Nhắc đến Vũ Xuân Thành (SN 1960, trú tại thôn Tân Thành, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) thì ai cũng khâm phục nghị lực phi thường và biệt tài của ông. Tuy bị khiếm thị nhưng khi nhìn ông Thành lao động việc nhà như nấu cơm, chẻ củi, chăn lợn… hay bán quán tạp hóa thì chẳng ai nghĩ là ông bị khiếm thị cả. Người dân nơi đây vẫn nói đùa với nhau một câu khi nói về ông rằng “ông Thành có con mắt thứ ba”.
Trở thành “rái cá” dù không đôi mắt
Là con thứ tư trong một gia đình nghèo khó, có tới 8 anh chị em, cậu bé Vũ Xuân Thành đã kém may mắn hơn những người anh em của mình: Thành đã bị mù bẩm sinh. Mặc dù gia đình cũng cố gắng chạy chữa, nhưng không đem lại kết quả gì. Cậu bé Thành đành ngậm ngùi mang kiếp mù lòa. Nhưng bù lại Thành rất ngoan, từ lúc nhỏ Thành không bao giờ quấy khóc, có khi mấy anh chị em bỏ bẵng cả buổi không trông nom Thành cũng chỉ ngồi một chỗ mà chơi. Và từ nhỏ Thành đã nổi tiếng với những biệt tài và người ta gọi cậu với cái tên là “Thành ba mắt”.
Gia đình khó khăn, mỗi người một việc nên Thành phải tự lập rất sớm. Từ lúc lên 7 tuổi Thành đã tự lập được như tự ăn cơm, tắm rửa, giặt quần áo, trông được cả em cho bố mẹ. Trong tâm trí non nớt của cậu bé Thành có một suy nghĩ cực kỳ lớn: “Cần phải tự lập để không phải nhờ anh chị, bố mẹ những việc thường ngày”. Vì thế mà Thành quyết tâm làm cho bằng được những việc cần thiết hằng ngày.
Lên 8 tuổi thì Thành đã biết đi chăn trâu, cắt cỏ, những việc đó với những đứa trẻ bình thường bằng tuổi Thành thì nhiều đứa còn chưa làm được, nhưng với Thành thì cậu làm cực tốt. Thành chăn trâu rất khéo, trâu không ăn lúa bao giờ, người ta bảo cậu như có phép thần biết bảo trâu, con trâu chẳng bao giờ rời xa cậu, cũng chẳng bao giờ ăn một cọng lúa của người ta. Thành cắt cỏ cực giỏi, cậu khéo lựa chọn những loại cỏ mà trâu ăn, hôm nào về trâu cũng no, lại còn một bao cỏ trên lưng mang về. Hàng xóm thấy vậy thì lấy Thành làm gương cho những đứa trẻ trong xóm để mà dạy bảo.
Ngoài ra, Thành có một biệt tài là bắt cua cá cực kỳ giỏi. Những người tinh mắt muốn bắt cua cá còn khó, nên chẳng ai nghĩ là một cậu bé mù có thể bắt được cua cá. Những lúc chăn trâu, Thành đeo cái giỏ bên mình vừa dắt trâu vừa móc cua, khi nào trâu no thì giỏ cua bên mình cũng đầy ắp. Cua thì bắt dễ, nhưng với cá ngay cả những người tinh mắt bắt còn khó chứ đừng nói đến những người bị mù. Vậy mà Thành bắt cá giỏi hơn cả lũ bạn cùng xóm. Mỗi lần chúng hò nhau be bờ, tát nước để bắt cá thì Thành lúc nào cũng là đứa bắt được nhiều hơn cả. Cậu chỉ cần nghe tiếng cá quẫy là có thể biết cá to - bé, hướng chạy của cá. Ngay cả những người lớn khi bắt cá cùng cậu cũng phải thán phục tài bắt cá của cậu, chẳng ai theo kịp được…
Biệt tài phân biệt tiền như người bình thường
Quyết không đầu hàng số phận, Thành tìm mọi cách để vươn lên sống bằng chính đôi bàn tay và những giọt mồ hôi của mình. Nhà quá khó khăn, khi lớn cậu quyết chí rời nhà để đi tìm cách kiếm tiền.
Thành gia nhập nhóm hát rong trên các chuyến tàu để xin tiền từ những người hảo tâm. Những năm thập niên 1980, những ai đi chuyến tàu Lạng Sơn - Hà Nội đều quen với hình ảnh một người thanh niên mù hát rong với đàn bầu hay một chiếc đàn nhị. Một thân một mình kiếm sống ngoài xã hội với đôi mắt không ánh sáng, nhưng trời bù lại cho Thành là cậu có biệt tài phân biệt tiền cực giỏi. Cậu sờ vào tờ tiền là biết tiền mới, tiền cũ và quan trọng hơn là cậu biết mệnh giá của tờ tiền.
Sống lang thang, thấy Thành mù lòa nhiều kẻ đã lừa cậu, nhưng đều không được. Đi xin về được một ít tiền bị kẻ ngủ cạnh đánh tráo hết những đồng tiền mệnh giá lớn, thay vào đó là những đồng tiền mệnh giá nhỏ, nhưng khi Thành sờ vào lập tức biết là mình bị mất tiền. Kẻ đó bảo Thành đếm vẫn đủ bằng đó tờ, cậu nói “của tôi có 13 tờ tổng cộng 90 đồng tất cả (những năm 1980 tiêu tiền mệnh giá từ 2 đồng đến 100 đồng), nay bị tráo vẫn 13 tờ nhưng toàn tờ 2 đồng cả”. Kẻ ngủ cạnh Thành kinh ngạc trước biệt tài của cậu, biết chẳng thể lừa nên trả lại tiền cho cậu.
|
Ông Thành bán quán và nhận biết tiền chuẩn xác. |
Khi đi xin trên tàu, gặp những người buôn bán họ thấy Thành mù lòa bèn thách đố đưa ra một tờ tiền rất mệnh giá lớn rồi bảo cậu đoán xem, nếu đoán trúng mệnh giá tiền sẽ cho cả. Thành chỉ cần vuốt tờ tiền và nói đúng ngay mệnh giá, thán phục tài, họ đành mất tờ tiền. Cũng có khi họ để các tờ tiền có mệnh giá khác nhau vào với nhau rồi bảo cậu đếm xem tổng có bao nhiêu tiền, nếu đúng thì sẽ thưởng cho, nhưng chưa bao giờ cậu đoán sai.
Sau đó, Thành cảm thấy xin ăn là một nỗi nhục, không phải là nghề trong khi mình có thể tự lao động nên Thành đã rời bỏ nhóm hát rong. Tích cóp được một ít vốn liếng, Thành trở về quê mở quán bán hàng tạp hóa. Người ta thấy vậy thì cười và cho Thành là đồ hâm dở, “đã mù biết thế nào là tiền nong mà cũng đòi bán quán”. Thế nhưng đến khi mua hàng của Thành thì người ta ngạc nhiên vô cùng trước tài phân biệt tiền của cậu. Cậu bán hàng chẳng bao giờ nhầm một đồng, có những người cố tình đưa tiền to hay nhỏ hơn trị giá món hàng mà họ mua, nhưng Thành đều biết cả, cậu trả lại đúng số tiền dư, hay đòi thêm nếu chưa đủ tiền.
Sau đấy có vài lần đổi tiền, từ tiền đồng sang tiền nghìn, rồi từ tiền giấy sang tiền polymer thì Thành cũng không gặp vấn đề gì về phân biệt tiền cả. Mỗi loại tiền chỉ cần người khác chỉ cho mệnh giá lần đầu tiên, từ lần sau cậu cầm đến sẽ biết ngay…
Cân, đo, ước lượng không bao giờ nhầm
Để kiểm chứng biệt tài của ông Thành, chúng tôi đã thử đưa ra 4 tờ tiền các mệnh giá từ 10 nghìn đến 2 trăm nghìn để ông Thành phân biệt. Ông sờ qua rồi nói mệnh giá của từng đồng tiền không sai một đồng nào trước sự chứng kiến của những vị khách ngồi uống nước ở quán.
Bán hàng dù là tiền hay cân, đo, ông Thành đều ước lượng một cách chuẩn xác như người sáng mắt. Ông tự tay cân hàng cho khách chẳng bao giờ nhầm một lạng. Rót rượu một lít chia làm đôi mà chẳng cần dụng cụ chia chác gì cả. Trong can có một lít mà bán nửa lít ông Thành cứ thế rót đúng nửa lít thì dừng lại. Khách mua lẻ uống một vài nghìn rượu, ông Thành cũng ước lượng mà chẳng cần sờ tay vào đo. Rót nước mời khách, ông Thành cũng nghe tiếng nước mà dùng lại chứ chẳng bao giờ cho tay vào xem đầy chén chưa.
|
Ông Thành rót nước mời khách. |
Ông Thành có một tài khác là ước lượng khối lượng của đồ vật xung quanh khá chuẩn xác. Chỉ cần nghe hoặc sờ ông sẽ biết con gà, con lợn đó nặng bao nhiêu cân, bao nhiêu lạng. Khi nuôi lợn đến lúc xuất chuồng, mặc dù chưa bao giờ cân cả nhưng khi bán ông bảo con lợn này đúng 60 cân, khách mua không tin đòi cân thì quả là gần như đúng từng lạng.
Bình thường chỉ những người sáng mắt mới đi buôn bán, nhưng ông Thành thì vẫn đi buôn bán bình thường như ai. Ông không buôn những thứ mà cân - đo - đong được, mà ông lại đi buôn gỗ khi chưa chặt xuống. Nhiều người nghe tưởng như chuyện đùa mà thật, buôn gỗ ông chỉ cần sờ vào thân cây rồi trả tiền, thế nhưng chẳng bao giờ ông trả nhầm giá trị của gỗ cả.
Trong nhà đồ điện hỏng hóc đều một mình tay ông Thành sửa chữa. Mặc dù chẳng được chỉ bảo về điện, nhưng ông nhận biết chính xác đồ điện trục trặc chỗ nào. Những cái phức tạp thì ông không làm được vì không nhìn thấy, nhưng những việc như đi đường dây điện, nối dây điện bị đứt thì ông làm thành thục.
Vượt lên số phận giúp đời, giúp người
Ông Thành nói: “Trời không cho tôi đôi mắt, nhưng không cướp của tôi đôi bàn tay, còn tay thì còn kiếm ăn được cho bản thân, cho gia đình…”. Cảm phục trước nghị lực của ông Thành, bà Trương Thị Đồng đã về chung sống với ông dưới một mái nhà. Tuy cuộc sống của ông bà còn nhiều khó khăn vì bệnh tật, nhưng ngôi nhà luôn hạnh phúc cùng 2 đứa con.
Hằng ngày ông Thành vẫn cặm cụi băm rau lợn nấu cám, rồi nấu cơm cho vợ con. Ông còn kiêm thêm nghề nấu rượu để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tất cả các công việc ông đều tự tay làm không khiến vợ con trợ giúp. Nhìn ông đi lại làm việc, chẳng ai nghĩ là ông bị mù cả.
Ngoài việc tự mình vươn lên trong cuộc sống, ông Thành còn trợ giúp những người bị khiếm thị cùng cảnh ngộ giống như mình. Trong xã có khoảng gần chục người mù, tranh thủ những lúc rảnh rỗi ông lại đến dạy họ cách đan lát, rồi dạy đọc chữ nổi cho họ, dạy họ cách sinh hoạt trong đời sống để họ tự lập. Hiện ông là ủy viên Ban chấp hành Hội Người khiếm thị Bắc Giang nhiều năm liền, Hội trưởng Hội Người mù xã Tân Hưng. Với những thành tích hoạt động trong hội người khiếm thị, ông đã được hội tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Đang ngồi nói chuyện với khách thì ông có điện thoại, chúng tôi thấy ông nghe gọi, bấm số khá thành thục. Ông Thành còn đàn rất giỏi, nhất là đàn bầu, cây đàn bầu là bạn của ông những lúc rảnh rỗi. Hứng chí thi thoảng ông cũng làm thơ và có những bài thơ được đăng trên báo tỉnh hoặc đọc trên đài phát thanh của huyện. Ông Thành nói: “Tôi chỉ cố gắng trong cuộc sống mà thôi chứ chẳng có tài cán gì, đều do khổ luyện và chịu khó cảm nhận một chút là làm được…”.
Hoàng Kim (theo Người lao động)
Bình luận