Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Ngôi trường đặc biệt và những bài học massage
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Ngôi trường đặc biệt và những bài học massage

 

Lớp học của thầy Sasaki.

Ngôi trường ấy chỉ vỏn vẹn ba phòng học. Không có bảng đen, phấn trắng, không có các dãy bàn ghế học trò xếp thẳng tắp. Ánh sáng là điều xa xỉ ở nơi này, vì đa số cả thầy và trò đều là người khiếm thị hoặc có thị lực rất kém.

 

Hình ảnh một người đàn ông Nhật Bản đều đặn hằng ngày đến chùa Kỳ Quang, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh bằng xe ôm đã quen thuộc với người dân sống ở nơi này. Nằm trong một góc nhỏ của khuôn viên chùa, ngôi trường Nhật Quang là một địa chỉ thân thiết của các bạn trẻ khiếm thị.

Tại đây, có một người thầy Nhật Bản nhiệt tình giảng dạy về những kiến thức và kỹ thuật của môn massage Nhật Bản, một môn học khá mới mẻ đối với những người khiếm thị Việt Nam. Trong lớp, không thấy mặt nhưng thầy có thể gọi tên chính xác từng học trò và học trò chào thầy bằng những câu tiếng Nhật, vì thầy vốn không hiểu được tiếng Việt.

Chín năm về trước, trong một lần sang Việt Nam để tham gia hội thảo, Sasaki tình cờ làm quen với một tổ chức từ thiện của nhóm người Nhật ở Kobe thành lập với mục đích giúp đỡ người khiếm thị Việt Nam học nghề và làm việc như những người bình thường. Tổ chức này đang tìm kiếm một người có chuyên môn tình nguyện sang Việt Nam để giảng dạy về kỹ thuật massage Nhật Bản cho các bạn trẻ khiếm thị. Đã từng tốt nghiệp trường mù ở Nhật Bản, có thời gian dài làm việc trong Bệnh viện Hirôsima, lại cùng chung suy nghĩ muốn giúp đỡ người khiếm thị Việt Nam, nên Sasaki đồng ý sang Việt Nam làm tình nguyện.

Gần hai năm gắn bó với trường Nhật Quang, thuộc lòng từng bậc cầu thang lên xuống ở đây nên thầy Sasaki đi lại rất nhanh nhẹn, cho dù năm nay thầy đã 56 tuổi và đôi mắt hầu như không nhìn thấy được gì. Mỗi năm chỉ về nhà hai lần vào dịp Tết và hè, đây là khoảng thời gian ngắn ngủi mà thầy Sasaki được gần gũi với gia đình của mình. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn do bất đồng ngôn ngữ và phong tục tập quán, nhưng thầy Sasaki tâm sự sẽ tiếp tục gắn bó với Việt Nam và ngôi trường Nhật Quang cho đến khi nào thầy không còn đủ sức để giảng dạy nữa thì thôi.

Và những ước mơ giản dị

Trường Nhật Quang ra đời được hai năm, hiện có 25 học viên khiếm thị đang theo học, chia làm hai khóa. Ngoài thầy Sasaki, còn có 5 giáo viên khác tham gia giảng dạy các môn: Giải phẫu học, vệ sinh học, sinh lý học, đông y học… Đây là những môn lý thuyết hỗ trợ cho môn học về kĩ thuật massage Nhật Bản do thầy Sasaki trực tiếp giảng dạy. Mỗi khóa học kéo dài trong hai năm.

Học viên khiếm thị ở trường Nhật Quang mỗi người là một hoàn cảnh buồn. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bình Phước,  Hưng đã trải qua những chuỗi ngày cùng cực trong cuộc mưu sinh của một người khiếm thị trước khi đến học ở trường Nhật Quang. Kể lại khoảng thời gian đã qua, Hưng ngậm ngùi nhớ lại những ngày đi bán vé số dạo, bị lừa đổi 200 tờ vé số giả mà Hưng không biết, vẫn cầm xấp vé số đi bán khắp nơi, đến khi bị la mắng mới biết mình bị lừa.  Hưng ước mơ sau khoá học sẽ có một nghề đàng hoàng để tự tin kiếm sống, chứ không còn những chuỗi ngày lang thang như trước nữa. T.A thì lại khác, là học viên khóa một của trường Nhật Quang, T.A quyết tâm học xong khóa học của thầy Sasaki rồi sẽ mở một phòng massage mang tên mình để có thể tự nuôi sống bản thân và tạo công ăn việc làm cho các bạn khiếm thị khác.

Còn nhiều những ước mơ chính đáng khác, những ước mơ vượt lên hoàn cảnh của bản thân. Và tôi tin rằng, những gì bắt đầu từ lòng nhân ái sẽ đến được với trái tim, cho dù thầy và trò có bất đồng ngôn ngữ và không nhìn thấy mặt nhau

 

Bích Phượng
 

Hoàng Kim (theo CAND

Lượt xem : 68036 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo