Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Việc làm cho người mù Nhiều gian nan và trăn trở
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Việc làm cho người mù Nhiều gian nan và trăn trở

Không may bị khuyết tật đôi mắt, việc đi lại đã rất khó khăn nhưng nhiều người mù vẫn cố gắng vươn lên, tìm cho mình một việc làm, có thêm thu nhập để tự chăm sóc bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình. Thế nhưng, để tìm được công việc thích hợp, không phải là chuyện dễ dàng với họ. Trên con đường mưu sinh, người mù vẫn từng giờ đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả... 

 

Tới Hội Người Mù (HNM) TP Cần Thơ vào những ngày này, nhìn xưởng xe nhang của hội vắng tanh, cửa đóng im ỉm, chúng tôi không khỏi xót lòng. Hỏi ra mới biết, xưởng đã đóng cửa vài tháng nay do nhang tồn kho và thời tiết mưa nắng thất thường. Hội còn cho hay, rất có thể, xưởng sẽ tạm đóng cửa hơn 4 tháng nữa mới sản xuất trở lại. Ông Hoàng Quyết Thắng, Phó Chủ tịch HNM TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian làm nhang thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, để tránh mùa mưa. Nhưng cơ hội việc làm này của hơn 10 người mù đang gặp khó khăn bởi đầu ra của sản phẩm không ổn định. Trước đây, có một công ty thường xuyên tiêu thụ nhang do hội viên HNM sản xuất, nhưng kể từ đầu năm 2012 đến nay, công ty này đã ngưng lấy nhang với lý do, vì làm thủ công nên sản phẩm nhang không đồng đều, rất khó cạnh tranh với thị trường. Vì vậy, có việc làm cho hội viên HNM đã khó mà duy trì được lại càng khó hơn”.

Theo báo cáo của HNM TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 2.000 người mù, trong đó, hội viên HNM chiếm 81,6%. Trong số 1.411 hội viên đã khảo sát, có 415 người mù hai mắt, 783 người mù một mắt. Đặc biệt, có 456 hội viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Để góp phần giải quyết việc làm cho hội viên, quí I năm 2012, HNM các cấp đã tạo điều kiện hỗ trợ cho 81 hộ gia đình hội viên HNM TP Cần Thơ được vay vốn, với tổng số tiền 473 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 142 lao động. Các hội viên vay vốn chủ yếu làm các nghề như: chăn nuôi, đan đát, buôn bán nhỏ...bên sự hỗ trợ của gia đình. Trong thực tế, nhiều người mù nghèo không dám vay vốn vì sợ không đủ khả năng hoàn vốn, đa số người mù nghèo lựa chọn nghề bán vé số, vì nghề này cần ít vốn, họ có thể tự xoay xở được và không mất thời gian học nghề. Tuy nhiên, đây lại là nghề gây nhiều rủi ro cho người mù.

Anh Bùi Lê Huy Bình, ngụ phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, có hơn 10 năm trong nghề bán vé số, tâm sự: “Thời gian trước, tôi có học nghề bó chổi nhưng không bám nghề được, do nhà chật hẹp, không có chỗ để làm. Hơn nữa, nghề này cần vốn mua vật liệu và khó cạnh tranh với thị trường. Bán vé số thì đơn giản hơn, mỗi ngày bán hết vé, tôi kiếm được trên 100.000 đồng. Ngày nào bán còn dư vé, có thể hoàn lại đại lý. Tuy nhiên, người mù hai mắt như tôi đi bán vé số cũng không tránh khỏi rủi ro: bị giật vé số, không quen đường bị vấp ngã, va quẹt xe cộ... Mỗi khi gặp những chuyện như thế thì xem như mình gặp xui chứ không có cách nào chống trả”. Còn anh Nguyễn Minh Kim Khôi, ngụ phường Cái Khế, không may mắc bệnh thoái hóa võng mạc và cách nay khoảng 4 năm, mắt anh không còn nhìn thấy ánh sáng. Không muốn làm người vô dụng, anh Khôi tập đi bán vé số. Ngày nắng ráo, anh bán được khoảng 120 tờ, lời trên 140.000 đồng, đủ xoay xở chi tiêu sinh hoạt hàng ngày trong nhà. Tuy nhiên, chỉ khoảng 4 năm đi bán vé số, anh Khôi ước tính mình bị giật vé số khoảng 5 lần, lần nhiều nhất là 25 tờ. Chưa kể những trường hợp, khách trả tiền mua 1 tờ nhưng lại rút 3-4 tờ. Nhiều rủi ro là vậy, nhưng nghề bán vé số giúp anh Khôi có nguồn thu nhập ổn định, không phải lo lắng nhiều. Trên bước đường mưu sinh, anh Khôi còn nhận được tình cảm, sự san sẻ, động viên của nhiều người tốt bụng mà anh không thể biết mặt.

Trong tất cả các nghề mà người mù có thể làm, hiện tại, nghề xoa bóp, massage được xem là nghề có thu nhập ổn định và ít rủi ro nhất. Người làm nghề này cần có năng khiếu, sức khỏe nên kén lao động. Vợ chồng anh Nguyễn Minh Khôi, ngụ phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cùng bị mù 2 mắt từ nhỏ. Vợ chồng anh Khôi được HNM tạo điều kiện cho đi học nhiều nghề khác nhau, trong đó có nghề xoa bóp, massage và may mắn được ông Phan Thanh Liêm, chủ cơ sở massage Nhật Tân, tạo điều kiện làm việc. Những tưởng cuộc đời sẽ bị bóng đêm bao quanh, không lối thoát nhưng giờ đây, vợ chồng anh Khôi có việc làm ổn định với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Ông Phan Thanh Liêm cho biết: “Cơ sở của tôi có tất cả 12 nhân viên, đều là người khiếm thị. Trong khoảng hơn 1 năm đầu thành lập cơ sở, chúng tôi phải chấp nhận chịu lỗ tiền thuê mặt bằng, vì khách hàng rất ít. Nhiều người dân không có thiện cảm với nghề này, một phần khác, họ thiếu niềm tin với người khuyết tật. Nhưng qua hơn 5 năm hoạt động, đến nay cơ sở đã được khá nhiều khách hàng tin tưởng, sử dụng dịch vụ, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người khiếm thị”. Nhiều hội viên HNM muốn bám trụ với nghề massage nhưng các cơ sở kinh doanh dịch vụ này dành cho người khiếm thị còn khá lạ lẫm ở TP Cần Thơ. Đa phần các chủ cơ sở massage và người sử dụng dịch vụ này vẫn còn e ngại đối với lao động khiếm thị, trong khi hiếm người khiếm thị có khả năng tự lập một cơ sở cho mình.

Với những nỗ lực giải quyết việc làm cho người khiếm thị, HNM TP Cần Thơ dự kiến, trong tháng 5 này sẽ hoàn tất danh sách hội viên tham gia các lớp dạy nghề đan đát, bó chổi, đờn ca tài tử, massage và được tổ chức vào tháng 6 tới. Hội cũng đang tích cực vận động xã hội hóa, thành lập một cơ sở dịch vụ massage dành cho hội viên ngay tại trụ sở thành hội. Ngoài nỗ lực của các cấp HNM, rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, đóng góp của cộng đồng, để góp phần giải quyết việc làm hiệu quả cho người mù, giúp họ vơi bớt mặc cảm thiệt thòi và tự tin hòa nhập cộng đồng, để thấy cuộc đời tươi đẹp và nhiều hy vọng.

Bài, ảnh: MỸ TÚ



--- Bao dien tu Can Tho 

Lượt xem : 33967 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo