Trang chủ --> Gương sáng --> Một tấm lòng cao quý giữa đời
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Một tấm lòng cao quý giữa đời

Tôi gặp anh Vũ Xuân Trường, chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng vào một ngày cuối năm 2012, khi cả hai chúng tôi tình cờ đi chung chuyến bay từ Đà Lạt ra Hà Nội. Vì cả tôi và anh đều là người khiếm thị nên rất dễ làm quen.

Trước đây, khi còn ở Hà Nội, tôi đã được nghe một người bạn kể về anh nhưng khi gặp trực tiếp và lại gặp một cách bất ngờ như thế khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Đứng trước mặt tôi là một người đàn ông cao lớn, lịch lãm, anh cho tôi cảm giác ban đầu là một người rất năng động và trẻ trung nên tôi cũng khá cảm tình với anh. Anh đã ngỏ lời mời tôi đến thăm Hội Người mù Lâm Đồng vào một dịp gần nhất. Tôi đã nhận lời vì sự hiếu kì trong tôi đã trỗi dậy, tôi muốn xem cái cơ ngơi mà anh Trường cùng mọi người đã dày công xây dựng trong suốt 10 năm qua như thế nào?

Sau tết nguyên đán Quý Tị, tôi trở vào Đà Lạt để thăm gia đình. Tôi liên lạc với anh Trường rồi ngỏ ý muốn xin tham gia sinh hoạt ở đó một thời gian để được trải nghiệm những điều mới mẻ. Không do dự, không ngần ngại, anh đã nhận lời với đề xuất rất trẻ con của tôi một cách nhiệt tình, vui vẻ.

Tôi quả thật rất bất ngờ trước một tòa nhà khang trang và tiện nghi được xây dựng giữa một đồi thông lộng gió của thành phố Đà Lạt mộng mơ.
Quả thật, nếu đứng trước một tòa nhà như thế ở một nơi khác, tôi sẽ không bất ngờ đến thế vì tôi biết, Lâm Đồng là một tỉnh gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế vì địa bàn rộng và chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên các cơ quan ban ngành trong tỉnh chưa có điều kiện quan tâm về ngân sách đối với Hội Người mù. Mặc dù vậy, với sự năng động vốn có của mình, Anh Trường đã xin tỉnh cấp đất và đã gõ cửa các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để xây dựng nên trung tâm này.

Sau một tháng sống tại trung tâm cùng 45 học viên được Hội nuôi ăn ở miễn phí và tạo điều kiện học tập văn hóa hoặc học nghề phù hợp với từng đối tượng, tôi đã nảy ra ý định viết bài viết này vì tôi nghĩ, nếu tôi không viết những dòng này thì thật sự rất đáng tiếc…

Tất cả học viên tại trung tâm của Hội Người mù Lâm Đồng đều gọi trung tâm là ngôi nhà chung và mỗi một cá nhân là một thành viên. Ở đây, người lớn tuổi nhất cũng hơn 60 và em nhỏ nhất mới 9 tuổi. Hội thành lập được 9 năm thì người ở trong ngôi nhà này lâu nhất cũng 9 năm. Trước đây, khi chưa xây dựng được cơ ngơi này, anh Trường và mọi người phải đi thuê trụ sở nhưng anh vẫn cố gắng xoay sở, dù nhiều lúc phải “Giật gấu vá vai”, anh vẫn quyết tâm để mọi người sống ở trung tâm vì anh nói với tôi: “ Sống ở đây, mọi người mới có điều kiện học tập và làm việc chứ để mọi người phải trở lại gia đình thì cuộc sống lại tối tăm như chính cái kiếp mù thôi”.

Là một người đồng tật và cũng sống xa gia đình nhiều năm nên tôi rất thấm thía câu nói của anh. Điều này rất đúng với tất cả những người mù nhưng nó lại càng đặc biệt đúng với những học viên ở Trung tâm này vì hầu hết các thành viên ở đây đều là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của Lâm Đồng.

Tôi hiểu rằng, để có 45 con người ở đây hôm nay thì chắc chắn, đôi chân của anh Trường đã đi mòn các dốc đèo, các vạt rừng, góc núi, nơi những người mù tội nghiệp đang sinh sống. Anh phải vận động rất tích cực thì những người dân tộc mới chịu rời làng bản để ra thành phố sống với tập thể và học văn hóa, học nghề như hôm nay.

Tôi càng tiếp xúc thì sự khâm phục và ngưỡng mộ của tôi dành cho anh Trường càng được nhân lên gấp bội.Tôi ngưỡng mộ anh không đơn thuần vì những thứ đang hiện hữu mà anh đã dày công gây dựng. Tôi ngưỡng mộ anh bởi cái tâm cao quý của một người dành cho những người đồng tật khác.

Trước đây, anh là một chiến sĩ công an của tỉnh Lâm Đồng, do một lần bị sốt rét, anh uống nhầm thuốc nên đã bị tác dụng của thuốc làm cho hỏng mắt vĩnh viễn. Có lẽ, với sự gan góc và bản lĩnh vốn có của một người công an, anh chưa có ngày nào chịu khuất phục số phận. Gần 20 năm sống với bóng tối, gần 10 năm gắn bó với hội, biết bao nhiêu công sức bỏ ra, bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu lo toan của anh… Tôi cố gắng mường tượng và cố gắng hiểu nhưng làm sao tôi có thể hiểu được. Tôi chỉ cảm nhận được phần nào khi anh Trường nói với tôi:

Em biết không, trong những ngày đầu mới thành lập Hội, khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều lúc anh phải chạy như con thoi hết nơi này đến nơi kia để mong sự giúp đỡ. Mệt mỏi lắm em ạ, có lúc anh cảm giác không thiết tha gì nữa vì quá mệt…”

Quả thật, khi nghe anh Trường chia sẻ như thế, tôi cũng chỉ biết tỏ ra thông cảm với anh chứ với tuổi đời và vốn sống ít ỏi của mình, tôi làm sao hiểu được cái cảm giác xả thân vì người khác như thế. Đến bây giờ, nhiều lúc tôi vẫn tự hỏi, động lực nào khiến anh dám bỏ công sức ra như thế vì những người không thân thiết, không quen biết…

Hôm nay, đứng nhìn các em nhỏ chạy nhảy ngoài sân, nhìn các cô chú ngồi thảnh thơi ở ghế đá, nhìn các bạn trẻ túm năm tụm ba vui đùa, tôi mới hiểu được tại sao anh Trường lại muốn làm những điều tưởng chừng như không thể làm được ấy. Anh muốn làm không phải vì vụ lợi, không vì cái gì khác mà vì tấm lòng thương yêu đối với những người đồng tật. Nếu không xuất phát từ tình cảm thương yêu giữa con người với con người thì không thể nào người ta lại hi sinh như thế. Tôi cũng thương yêu mọi người nhưng nếu bảo tôi làm được như anh Trường thì chắc tôi cũng chẳng đủ kiên nhẫn và nghị lực để làm. Như thế, tôi mới thấu cái tình thương của anh dành cho mọi người to tát đến thế nào.Tôi rất muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để giúp anh thực hiện những ý tưởng mà anh ấp ủ bấy lâu cho sự nghiệp phát triển trung tâm của Hội và tôi tin rằng, những con người nơi đây cũng từng ngày, từng ngày đang cố gắng trong khả năng của mình để xây dựng trung tâm này ngày càng vững mạnh hơn.

Tôi thường bị xúc động mạnh mỗi khi tất cả thành viên trong trung tâm cùng nhau hát bài hát

“ Nhìn vào mắt nhau”, họ thường hát: “ Mời anh, mời chị, mời em, cùng đến đây ta cùng nắm tay. Đến nơi đây không còn giận hờn, đến nơi đây không có tủi buồn. Ở nơi đây chỉ có tấm lòng, ở nơi đây chỉ có tình người. Hãy nhìn vào trong mắt nhau, ta sẽ thấy tình yêu đồng loại, hãy nhìn vào trong mắt nhau, ta sẽ thấy tình yêu ngọt ngào…”

Vâng, những lời hát giản dị ấy luôn làm tôi thấy trong lòng dấy lên sự yêu thương tha thiết. Có thể, tôi là người nhạy cảm nên có cảm giác như thế nhưng làm sao không nhạy cảm cho được trước những gương mặt thân yêu, hát những lời ca trong sáng, đầy tình người như thế.

Tôi muốn viết nhiều về anh Trường, về trung tâm của Hội Người mù Lâm Đồng nhưng có lẽ, nếu tôi càng cố gắng bày tỏ cho mọi người thấy những điều tôi cảm nhận ở đây thì tôi lại càng không thể làm toát lên được những cái đẹp trong tâm hồn của một người lãnh đạo như anh Trường và càng không thể làm toát lên được cảnh sống bình yên, vui vẻ của các thành viên trong ngôi nhà chung này.

Đà Lạt đã bắt đầu sang mùa mưa, những cơn mưa thường bắt đầu vào cuối ngày và trời lại hửng sáng vào mỗi buổi bình minh. Tôi chợt nghĩ, đúng là “ Sau cơn mưa trời lại sáng”, những giọt mưa sẽ làm mắt dịu những tâm hồn bất hạnh, sẽ rửa trôi những giọt mồ hôi trên gương mặt người đàn ông đang lặn lội tìm lối thoát cho những người đau khổ và tia nắng mỗi sớm mai sẽ sưởi ấm những cõi lòng lạnh giá, sẽ làm rạng ngời những nụ cười trên đôi môi của những con người trên phố núi mù sương.

Tôi cầu chúc cho anh Trường sẽ thực hiện được nhiều những ước mơ của anh để cho những con người trong trung tâm có được cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Cảm ơn cuộc đời đã trao tặng cho những người mù một con người với tấm lòng yêu thương đáng quý.

Nguyễn Thị Thương 

Lượt xem : 19160 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo