Trang chủ --> Tin cộng đồng --> HỘI NGƯỜI MÙ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ VỚI HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP TRẺ EM MÙ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

HỘI NGƯỜI MÙ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ VỚI HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP TRẺ EM MÙ

Ngày 28/10/1993, UBND tỉnh đã có quyết định số 1164/QĐ-UB cho phép thành lập hội người mù tỉnh.

 

Từ đó đến nay, với phương châm bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban thường vụ Trung ương Hội, của các Cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành tập trung phát triển tổ chức, chăm lo đời sống hội viên. Tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng về chế độ, chính sách cho người mù. Thực hiện tốt các cuộc vận động, các chương trình hành động góp phần nâng cao đời sống người mù và góp phần vào việc thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước.

Qua hơn 20 năm hoạt động Hội thành lập 9/9 đơn vị huyện, thị, thành hội, 138/152 chi hội xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đã kết nạp hơn 2870 Hội viên, số hội viên đang quản lý 1995 người. Đã thiết lập, triển khai 224 dự án theo kênh Hội người mù Việt Nam, kênh địa phương với tổng số vốn trên 17 tỷ đồng cho gần 9000 người mù vay và thu hút thêm gần 12.000 lao động tham gia. Mở các lớp hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyển giao công nghệ chăn nuôi, trồng trọt cho người mù; duy trì và phát triển Công ty TNHH Niềm Tin 17/4, 3 Hợp tác xã, 4 cơ sở sản xuất tập trung cho 290 người mù tham gia lao động; Vận động xã hội xây dựng được 176 ngôi nhà tình thương, sửa chữa 361 ngôi nhà, cấp 35 khung nhà, 85 giếng nước sạch với tổng số tiền trên 4,3 tỷ đồng, hàng trăm ngày công, vật dụng khác. Tổ chức 125 đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 21.500 lượt hội viên, người mù và gia đình người mù. Tặng hơn 100.000 xuất quà với trị giá trên 10 tỷ đồng đến với hội viên....

          Ngoài ra, hội tranh thủ được sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong cũng như ngoài nước thực thi hơn 75 dự án với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng phục vụ xây dựng nơi làm việc, triển khai các hoạt động dạy chữ, dạy nghề, mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ và chăm lo đời sống người mù.

Với những số liệu trên đã khẳng định được vai trò, vị trí của hội trong việc phát triển tổ chức, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người mù tỉnh nhà. Hội người mù tỉnh được Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban ngành và xã hội đánh giá cao về kết quả hoạt động.

 

Ngoài việc phát triển tổ chức, thành lập các cấp hội người mù trong tỉnh. Điều đáng quan tâm hơn, qua số liệu điều tra sơ bộ, toàn tỉnh có gần 300 trẻ em mù nằm trong độ tuổi học đường. Phần lớn gia đình các em đều thuộc diện đói nghèo. Cuộc sống các em phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của gia đình, người thân, ít được học hành. Các chương trình xã hội không đến được với các em. Các em đang cần được đào tạo về văn hóa, giáo dục, hướng nghiệp, phục hồi chức năng, giúp các em vơi đi nỗi niềm bất hạnh, vươn lên chiến thắng tật nguyền, sớm  hòa nhập cuộc sống cộng đồng sau này.

Với tình thương và trách nhiệm, ngày 20/11/1995 Hội người mù Tỉnh TT-Huế  đã thành lập cơ sở nuôi dạy trẻ em mù.  Trong thời gian đầu hoạt động, với những khó khăn từ cơ sở vật chất, trang bị giáo cụ, trợ học cụ, đến giáo viên giảng dạy... . Cơ sở mượn tạm ngôi nhà tại 21 Yết Kiêu, phường Thuận Hòa, thành phố Huế là tài sản của Ngân hàng Công thương để mở lớp nội trú cho các em.

Cơ sở ban đầu do BTV quản lý, hợp đồng một nhân viên cấp dưỡng, Giáo viên hợp đồng với Hội người mù tỉnh Thái Bình vừa dạy Văn hóa vừa phục hồi chức năng. Mọi chi phí đều dựa vào nguồn vận động xã hội để lo liệu chi trả. Sau hơn 2 năm hoạt động, đến năm 1998, hội hợp đồng thêm 2 giáo viên day các lớp xóa mù chữ Braille dạy tiền hòa nhập từ lớp 1 đến lớp 5.

Để phù hợp với yêu cầu phát triển, Ban thường vụ hội tỉnh đã lập đề án thành lập trung tâm. Ngày 27/7/2000, UBND tỉnh T.T-Huế ra quyết định số 1912/ QĐ- UB về việc thành lập trung tâm với tên gọi: "TRUNG TÂM GIÁO DỤC - HƯỚNG NGHIỆP TRẺ EM MÙ" thuộc tỉnh hội người mù T.T-Huê.

Kể từ khi thành lập, Trung tâm đã khẳng định được vai trò, hiệu quả trong hoạt động giáo dục - đào tạo và hướng nghiệp cho người mù. Đến nay, trung tâm hiện có 13 cán bộ quản lý và các giáo viên, nhân viên. Trong đó:

Ban quản lý: Giám đốc, phó giám đốc: do cán bộ hội kiêm nhiệm.

Ngoài ra, Trung tâm hợp đồng 2 giáo viên tiền hoà nhập, 2 giáo viên phục hồi chức năng, 4 nhân viên cấp dưỡng, tạp vụ, bảo vệ.

 Cán bộ, giáo viên của Trung tâm đều qua các lớp đào tạo về giáo viên chữ Braille, công tác hội tại Trung tâm Đào tạo cán bộ - Phục hồi chức năng người mù Việt Nam.

Về Công tác Giáo dục:

Đối với quá trình học tiền hòa nhập

- Đa số các em khi vào trung tâm được học các môn phục hồi chức năng, học chữ Braille và học các môn âm nhạc, học chương trình văn hóa từ lớp 1 đến lớp 3, khi các em đã có những kỹ năng và kiến thức cơ bản, lên lớp 4 các em được học hòa nhập ở bên ngoài.

Đối với quá trình học hòa nhập

          Về việc học hoà nhập của học sinh trung tâm: trong những năm 1995 -2000, học sinh trung tâm chủ yếu trong giai đoạn tiền hoà nhập, học tập tập trung tại trung tâm. Năm 1999 ghi dấu một bước tiến quan trọng của Trung tâm.

Năm học 1999 – 2000, trung tâm có 5 em kết thúc chương trình tiểu học. Để được công nhận tốt nghiệp tiểu học, trung tâm đã làm việc với phòng Giáo dục thành phố, trường tiểu học Trường An để học sinh được tham dự kỳ thi tốt nghiệp tiểu học tại Hội đồng thi Trường tiểu học Trường An.

Và đây là năm đầu tiên Trung tâm đưa học sinh học hòa nhập tại Trường THCS Hùng Vương, bước đầu không tránh khỏi những khó khăn, nhất là suy nghĩ của một bộ phận phụ huynh các em học sinh sáng mắt sợ con em mình học chung với học sinh mù sẽ trở ngại trong việc tiếp thu bài giảng của thầy cô giáo. BTV tỉnh hội đã tích cực làm việc với các cấp, các ngành chức năng để các em được học hoà nhập.

Đến giai đoạn chuyển tiếp thi và tốt nghiệp THPT, thi vào đại học lại gặp nhiều khó khăn. Năm 2006 là năm có 5 học sinh mù của trung tâm tốt nghiệp Trung học Phổ thông để tạo cho học sinh mù có cơ hội bình đẳng hòa nhập. Ban đầu hồ sơ dự thi của thí sinh khiếm thị bị từ chối nhiều lần nhưng với quyết tâm cao độ của Hội và nguyện vọng chính đáng của học sinh mù và trên cơ sở những văn bản của Bộ Giáo dục - Đào tạo, BGĐ trung tâm đã nhờ UBND tỉnh, các ngành chức năng, trong đó có sự can thiệp của Các cơ quan thông tấn báo chí để các em được thi và học Đại học, trung học chuyên nghiệp. Tại kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2006, Em Nguyễn Văn Duy, học sinh trung tâm và là người đầu tiên của người mù được tham dự kỳ thi chính khóa và trúng tuyển vào trường ĐHKH Huế. Điều này đã tạo tiền đề tốt cho các năm sau đó, đã có nhiều thí sinh khiếm thị vào đại học. Có nhiều em đạt kết quả cao khi thi vào đại học như: Trần Thị Mỹ Lài thủ khoa Ngành ngữ văn trường ĐHKH Huế, Mai Thị Tư thủ khoa chuyên ngành đàn tranh, Học viện âm nhạc Huế. Các năm sau này đều có học sinh của trung tâm học Đại học.

Bên cạnh hoạt động giáo dục về văn hóa, Trung tâm tạo điều kiện cho học sinh tham dự nhiều sự kiện quan trọng trong công tác Hội, tham gia các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao đạt những giải thưởng cao trong các đợt hội diễn, đại hội thể thao người khuyết tật trong nước và khu vực góp phần vào thành tích  của người khuyết tật tỉnh nhà. Tạo điều kiện cho học sinh tham gia những hoạt động dã ngoại giúp các em có thêm cơ hội để hoà nhập sau này.

Từ khi thành lập cho tới nay có 138 em đã và đang theo học tại trung tâm. Trong đó có 14 em đại học, 5 học sinh tốt nghiệp văn hóa nghệ thuật. Con số ấy đã nói lên hướng đi đúng đắn và quyết tâm của toàn hội. Có thể khẳng định rằng, việc thành lập, hoạt động trung tâm thuộc tỉnh Hội người mù TT Huế đã tạo điều kiện cho trẻ em mù có quyền mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn. Được các cấp các ngành đánh giá cao và được nhân rộng mô hình trong cả nước.

 

Theo số liệu điều tra trên địa bàn tỉnh có trên 3000 người mù, do nhiều nguyên nhân bẩm sinh, ốm đau, bệnh tật, di chứng, chiến tranh .... trong đó có hơn 50% đang ở độ tuổi lao động, đang cần được đào tạo về văn hóa, hướng nghiệp ,dạy nghề, tạo việc làm. Đa số thuộc diện khó khăn, cuộc sống phụ thuộc vào người thân, gia đình và sự giúp đỡ  của xã hội. Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm Giáo dục – Hướng nghiệp trẻ em mù với chức năng hướng nghiệp cho trẻ em mù. Đối với người mù trong độ tuổi lao động tại địa phương, không thể hướng nghiệp mà phải có giải pháp cụ thể trong dạy nghề, tạo việc làm, thu nhập.

Trong giai đoạn đầu mới thành lập, với nguồn kinh phí từ địa phương, vận động, dự án tài trợ. Từ năm 1999 - 2004, tại tỉnh hội và các huyện, thị, thành hội đã tập trung mở các lớp truyền nghề tăm tre, chổi đót, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt. Kết quả, có 640 người mù tham gia56 lớp truyền nghề và trên1000 người tham gia28 lớp tập huấn.

Trong giai đoạn này mặc dù Hội đã có nhiều nổ lực song hoạt động dựa trên sự giúp đỡ của xã hội nên gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn hạn hẹp, mang tính nhỏ lẻ, chưa có cơ sở đào tạo chuyện biệt để tổ chức hoạt động một một cách quy mô và căn bản nên chưa thể đáp ứng nhu cầu của người mù trong toàn Tỉnh.

Theo nhu cầu dạy nghề gắn với việc làm của người mù tỉnh nhà, trên cơ sở nhu cầu bức thiết của người mù, ngày 17/8/2006 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số: 1910/QĐ-UBND về việc thành lập trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người mù.

 

          Từ năm 2006, Sau khi nhà nước có chủ trương hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề ngắn hạn, Với nguồn kinh phí Trung ương, địa phương, vận động xã hội. Từ đó đến nay Trung tâm đã mở 42lớp dạy nghề với 825học viên theo học, tổng kinh phí trên 2,045 tỷ đồng  Trong đó:

Chương trình MTQG địa phương: 705.855 triệu

Nguồn trung ương phân bổ: 467.5 triệu.

Nguồn dự án và vận động: 871 triệu đồng. vớicác ngành nghề:

+ Xoa bóp – PHSK: 15 lớp – 334 học viên.

+ Tin học: 6 lớp – 75 học viên.

+ Tiểu thủ công, Chăn nuôi, trồng trọt: 19 lớp – 288 học viên.

Ngoài ra tổ chức các đợt tập huấn Nâng cao kỹ năng giao tiếp phục vụ khách hàng, Quản lý dịch vụ và marketting, các đợt phổ biến, tư vấn về việc học nghề, về chính sách lao động việc làm, về luật Lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động...

Trên 80% hội viên đã qua đào tạo nghề của hội có việc làm, thu nhập tại công ty TNHH Niềm Tin 17/4, các CSSX-CSDVXB của hội hoặc sản xuất - chăn nuôi tại gia đình. Đặc biệt, 100% học viên nghề xoa bóp đều có việc làm sau đào tạo.

Không những dạy nghề và tạo việc làm tập trung tại Trung tâm, tại các cơ sở trực thuộc tỉnh hội mà còn mở các lớp dạy nghề lưu động cho người mù, người tàn tật tại các huyện, thị, thành hội. Bên cạnh đó, mở rộng dạy nghề cho người mù các tỉnh miền trung theo phân bổ của hội người mù Việt Nam.

 

     Thực tế hoạt động trung tâm còn gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức, quản lý. Trung tâm chưa được phân bổ biên chế tối thiểu để hình thành bộ khung quản lý, phần kinh phí hỗ trợ lại rất hạn chế. BTV tỉnh hội phải kiêm nhiệm quản lý, điều hành, đội ngũ cán bộ, nhân viên, giáo viên đều do trung tâm hợp đồng thỏa thuận tự chi trả với nguồn giúp đỡ của xã hội mức lương thấp, chưa được hưởng các chế độ khác như công chức, viên chức nhà nước.

     Trung tâm được Sở Lao động Thương binh và Xã hội cấp giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề theo tinh thần Thông tư số 29 cuả Bộ LĐ-TBXH. Tuy nhiên, để được phân bổ kinh phí dạy nghề hàng năm, đối với những ngành nghề không nằm trong danh mục dạy nghề được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm, trung tâm phải lập văn bản đề xuất, trình phê duyệt, hoặc những lớp đã đăng ký nhưng chưa đảm bảo số lượng, chưa phù hợp với địa phương phải thay đổi. Bên cạnh đó, chương trình dạy nghề lao động nông thôn trình độ sơ cấp chỉ được 3 tháng, nếu mở những ngành nghề trên 3 tháng rất khó khăn.

 

Trên đây là một số kết quả đạt được của 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Hội người mù tỉnh TT-Huế. Nhân hội nghị hôm nay, xin có một số kiến nghị sau:

1/ Đối với trung tâm GD-HN trẻ em mù

          - Tạo cho cán bộ, công nhân viên, giáo viên được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của nhà nước với cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật chuyên biệt.

- Làm tốt công tác tham mưu với nhà nước trong việc ban hành những văn bản pháp quy mang tính xuyên suốt trong việc chăm sóc, bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật.

 

- Chính sách thống nhất về việc thi tốt nghiệp, thi đại học, cao đẳng đối với học sinh mù, thành lập hội đồng thi riêng cho học sinh mù tạo môi trường phấn đấu học tập cho học sinh mù. Có văn bản quy định rõ về quyền bình đẳng trong học tập, hướng nghiệp, việc làm cho trẻ khuyết tật.

 

          Ngành LĐ-TB&XH làm tốt chức năng bảo trợ, giúp đỡ việc chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Cụ thể hóa chế độ, chính sách, hỗ trợ, giúp các trung tâm, cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật.

 

2/ Đối với Trung tâm DN-TVL cho người mù

- Trung ương hội, Chính quyền địa phương, các ngành chức năng giúp các Trung tâm tạo mối quan hệ, giới thiệu các tổ chức phi Chính phủ để tranh thủ sự tài trợ thực hiện việc dạy nghề, về cơ sở vật chất nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm.

- Kiến nghị các Bộ, ngành liên quan cần có các Văn bản hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước đến dạy nghề, việc làm cho người khuyết tật đồng bộ, thống nhất.
 

 

Lượt xem : 55436 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo