Trang chủ --> Gương sáng --> Cô giáo mù đem ánh sáng đến cho trẻ khuyết tật .
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Cô giáo mù đem ánh sáng đến cho trẻ khuyết tật .

Cô Vũ Thúy Hường đã vượt lên sự bất hạnh của số phận, trở thành cô giáo dạy chữ cho trẻ khiếm thị...

Khi chúng tôi đến, cô giáo Vũ Thúy Hường đang ân cần chỉ bảo những con chữ đầu đời cho các em khiếm thị ở trường Tiểu học Quế Nham (huyện Tân Yên, Bắc Giang).

Cô Hường đang dạy chữ Brain cho các em khiếm thị - Ảnh Chinhphu.vn

Vượt lên số phận

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp cô giáo Vũ Thúy Hường là sự niềm nở và tác phong chuyên nghiệp trong việc dạy chữ Brain cho các em khiếm thị.

Kể về những năm tháng tuổi thơ, giọng cô nghẹn ngào. Cô sinh năm 1980 ở một xã vùng cao của huyện miền núi Lục Ngạn, Bắc Giang. Bất hạnh ập đến khi cô lên hai tuổi, một trận ốm quái ác rồi biến chứng đã vĩnh viễn cướp đi đôi mắt của cô. Mặc dù gia đình đã chạy chữa khắp nơi nhưng hoàn toàn vô vọng.

Hiểu được nỗi khát khao đi học của con, cha mẹ cô đã đến trường gần nhà xin cho cô đi học nhưng nhà trường từ chối vì không có khả năng dạy các em bị mù. Tình cờ cô nghe được một chương trình trên Đài Tiếng nói Việt Nam nói về một ngôi trường dành riêng cho những người bị mù như cô. Đó là trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Thế nhưng, từ vùng quê nghèo, hẻo lánh nơi cô sinh sống việc lên Hà Nội học chữ trở thành điều vượt quá khả năng của gia đình. Không muốn để bố mẹ thêm vất vả, cô đành chôn chặt ước mơ đến trường của mình.

Nhưng Hường không đầu hàng số phận. Nghe tin Hội người mù huyện Lục Ngạn mở lớp dạy chữ Brain cho người khiếm thị trong huyện, được sự giới thiệu của cán bộ địa phương, cô đã tìm đến tận nơi để theo học. Hàng ngày, cô mò mẫm từng bước đến lớp học trong sự yêu mến và thương cảm của bà con hàng xóm. Đó là thời điểm năm 1993.

Thỏa niềm mơ ước, Hường lao vào học tập cả ngày lẫn đêm, quên hết mệt mỏi. Chỉ trong một thời gian ngắn, cô đã đọc thông viết thạo chữ Brain. Kết thúc khóa học, cô nhận bằng khen học sinh xuất sắc nhất lớp.

“Khi biết viết những dòng chữ đầu đời, tôi vỡ òa hạnh phúc. Ngay từ lúc ấy, tôi đã nuôi ước mơ sau này trở thành một cô giáo đem ánh sáng tri thức đến cho những người khiếm thị cùng hoàn cảnh như tôi”, Hường nhớ lại.

Năm 1998, cô được Hội người mù tỉnh Bắc Giang cử đi học lớp đào tạo giáo viên cho người mù do Hội người mù Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Lần đầu ra Thủ đô, mọi thứ đều ngỡ ngàng với cô. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó càng hun đúc ý chí học tập trong cô. Có nhiều đêm, khi các bạn đã chìm trong giấc ngủ, cô vẫn nghiền ngẫm sách vở.

Ra trường với tấm bằng loại giỏi, cô được Hội người mù huyện Lục Ngạn nhận về làm việc, dạy chữ  Brain cho người khiếm thị. Sự nghiệp trồng người của cô bắt đầu từ đây.

Còn sức khỏe, còn dạy chữ

Lần đầu tiên đứng trên mục giảng, cô không khỏi bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn, học sinh là những người khiếm thị, có người đã lớn tuổi nhưng chưa một lần biết đến con chữ.

“Có những bác thấy tôi là giáo viên trẻ nên có thái độ học tập không nghiêm túc, thậm chí còn bỏ học. Những lúc như vậy, tôi lại kiên trì động viên các bác theo học”, cô Hường cho biết.

Thời gian đầu, học sinh của cô là người trong huyện. Sau đó, cô được Hội người mù tỉnh Bắc Giang mời về làm giáo viên.

Từ năm 2008, cô bắt đầu dạy chữ Brain cho các em khiếm thị trên toàn tỉnh Bắc Giang. Phần đông các em bị khiếm thị đều mặc cảm về thân phận, sống khép mình. Bởi vậy, bài học đầu đời cô dạy các em không phải là những con chữ, những phép tính mà là giúp các em xóa bỏ mặc cảm, mở rộng trái tim, hòa nhập cuộc sống.

Cô thường xuyên sưu tầm các tấm gương người khuyết tật vượt khó vươn lên, trở thành người có ích, kể cho các em nghe trong các buổi học để khuyến khích tinh thần các em, giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống.

Ngồi bên cạnh cô Hường, em Lâm Thị Bích ở Tân Lạc, Hòa Bình cho biết, nhờ sự chỉ bảo tận tình của cô, em đã đọc thông thạo chữ Brain. Sau khi học xong khóa học, em sẽ đi học nghề để có thể tự lo cho cuộc sống của mình.

Cứ như thế, hơn 10 năm qua, vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, cô giáo Hường luôn miệt mài đem ánh sáng tri thức đến với hàng trăm người khiếm thị và người mù.

“Tôi chỉ mong muốn đem hết khả năng của mình làm đôi cánh đưa các em khiếm thị đến với bến bờ của tri thức, giúp các em tự tin hòa nhập cuộc sống. Khi còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục dạy chữ cho các em khiếm thị và các em bị mù…”, cô Hường nói với chúng tôi.

(Chinhphu.vn)

 
Lượt xem : 42874 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo