Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Ngọn đèn cho người khiếm thị Ninh Hòa
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Ngọn đèn cho người khiếm thị Ninh Hòa

Hưởng ứng Đề án 34 của Chính phủ về việc phát triển nghề công tác xã hội, rất nhiều cơ quan ban ngành, trung tâm bảo trợ xã hội trong cả nước đã vạch ra những kế hoạch cụ thể để thực hiện và bước đầu thu được kết quả tích cực, một trong số đó phải kể đến Hội người mù thị xã Ninh Hòa – tỉnh Khánh Hòa.

 

Tọa lạc tại một khu đất thuộc Tổ dân phố 17, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Hội người mù Ninh Hòa là ngôi nhà chung cho người khiếm thị trên địa bàn thị xã. Được thành lập năm 1993 do ông Nguyễn Văn Chín làm Hội trưởng, về sau ông Bùi Văn Lộc thay thế, cho đến nay Hội đã hoạt động được gần hai mươi năm và tạo được nhiều thành tích đóng góp cho công tác bảo trợ xã hội của tỉnh. Ban đầu, Hội thành lập chỉ gồm 11 thành viên, cho đến hiện nay, số hội viên đã tăng lên đến con số 260 người. Con số này chưa phải là tổng thể người khiếm thị trên địa bàn thị xã, nhưng cũng gián tiếp phản ánh được phần nào sức thu hút hội viên và hiệu quả hoạt động của Hội.

 

Hội người mù thị xã Ninh Hòa (Tên cũ: Hội người mù

huyện Ninh Hòa) – Tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Sưu tầm

 

 

Ninh Hòa được biết đến là xứ sở của loại cây Đót (hay còn gọi là bông Đót), đây là loại cây mọc thành từng bụi như bụi riềng bụi xả hay bụi lúa, nhưng cao lớn hơn, tới mùa xuân bụi Đót trổ bông, hình dáng như bông lau, thân thẳng có lớp vỏ dai và láng bên ngoài, bên trong xốp, màu xanh nhạt khi còn non và tím nhạt khi già.

Được xây dựng và hoạt động dựa trên tiêu chí là ngôi nhà chung, là cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật như những hội người mù khác trên cả nước, Hội người mù Ninh Hòa còn mang nhiều nét đặc trưng riêng biệt. Tại đây, người khiếm thị khi gia nhập vào sẽ được học nghề và làm việc, sinh sống tại Hội. Ninh Hòa là địa phương nổi tiếng với nghề bó chổi đót, nghề này có từ xa xưa, truyền đi bao nhiêu thế hệ, cho đến ngày nay vẫn không ngừng phát triển, và Hội người mù Ninh Hòa đã biết tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có kết hợp với nghề truyền thống tại quê hương, đầu tư nguồn vốn và nhân lực vào hoạt động sản xuất này. Bên cạnh đó, Hội còn chú trọng phát triển thêm nghề làm chổi cọng dừa, sản xuất tăm tre, hương, và dạy nghề massage.

 

Chị Lê Thị Thủy – một hội viên của Hội – cho biết, kinh phí hoạt động dạy nghề, sản xuất của Hội chủ yếu dựa vào tài trợ từ các tổ chức từ thiện và sở giáo dục của tỉnh, ngoài ra, một số doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân có lòng hảo tâm cũng đóng góp một phần không nhỏ cho quĩ Hội. Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề nan giải của Hội, số hội viên và nhu cầu học nghề, lao động sản xuất ngày càng tăng, nhưng nguồn kinh phí hiện nay chưa đủ để hỗ trợ triệt để cho Hội, cho nên việc đầu tư máy móc để làm chổi, tăm, nhang cũng như mở các lớp đào tạo nghề massage cũng phần nào bị hạn chế. Trong xu hướng nghề massage đang có sức thu hút người khiếm thị và nguồn thu nhập khi làm việc ở ngành nghề này khá cao, thì vấn đề kinh phí đang là thách thức cho hoạt động dạy nghề và tạo việc làm của Hội người mù Ninh Hòa. Từ lúc mở rộng hình thức dạy nghề đến nay, Hội chỉ duy trì được lớp học massage trong hai năm 2005 và 2006, trong khoảng thời gian đó, nhiều hội viên đã đăng kí học và số lượng lên đến con số trên 30 người. Sau khi học xong khóa đào tạo nghề ngắn hạn, họ được cấp giấy chứng nhận và đa số hội viên sau khi tốt nghiệp đều xin làm việc tại các cơ sở massage của người khiếm thị tại thành phố Nha Trang và TP. HCM, chỉ một số ít hội viên mở cơ sở massage tại nhà trên địa bàn thị xã, nhưng vì điều kiện mức sống tại Ninh Hòa chưa cao nên các cơ sở trên không hoạt động hiệu quả.

 

Hội người mù Ninh Hòa không chỉ là trung tâm dạy nghề, mà còn là nơi tạo công ăn việc làm cho người khiếm thị. Tính cho đến nay, có khoảng 30 hội viên làm việc và sinh sống tại cơ sở của Hội, đa số họ là người già neo đơn không nơi nương tựa, vì ở đây có mặt bằng, trang thiết bị máy móc, nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, nên số hội viên còn lại tập trung đến đây làm việc và trở về sống cùng gia đình,. Ông Bùi Văn Lộc – Chủ tịch Hội người mù thị xã Ninh Hòa - đã cung cấp những con số cụ thể về kết quả hoạt động của Hội cho phóng viên như sau: “Những sản phẩm chổi đót, chổi cọng dừa, tăm tre, nhang do người khiếm thị ở đây làm ra rất chắc chắn và sắc sảo chẳng thua kém gì sản phẩm của người sáng mắt. Mỗi năm hội viên của Hội người mù sản xuất được hơn 20.000 cây chổi đót và chổi cọng dừa, 10.000 bó nhang (hương), 50.000 gói tăm tre, và thu nhập bình quân của mỗi người chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng. Mức thu nhập như thế tuy có ít so với nhu cầu sống trong thời buổi giá cả leo thang hiện nay, nhưng chí ít cũng đủ để họ trang trải phần nào trong sinh hoạt hàng ngày, giảm thiểu tình trạng người khiếm thị lang thang trên đường phố và san sẻ được gánh nặng cho gia đình, xã hội”.

 

Cơ sở sản xuất chổi đót, chổi cọng dừa tại

Hội người mù thị xã Ninh Hòa. Ảnh: Sưu tầm

 

Ngoài công tác chủ yếu là dạy nghề và tạo việc làm, Hội người mù Ninh Hòa còn chú trọng tăng cường hoạt động dạy và học văn hóa cho hội viên. Cơ sở vật chất cho hoạt động này tuy chưa được đầu tư phát triển, nhưng không vì thế mà lòng nhiệt huyết của hội viên nơi đây bị giảm đi, chỉ cần một cái bàn dài và ghế thôi cũng đủ để mở một lớp học phổ cập xóa mù chữ. Ngoài giờ làm việc tại Hội, người khiếm thị còn đăng kí học các lớp dạy chữ nổi Brai và học toán, con số 2 ngày học văn hóa/tuần tuy không nhiều, nhưng đó là khoảng thời gian quý báu của hội viên nơi đây khi họ được tiếp cận với văn minh của con người. Được tổ chức dạy học dưới hình thức người biết chữ truyền dạy lại cho người tham gia học, các lớp học ngày càng được hội viên hưởng ứng nhiệt tình và con số trung bình mỗi lớp thường là từ 10 đến 15 người, con số này đang có xu hướng ngày càng tăng và đây chính là điều đáng hoan nghênh cho hội viên Hội người mù Ninh Hòa.

 

Lớp học đơn sơ của người khiếm thị tại

Hội người mù thị xã Ninh Hòa. Ảnh: Sưu tầm

 

Bên cạnh đó, Hội người mù Ninh Hòa cũng tăng cường các buổi học tin học phổ cập đến hội viên, với sự hỗ trợ của phần mềm chuyển văn bản, thông tin trên máy vi tính thành giọng nói, hiện nay người khiếm thị tại Hội đã dễ dàng hơn trong việc sử dụng Internet, tham gia vào những trang mạng cộng đồng, bắt nhịp được với xu hướng chung của xã hội. Không những thế, ngoài những giờ học, giờ làm việc, hội viên ở đây còn hăng hái tham gia các buổi sinh hoạt văn nghệ nhộn nhịp, vào những lúc ấy, họ dường như quên hết những lo âu buồn phiền, những nỗi niềm day dứt sâu kín trong lòng, chính âm nhạc và tình cảm yêu thương như người nhà đã gắn chặt họ lại với nhau, họ cùng cười, cùng chia sẻ, cùng dành tặng cho nhau những lời ca tiếng hát tha thiết mà ấm nồng dưới mái nhà chung của Hội. Do đó có thể nói, Hội người mù thị xã Ninh Hòa được xem như là ngọn đèn soi đường dẫn lối cho người khiếm thị hòa nhập vào cuộc sống, giúp họ quên đi mặc cảm bản thân và khơi dậy tinh thần lạc quan yêu đời vốn có đã bị nhấn chìm bởi khiếm khuyết của cơ thể.

 

Nhìn chung, công tác hướng nghiệp dạy nghề và tạo việc làm tại Hội người mù Ninh Hòa đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Mặc dù gặp một số khó khăn và hạn chế trong vấn đề kinh phí hoạt động, nhưng toàn bộ hội viên ở đây đều nỗ lực cố gắng, chung tay góp sức xây dựng tập thể vững mạnh và tạo dựng cuộc sống độc lập cho riêng mình. Do đó, để có thể hoàn thành tốt nội dung Đề án 34 của Chính phủ, cần lắm những nhà hảo tâm, những quĩ từ thiện có thể tài trợ phần nào đó cho Hội người mù Ninh Hòa nói riêng và các Hội, Trung tâm bảo trợ người kém may mắn trong xã hội nói chung, có như vậy, công tác phát triển nghề xã hội mới được thực hiện tốt và thật sự hiệu quả

 

Như Quỳnh - e-info

 

 

Lượt xem : 43320 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo