Trang chủ --> Ủng hộ từ thiện --> Gia cảnh nghèo nuôi hai bé gái mù lòa
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Gia cảnh nghèo nuôi hai bé gái mù lòa

Sau cơn mưa rào bất chợt những ngày đầu hạ, mọi vật rạng rỡ trở lại, trong trẻo và tươi sáng hơn, con đường trơ đầy sỏi đá như sợi dây xấu xí, ngoằn nghèo giữa những đồi chè, nương sắn miền trung du đã dẫn lối chúng tôi tới nhà em “Lan mù” - cây văn nghệ huyện Thanh Ba, một trong 4 hạt nhân văn nghệ địa phương được Hội Người mù tỉnh Phú Thọ chọn lựa, cử đi học Lớp Văn nghệ tại Trung tâm đào tạo & phục hồi chức năng - Hội Người mù Việt Nam.

Căn nhà nhỏ nằm giữa lưng chừng đồi ngoằn nghèo đầy sỏi đá. Một người phụ nữ trung tuổi, dáng tảo tần ẵm đứa bé gái chừng ba bốn tuổi trên lưng đang mải miết chăm những luống rau. Phía xa, sau song cửa sổ một bé gái mắt đờ đẫn dùng tay mò mẫm gì đó có vẻ tập trung, khi chúng tôi gọi bất giác bé gái hướng tai ra phía cổng.

Sinh năm 1997, tại khu 10, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Từ khi lọt lòng, Vi Thị Mai Lan đã sống trong bóng tối, ánh sáng là khái niệm xa vời sau bao ngày bố mẹ chạy đôn chạy đáo lo tiền đi chạy chữa cho con tại Viện Mắt trung ương nhưng không qua khỏi.

Nỗi đau dai dẳng này chưa dứt, nỗi đau khác lại bất ngờ ập đến, vợ chồng anh chị Vi Hữu Xuyến và Vi Thị Kim Cúc đón nhận đứa con gái thứ 2 trong nước mắt. Cháu Vi Thị Thu Huyền bị mù lòa bẩm sinh. Bao năm qua cái nghèo cứ vần vũ lấy họ triền miên từ năm này qua năm khác. Cuộc sống tưởng chừng bế tắc với vợ chồng anh chị.

Bao nhiêu đêm trăn trở lo cho tương lai các con, anh Xuyến bàn bạc với vợ quyết tâm cho cháu Lan (khi ấy đến tuổi đi học mầm non) được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. “Lúc ấy nhiều người cản lắm, bảo rằng mù thì học kiểu gì? Cơm ăn còn bữa no bữa đói thì lấy gì đi học? Bố mẹ suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho giời sao theo bước chân con đến trường được?...Thế nhưng vợ chồng tôi bỏ ngoài tai hết, tôi không thể để con mình mù văn hóa được”, kể lại những ngày tháng khó khăn khi quyết định cho bé Lan đi học anh Xuyến xúc động.

Vậy là bé Lan được đi học. Dù mưa bùn ngập đến mắt cá chân hay nắng bụi lấm lem áo trắng “Lan mù” đều thường xuyên đến trường. Từ mặc cảm tự tin, em hòa đồng tự tin hơn. Nhưng con đường đến trường không hề đơn giản như họ nghĩ. Sau khi học xong trình độ mầm non, lại một bài toán khó không có lời giải được đặt ra: Làm sao trường tiểu học thông thường ở miền quê nghèo có thể dạy được một đứa bé mù. Làm sao biết được “O tròn như quả trứng gà, Ô thời đội mũ, Ơ là thêm râu....” là điều trăn trở ngày đêm của bậc sinh thành trong bao nỗi lo bộn bề của cuộc sống.

Cái khó ló cái khôn, trong Hội diễn văn nghệ của địa phương lúc ấy, giọng hát trong trẻo, sự biểu diễn tự tin của em bé mù lòa đã gây được tiếng vang. Ngay trong thời gian ngắn sau đó, trung tâm giáo dục và bảo trợ trẻ em huyện Thanh Ba nhận thấy gia đình Lan quá khó khăn, em lại rất mong muốn được học, được ca hát cho thầy cô và bạn bè, rất có tiềm năng phát triển sau này nên đã tiếp nhận vào trung tâm...

Quá trình học chữ nổi, học hòa nhập tại trung tâm và trường cực kì vất vả khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng đã buông xuôi tất cả. TT bảo trợ-giáo dục huyện Thanh Ba không phải là trung tâm hay trường chuyên biệt dạy người khiếm thị. Lúc ấy, cơ sở vật chất còn rất hạn chế, nghèo nàn, đội ngũ giáo viên còn non trẻ phải hướng dẫn cho nhiều loại khuyết tật khác nhau. Mỗi tuần chỉ dành được 1 buổi chiều vào thứ 7 để dạy Lan học chữ nổi. Còn phần lớn Lan phải tự học ở nhà mà không ai biết loại chữ này để hướng dẫn cho đứa trẻ mới 6 tuổi.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo chủ nhiệm em Lan - Nguyễn Thị Thiên Lý trường THCS Đông Thành cho biết: “ Lớp học có học sinh khiếm thị là cả thách thức với giáo viên chủ nhiệm, làm sao để em hòa nhập được, để theo kịp các bạn trong khi cá nhân tôi không có kinh nghiệm dạy trẻ khuyết tật. Nhưng em Lan đã trinh phục tôi bằng sự hiếu học, cần cù và ham học hỏi; tích cực tham gia các phong trào văn nghệ của trường. Em bộc lộ cho chúng tôi thấy sự tin yêu vào những lời ca tiếng hát, vào mơ ước cháy bỏng và tình yêu cuộc sống”. 

Từ tiểu học đến trung học, Lan luôn là học sinh “đặc biệt” được tự học theo cách riêng, bài kiểm tra riêng và là “cây văn nghệ” trong các phong trào của trường lớp, trong các liên hoan ca nhạc của huyện.

Đến thăm gia đình em khi cuộc thi viết thu ONKYO lần thứ 11 dành cho người khiếm thị được tổ chức hằng năm, năm nay cô bé miền đồi cọ này mới biết và chúng tôi đã may mắn được em cho xem bản thảo viết tay bài dự thi.

Trên những trang giấy A4 không dòng kẻ là ước mơ dung dị, chân thật của cô bé miền trung du mới vài lần được “chạm” tay vào chiếc đàn piano của đoàn văn nghệ khuyết tật về biểu diễn, giao lưu tại địa phương, những lần ấy Lan luôn được mời tham gia. Quá trình tiếp xúc, trò chuyện với các anh chị trong đoàn Lan đã hình thành một ước mơ “quá đỗi xa vời” - ước mơ trở thành nhạc công.

“Ông trời không lấy đi của ai cái gì, em không nhìn thấy nhưng em lại có tai nghe nhạc tốt và giọng hát hay” khi nghe các thầy cô động viên em hạnh phúc lắm. Em yêu ca hát, yêu những âm thanh của các loại nhạc cụ từ rất lâu rồi” Lan cho biết. Nhưng điều kiện tiếp cận của cô bé khuyết tật mù lòa gia cảnh khó khăn với âm nhạc cũng không hề đơn giản.

Hàng ngày Lan phải phụ giúp bố mẹ chăn trâu, nấu cơm, chăm em và nhiều việc khác nữa. Hoàn cảnh khó khăn, bản thân tật nguyền nhưng Lan luôn giữ thái độ tự tin, yêu đời, sống có ước mơ và dám thực hiện ước mơ ấy là điều thật đáng ngưỡng mộ.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về địa chỉ: Chị Vi Thị Kim Cúc, khu 10, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL số 49 Lý Tự trọng, TP Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị. 

Lượt xem : 18402 Người đăng :
Tags :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo