Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Phẫu thuật thay thủy tinh thể mang ánh sáng đến cho người bệnh
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Phẫu thuật thay thủy tinh thể mang ánh sáng đến cho người bệnh

Trong những năm qua, cùng với đẩy mạnh các hoạt động y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Ngành Y tế Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực thực hiện chương trình phòng chống mù lòa bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học mới thay thủy tinh thể nhân tạo giúp mang lại ánh sáng cho nhiều người bệnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay tỉ lệ người mù, lòa của tỉnh còn khá cao, đa số có độ tuổi từ 50 trở lên, trong đó có gần 70% người mù nguyên nhân do đục thủy tinh thể. Đẩy mạnh chương trình phòng chống mù lòa, trong nhiều năm qua Sở Y tế đã chỉ đạo các tuyến cơ sở tổ chức các đợt khám sàng lọc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Năm 2012, toàn ngành đã tổ chức khám và tư vấn sức khỏe về mắt cho hơn 4.600 lượt người. Khám sàng lọc tật khúc xạ học đường cho hơn 1.300 học sinh, trong đó phát hiện 96 học sinh có thị lực thấp.

 

 

Phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn

 

Qua khám sàng lọc ở cơ sở, các đơn vị đã chẩn đoán được hơn 200 người bị mù lòa do đục thủy tinh thể có đủ các chỉ định phẫu thuật. Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể mắt không còn trong suốt, bị mờ đục, mắt bị cườm khô. Người mới bị đục thủy tinh thể nhìn xa thấy mờ. Là bệnh thường gặp trong đó chủ yếu ở người từ độ tuổi 50 trở lên, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn tới mù lòa.

Để mang lại ánh sáng cho người bệnh, hiện nay, tỉnh Bắc Kạn sử dụng 2 phương pháp chủ yếu là phẫu thuật trung phẫu và thay thủy tinh thể nhân tạo bằng phương pháp Phaco. Trong đó chủ yếu sử dụng phương pháp thay thủy tinh thể nhân tạo bằng phương pháp Phaco. Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại có nhiều ưu điểm với khả năng phục hồi thị lực tối đa trong thời gian ngắn (dưới 1 tuần), bệnh nhân không phải nằm viện. 

Hàng năm, ngoài việc tổ chức phẫu thuật theo chức năng, nhiệm vụ, tỉnh Bắc Kạn được sự hỗ trợ của Tổ chức phòng chống mù lòa Châu Á - APBA phẫu thuật miễn phí cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội với nhiều chuyên gia của nước ngoài. Trong năm 2012, toàn tỉnh thực hiện phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo miễn phí cho 146 bệnh nhân mù, vượt gần 50% kế hoạch, tăng 50,5% so với năm 2010 và 9,8% so với năm 2011. Các quy trình kỹ thuật và quy chế chuyên môn được thực hiện nghiêm túc, các ca phẫu thuật đều đảm bảo an toàn, tỷ lệ người bệnh được phẫu thuật thành công đạt 100%. Kết quả đó góp phần  tích cực vào việc giảm tỉ lệ người mù lòa trên địa bàn tỉnh.

Bác Phạm Thị Thình ở thôn Nà Pài, xã Huyền Tụng, thị xã Bắc Kạn cho biết: Năm nay bác đã 70 tuổi, bác bị đục thủy tinh thể từ năm 2009 nên mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình. Đầu năm 2012, sau khi được cán bộ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh tư vấn các bệnh về mắt tại xã, bác đã đến Trung tâm khám kiểm tra các chỉ số về mắt và được chỉ định phẫu thuật. Qua nghe tư vấn thông tin về cách phòng, chống, điều trị trong đó có phương pháp áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới là thay thủy tinh thể nhân tạo bằng phương pháp Phaco. Đến tháng 6 năm 2012, bác được Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội phẫu thuật miễn phí và từ đó đến nay bác đã nhìn được bình thường, không phải nhờ sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình, bác thấy rất phấn khởi. 

Hiện nay cả nước nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng, số người mù do đục thủy tỉnh thể chiếm tỉ lệ khá cao. Để phòng chống mù lòa, nhất là khi có dấu hiệu bệnh, người dân nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn tiếp nhận thông tin. Tại đây, cán bộ chuyên môn sẽ đưa ra phác đồ điều trị, cách bảo vệ và chăm sóc mắt đúng qui trình. Bên cạnh đó, người dân cũng không tự ý sử dụng các loại thuốc chưa có chỉ định của Bác sỹ chuyên khoa. Điều đó giúp chương trình phòng chống mù lòa trên địa bàn tỉnh sớm được thanh toán ra khỏi cộng đồng.

Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đục thủy tinh thể được phẫu thuật tăng dần qua các năm. Song do nguồn nhân lực còn mỏng, điều kiện kỹ thuật và nguồn kinh phí còn hạn chế, trong khi đó tỷ lệ người mắc bệnh lại cao và gia tăng hàng năm nên việc phẫu thuật triệt để cho tất cả người bệnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Chương trình phòng chống mù lòa nói chung và phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo nói riêng không chỉ mang lại ánh sáng, niềm vui hạnh phúc cho những người mù mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội lớn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì vậy, trong năm 2013, Ngành Y tế Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh chương trình phòng chống mù lòa hiệu quả hơn nữa, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân ./.

Hương Lan

 
 

 
Lượt xem : 33708 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo