Trang chủ --> Gương sáng --> Chàng trai khiếm thị và những nốt nhạc đắm say
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Chàng trai khiếm thị và những nốt nhạc đắm say

Đêm Noel, ánh đèn điện rực rỡ trên những con phố tấp nập của thủ đô. Khắp phố phường đặc quánh bởi không khí của ngày lễ Giáng sinh, đâu đó những cây thông sinh động lấp lánh đủ sắc màu, các ông già Noel xúng xính tại trước cửa một trung tâm vui chơi hay một nhà hàng, vô số ông già Noel khác bon bon trên đường đến các điểm phát quà. Bất chấp cái lạnh tê người đầy thi vị của mùa đông giá rét, dòng người đổ ra đường ngày một đông, đâu đó vang lên bản thánh ca.

Và, lẫn trong dòng người đó có một cậu thanh niên lặng lẽ lần dò từng bước chậm rãi đi trên đường. Cậu đón nhận cuộc sống náo nức quanh mình bằng trái tim ấm nóng đầy nhiệt huyết, bằng sự nhạy cảm đến vô cùng của một tâm hồn bồng bềnh mây gió. Tiếng lá lao xao, gió rít ầm ào, cảnh sắc thiên nhiên vừa ngọt ngào, trữ tình nhưng cũng không kém phần dữ dội, hoang dã, thổi bùng lên trong khu vườn yên tĩnh của tâm hồn chàng thanh niên nhạc viện ngân nga những nốt nhạc đắm say.

Thái Quốc Thanh hiện đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Nhạc cụ truyền thống, hệ Đại học của Nhạc viện Quốc gia Việt Nam. Mùa hè vừa qua, cuộc thi "Tài năng Âm nhạc trẻ toàn quốc 2012" được diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, nhiều người nói rằng có một thí sinh đã chinh phục Ban giám khảo và khán giả bằng khả năng âm nhạc của mình với cây đàn nguyệt qua tác phẩm "Cảm xúc quê hương". Khi cậu thanh niên lần dò từng bước tiến đến sân khấu, nhẹ nhàng và đĩnh đạc thể hiện phần thi của mình, qua bàn tay với những ngón gẩy điêu luyện, mạch cảm xúc tung ra như muốn vỡ òa chảy tràn trên những nốt nhạc khi rộn rã, tưng bừng náo nhiệt, lúc trầm bổng thiết tha. Tác phẩm không có lời, chỉ là những âm thanh đầy màu sắc với những cung bậc cảm xúc đa chiều da diết đang được người thí sinh khiếm thị thể hiện đầy mê hoặc, quyến rũ.

Nhạc sĩ Xuân Khải, tác giả của tác phẩm đã yên nghỉ nơi vĩnh hằng, hẳn nơi chín suối, ông sẽ hài lòng và mỉm cười về thế hệ hậu sinh kế tục thể hiện tác phẩm của mình. Cuộc thi hội tụ những học sinh ưu tú của tất cả các trường nghệ thuật trong cả nước. Vượt lên mọi khó khăn và những điều tưởng như không thể, cậu sinh viên khiếm thị Nhạc viện Quốc gia giành được giải nhì đầy thuyết phục.

Thanh là con út trong gia đình có ba anh em trai, cha mẹ thuần nghề nông. Không may, cha mẹ cậu sinh ra ba người con thì người con cả và Thanh đều bị mù bẩm sinh. Nhưng, không có ánh mắt tươi sáng như những đứa trẻ khác thì trời phú cho cậu bé một tâm hồn dạt dào nhạy cảm. Cậu lại được sinh ở làng Ó, cái nôi văn hóa của quan họ Bắc Ninh với những điệu hò, tiếng hát, với những tấm áo mớ ba, mớ bẩy, với trẩy hội, sang canh, với những liền anh, liền chị.

Ngày thơ bé, cậu thường được bà dắt đi hội, nghe hát. Những làn điệu quan họ của các bà, các mẹ, những câu hát đối đáp giao duyên chan chứa tình trong làng quê thanh bình, yên ả neo vào lòng cậu bé những tưởng tượng, những cảm xúc, những suy tư và cả những mơ mộng của con trẻ. Tất cả những ký ức tuổi thơ ngọt ngào đó đã nuôi dưỡng tâm hồn cậu, làm tiền đề để có được thành công trong bước đường âm nhạc sau này.

 

 

Năm lên 6 tuổi, Thanh lần đầu tiên xa gia đình ra Hà Nội, học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. Ngôi trường có phương pháp đặc biệt để trẻ bình thường học cùng trẻ khiếm thị. Sáng học tại trường, chiều tối lại về ở nội trú cùng các bạn có hoàn cảnh như mình. Những đứa trẻ nhanh chóng hòa đồng và tìm thấy tiếng nói chung, ríu rít chuyện trò, râm ran chia sẻ. Chúng đều xa gia đình, nên coi nhau như người thân, không khoảng cách, không có sự màu mè, bọn trẻ lớn lên tự nhiên như cỏ cây, hoa lá. Cái sức sống mãnh liệt của một loài cây sớm đã phải tự lập được đắp bồi, tôi luyện thêm sự dẻo dai, và vững chắc trước mưa nắng cuộc đời. Kỳ lạ thay, bọn trẻ dường như được trời phú cho một giác quan đặc biệt là vô cùng nhạy cảm với âm thanh.

Chẳng phải vậy mà nhà trường đã mời người về dạy các nhạc cụ truyền thống cho trẻ khiếm thị. Phải công nhận rằng, bọn trẻ học rất nhanh, rõ ràng năng khiếu âm nhạc bẩm sinh tiềm ẩn. Mỗi đứa trẻ được làm quen với một nhạc cụ dân tộc. Có trẻ học đàn bầu, trẻ học sáo, trẻ lại học trống… Lần đầu tiên đến với âm nhạc, cậu bé Thanh khi đó được học đàn tứ. Sau 3 năm làm quen với cây đàn tứ, cậu bé đã thành thạo lắm, ở trong ban nhạc của trường tấp nập những buổi biểu diễn thường xuyên. Vui chưa được bao lâu, nhưng rồi, có những lúc cậu bé lại chợt ưu tư, sầu muộn. Đó là khi ban nhạc nhà trường hòa tấu thì với cây đàn dân tộc khác nhấn nhá, ngân nga thì cây đàn tứ vốn chỉ là một cây đàn đệm trong hòa tấu, không rung nhấn được. Khi đó, cậu cũng khó chịu, ấm ức, thổn thức lắm…

Năm cậu lên 9 tuổi, một sự vô tình hay định mệnh an bài?! Nhà trường lại quyết định cho mỗi một học sinh học thêm một loại nhạc cụ truyền thống khác nữa, tất cả các bạn đều đã chọn cho mình một nhạc cụ thích hợp. Còn đàn nguyệt chưa ai đăng ký, cậu bé Thanh lúc đó sau khi nghe người thầy chơi một bản nhạc trên cây đàn truyền thống, dù lúc đấy chưa biết cây đàn ấy hình dáng thế nào liền bị tiếng đàn mê hoặc dẫn dụ lôi đi. Cây đàn này âm thanh thật đặc biệt, luyến láy ngân nga, nào đâu cần hòa tấu, chỉ cần nó đứng một mình cũng đã thánh thót ngân vang, diễn tả đủ mọi cung bậc cảm xúc buồn vui của tâm hồn đa cảm. Hỏi ra, mới biết đó chính là cây đàn nguyệt. Cây đàn nhẹ bẫng, chỉ có hai dây cước, có chục phím làm bằng tre được gắn trên cần đàn, mặt đàn tròn như mặt trăng rằm nên gọi là đàn nguyệt.

Chẳng chần chờ cậu đăng ký học đàn nguyệt. Vậy là, mỗi tuần một buổi người thầy đến trường dạy cậu trò nhỏ của mình. Người thầy dạy đàn cho Thanh cũng là sinh viên khiếm thị của Nhạc viện Quốc gia. Có lẽ, đồng cảnh ngộ, nên người thầy có những phương pháp riêng cho cậu trò nhỏ cách tiếp cận với cây đàn.

Cũng cần phải nói thêm, trong 9 năm học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, Thanh được bác Tôn Thất Chiêm một con người cũng thật ly kỳ đã đến ngôi trường và tập hợp những trẻ khiếm thị dạy âm nhạc. Thanh và những người bạn đồng cảnh ngộ được học hát thánh ca, cả những bài quốc ca ở khắp nơi trên thế giới như Nga, Mỹ, Anh, Ý, Đức… Bác Tôn Thất Chiêm đã lập một dàn hợp ca với tên gọi "Hợp ca hy vọng" những người tham gia trong dàn hợp ca đều là người khiếm thị thuộc đủ ngành nghề, mọi lứa tuổi. Dàn hợp ca này gần như tháng nào cũng đi biểu diễn ở nhiều nơi. Vào dịp quốc khánh của các nước tại sảnh hay gian phòng nào đó của khách sạn lớn ở Thủ đô, dàn "Hợp ca hy vọng" lại có dịp trổ tài. Chớp mắt thời gian, mười mấy năm nay Thanh vẫn cần mẫn như chú ong nhỏ tham gia vào dàn “Hợp ca hy vọng” đó.

 

 

Học hết 9 năm tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, Thanh thi vào hệ trung cấp của Nhạc viện Quốc gia. Nơi đây, một bước ngoặt mới. Một chân trời mới. Môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp mở rộng cánh cửa với cậu bé giàu khát vọng âm nhạc. Vốn đã làm quen với cây đàn nguyệt từ thủa nhỏ lại hết lòng chú tâm đến việc học, Thanh được thầy yêu, bạn mến. Cậu học sinh giàu nghị lực chăm chỉ bên cây đàn dân tộc. Ngày học trên lớp, tối về ký túc ở trường trong căn phòng cùng với 6 người bạn.

Có một sự khác biệt lớn. Việc học nhạc với những người mắt sáng không đơn giản thì với người khiếm thị lại còn có trở ngại lớn. Trong khi những người bình thường chỉ cần nhìn vào bản nhạc đọc để đánh đàn, thì em phải viết nốt nhạc ra chữ nổi, rồi dùng tay lần mò những con chữ nổi ấy cho đến khi em có thể nhớ như in trong trí óc những đoạn nhạc, khổ nhạc ấy để tự gẩy lên những giai điệu âm nhạc mà không cần phải nhìn vào bản nhạc như các bạn khác.

Tự biết hạn chế của bản thân, người khác cố một, em cố mười. Thanh không rời cây đàn nguyệt, lúc cậu ra hành lang yên tĩnh, khi lại tìm đến lớp học vắng người để tập đàn. Ngày nào cậu cũng phải cầm vào cây đàn. Cây đàn như một người bạn tâm giao, tri kỷ, bao nhiêu buồn vui, nỗi suy tư, niềm trăn trở cậu đều gửi gắm cả vào cây đàn nguyệt. Không nghe thấy tiếng đàn thì nhớ da diết. Gần gụi đàn thì thấy yêu vô cùng. Người với đàn như hình với bóng. Như trăng với sao. Như cá với nước. Ăm ắp tình.

Trong Nhạc viện hệ trung cấp là 6 năm, nhưng chỉ đến năm thứ 5, Thanh có nguyện vọng muốn thi vào đại học. Thanh làm đơn xin thi vào hệ đại học của nhà trường trước một năm. Biết khả năng âm nhạc của cậu học sinh vượt khó, thầy cô ủng hộ, tạo điều kiện cho em. Tháng 7 sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học thì tháng 6 lại diễn ra cuộc thi "Tài năng âm nhạc trẻ toàn quốc 2012". Thanh là một trong những học sinh ưu tú được nhà trường chọn đi thi.

Trước ngày thi 3 tháng, cậu được thầy cô giáo trong khoa chỉ bảo tận tình, tập luyện kỹ lưỡng một bài nhạc cổ cải lương. Cậu tập say sưa, nhuần nhuyễn thì một buổi trưa trước ngày thi đúng một tuần cậu nhận được tin, cậu phải chuyển bài thi từ nhạc cổ sang tác phẩm. Sao kịp đây? Chỉ còn gần một tuần. Gấp gáp quá, nhạc cổ chủ yếu là tập tay trái rồi đột ngột một tuần để tập tay phải đánh tác phẩm. Đang ăn trưa mà cậu rưng rưng. Cuộc thi này quy tụ toàn người có nghề đến thi, thưởng thức, nếu biểu diễn mà không tốt sẽ ra sao? Càng nghĩ càng lo. Không lẽ bỏ cuộc.

Nhưng rồi, chú ong con chăm chỉ lại được sự động viên và khích lệ của các thầy cô, Thanh dồn hết tinh lực vào thời gian ít ỏi còn lại. May mắn sao, nhờ có quãng thời gian chăm chỉ chuyên cần trước đó, sự say mê với cây đàn mà phần thi của Thanh đã được Ban giám khảo đánh giá cao. Thanh đoạt giải nhì trong cuộc thi “Tài năng Âm nhạc trẻ toàn quốc”. Sau một tuần tại Đà Nẵng em lại cấp tập trở lại trường ra sức "cày" để chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học. Trong những ngày bù đầu vào ôn tập thì Thanh được nhà trường thông báo Căn cứ vào kết quả trong học tập của những năm học trung cấp nhạc viện và thành tích tại các cuộc thi âm nhạc diễn ra toàn quốc, Thanh không phải thi mà được đặc cách tuyển thẳng vào hệ đại học của Nhạc viện. Niềm vui nối với niềm vui.

Ngồi trước tôi, cậu sinh viên giản dị, khiêm nhường không muốn nhắc nhiều đến thành tích của mình mà chỉ say mê với cây đàn dấu yêu mà mình đã lựa chọn. Em không biết tương lai sau này khi tốt nghiệp xong sẽ ra sao, chỉ biết rằng em học đàn cho thỏa niềm say mê yêu thích. Mỗi độ tết đến xuân về, cậu lại lang thang hành hương đến những ngôi chùa ở chùa Hương, động Hương Tích, cầm cây đàn nguyệt gẩy ngân nga những bài ca quê hương, đất nước. Giữa chốn linh thiêng và huyền ảo của không gian tâm linh, xen lẫn mùi khói hương, với những bức tượng Phật bề thế trang nghiêm là những bài hát văn với tiếng đệm đàn luyến láy của Thanh như lời giãi bày và thành kính dâng lên trời Phật. Từ trong sâu thẳm của con tim đa cảm, cậu dùng lời ca tiếng hát, cung đàn như gửi lời tâm tình đến khách hành hương đến chốn thanh tịnh nơi cửa Phật. Cậu mở lòng mình, giao hòa cùng đất trời, thăng hoa trong từng nốt nhạc

Lượt xem : 14744 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo