Trang chủ --> Gương sáng --> Cậu bé khiếm thị và bản giao hưởng định mệnh số 5 béc - tô - ven
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Cậu bé khiếm thị và bản giao hưởng định mệnh số 5 béc - tô - ven

Người ta vẫn gọi em là “Tùng đàn bầu”. Cái biệt danh đáng yêu ấy là cả một câu chuyện của cậu bé vượt qua định mệnh khắc nghiệt để làm nên điều tưởng như không thể. Chiến tranh qua đi, những người lính khi từ chiến trường trở về họ có thể vẫn vẹn nguyên hình hài vóc dáng. Bom rơi đạn lạc không làm cho họ bị thương nhưng trong cơ thể tưởng như lành lặn ấy lại nhiễm phải chất độc điôxin. Di chứng quái ác của loại hóa chất độc hại này không chỉ hủy hoại cuộc sống của một thế hệ mà còn đeo bám, gieo bất hạnh nhiều thế hệ kế tiếp. Hiện nay đã có hơn 1 triệu người bị chết vì điôxin và 4 triệu người đang phải gánh chịu di chứng của chất độc này.

 Hàng triệu gia đình Việt Nam đang phải sống trong nỗi đau tột cùng của sự ám ảnh ma quái. Nhưng, có những nạn nhân của điôxin vươn lên, chiến thắng bệnh tật vượt lên số phận, các nhân vật trong loạt bài viết dưới đây là những nhân vật điển hình. Người ta vẫn gọi em là “Tùng đàn bầu”. Cái biệt danh đáng yêu ấy là cả một câu chuyện của cậu bé vượt qua định mệnh khắc nghiệt để làm nên điều tưởng như không thể. Cách đây 16 năm, tiếng đàn của em đã đi khắp châu Âu, em mang nhạc cụ dân tộc cổ truyền để tiếp cận và giới thiệu với văn hóa phương Tây. Người nước ngoài thực sự ngạc nhiên vì những tác phẩm tinh hoa thế giới của Moza, Béctôven, Traicốpxki… lại được chơi từ nhạc cụ truyền thống trông rất giản dị của Việt Nam - cây đàn bầu. Và người ta càng cảm phục hơn vì âm thanh trữ tình, da diết ấy do một cậu bé khiếm thị có thân hình mảnh khảnh, nước da trắng xanh thăng hoa trên từng cung đàn.

 

Đằng đẵng nhiều năm ông nội đưa Tùng đến trường bằng chiếc xe cũ kỹ.

 

Nhiều người phương Tây xem Tùng biểu diễn đã tự hỏi: “Phải chăng đất nước Việt Nam nhỏ bé đã thắng trong những trận chiến không cân sức bởi những con người giàu nghị lực và đầy niềm tin như người nghệ sĩ này?”. Bà nội của Tùng bán nước chè ở phố Thể Giao, một con phố ngắn của thủ đô Hà Nội. Khi tôi đến, cụ bà 83 tuổi lúi húi với mấy ấm chè đun. Bà bảo, Tùng thỉnh thoảng được bố đưa đến thăm ông bà. Vài ngày Tùng lại điện thoại dặn: “Bà bán hàng nhớ giữ sức khỏe, trời nắng to hay mưa thì bà nghỉ ở nhà chứ đừng ra ngồi bán hàng nước nữa nhé”. Mỗi lần nhắc đến cháu trai, câu chuyện của quá khứ lại tràn về. Bà sụt sùi nhớ lại, khi xưa ngày Tùng còn sống ở đây với ông bà, mỗi lần bà dọn gánh hàng về đến nhà nghe thấy tiếng đàn réo rắt của cháu trai là mọi buồn phiền mệt mỏi của cuộc mưu sinh và gia cảnh u ám tan biến đi hết. Bà nhớ mãi hình ảnh người cháu trai gò mình miệt mài với cây đàn suốt cả ngày lẫn đêm. Tùng học đến khuya khoắt, mùa đông giá rét, tay thằng bé tê cóng lên vì lạnh bà xót cháu giục đi ngủ, Tùng nhẹ nhàng nói với bà: “Bà ơi, có tài phải khổ luyện mới thành tài, không khổ luyện không thành tài được đâu, bà ạ”. Năm Tùng học lớp 6 đã thể hiện là một cậu bé rất có khiếu về đàn. Một bộ phim tài liệu làm về em phát sóng lên truyền hình, sau đó Tùng được chú ý. Cứ đến ngày tết, lễ là các cô bác đại diện lãnh đạo thành phố đến thăm, nhưng ngôi nhà bé quá không đủ chỗ chứa, các bác ấy đứng hết cả ở ngoài sân. Chính vì căn nhà chật chội quá nên một vài năm sau bố mẹ Tùng được Nhà nước phân cho căn hộ tập thể - nhà tình nghĩa ở Tân Mai với diện tích hơn 40m2. Tôi đến thăm em ở khu nhà mới. Căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng, đồ đạc sắp xếp ngăn nắp.

 

Chị Nga, mẹ Tùng đang bón từng thìa cơm cho chị của Tùng. Thúy 37 tuổi mà bé nhỏ như đứa trẻ lên 6. Năm 1975, đứa con đầu lòng của vợ chồng anh chị ra đời và thật không may, khi vừa mới sinh đã bị chất độc điôxin nhiễm từ bố khi đi chiến trường làm hủy hoại cơ thể. Từ khi lọt lòng đến giờ Thúy không ra khỏi giường. Thúy không nhìn, không nghe, không nói được, ngày ngày nằm bất động. Tùng sinh năm 1979, kém chị gái 4 tuổi, nhưng lại sớm có suy nghĩ độc lập. Ông bà nội của Tùng có người con trai duy nhất là anh Sơn và hai cô con gái. Tình yêu thương của cả nhà đều dồn cả vào người cháu trai. Đứa bé này, may mắn làm sao khi sinh ra cơ thể lằn lặn và nguyên vẹn chứ không giống như chị gái, duy chỉ có đôi mắt thị lực rất kém. Năm em 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1, ông của em đi gõ cửa nhiều trường học nhưng đều nhận được cái lắc đầu vì người ta lo một đứa bé với mắt phải thị lực 1/10 và mắt trái không nhìn thấy gì thì không thể đảm bảo được việc học tập.

 

 

Nhà trường bảo với ông chỉ nhận thằng bé với điều kiện nó đã biết đọc, biết viết. Vậy là tháng 9 mùa khai giảng năm đó, các bạn đồng trang lứa vào lớp 1 thì em lại buộc phải ở nhà. Nhìn thằng bé cứ tha thẩn trong nhà khi mỗi sáng những đứa trẻ khác đến trường, ông thương cháu bảo cháu đừng buồn, ông sẽ dạy cháu học. Ông viết chữ lên những tờ bìa cứng rồi lấy kéo cắt từng chữ dạy cháu nhận mặt con chữ và ghép đánh vần. Ông cũng dạy cháu cả con số và làm các phép toán. Sau mỗi buổi học, ông lại đưa cháu đến khắp các danh lam thắng cảnh của thủ đô, từ 4 di tích lịch sử của Hà thành tứ trấn, đến chùa Một Cột, Văn Miếu… Khi dẫn cháu đi chơi bao giờ ông cũng chuẩn bị một túi vải, bên trong đựng hộp bút màu và tập giấy. Ông biết mắt của cháu rất yếu chỉ nhìn được vật to thôi, còn những chi tiết nhỏ thì không thể thấy được. Cứ mỗi nơi ông đưa cháu đến, ông lại tỉ mẩn vẽ lại ra giấy để cho cháu nhìn cho rõ, từ hoa văn trên những nét chạm trổ ở Văn Miếu, cả tháp rùa nghiêng mình soi bóng xuống nước, đến cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn, Tháp Bút… Ông không phải là họa sĩ nhưng biết bao cảnh đẹp của Hà Nội khi ấy đã thu vào trong những bức tranh của ông, tất cả do tình thương vô bờ với đứa cháu chịu nhiều thiệt thòi.

 

Hơn 20 năm trôi qua, những kỷ niệm tuổi thơ ngày đó cho đến giờ vẫn còn được ông lưu giữ hơn 50 bức tranh. Ông nói Hà Nội đẹp lắm, và có chiều sâu văn hóa, ông kể cho cháu nghe biết bao nhiêu chuyện về Hà Nội, về lịch sử của đất nước. Ông đã ươm mầm cho cậu bé một tình yêu với môn sử ngay từ thời còn thơ bé. Mùa hè năm 1986, Cung Thiếu nhi Hà Nội mở cuộc thi tiếng hát đơn ca và kể chuyện, cậu bé lúc này lên 7 tuổi được ông nội đăng ký thi và đã giành được giải đặc biệt của cả hai tiết mục. Ngay sau đấy, cùng lúc hai niềm vui đến với cậu bé, Cung Thiếu nhi nhận em vào sinh hoạt và Trường phổ thông cơ sở Vân Hồ có giấy gọi vào học lớp 1. Giờ đã là một thanh niên trưởng thành và từ lâu em đã khẳng định mình là một nghệ sĩ đích thực nhưng những đoạn đời thơ bé đó như một kỷ niệm đẹp và êm đềm luôn là một phần ký ức trong em. Tùng vẫn còn nhớ rõ, mùa đông năm 1986 trong căn nhà nhỏ của ông bà nội, em nghe thấy tiếng nhạc rất hay được phát ra từ Đài Tiếng nói Việt Nam và cậu bé đã lay ông hỏi: “Ông ơi! Tiếng đấy là tiếng gì mà hay thế hả ông? nghe giống như lời mẹ hát ru”. “Nó là tiếng đàn bầu cháu ạ” - ông nói rồi ôm cháu vào lòng, hai ông cháu thủ thỉ với nhau, Tùng vẫn cứ thích mãi tiếng đàn hôm ấy. Hôm sau, ông nội đưa Tùng sang nhà ông ngoại chơi rồi kể lại câu chuyện cho ông ngoại của Tùng về việc cậu bé thích tiếng đàn bầu. Ngay lập tức, hai ông nghĩ cách làm một cây đàn bầu mô hình cho cháu.

 

Thân đàn được làm từ thân cây tre, bầu đàn thì làm từ một ống bơ sữa bò, cần đàn ông cắm một que tre lên. Còn dây đàn, hai ông đang không biết kiếm ở đâu ra thì ông nghĩ ra cái dây phanh xe đạp. Hai ông hì hụi cắt dây phanh xe đạp rồi tỉ mẩn ngồi nối dây phanh vào cây đàn mô hình tự tạo. Từ những câu chuyện ban đầu như vậy đã thắp lên cho Tùng một tình yêu âm nhạc. Em chỉ ao ước giá như mình chơi được âm nhạc. Thương cháu, ông dẫn cháu đến nhiều lớp học nhạc, nhưng đi đâu nhìn cậu bé ai cũng bảo: “Thế này thì không học được đâu”. Trong tâm hồn non nớt ngây thơ của em, em không hiểu người ta nói “Thế này là thế nào”? và em tự nhủ tại sao các bạn khác đến cô giáo có thể nhận, còn với riêng em thì không? Sau này, em mới biết sự khác biệt của mình với các bạn, chính là đôi mắt. Năm 1990, sau 4 năm biết đến đàn bầu, em thi đỗ vào Khoa Đàn bầu Nhạc viện Quốc gia Việt Nam. Hơn một năm sau ngày vào học ở nhạc viện, cũng là lúc em học hết học kỳ I năm lớp 6, con mắt sáng còn lại bên phải của em hỏng hẳn và vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng. Các bác sĩ khuyên em nên nghỉ ngơi, không nên học nữa để bảo đảm sức khỏe. Thật tình cờ, trong lúc này một bài giảng môn lịch sử âm nhạc thế giới đã mở ra cho em một cái nhìn khác. Nhà soạn nhạc thiên tài Béctôven khi bước vào tuổi 30 thính giác của ông giảm dần và không còn nghe thấy gì nữa, nhưng sau cú sốc đấy ông gượng dậy và nhân loại lại tiếp tục được thưởng thức những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao.

 

Bản giao hưởng số 5 của Béctôven đã hình tượng hóa tiếng gõ cửa của định mệnh dìm con người ta xuống vực sâu thẳm nhưng cuối cùng con người vượt lên số phận, hoàn cảnh để chiến thắng bước lên một niềm vui trọn vẹn. Liên hệ bài học với bản thân, em thấy thời điểm này mình gặp khó khăn và tiếng gõ cửa định mệnh có thể gõ bất kỳ ai và bất cứ lúc nào, nhưng quan trọng hơn hết là “Sau tiếng gõ cửa của định mệnh người ta sống như thế nào?”. Tình yêu âm nhạc, tình yêu kiến thức đã cho em một lòng say mê, em không nghỉ học mà trong năm đó lại tiếp tục thi thêm một chuyên ngành nữa trong trường - Khoa Sáng tác âm nhạc. Đằng đẵng bao năm từ học chính khóa cho đến học nhạc viện, trời mưa cũng như trời nắng, mùa đông giá rét đến ngày hè đổ lửa, ông nội của em vẫn đạp xe mấy cây số chở cháu đến trường không nghỉ buổi học nào. Ngày ngày ông đồng hành cùng cháu mỗi khi cháu đến lớp học, từ khi còn là cậu bé đến khi ra dáng sức vóc thanh niên.

 

Mỗi năm cháu cao lên được một chút thì lưng của ông lại còng thêm một ít, tóc thêm sợi bạc, khuôn mặt của ông hằn sâu theo thời gian với sự trưởng thành của cháu. Hình ảnh cảm động và dung dị đó quen thuộc đến độ ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Âm nhạc thực sự là một liều thuốc kỳ diệu nâng cánh cho cậu bé. Nhờ âm nhạc cậu trở nên khỏe mạnh và đẩy lùi bệnh tật. Cũng nhờ âm nhạc cậu thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa biết bao. Năm 2003, Tùng tốt nghiệp Khoa Đàn bầu, đến năm 2005 tốt nghiệp chuyên ngành thứ hai. Sau khi tốt nghiệp nhạc viện nhiều tổ chức xã hội quốc tế mời Tùng sang các nước để biểu diễn âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Em đã từng đặt chân đến nhiều quốc gia châu Âu, như Pháp, Đức, Bỉ… để biểu diễn âm nhạc cho các bạn quốc tế, và trong mỗi một hành trình xa nhà Tùng đều có bố đi cùng để chăm chút cho em. Trong căn phòng giản dị có nhiều bức ảnh do bố Tùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh tự do chụp. Ảnh của ông chủ yếu là phong cảnh thiên nhiên Việt Nam. Mỗi cảnh đẹp của đất nước đều được người nghệ sĩ nhiếp ảnh này thu vào ống kính đầy say mê của mình.

 

Khi tôi đang chăm chú xem những bức ảnh đẹp thì có tiếng gõ cửa, một cô sinh viên ở trường ngoại giao đến để học đàn. Tôi biết Tùng có nhiều học trò và trong ngôi nhà này là những trái tim yêu thương và nhân hậu. Chỉ có tình yêu mới làm cho người ta vượt qua nỗi sợ hãi. Và cũng chỉ có tình yêu mới chắp cánh cho người ta bay cao và thăng hoa. Âm nhạc của Tùng hay nghệ thuật nhiếp ảnh của bố Tùng thành công là bởi họ có tâm hồn rộng mở, “thoát xác” để vượt lên bản giao hưởng nghiệt ngã của định mệnh đau buồn, u tối. Họ đã sống đầy cảm xúc và kiên cường như thế suốt mấy chục năm trời.

TRẦN MỸ HIỀN 

Lượt xem : 45440 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo