đường.

Không những hoàn thành xuất sắc chương trình học và được giữ lại làm giảng viên tại Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù - Hội Người mù Việt Nam, năm 2000, anh còn thi đỗ và theo học khoa Triết học (ngành Quản lý xã hội), trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Lúc đó, để có tiền đi học, ngày nào Hạnh cũng phải đi tẩm quất rong để kiếm thêm thu nhập.

 

Anh Hạnh sử dụng thành thạo máy vi tính và Internet, không những để quảng bá hai website mà còn hỗ trợ những người cùng ngành nghề, nhất là người khuyết tật.


Khởi nghiệp bằng ý chí

Nói về bước đường lập thân, lập nghiệp của mình, Hoàng Xuân Hạnh nhắc đến câu danh ngôn của Tổng thống Mỹ Roosevelt: "Trong đời có một điều tệ hại hơn thất bại là không dám thực hiện". Anh bảo, đó là điều mà anh luôn tâm niệm và lấy làm động lực cho mọi việc làm của mình. Vì thế, năm 2004, từ chút vốn ít ỏi dành dụm được, anh đã mạnh dạn mở cơ sở tẩm quất của người mù mang tên Hoàng Kim. Lúc đó, ai cũng nghĩ đó là một việc làm liều lĩnh và sẽ sớm thất bại, bởi anh có quá ít vốn, cơ sở vật chất nghèo nàn và việc mở dịch vụ của người khiếm thị còn là điều mới mẻ, khó được khách hàng đón nhận... Nhưng chàng trai khiếm thị ấy vẫn quyết tâm một mình làm cho bằng được. Và rồi, Hoàng Kim đã đứng vững, ngày càng mở mang, đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục người, đào tạo nghề cho hàng trăm người lao động khiếm thị.

Không những thế, với sự nhanh nhạy tiếp thu công nghệ mới, Hoàng Xuân Hạnh còn lần lượt khai trương hai trang thông tin điện tử (hoangkim.net.vn và thegioimatxa.net) để quảng bá, tư vấn nghề nghiệp và tạo nên diễn đàn cho những người có cùng ngành nghề, đặc biệt là dành cho người khuyết tật. Chưa hết, vừa qua, anh còn thành lập hẳn một doanh nghiệp xã hội với đội ngũ nhân viên hầu hết là những người khuyết tật có tên Cty CP Tư vấn và Hỗ trợ nghề Việt Nam.

Qua câu chuyện của Hoàng Xuân Hạnh, tôi có cảm tưởng dường như con đường lập nghiệp của anh khá suôn sẻ, những thành công không quá vang dội nhưng vẫn cứ đến từ từ. Tôi hỏi: "Phải chăng anh luôn nhận được sự trợ giúp? Có bao giờ anh nản chí không?". Anh cười giản dị rồi kể: "Lúc đầu khi mình đưa ra ý tưởng thành lập Cty, có đến hơn chục người hưởng ứng và nhất trí góp vốn, đã tổ chức họp bàn đến mấy lần, còn liên hoan nữa. Đến khi Cty chuẩn bị ra đời thì hầu như tất cả đều “tháo chạy”, còn mỗi vợ chồng mình và cậu em trai(!)..." .Và dù cuối cùng chỉ còn "đơn thương độc mã", Cty của anh vẫn ra đời và đang cất những bước khởi đầu với nhiều triển vọng.

Anh Hạnh còn chia sẻ với tôi những khó khăn khác, phần lớn là do đối tượng mà Cty anh hướng đến đều là người khuyết tật nên đôi khi anh đến liên hệ cộng tác với các đơn vị đào tạo và tuyển dụng lao động thì bị thoái thác bằng những câu trả lời quen thuộc: "chưa có nhu cầu", "không có khả năng", "sẽ xem xét"... Rồi thì cơ sở phải đi thuê nên hay phải di chuyển rất tốn kém, vất vả... thế nhưng, người thanh niên khiếm thị ấy khẳng định anh chưa từng một lần nản chí.

 

Anh Hoàng Xuân Hạnh (bên phải) tận tình hướng dẫn kỹ thuật tẩm quất cho nhân viên


Tiếp thêm lửa cho những người cùng cảnh ngộ

Cũng là một người khuyết tật và đã trải qua những năm tháng đầy khó khăn, anh thấu hiểu hơn ai hết tâm tư của những người mà số phận đã không cho họ may mắn được lành lặn. Bởi vậy, dường như Hoàng Xuân Hạnh đã gắn cho mình cái trách nhiệm phải sống thật tốt và giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình. Anh nói: "Mình thì không có tiền để cho mọi người, nhưng mình cố gắng giúp họ bằng cách tạo cho họ phương tiện để kiếm sống, mình nghĩ đó cũng là cách giúp đỡ lâu dài mà mình có thể làm được".

Anh vui vẻ pha lẫn chút tự hào kể cho tôi nghe về những học viên do anh dạy nghề nay cũng đã mở được cơ sở tẩm quất riêng và khá thành công; cho tôi xem bức ảnh của chị Hoa, anh Tú cùng là người khiếm thị học việc từ Hoàng Kim nay đã nên vợ nên chồng, đã có cơ ngơi khang trang ở TP Hà Tĩnh...

Giữa lúc trao đổi với tôi, thỉnh thoảng chiếc điện thoại của anh lại đổ chuông và hầu hết là những cuộc gọi nhờ anh tư vấn, giúp đỡ, từ tìm kiếm việc làm, mua dụng cụ gì để đi tẩm quất đến việc xin theo anh học nghề... Với ai, anh cũng từ tốn hướng dẫn thật chi tiết. Nếu như lúc trước, ngỡ ngàng về hình ảnh người đàn ông khiếm thị bước những bước thật nhanh nhẹn, chính xác dù đi trong sân hay lên xuống cầu thang như một người mắt sáng thì nay qua từng câu chuyện, tôi càng cảm phục hơn về nghị lực và tấm lòng của anh.

Điều đáng quý nhất là anh đã không giữ lại niềm tin, ý chí ấy cho riêng mình mà đã truyền đi và chia sẻ với những người có cùng cảnh ngộ như anh để họ lạc quan vén bức màn mặc cảm, hòa mình vào cuộc sống năng động, chủ động lựa chọn nghề nghiệp và quyết định tương lai của chính mình.

 


Bảo Linh

 

Pháp luật và Xã hội (Ngày 24/08/201

Lượt xem : 313475 Người đăng : admin

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo