Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Thắp sáng niềm tin cho người mù
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Thắp sáng niềm tin cho người mù

Từ một cấp hội ở tỉnh được thành lập năm 2009, đến nay đã có 8/9 huyện, thị xã đều có hội người mù. Tổ chức hội người mù như đôi mắt soi đường, dẫn lối cho những người mất đi ánh sáng đôi mắt hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

 

 

 

nguoi-mu-130111.jpg

Nhờ có Hội Người mù tỉnh, người mù được học chữ nổi - Ảnh: K.CHI

 

“ĐÔI MẮT” CỦA NGƯỜI MÙ

 

Ông Hoàng Tự Điển, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Phú Yên cho biết: Trước đây, người mù gần như bị tách khỏi cuộc sống cộng đồng, hầu hết họ đều mù chữ và sống phụ thuộc vào gia đình. Bản thân tôi cũng bị mù nên tôi thấu hiểu nỗi đau, sự thiệt thòi của những người bị mất đi ánh sáng đôi mắt. Hội Người mù tỉnh ra đời ví như tổ ấm, tập hợp những người mù trong tỉnh; lắng nghe họ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; hỗ trợ họ học nghề phù hợp để mỗi người có thể mưu sinh, giảm bớt khó khăn cho gia đình, người thân của họ.

 

Qua hơn 3 năm hoạt động, đến nay tỉnh đã có 8/9 huyện, TX có tổ chức hội. Việc có tổ chức hội cấp huyện là cơ sở vững chắc để các cấp hội nắm chắc đối tượng, phát triển hội viên trên địa bàn. Và, cũng thông qua hội để thực hiện các chính sách dạy chữ, dạy nghề, cho vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm và các chính sách an sinh xã hội khác; đặc biệt chăm lo, giúp đỡ những người mù có hoàn cảnh quá khó khăn trong cuộc sống. Từ chỗ chỉ có 50 hội viên ban đầu, đến nay Hội Người mù Phú Yên đã phát triển được 1.109 hội viên, từ những em bé 9-10 tuổi, đến những người trên 60 tuổi cũng đều hăng hái tham gia các hoạt động của hội người mù các cấp.

 

Điều may mắn là sau khi thành lập, mới đây, hội đã tiếp nhận dự án “Nâng cao kỹ năng sống cho người mù” do tổ chức SIDA của Thụy Điển hỗ trợ. Từ đó, hội mở lớp dạy chữ nổi, hướng dẫn cách đi đứng trong cuộc sống không có ánh sáng. Ông Điển nói: “Khi quyết định mở lớp, chúng tôi biết là rất khó, bởi lẽ, vận động người mù trong độ tuổi đi học là điều không dễ dàng, họ mặc cảm tự ti với bản thân, với xã hội nên xa lánh. “Mưa dầm thấm lâu”, sau thời gian vận động của cán bộ các huyện hội đã có gần 40 hội viên tham gia lớp học chữ nổi đầu tiên của tỉnh. Nhiều người vui sướng vì trong suốt 4 tháng học tập trung tại Trường Niềm Vui, họ có bạn bè đồng cảnh ngộ, có thầy cô giáo hướng dẫn học hành, sinh hoạt vui chơi thoải mái. Chị Phan Thị Xuân Vân, xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân), bẩm sinh chị đã mù, nhà nghèo nên đến cái chữ cũng không biết. Khi tham gia lớp học chữ nổi, chị bảo “khó quá, rờ rờ các chấm như là sảy, mụn gì đó”, học không ra. Nhưng đành phải cố gắng vì còn một đứa con 14 tuổi đang chờ chị ở nhà để cùng con học hành và dạy dỗ con nên người.

 

Em Nguyễn Thị Ngọc Nhi, 12 tuổi, ở xã An Ninh Tây (Tuy An) bị mù bẩm sinh. Gia đình Nhi có 4 anh chị em nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Cuộc sống của em chỉ quanh quẩn trong nhà. Thú vui duy nhất của em là thỉnh thoảng được bố đưa chơi ở xóm. Đó cũng là khoảng thời gian hiếm hoi em được tiếp xúc với những người xung quanh. “May sao được Hội Người mù huyện Tuy An giúp đỡ nên cháu tiếp tục đi học và sống cùng các anh chị, cô chú bác trong “ngôi nhà chung” này”, Nhi bộc bạch. Khi được tham gia lớp học chữ nổi, ngôn ngữ cử chỉ, Nhi mừng rỡ, nói: “Từ nhỏ đến giờ em mới vui như vậy. Tuy phải sống trong bóng tối nhưng mọi người xung quanh em luôn hiểu và cảm thông, chia sẻ khó khăn với em nên em hạnh phúc lắm”.

 

Sau khi học xong lớp học chữ nổi, nhiều học viên về nhà tiếp tục rèn luyện viết, đọc chữ nổi để đi học nghề, tạo công ăn việc làm cho bản thân.

 

HƯỚNG NGHIỆP CHO NGƯỜI MÙ

 

Không chỉ dạy chữ, Hội Người mù tỉnh cũng vừa tổ chức lớp dạy nghề bó chổi đót cho các học viên ở huyện Tuy An. Chỉ sau hơn 1 tháng, nhiều hội viên đã tự mình làm ra sản phẩm, tuy không đẹp như sản phẩm của những người bình thường khác nhưng đây là bước khởi đầu để Hội Người mù tỉnh hướng đến tìm công việc ổn định cho người mù trong tỉnh. Ông Đặng Đình Thi, Chủ tịch Hội Người mù huyện Tuy An cho biết: Để có lớp học nghề bó chổi đót với 13 hội viên tham gia, huyện hội đã tổ chức một chuyến tham quan, để họ trực tiếp đến cơ sở sản xuất chổi đót của Hội Người mù TX Ninh Hòa và TP Cam Ranh (Khánh Hòa) tai nghe, tay sờ mà tin tưởng học nghề.

 

Bên cạnh đó, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, hảo tâm, Hội Người mù tỉnh đã giúp ông Huỳnh Quận, nhà có 5 người thuộc hộ nghèo ở xã An Ninh Tây và ông Phan Cửu (thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn, Tuy An) xóa nhà ở tạm. Ông Quận tâm sự: Cách đây hơn 20 năm, đôi mắt tôi cứ mờ dần và sau đó không nhìn thấy gì nữa. Cả nhà tôi có 5 người, cuộc sống muôn vàn cơ cực, làm thuê, làm mướn cũng không đủ sống, nhiều lúc trong nhà không có hạt gạo. Trong lúc rơi vào bế tắc, gia đình được Hội Người mù tỉnh giúp đỡ xây dựng căn nhà, hỗ trợ vật chất, cho đi học chữ, hướng nghiệp… nay gia đình tôi đã đỡ hơn nhiều, tôi thấy tôi không còn là gánh nặng cho gia đình mình nữa.

 

Cũng như ông Quận, nhiều người mù trong tỉnh nhờ sự quan tâm của Hội Người mù tỉnh, huyện, đã được hỗ trợ xóa nhà tạm, vay vốn từ nguồn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm… Ngoài ra, bằng nguồn quỹ của hội và từ các nguồn vận động, hằng năm vào các dịp lễ tết, hội đều thăm hỏi, tặng quà cho các hội viên. Tuy phần quà không nhiều nhưng họ rất vui vì được xã hội quan tâm.

 

Sau chuyến đi kiểm tra tình hình công tác tại Phú Yên, ông Phạm Xuân Hưởng, Phó chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho rằng, người mù vẫn có thể làm nhiều công việc có ích cho xã hội nếu như được sự quan tâm, chia sẻ của xã hội. Mất đi đôi mắt, họ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường, vì vậy, cộng đồng hãy cùng đồng cảm, giúp họ nỗ lực vươn lên.

 

KIM CHI 

Hoàng Kim (theo Phú Yên Online)  

Lượt xem : 23128 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo