Trang chủ --> Gương sáng --> Chuyện cổ tích về ông lão mù nơi xứ Mường
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Chuyện cổ tích về ông lão mù nơi xứ Mường

Bệnh tật đã cướp đi của ông đôi mắt, nhưng bù lại nhờ rèn luyện ông lại có “giác quan thứ sáu”. Dù sống trong bóng tối hàng chục năm, nhưng ông có thể nhóm lửa nấu cơm, lên rừng đốn cây làm nhà…

Đó là câu chuyện của ông lão mù nơi “xứ Mường” - Bùi Văn Ngởi (sinh năm 1954), ở xóm Khuyển, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. 

Khi ông lão mù… vác dao lên rừng đốn cây làm nhà

Lúc chúng tôi đến nhà ông Ngởi, hỏi thăm đường, ai cũng chỉ rất nhiệt tình, có thêm hai thanh niên dẫn đến tận nơi. Vừa bước vào căn nhà cất tiếng chào ông Ngởi, mặc dù đã được nghe kể về ông qua những người làng, nhưng tôi vẫn ngờ ngợ, nên sau câu chào hỏi, chúng tôi mới ướm hỏi: “Bác có biết tụi cháu đi mấy người không ạ?”. Không cần phải đợi lâu, ông Ngởi trả lời ngay lập tức: “Có phải đi bốn người không?”. Câu trả lời khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, mặc dù hai người thanh niên đi cùng vẫn đứng dưới chân nhà sàn chưa lên tiếng. 

Đôi mắt bị mù nhưng ông Ngởi làm những công việc gọn nhẹ như một người bình thường.
Đôi mắt bị mù nhưng ông Ngởi làm những công việc gọn nhẹ như một người bình thường.

Người ta nói, “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, đôi mắt vừa là để nhìn nhận sự việc, sự vật và biểu hiện cả cảm xúc. Thiếu đi đôi mắt, xung quanh ta chỉ toàn bóng tối. Nếu một buổi tối nào đó, bỗng dưng nhà bạn bị cắt điện, mặc dù đã thân thuộc từng lối đi, đồ đạc để trong nhà, nhưng có khi còn dễ bị va vấp. Ấy thế mà, với ông Ngởi sống trong bóng tối hàng chục năm nay lại có thể vác dao lên rừng đốn cây về làm nhà. 

Chuyện như đùa ấy lại chính là sự thật và người ta nghĩ về cuộc đời ông như một câu chuyện cổ tích nơi xứ Mường này. Vốn sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng đến khi lên 3 tuổi, ông Ngởi bị đau mắt hột, thời bấy giờ đường xá đi lại còn vô vàn khó khăn, hơn nữa gia đình lại nghèo khó, muốn đưa con đi bệnh viện cũng “khó như lên trời”. Thôi thì “bệnh đến, ắt bệnh đi”, gia đình cứ để liều vậy, nhưng đôi mắt ông cứ mờ dần rồi mù hẳn. Lúc đó gia đình mới chạy đôn, chạy đáo tìm thuốc cứu chữa nhưng cũng đành chịu. 

Cũng chính từ đó, cuộc sống của ông Ngởi là một màu đen, lúc đấy còn nhỏ, được bố mẹ chăm bẵm, ông cũng chẳng nghĩ nhiều đến việc mình khuyết đi “cửa sổ tâm hồn”. Nhưng càng lớn, ông mới cảm nhận được sự mất mát đó lớn lao đến nhường nào. Lên 7 tuổi, hàng ngày bố mẹ và anh chị em gia đình đi lên nương, lên rẫy, nhiệm vụ duy nhất của ông chỉ là ở nhà trông nhà, nói trông nhà cho oách, chứ thực ra trong nhà trống huơ trống hoắc thì có gì mà trông. 

Hạnh phúc của đôi vợ chồng lão mù.
Hạnh phúc của đôi vợ chồng lão mù.

Nhờ hướng dẫn của bố mẹ, dần dần ông cũng thích nghi được với cuộc sống, ông bắt đầu dò dẫm cái bếp, cái nồi, cái giếng để tập tành nấu ăn phụ giúp bố mẹ. Bệnh tật cướp đi của ông đôi mắt, nhưng bù lại, ông lại có cảm giác và thính giác rất nhạy. Sau bao nhiêu năm nỗ lực rèn luyện, ông cũng không nhớ mình bị va vấp bao nhiêu lần, đến năm 17 tuổi, ông đã có thể làm việc thành thạo như một người bình thường, thậm chí ông còn đi cày bừa, cuốc đất và còn vác dao lên rừng chặt củi mang ra chợ bán trong sự ngỡ ngàng của người dân nơi đây. 

Ông Ngởi tâm sự: “Ban đầu được bố mẹ chỉ bảo, trong đầu tôi bắt đầu hình dung ra, từ con đường đi và rèn luyện thêm. Đi lâu cũng dần quen, mà không quen thì cũng phải tập chứ, nếu cứ ngồi ở nhà thì chết đói đấy”. Mấy chục năm lên rừng, trèo đèo, lội suối để chặt củi, chỉ bằng cảm giác và thính giác nhưng chưa bao giờ ông bị ngã hay gặp phải tai nạn nào. Lúc lên rừng chặt củi, ông còn lựa những cây có thể dựng được nhà đốn hạ, rồi gọi người đến giúp mang về. Cứ thế dần dần tích góp trong những chuyến đi rừng, chẳng mấy chốc ông đủ gỗ dựng nhà. 

Ông lão mù đi…hỏi vợ

Đến tuổi “trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, đám bạn cùng trang lứa lần lượt lập gia đình. Cũng muốn mình tìm được một cô gái để bố mẹ được vui, nhưng ông nghĩ trong bụng bản thân mù lòa không biết có ai ưng không? Thế rồi ông cứ chần chừ mãi. Đến năm 1980 ông đánh liều đến nhà cô gái Bùi Thị Kiểu, là người cùng xã, kém ông một tuổi để hỏi cưới về làm vợ. “Ban đầu cũng ngại lắm, nhưng thôi thì cứ đánh liều cái, ai biết đâu lại lấy được vợ. Thế mà bố mẹ nhà bà ấy ưng tôi lắm, đồng ý luôn đấy” - ông Ngởi hồ hởi kể lại chuyện mình đi hỏi vợ. 

 Bà Kiểu “rít” hơi thuốc lào tự hào nói về chồng mình.
 Bà Kiểu “rít” hơi thuốc lào tự hào nói về chồng mình.

 

Mặc dù bản thân bị mù, nhưng được cái ông lại chịu thương chịu khó làm việc, cả xóm dưới làng trên ai ai cũng nể. Lúc đến nhà bà Kiểu, bố mẹ bà đồng ý cho ông cưới con gái mình, lúc đấy bố vợ tương lai thách cưới là: gạo 50kg, thịt lợn 50kg, rượu 50 lít và tiền là 50 đồng. Mừng như bắt được vàng vì bố mẹ đồng ý, ông Ngởi về nhà hỏi bố mẹ định ngày rồi mang sính lễ đến cưới vợ…Thế là lão mù cũng có một cái gia đình êm ấm, hạnh phúc như bao đám bạn. 

Không chỉ nổi tiếng ở cái xã Bảo Hiệu vì “mù mà vẫn lên rừng chặt củi”, người làng ở đây còn “trố mắt” khi ông có thể đếm được cả đàn gà nhà mình, ông biết lúc nào đàn gà về đủ, lúc nào còn thiếu. Có hôm đang nằm trong nhà, ông nghe âm thanh lạ, nên bước ra ngoài xem, chưa đến nơi thì ông la lối thảng thốt vì có rắn. Lúc này mọi người tá hỏa chạy ra thì đúng có rắn thật. Hay cả cái chuyện ông chỉ cần cầm tờ tiền nào là có thể đoán được mệnh giá chính xác từng đồng tiền không sai một chút nào.

Anh Quách Ngọc Ánh (sinh năm 1978), một người hàng xóm của ông Ngởi cho biết: “Có hôm tôi ra đồng cuốc đất, thấy ông Ngởi cũng đã cuốc đất ở ruộng bên cạnh, lúc sau giật mình vì ông ấy cuốc phải cái gì đấy, lúc đấy ông ấy bảo hình như là con rùa, thế mà moi lên đúng là con rùa thật. Nếu bây giờ các cậu không tin khả năng của ông Ngởi, thì cậu cứ ra đứng ngoài ngõ, đừng lên tiếng gì, chắc chắn ông sẽ bắt được cậu. Chỉ cần cách 10m là ông ấy có thể nghe được nhịp thở của cậu và đoán được phương hướng rồi”. 

Lão mù lên rừng chặt củi.
Lão mù lên rừng chặt củi.

Hỏi chuyện bà Kiểu, bà “rít” ngay một hơi thuốc lào rồi cười sảng khoái: “Đúng là con mắt các cụ nhà tôi chẳng sai chút nào, chọn cho tôi được ông chồng tốt. Tôi còn ăn thuốc lào, uống rượu, nhưng ông ấy lại không bao giờ đụng đến”. 

Tuy gian khó, nhưng trong cái gian khó ấy mà ông Ngởi từ một người khuyết tật vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, đến một người bình thường chưa chắc đã có thể làm được như ông. Tất cả cũng nhờ rèn luyện, mặc dù gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng làng trên xóm dưới ai cũng quý mến ông bởi bản tính hiền lành chịu khó… 

Thanh Thủy - Duy Tuyên

Lượt xem : 60443 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo