Trang chủ --> Giáo dục trẻ khuyết tật --> Hình thức tổ chức dạy học trẻ khuyết tật
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Hình thức tổ chức dạy học trẻ khuyết tật

1.4. Hình thức tổ chức dạy học trẻ khuyết tật

1.4.1. Khái niệm chung về hình thức tổ chức dạy học trẻ khuyết tật

Hình thức tổ chức dạy học trẻ khuyết tật được xác định dựa trên hình thức tổ chức dạy học cho trẻ nói chung. Đó là cách thức tổ chức quá trình dạy học phù hợp với mục đích, nội dung bài học, phù hợp với đặc điểm của trẻ về thể chất cũng như về trí tuệ, tâm lý, tình cảm, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương ... nhằm làm cho bài học đạt hiệu quả tốt nhất. Các hình thức dạy học hiện nay của nhà trường được tổ chức hết sức đa dạng trên cơ sở lấy chất lượng học tập của học sinh làm thước đo của quá trình dạy học. Tên gọi của mỗi hình thức dạy học lại tuỳ thuộc vào những căn cứ khác nhau của quá trình dạy học.

Trên phương diện chung nhất khi xem xét phương thức dạy học theo tiến trình của lịch sử phát triển giáo dục và dạy học trẻ khuyết tật thì có ba hình thức dạy học trẻ khuyết tật cơ bản, đó là hình thức dạy học chuyên biệt, hình thức dạy học hội nhập và hình thức dạy học hoà nhập.

Những hình thức dạy học trẻ khuyết tật phổ biến thường được áp dụng trong các loại nhà trường dạy học trẻ khuyết tật cụ thể như: Học cá nhâ, học ganh đua và học hợp tác nhóm.

1.4.2. Ba hình thức tổ chức dạy học trẻ khuyết tật

1.4.2.1. Hình thức dạy học chuyên biệt (Special Instruction)

Dạy học chuyên biệt là hình thức dạy học cho cùng một đối tượng trẻ khuyết tật ở cùng một trình độ nhận thức và có thể ở cùng hoặc không cùng độ tuổi trong cùng một lớp học thậm chí là trường dành riêng cho từng đối tượng trẻ khuyết tật.

Chẳng hạn như lớp dạy học trẻ khiếm thính, dạy học trẻ khiếm thị, dạy học trẻ chậm phát triển trí tuệ, ...

Hình thức dạy học chuyên biệt có lịch sử phát triển lâu đời và đến nay đã tồn tại hơn hai thế kỉ trên thế giới và hơn một thế kỷ ở Việt Nam. Mỗi lớp học chuyên biệt chỉ có khoảng từ 12 đến tối đa 15 trẻ khuyết tật cùng dạng nên dạy học chuyên biệt đề cao những kỹ năng chuyên biệt dành riêng cho từng đối tượng khuyết tật trong lớp học, không quan trọng hoá vấn đề thời gian dành cho một đơn vị kiến thức hay kỹ năng mà dựa vào chính sự tiếp thu của bản thân trẻ khuyết tật. Vì vậy, trẻ khuyết tậ thường được giáo viên hướng dẫn một cách hết sức tỉ mỉ thông qua những kế hoạch dạy học cũng được thiết kế công phu, chi tiết. Những trẻ khuyết tật theo học hình thức này có những tiến bộ đáng kể trong các hành động trí tuệ, trong việc áp dụng giải những bài toán hay những tình huống học tập có vấn đề, trong kỹ năng tự phục vụ cũng như một số những tiến bộ trong hành vi, tình cảm.

1.4.2.2. Hình thức dạy học hội nhập (Intergrated Instructions)

Dạy học hội nhập là hình thức dạy học dành riêng cho một số trẻ khuyết tật có khả năng vừa học theo hình thức chuyên biệt, vừa có khả năng học theo hình thức hoà nhập.

Dạy học hội nhập được xuất hiện trong thời kỳ chuyển giao giữa hai hình thức từ dạy học chuyên biệt sang dạy học hoà nhập khi chưa có sự hiểu biết một cách đầy đủ về dạy học hoà nhập. Giai đoạn này được diễn ra mạnh mẽ từ những năm 1980 đến những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX và đến nay thì hình thức dạy học này vẫn còn tồn tại khá phổ biến.

Việc thực hiện mục tiêu trọng tâm của dạy học trẻ khuyết tật là dạy kiến thức, dạy kỹ năng xã hội dẫn đến một số hình thức tổ chức dạy học hội nhập cho trẻ khuyết tật như: Trẻ bình thường và trẻ khuyết tật được tham gia cùng nhau trong một số hoạt động học tập (như thể thao, họa, vẽ, trò chơi học tập ...) trong một địa điểm và thời gian nhất định; Hay trẻ bình thường và trẻ khuyết tật cùng học với nhau trong một số giờ học mà trong các giờ học đó trẻ khuyết tật cùng học với nhau trong một số giờ học mà trong các giờ học đó trẻ khuyết tật cũng có khả năng lĩnh hội kiến thức của bài học gần đạt được trình độ tương đương như trẻ bình thường; Và tất nhiên còn lại là các giờ học chuyên biệt của trẻ khuyết tật.

1.4.2.3. Hình thức dạy học hoà nhập (Inclusive Instructions)

Dạy học hoà nhập là hình thức dạy học trẻ khuyết tật trong môi trường lớp học phổ thông, tức là trẻ khuyết tật học chung với trẻ bình thường trong cùng một lớp, cùng một thời gian, cùng một chương trình, thường là cùng độ tuổi (nếu có chênh lệch thì nhiều hơn không quá 2 tuổi). Hình thức dạy học này đang hiện phổ biét trên thế giới và Việt Nam.

Dạy học hoà nhập là đưa trẻ khuyết tật học tập trong chính môi trường bạn bè, lớp học với tư cách là một thành viên của lớp học. Học hoà nhập làm cho trẻ khuyết tật không chỉ phải vươn lên để có thể theo kịp các bạn mà còn tạo điều kiện cơ hội cho những trẻ bình thường khác hỗ trợ trẻ khuyết tật, làm cho vấn đề học tập trở thành vấn đề mà mỗi thành viên có thể tiếp thu tuỳ theo trình độ nhận thức và kinh nghiệm của bản thân.

Trong dạy học hoà nhập, giáo viên có vai trò cực kỳ quan trọng vì phải giữ ít nhất hai vai trò, đối với trẻ bình thường và đối với trẻ khuyết tật. Giáo viên cần thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học, hoạt động nhận thức cho lớp một cách hết sức linh hoạt làm sao vừa phải đảm bảo sự tham gia của trẻ bình thường vừa phải đảm bảo sự tham gia của trẻ khuyết tật, đồng thời lại phải làm sao trẻ khuyết tật không làm ảnh hưởng không tốt đến việc học tập của các bạn khác trong lớp. Như vậy, giáo viên cần phải có cả phương pháp dạy học phổ thông vừa phải có phương pháp chuyên biệt dạy học trẻ khuyết tật, có như thế mới đảm bảo dạy học hoà nhập đạt hiệu quả cao.

1.4.3. Một số hình thức dạy học trẻ khuyết tật

1.4.3.1. Tiết dạy cá nhân

Tiết dạy cá nhân là hình thức dạy học trẻ khuyết tật tương đối phổ biến trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt, còn gọi là phụ đạo riêng trong các trường phổ thông (hoà nhập). Đây là hình thức tổ chức dạy học theo kiểu một thầy, một trò trong một phòng hay một lớp học riêng (đối với trường chuyên biẹt gọi là phòng dạy cá nhân hay phòng học chuyên dụng).

Giáo án hay kế hoạch dạy học của tiết dạy cá nhân được thiết kế một cách hết sức chi tiết. Giáo án này có thể không tuân theo khuôn mẫu chung như giáo án dạy phổ thông mà có thể chỉ để dạy cho trẻ khuyết tật một kiến thức cụ thể hay một kỹ năng cụ thể nào đó. Ví dụ, một tiết dạy cá nhân nhằm vào việc luyện cho trẻ phát âm được âm "cờ", hay chỉ viết được số 3 mà thôi điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào những kiến thức, kỹ năng mà trẻ khuyết tật  thực sự cần phải được trang bị.

Mục tiêu của tiết dạy cá nhân là nhằm khắc phục những lỗ hổng về kiến thức và kỹ năng  mà trẻ khuyết tật không thể tiếp thu, lĩnh hội được khi học chung với trẻ bình thường cũng như học chung với những trẻ khuyết tật khác. Quan trọng hơn, tiết dạy cá nhân còn nhằm chuẩn bị (can thiệp sớm) cho trẻ những kién thức và kỹ năng cần thiết trước khi trẻ được tiếp nhận trong lớp học cùng với các bạn của mình.

Phương pháp dạy học của giáo viên trong các tiết dạy cá nhân gắn liền với yêu cầu giáo viên phải nắm vững và hiểu biết sâu sắc những đặc điểm về trình độ nhận thức, tâm lý, tình cảm và hành vi của cá nhân trẻ, điểm mạnh và hạn chết, những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã có của trẻ. Trên cơ sở đó, giáo viên phải thiết kế hàng loạt các hoạt động và xác định những tác động cần thiết, phù hợp đối với trẻ nhằm đạt được mục tiêu của tiết dạy cá nhân. Những kỹ năng dạy học chuyên biệt được thể hiện rất rõ ràng và đầy đủ trong các tiết học cá nhân.

Cần phân biệt giữa dạy học cá nhân và tiết dạy cá nhân. Dạy học cá nhân là một trong bà hình thức cơ bản của dạy học nói chung (học cá nhân, học nhóm và học toàn lớp), đó là công việc dạy học cho cá nhân trẻ với mục tiêu riêng của từng trẻ mà không liên quan đến những trẻ khác. Mục tiêu riêng được biên soạn từng ngày và sự nỗ lực của mỗi cá nhân được dánh giá bằng những chỉ số riêng. Trẻ vẫn ngồi học bình thường trong lớp với các trẻ khác song mỗi trẻ có mục tiêu, một bộ tài liệu và một khối lượng công việc theo đúng khả năng của trẻ, không giống nhau. Dù cho mỗi trẻ hoàn thành công việc học tập của mình ở mức độ nào đi chăng nữa cũng ít hoặc không liên quan đến chương trình học tập của những trẻ khác và không ảnh hưởng đến kết quả học tập chung của cả lớp.

1.4.3.2. Học hợp tác nhóm

Học hợp tác nhóm là hình thức học tổ chức dạy học của giáo viên trong đó giáo viên chia lớp học ra thành các nhóm trẻ qua việc quy định về số lượng thành viên từng nhóm, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm, hướng dẫn và hỗ trợ các nhóm giải quyết nhiệm vụ được giao. Mỗi thành viên của nhóm đều có một vai trò và nhiệm vụ nhất định, học hợp tác nhóm đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các thành viên trong nhóm để giải quyết nhiệm vụ.

Cơ sở lý luận và thực tiễn của học hợp tác nhóm chính là việc học tập được dựa trên kinh nghiệm đồng thời dựa trên kiến thức, kỹ năng, tính hợp tác, cộng hưởng tinh thần và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân trong nhóm sẽ hợp tác với nhau và cùng chịu trách nhiệm cho kết quả hoạt động chung của cả nhóm. Khi xem xét dưới góc độ của một phương pháp thì học hợp tác nhóm được coi là phương pháp dạy học phổ biến trong các nhà trường hiện nay. Tuỳ từng bài học hay tiết học mà xác định số lượng hoạt động học hợp tác nhóm và thời gian giành cho mỗi hoạt động.

Để thực hiện tốt hình thức dạy học này, giáo viên cần phải chuẩn bị thật tốt trước hết là việc lựa chọn và xác định nội dung kiến thức của bài học phù hợp với tổ chức học hợp tác nhóm. Không phải bất cứ nội dung nào cũng cần phải học hợp tác nhóm mà chỉ những nội dung nào có tính bao quát, đòi hỏi sự tham gia giải quyết và mang lại lợi ích cho mọi thành viên trong nhóm. Giáo viên cần biến những nội dung học hợp tác nhóm thành những vấn đề học tập hay nhiệm vụ học tập cụ thể bằng việc thành lập các câu hỏi thảo luận cho nhóm được viết trên các phiếu giao nhiệm vụ.Đồng thời với việc giao phiế học tập là việc chuẩn vị đầy đủ những phương tiện cho hoạt động học hợp tác nhóm như giấy viết, bút màu các loại, giấy màu, băng dính, keo ... Kết quả của học hợp tác nhóm sẽ do nhóm quyết định trình bày bằng các hình thức khác nhau. Giáo viên cũng cần phải dự tính trước những khó khăn của các nhóm gặp phải nhất là nhóm có trẻ khuyết tật cùng tham gia để dành thời gain và sự quan tâm cần thiết hỗ trợ và điều chỉnh cần thiết mọi hoạt động của các nhóm trong giờ học.

 Hình thức dạy học hợp tác nhóm có thể được tổ chức theo các bước sau:

* Bước 1: Chuẩn bị cho tổ chức hoạt động học hợp tác nhóm

Bao gồm những vấn đề giáo viên cần tiến hành:

- Xác định những nội dung cho hoạt động hợp tác nhóm trong bài học.

- Xác định hình thức nhóm: Nhóm đồng nhất (cùng trình độ nhận thức, cùng giới tính) hay nhóm đa dạng (khác nhau về trình độ nhận thức, khác giới tính).

- Quyết định thời gian của từng hoạt động học hợp tác nhóm: Tuỳ từng nội dung hoạt động, trình độ nhận thức của trẻ mà giáo viên quyết định, có thể trong khoảng ít nhất là 3 phút và tốt đa là 7 phút.

- Xác định về số lượng thành viên trong nhóm. Nhóm học hợp tác có hiệu quả thông thường từ 2 đến 6 thành viên. Đối với những lớp ở mẫu giáo hay đầu cấp tiểu học, giáo viên nên bắt đầu từ nhóm đôi hoặc nhóm nhỏ (3 trẻ). Sau đó tăng dần số lượng trẻ trong một nhóm nhưng không nên vượt quá 6.

- Thời gian duy trì nhóm: Thông thường nhóm cần được duy trì sao cho các thành viên trong nhóm đủ để "hiểu" nhau và có được các kỹ năng cần thiết nhất định, nhưng cũng không nên để nhóm "quá hiểu" nhau dễ sinh ra tình trạng trì trệ, thiếu năng động, dựa dẫm vào nhau. Do vậy giáo viên cần cân nhắc khi nào cần tạo ra nhóm mới. Kinh nghiệm cho thấy tốt nhất là nên duy trì theo học kỳ trùng hợp với việc phân tổ của giáo viên.

* Bước 2: Tiến hành tổ chức lớp học học hợp tác nhóm

- Hình thành và phân công nhiệm vụ trong nhóm: Dù là nhóm đồng nhất hay nhóm đa dạng giáo viên cần phân định vai trò và nhiệm vụ của các thành viên trong nhóm, vai trò của từng thành viên có thể thay đổi trong tiết dạy cũng như trong các bài học khác nhau. Vai trò và trách nhiệm của các thành vien trong nhóm có thể bao gồm:

Điều khiển nhóm: Hướng dẫn các thành viên tham gia vào hoạt động, giải thích rõ nhiệm vụ hoạt động của nhóm, tóm tắt, kiểm tra lại xem mọi thành viên đã hiểu vấn đề chưa, thống nhất ý kiến của nhóm. Giải quyết các "mâu thuẫn" trong quá trình hoạt động nhóm.

Thư ký nhóm:Ghi chép mọi ý kiến, biên tập, tóm tắt các ý kiến.

Báo cáo: Thay mặt nhóm báo cáo kết quả.

Khuyến khích:Động viên mọi thành viên tham gia, nhắc nhở những thành viên tham gia "lắm lời" trong nhóm, bảo đảm trong quá trình trao đổi mọi thành viên phải có quyền và nghĩa vụ đóng góp vào bài học.

Theo dõi: Đánh giá sự tham gia của mọi thành viên và theo dõi, thông báo thời gian cho hoạt động nhóm, cùng các thành viên trong nhóm phân phối thời gian thích hợp để giải quyết từng vấn đề.

- Giao nhiệm vụ cho hoạt động học hợp tác nhóm: Khi giao nhiệm vụ cho hoạt động học hợp tác nhóm, giáo viên cần phải giải thích hết sức rõ ràng, nhắc lại nhiều lần cho đến khi nào trẻ hiểu rõ nhiệm vụ mới thôi.

- Hỗ trợ và hướng dẫn khi cần: Các nhóm bắt đầu hoạt động thì cũng là lúc vai trò của giáo viên trở thành người hỗ trợ và hướng dẫn khi cần. Vị trí của giáo vien là phải đi đến từng nhóm, phát hiện những khó khăn của nhóm, đưa ra những giải thích hoặc hướng dẫn thêm cho nhóm và những điều chỉnh nếu cần.

* Bước 3: Kết thúc hoạt động học hợp tác nhóm

Giáo viên kết thúc hoạt động học hợp tác nhóm bằng nhiều hình thức khác nhau. Thông thường, giáo viên có thể yêu cầu báo cáo viên của nhóm lên báo cáo, các thành viên khác trong nhóm và tiếp đến các thành viên khác trong lớp bổ sung say đó đi đến kết luận. Nếu có trên hai hoặc nhiều nhóm cùng thảo luận một nội dung thì không nên tát cả mọi nhóm đều báo cáo mà nên sử dụng hình thức này.

Nếu mỗi nhóm thảo luận một nội dung khác nhau thì bắt buộc tất cả các nhóm đều phải báo cáo, các thành viên trong nhóm và tiếp đến các thành viên khác của lớp bổ sung sau đó đi đến kết luận. Hình thức này thông thường chỉ được thực hiện ở những lớp cuối cấp tiểu học hoặc ở cấp trung học.

Hình thức học hợp tác nhóm có ưu điểm nổi trộn là trẻ được tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, kích thích tính tích của mọi thành viên trong nhóm và lích thích sự "cạnh tranh lành mạnh" giữa các nhóm trong lớp học, tạo ra một môi trường dạy học sôi động, trẻ được được tham gia hoạt động với tư cách là chủ thể tích cực nên ghi nhớ và hiểu sâu sắc vấn đề học tập.

Để tổ chức hình thức dạy học hợp tác nhóm một cách có hiệu quả đòi hỏi giáo viên cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ và tuân theo những yêu cầu của các bước thực hiện hình thức dạy học này, đồng thời cũng cần tránh lạm dụng nội dung khi không cần phải sử dụng hình thức dạy học hợp tác nhóm (thường là quá dễ) và lạm dụng về thời gian (quá kéo dài) sẽ làm ảnh hưởng đến việc dạy học những nội dung khác còn lại của bài học.

1.4.3.3. Luyện tập

Trong dạy học phổ thông thì luyện tập được coi là hình thức lớp, bài, gồm có các giờ học bài mới, bài ôn tập, bài luyện tập, bài học tổng hợp. Trong dạy học trẻ khuyết tậ, luyện tập có thể được coi là hình thức dạy học quan trọng nhằm củng cố những kiến thức, kỹ năng đã truyền đạt cho trẻ khuyết tật.

Một trong những đặc điểm cơ bản trong hoạt động nhận thức của trẻ khuyết tật là do dự khiếm khuyết của một bộ phận cơ thể nào đó, nhất là đối với những khiếm khuyết thuộc về cơ quan tiếp nhận và xử lý thông tin đã dẫn đến sự hiểu biết về thế giới xung quanh không được đầy đủ, toàn diện, chi tiết. Do đó,  luyện tập là hình thức dạy học không chỉ với mục đích nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng mà còn có ý nghĩa để trẻ có nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về thế giới xung quanh đồng thời đây cũng có thể coi là con đường chủ yếu trong hoạt động nhận thức của trẻ khuyết tật, còn được gọi là "học qua thực hành"

Hình thức này đòi hỏi giáo viên cần bố trí thời gian phù hợp, cân đối giữa việc hình thành kiến thức, kĩ năng mới và luyện tập thực hành trên cơ sở trình độ nhận thức của chính trẻ khuyết tật. Điều quan trọng đối với hình thức dạy học này tạo cho trẻ khuyết tật có được kĩ năng nhận thức, kĩ năng thực hành cũng như kỹ năng vận dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động học tập, lao động và sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

Giáo viên có thể chuẩn bị hình thức dạy học này bằng cách chuẩn bị các bài luyện tập dựa theo sự phát triển hệ thống kiến thức và kỹ năng đã có của trẻ khuyết tật. Bài luyện tập cần được thực hiẹn từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ ít đến nhiều, từ những kiến thức, kĩ năng thực hiện trong môi trường quen thuộc đến môi trường mới hơn ...

Luyện tập trong dạy học cho trẻ khuyết tật được thực hiện một cách hết sức thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ, mọi nơi, mọi lúc bằng nhiều hình thức khác nhau với sự hướng dẫn không chỉ của giáo viên mà còn của cả những bạn bè khác của trẻ khuyết tật. Có như thế thì luyện tặt mới mong đạt được kết quả cao và góp phần nâng cao chất lượng dạy học trẻ khuyết tật.

 

Lượt xem : 11540 Người đăng : Kim Phiến

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo