Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Thêm “nguồn sáng” cho người mù
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Thêm “nguồn sáng” cho người mù

Dù thế giới xung quanh chỉ là một màu đen kịt, nhưng những người bất hạnh không còn đôi mắt sáng vẫn khát khao được sống, học tập và lao động như một người bình thường. Lớp kỹ năng sống cho người mù do Hội Người mù tỉnh đang tổ chức đã khơi thêm “nguồn sáng”, tiếp thêm sức mạnh cho họ…


 

Tiếp thêm “nguồn sáng”

Tham gia lớp học này có 10 học viên, trong đó huyện Tuy Phước có 3 người, TP Quy Nhơn và thị xã An Nhơn mỗi địa phương có 2 người, các huyện Hoài Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ mỗi huyện có 1 người. Ngay từ đầu, đối tượng mà lớp học hướng đến là những người bình thường đã từng học chữ, sau đó mới bị mù vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong 3 tháng đầu của lớp học, các học viên được học chữ Braille hằng ngày.


Chị Bích Thu, giáo viên dạy chữ Braille, phân tích: “So với những người mù bẩm sinh, những người mù đã biết chữ có nhiều lợi thế khi tiếp cận với chữ Braille. Họ chỉ cần làm quen với từng chữ cái, các dấu câu, chữ số, bỏ qua công đoạn đánh vần, ghép từ. Thông thường, chỉ sau khoảng 3 tuần, đa phần học viên đã thông thạo, viết chuẩn các chữ cái, chữ số và dấu thanh, ký hiệu…”. 

Theo anh Nguyễn Hùng Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, 10 học viên đầu tiên được dạy chữ Braille ở tỉnh ta dự kiến sẽ là nguồn nhân lực cho các hội người mù ở cơ sở, đặc biệt là trong công tác dạy chữ Braille. Ngay trong năm 2013, từ nguồn hỗ trợ của Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù tỉnh đã có kế hoạch mở 4 lớp dạy chữ Braille ở Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước. Những học viên trên sẽ là đối tượng được lựa chọn để đứng lớp dạy cho những người cùng cảnh ngộ. “Vì thế, ngay từ bây giờ, các học viên này không chỉ được dạy chữ, mà còn được trang bị kiến thức về tổ chức của Hội Người mù, điều lệ Hội… Họ còn được hướng dẫn kỹ lưỡng về cách hành văn, tiếp xúc với các loại văn bản đơn giản” - anh Thanh cho biết.

Bên cạnh việc học chữ, các học viên còn được luyện tập phục hồi chức năng vào thứ Bảy hằng tuần. Chưa có điều kiện tập đi lại cho người mù ở nơi công cộng, lớp học này chỉ hướng dẫn, giúp đỡ họ cách đi lại an toàn ở khu vực xung quanh nhà. Trong tháng cuối cùng của lớp học, các học viên được định hướng nghề nghiệp, cụ thể là nghề massage. Việc làm quen với nghề massage có ý nghĩa thiết thực cao với người mù, bởi sau khi hoàn thành khóa học, nếu không có điều kiện làm việc ở cơ sở tập trung thì họ có thể làm việc tại gia đình. Những người có nhu cầu thì sẽ được Hội Người mù tỉnh tiếp tục tạo điều kiện được đào tạo nâng cao tay nghề.

Đổi thay cuộc sống

Mỗi người mù có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều đối mặt với những khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Đến với lớp kỹ năng sống do Hội Người mù tỉnh tổ chức, nhiều người đã bắt đầu thay đổi thái độ nhìn nhận cuộc sống theo hướng tích cực hơn.

Từng học trung cấp cơ điện, rồi trở thành công nhân xây lắp điện, cuộc sống của anh Ngô Xuân Soạn (ở khu phố Hòa Cư, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) tưởng chừng rồi sẽ bình yên như bao người khác. Thế nhưng, sau một tai nạn 12 năm trước, đôi mắt của anh trở nên mù vĩnh viễn. Từ một người bình thường trở thành người sống trong tăm tối, cha mẹ đều mất hết, các anh chị đều có gia đình riêng, anh phải sống một mình. Mọi sinh hoạt hằng ngày anh đều tự lo liệu lấy. Để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, anh nuôi bầy gà lấy trứng bán. Quẩn quanh trong nhà, để giải trí, anh chỉ biết nghe radio. Nhưng nhiều khi, anh bật radio để có tiếng người vui nhà vui cửa vậy thôi, chứ chẳng chú tâm nghe gì...

46 tuổi đời, anh được học chữ Braille, lại bước vào một thế giới khác. “Tuổi không còn trẻ nữa, nhưng khi được động viên đi học, tôi vẫn hào hứng tham gia. Giờ đây, niềm vui của tôi đơn giản chỉ là lại biết đọc, biết viết, được đọc báo của Hội Người mù Việt Nam, đọc những quyển sách viết bằng chữ nổi…”- anh Soạn chia sẻ.

Trong khi đó, đến với lớp học này là một sự kiện đặc biệt đối với Nguyễn Thị Oanh Kiều, ở thôn Trung Thành 3, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ. Năm học lớp 3, trong lúc đùa nghịch, em bị một người bạn đánh chiếc dép trúng mắt trái. Ngay ngày hôm sau, mắt trái của em đã vĩnh viễn không nhìn thấy gì nữa. Càng lớn lên, con mắt trái càng gây nên những cơn đau đầu triền miên. Học hết lớp 5, nhà nghèo, Oanh phải nghỉ học, ra chợ bán rau kiếm sống. Đến năm 2009, mắt phải của em cũng bị mù hẳn. “Lúc đó, em cứ nghĩ cuộc sống của mình chắc khép lại ở đây. Chẳng có ai hiểu được nỗi thất vọng của một đứa con gái đang trong độ tuổi lớn lên lại chẳng nhìn thấy gì cả” – Oanh tâm sự.

Thế nhưng, ngay trong năm 2009, Oanh được Hội Người mù tỉnh cho đi học nghề massage ở Hà Nội trong 6 tháng. Sau đó, em về Thanh Hóa làm nghề 10 tháng. Hết hợp đồng làm việc, em về quê, được tham gia lớp học kỹ năng cho người mù. Những bài học trên lớp ngày nào giờ quay lại trong trí nhớ. Với Oanh, giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời đã qua. Được gặp gỡ, học tập cùng với những người cùng cảnh ngộ, cô gái ở tuổi 20 ấy đã không còn tự ti, mặc cảm. Chính em làm cho không khí lớp học thêm gần gũi, thân thiện bằng những tiếng cười đùa tinh nghịch trong giờ giải lao... 

Hoàng Kim (theo Hội chữ thập đỏ Bình Định)

Lượt xem : 20557 Người đăng :
Tags :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo