Trang chủ --> Gương sáng --> Nghề “dẫn đường” cho học sinh khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Nghề “dẫn đường” cho học sinh khiếm thị

Với người khiếm thị, việc xác định được hướng di chuyển để tự mình đi lại, lên xuống cầu thang, qua đường… đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trẻ được tiếp xúc với bộ môn định hướng di chuyển càng sớm, khả năng hòa nhập cuộc sống càng cao.
“Bảo bối” của người khiếm thị
Có thể nói, song song với hệ thống chữ nổi (Braille), định hướng di chuyển được xem là công cụ hỗ trợ đắc lực cho người khiếm thị. Chẳng những dạy trẻ kỹ thuật đi một mình thông qua việc thuộc nằm lòng 6 từ chính trên - dưới - trái - phải - trước - sau, các thế tay an toàn, cách dò tường, dò nắm để lên xuống cầu thang tự tin, bộ môn này còn hướng dẫn các em kỹ thuật đi với người dẫn đường sáng và kỹ thuật đi với gậy. Được sự quan tâm của Ban giám hiệu, tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM, môn định hướng di chuyển có lịch dạy khá dày: 4 tiết/ tuần (học sinh chuyên biệt) và 2 tiết/ tuần (học sinh hòa nhập). Từ lớp 1 đến lớp 3, trẻ được trang bị những kiến thức căn bản về định hướng như xác định 4 hướng đông - tây - nam - bắc, cách nhịp và khua gậy theo bước đi, cách vẽ cung đường bằng gậy… Lên lớp 4, giờ thực hành sẽ được tăng cường để các em có thể tự tin xuống đường một mình với gậy khi học lớp 5. Ở cấp độ căn bản, việc quản lý học sinh còn đơn giản vì đa phần các tiết dạy diễn ra trong lớp hoặc khuôn viên trường. Nhờ quen thuộc với môi trường, các em di chuyển khá thuần thục, ít xảy ra sự cố. Thế nhưng, bước vào giai đoạn thầy kèm trò xuống đường, mọi thứ đều có thể diễn ra. Học sinh hoảng loạn vì tiếng còi xe, hoặc vì không thấy đường nên chọc thẳng gậy vào bánh xe của người đi đường, nhiều xe vẫn ráng tranh đường khiến các em trầy xước chân tay… Trong những tình huống không kịp ra hiệu lệnh để học sinh dừng lại, giáo viên chỉ còn cách dùng thân mình che chắn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em.
Gắn bó với nghiệp “dẫn đường”
Mới về trường mấy năm nay và cũng được phân dạy môn định hướng di chuyển, với cô giáo trẻ Trần Thị Tuyết Loan, mọi thứ như mới bắt đầu. Muốn nâng cao tay nghề, sau giờ đứng lớp, cô theo chân những giáo viên đi trước học hỏi kinh nghiệm. Cô Loan nói: “Tôi dạy các khối 1, 2, 3 nên kỹ thuật còn đơn giản, chứ lên lớp 4-5 phức tạp hơn nhiều. Khó khăn nhất là khi đưa trẻ xuống đường bởi biết bao tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Vì thế, giáo viên lúc nào cũng phải quan sát cẩn thận các phía, tập trung cao độ để nhanh nhạy xử lý sự việc, tránh làm học sinh lo sợ”. Sau hơn 22 năm dạy môn định hướng di chuyển, thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên Tổ phục hồi chức năng, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu) nhận thấy trẻ khiếm thị cần được đầu tư sâu về môn học này để sớm có cơ hội hòa nhập xã hội. Thế là thầy Hùng cùng những đồng nghiệp đứng ra biên soạn bộ giáo án mang tính thực tiễn cao. Vẫn tuân theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT, bên cạnh đó giáo án của thầy còn tích hợp kinh nghiệm thực tế sau hơn 22 năm đứng lớp. Trong suốt quá trình giảng dạy, thấy trường hợp nào cá biệt, yếu tố nào hay, tình huống nào khó xử lý, thầy Hùng tỉ mẩn ghi chép rồi lồng ghép vào giáo án. Sau mỗi học kỳ, bộ giáo án lại được cập nhật những “bí quyết” mới, giúp các giáo viên trẻ không còn bỡ ngỡ khi dạy học sinh khiếm thị. Không chỉ tận tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong trường, thầy Hùng còn thường xuyên tham gia các đợt tập huấn cho nhiều tỉnh thành như Huế, Quảng Ngãi… Thầy tâm sự: “Ban đầu chỉ tính dạy một thời gian thôi nhưng không hiểu sao đến giờ vấn vương thành nghiệp”. Dạy nhiều, đi nhiều, nhưng điều khiến thầy trăn trở nhất chính là sự an toàn của học sinh mỗi khi ra đường. Mặc dù khoảng cách từ Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đến các trường hòa nhập không xa mấy nhưng xe cộ lúc nào cũng tấp nập, việc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các em khiếm thị là một bài toán khó. Thương học trò, biết bao lần thầy chạy ngược xuôi xin nơi này, chỗ kia vẽ vạch đường ưu tiên để các em qua lại an toàn. Cuối cùng thì những nỗ lực của thầy cũng được đáp đền xứng đáng. Vào giữa tháng 9 vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đã vẽ lại vạch sơn trên làn đường dành cho người đi bộ ngay trước cổng trường Tiểu học Trí Tri (một điểm trường hòa nhập của học sinh khiếm thị). Thầy Hùng mừng rỡ: “Hành động này tạo nên một niềm vui rất lớn cho các em khiếm thị. Giao thông bây giờ phức tạp lắm, may mà có vạch đường ưu tiên để các em qua lại an toàn chứ không giáo viên chúng tôi suốt ngày lo lắng”.
Bài, ảnh: Mỹ Dung

 

Với những gì đã cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, vào cuối tháng 8 vừa qua, thầy Nguyễn Phi Hùng vinh dự được Bộ GTVT phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông” và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
 
Lượt xem : 28669 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo