Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Chuyện thường ngày của những người khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Chuyện thường ngày của những người khiếm thị

 

                    "Hôm qua con bé nhà anh bắt đầu tập bò, phòng thì bé, thoắt một cái nó đã bò đi đâu mất. Anh cuống lên tìm chân nó để tóm lại mà không được, nghe bà ngoại hét lên, anh tưởng nó bò ra cầu thang rồi ngã, sợ điếng người. May mà bà hét đề phòng thế thôi!" - anh Trường, một giáo viên khiếm thị của Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người mù (287 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) kể chuyện.

Tại trung tâm hiện có 10 cặp vợ chồng mà một trong hai vợ chồng khiếm thị, hoặc cả hai đều khiếm thị. Làm việc ở trung tâm đều hơn 10 năm, nhưng đa số các giáo viên 2-3 năm gần đây mới "dám" lập gia đình, sinh con. Nghe kể chuyện sinh con, nuôi con của những cặp vợ chồng khiếm thị giữa thời bão giá, ai cũng chạnh lòng…

"Thương từ khi thai nghén trong lòng"

Căn phòng của vợ chồng anh Trường - chị Việt Anh chỉ rộng 20m2, nằm ngay trong khu ký túc xá của trung tâm. Hằng ngày hai bố mẹ (đều bị khiếm thị) lên lớp cho các học viên trong trung tâm, chỉ có bà ngoại già yếu xoay xở với cô bé Hà Anh 15 tháng tuổi. Hà Anh có đôi mắt trong veo và rất nhanh nhẹn, rạng rỡ. Từ khi hoài thai bé Hà Anh, anh chị đã phập phồng lo lắng…

Anh Trường kể: "Nhà mình có 5 anh chị em thì 3 người hỏng mắt. Bản thân mình bị thoái hóa sắc tố hắc võng mạc, tuổi càng lớn thì mắt càng mờ dần đi, học xong ĐH Sư phạm thì mình mù hẳn. Nhiều người mù đều có mối băn khoăn giống mình là không rõ bệnh của mình có khả năng di truyền sang con không, liệu sinh con ra con có khổ như mình không. Lúc cưới vợ, rồi vợ có bầu, cũng mừng lắm, nhưng vừa mừng, vừa lo, vừa thương đứa bé…".

 

Bé My trong góc học tập tại một phòng ở nhờ trong KTX trung tâm.

 

Chị Việt Anh kể, có dịp bà ngoại phải về quê hơn chục ngày, hai vợ chồng chị xoay vào chăm con, mệt không kịp thở. "Lúc con biếng ăn, mẹ thì không biết miệng con đâu để đưa thìa cháo vào, nó vùng vằng đổ hết. Có lúc con đói quá, khóc ầm lên, bố mẹ thì mãi vẫn chưa đút đúng vào miệng nó được, nó tự động với lấy thìa cháo, cũng bị đổ gần hết. Mình đoán trẻ con nó cũng biết tự thích nghi, Hà Anh nhà mình biết kéo thìa, đón bình sữa từ khá sớm" - chị Việt Anh kể.

Con đi học -  gánh nặng gấp đôi

Anh Thanh, giáo viên khiếm thị dạy tin học tại trung tâm, có một người vợ cũng khiếm thị và con nhỏ hơn bốn tuổi. Hai anh chị thuê nhà gần trung tâm, mỗi tháng nguyên tiền thuê nhà đã ngốn nửa lương của anh. "Anh đi làm ở đây vui vì có công việc, nhưng thu nhập chỉ tròm trèm 3 triệu đồng, vợ anh thì làm dịch vụ xoa bóp tại nhà. Mỗi tháng phải lo tiền nhà, tiền ăn, rồi tiền học, tiền thuê người đưa đón con…

Tiền học của cháu thì chưa tốn, nhưng tiền xe ôm thì đắt đỏ, cả đi cả về mất hai chục ngàn"- anh Thanh tâm sự. Bố mẹ nào thì cũng chỉ biết cố gắng hết sức, nhưng tình cảnh chung của các gia đình ở trung tâm thường là chưa hết tháng đã hết tiền.

Chị Chiến cũng là một bà mẹ khiếm thị. Bé Trà My, con gái chị đã tám tuổi, đang học Trường Tiểu học Yên Hòa. Từ khi sáu tuổi, cứ 7h sáng, Trà My tự đeo cặp, lũn cũn đi từ căn phòng của hai mẹ con ở nhờ trong ký túc xá của trung tâm, ra cổng. Một bác xe ôm tin cậy do mẹ Chiến hợp đồng theo tháng sẽ đón My, đưa em đi học. Cũng giờ đó, chị Chiến tự mình lên lớp.

Chị đã quen với từng bậc thang, từng chỗ ngoặt của những lối đi trong khuôn viên trung tâm. Cuối tuần hai mẹ con lại đi một chuyến xe ôm hơn 10km để về căn nhà có ba ở Cổ Nhuế (xã ngoại thành thuộc huyện Từ Liêm). Chồng chị Chiến cũng là một công nhân khiếm thị của một cơ sở in sách chữ nổi của Hội người mù Việt Nam.

Chị Chiến kể: "Do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ cha nên bị mù bẩm sinh. Ông xã thì bị mù do lên sởi, chạy hậu. Anh chồng chị không muốn cho chị sinh con vì sợ con lại khổ giống mình. Nhưng chị cứ liều. Chị cũng mong có đứa con để nương tựa về tinh thần… May sao ông trời thương, con bé sinh ra đã khỏe mạnh, bụ bẫm. Mới tám tuổi nhưng đã giúp mẹ được nhiều việc lắm rồi!".

Trung tâm đào tạo và phục hồi chức năng cho người mù

có hơn 20 nhân viên, trong đó gần một nửa là người khiếm thị. Người khiếm thị dạy cho người khiếm thị, người khiếm thị làm việc cùng nhau có một thuận lợi là sự cảm thông và kiên nhẫn rất lớn, nhưng khả năng giúp đỡ nhau thì rất hạn hẹp.

Anh Trường chia sẻ: "Các bố, mẹ trong trung tâm có khi đi họp phụ huynh giùm cho nhau, thiếu thốn nhưng vẫn cố đùm bọc nhau. Mình đã có những lúc tưởng như không đứng dậy được, nhưng nhờ có bạn bè chia sẻ nên mình cũng vượt qua… Nhờ thế, mình hiểu sự chia sẻ có giá trị chừng nào!".

Mong muốn của anh Trường là dịp 1/6 sắp tới, có thể có một nhà hảo tâm hay một tổ chức từ thiện nào đến trung tâm và tặng các cháu, mỗi cháu một món quà nhỏ để động viên. Anh vẫn đang cố gắng tìm cơ hội, đi liên hệ và chờ đợi…

 

Bảo Phượng

 

 
 
 

 

Lượt xem : 23308 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo