Trang chủ --> Tin cộng đồng --> "Ánh sáng" của người mù
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

"Ánh sáng" của người mù

“Đối với người mù, chỉ có tình yêu là thứ “ánh sáng” họ dễ nhìn thấy, dễ gặp nhất trong cuộc đời mình. Chính tình yêu đã giúp họ vượt qua khó khăn cuộc sống, nỗ lực để làm người có ích cho gia đình và xã hội”.

 

Chính tình yêu đã giúp vợ chồng anh Trọng vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường. Ảnh: H.TÂN
Chính tình yêu đã giúp vợ chồng anh Trọng vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường. Ảnh: H.TÂN

Đó là câu nói đầy ấn tượng đối với tôi, của Chủ tịch Hội Người mù TP.Tam Kỳ Lê Văn Trị. Ông Trị cho biết, Hội Người mù thành phố hiện có 161 hội viên, trong đó 20 hội viên sống tập trung sản xuất tại hội. Trên giấy tờ, hội có 20 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo; còn trên phương diện thực tế, hầu hết gia đình người mù đều khó khăn, chật vật về kinh tế... Nghề chính của người mù là sản xuất tăm tre, đũa ăn, chổi đót... Thu nhập bình quân hằng tháng chỉ 600 nghìn đồng/người. Cơ sở của hội có đủ phòng cho 20 hội viên sinh hoạt, nhưng đã quá cũ. Gần 15 năm qua, hội chính là mái nhà chung làm nơi sinh hoạt cho người mù và cũng là nơi để nhiều đôi chấp nhận khiếm khuyết bản thân mình kết duyên nên vợ nên chồng, xây dựng hạnh phúc.

 

Bên ấm trà, ngồi cùng vợ chồng anh Trọng, tôi nghe như khó khăn trong cuộc sống đời thường của họ dường biến mất. Ở đó chỉ có tình yêu, niềm tự hào về đứa con gái đang tuổi đi học. Bé Trọng Kim - con của anh chị, 8 năm liền là học sinh xuất sắc của trường THCS Nguyễn Khuyến. Mỗi ngày, người vợ cùng chồng làm tăm tre, làm đũa rồi đưa đi tiêu thụ khắp các chợ, thu nhập hằng tháng từ sản phẩm của họ khoảng 2 triệu đồng. Dù kinh tế không khá giả, nhưng họ được niềm vui lớn hơn, đó là tình yêu gia đình. Anh Trọng chia sẻ: “Nhờ hội mà chúng tôi được nên vợ thành chồng, có nghề để sinh sống. Chúng tôi luôn xem hội là nơi cưu mang và vun vén cho tình yêu của mình”.

Tại đây, tôi bắt gặp nụ cười hiền lành của anh Nguyễn Văn Doãn Si. Anh may mắn nên vợ chồng với người vợ sáng mắt là chị Phạm Thị Bưởi. Chính tình yêu của vợ đã tiếp thêm “nguồn sáng” cho cuộc đời của anh. Một gia đình nhỏ với đứa con gái lên 4 tuổi càng là nguồn động viên tinh thần để anh vượt qua mặc cảm bản thân. Anh tâm sự: “Người vợ hiền đã cổ vũ tôi bằng tình yêu, tiếp sức cho tôi tin yêu cuộc đời”. Hay chú Nguyễn Đình Hùng (quê Tam Ngọc) không có người thân nên 15 năm qua trụ sở hội từ lâu đã là nhà của ông. Đôi tay chai sần vì những đót chổi đâm phải, nhưng nụ cười luôn hiện hữu trong ông. Ở đây, tôi còn được nghe kể về nhiều cảnh đời mù lòa không có người thân, không gia đình như cô Ba, cô Lai, chú Lồ, những đôi vợ chồng mù như anh Nên, chị Thu... nhưng họ vẫn chăm chỉ làm ăn, biết vượt qua khó khăn bằng tinh thần lạc quan, yêu đời và tình yêu dành cho nhau.

Ông Trị còn kể tôi nghe câu chuyện tình với kết thúc có hậu của vợ chồng anh Trương Công Trọng và chị Phạm Thị Nga (khối phố Phú Phong, phường An Phú). Sau khi Hội Người mù TP.Tam Kỳ thành lập, anh Trọng, chị Nga cùng xin vào sinh hoạt, học nghề và học chữ Braille. Tình yêu của họ cũng bắt đầu nảy nở từ các buổi sinh hoạt, lớp học. Nhưng khi gia đình chị Nga biết chuyện đã không chấp thuận. Họ bảo anh Trọng là “một trái cau đau hai bệnh”. Bởi anh Trọng còn bị mất một cánh tay. Gia đình sợ cả hai sẽ khổ. Cuối cùng hội đứng ra thuyết phục gia đình chị Nga và một tiệc cưới giản đơn được tổ chức ngay tại trụ sở hội.

Ông Trị ngừng câu chuyện, rồi cười bảo rằng dù không nhìn thấy đường đi, nhưng gần như nhà của hội viên nào ông cũng biết. Đến nhà chỉ cần chạm tay đến vách tường, ngồi trên cái ghế, nghe tiếng chủ nhà đon đả mời nước thì cảm nhận được hội viên mình sống tươm tất hay nghèo khó như thế nào. Với ông được giúp đỡ hội viên là một niềm vui. Những năm gần đây, đời sống hội viên đã được nâng lên nhờ những sản phẩm do chính họ làm ra như chổi, tăm... Đến nay hội cũng đã đứng ra làm chủ hôn, xây dựng hạnh phúc gia đình cho 7 cặp vợ chồng. Bây giờ ai cũng đã ổn định cuộc sống, con cái đề huề. “Chúng tôi luôn phấn đấu xây dựng hội trở thành mái nhà chung, là nơi để người mù học tập, chia sẻ niềm vui trong cuộc sống. Chúng tôi cũng luôn muốn gắn kết những cảnh đời khiếm thị lại với nhau, để họ tìm thấy một mái ấm hạnh phúc, để may ra trên đời này còn có một thứ “ánh sáng” khác là tình yêu dành cho họ” - ông Trị tâm sự.

ĐÔNG HẢI 

 

Hoàng Kim (Theo Báo Quảng Nam Online)
 

Lượt xem : 32345 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo