Trang chủ --> Tin cộng đồng --> HỘI NGƯỜI MÙ TỈNH HẢI DƯƠNG VỚI HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC DẠY NGHỀ VÀ TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI MÙ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

HỘI NGƯỜI MÙ TỈNH HẢI DƯƠNG VỚI HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC DẠY NGHỀ VÀ TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI MÙ

Hội Người mù tỉnh Hải Dương được thành lập ngày 25/12/1998, là một trong 14 tổ chức Hội đặc thù của tỉnh; Hội hiện có 2.636 hội viên sinh hoạt tại 240 chi hội xã phường, thị trấn.

 

Cùng với công tác phát triển tổ chức, công tác tuyên truyền nâng cao dân trí, công tác kiểm tra, đối ngoại nhân dân, thi đua khen thưởng… Công tác lao động sản xuất, việc làm và chăm sóc đời sống người mù đước các cấp hội trong tỉnh đặc biệt chú trọng là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động hội. Hiện nay Tỉnh Hội đang quản lý 2 HTX và 16 điểm dich vụ tẩm quất cổ truyền tạo việc làm thường xuyên cho 142 người với mức thu nhập ổn định từ 2.400.000 đồng. Được sự quan tâm chỉ đạo của TW Hội, sự lãnh đạo giúp đỡ tạo điều kiện của tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng. Với mục đích tổ chức dạy và học văn hóa học nghề, phát huy những khả năng, năng khiếu của người mù, Hội đã thành lập và quản lý 02 Trung tâm: Trung tâm PHCN GD DN & TVL cho người mù và Trung tâm hướng nghiệp và tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

 

1/ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

a. Trung tâm PHCN GD dạy nghề và tạo việc làm cho người mù

          Ngày 02/08/2007, Trung tâm PHCN - Giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho người mù tỉnh Hải Dương được thành lập theo quyết định số 2801/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương.

          - Giáo dục, dạy chữ, dạy nghề, phục hồi chức năng theo quy định của Nhà nước và của Hội.

          - Nuôi dưỡng, dạy tiền hoà nhập, hoà nhập và hội nhập cho trẻ em mù trong tỉnh và hỗ trợ học sinh mù tại cộng đồng

          - Tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm phù hợp với khả năng của người mù, người kém mắt theo quy định của Pháp luật và của Hội.

          - Tư vấn và cung cấp các dịch vụ chuyên dụng cho cán bộ, hội viên, người mù và người kém mắt trong tỉnh.

          - Giúp các Hội địa phương mở lớp PHCN tại cộng đồng.

 

          b. Trung tâm hướng nghiệp và tổ chức biểu diễn nghệ thuật

Trung tâm Hướng nghiệp và tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Hội người mù tỉnh Hải Dương được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cho phép thành lập theo thông báo số 237/TB-UBND ngày 25/10/2012. Ngày 15 tháng 11 năm 2012 HNM tỉnh Hải Dương đã ra quyết định số 117/QĐ- HNM thành lập Trung tâm.

Trung tâm có chức năng Hướng nghiệp dạy nghề âm nhạc cho người mù và tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp với khả năng của người tàn tật,tạo việc làm và thu nhập cải thiện cuộc sống  đồng thời quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế và uy tín của Hội, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người mù địa phương.

          Trung tâm chịu sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của Ban thường vụ Tỉnh hội. Chịu sự quản lý nhà nước về chuyên môn nghệ thuật của Sở văn hoá Thể thao và Du lịch; đồng thời chịu sự quản lý theo lãnh thổ của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương.

Trung tâm là đơn vị sự nghiệp, hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí, có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Ngày 22 tháng 01 năm 2013, Trung tâm đã được Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương thẩm định và cấp giấy phép số 01/GP-VHTTDL cho phép Trung tâm tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

 

          2/ TỔ CHỨC BỘ MÁY

a. Trung tâm PHCN GD dạy nghề và tạo việc làm cho người mù

Trung tâm có Ban Giám đốc, phòng đào tạo và phòng hành chính. Bộ máy lãnh đạo, quản lý của Trung tâm do Thường trực, cán bộ chuyên môn Tỉnh Hội kiêm nhiệm.

-Phòng đào tạo: 08 giáo viên, trong đó trình độ đại học 05 người. Trung cấp, cao đẳng 03 người.

-Phòng hành chính: 04 cán bộ, Trình độ đại học: 02 người. Trung cấp, cao đẳng: 02 người.

-Ngoài ra Trung tâm còn hợp đồng ngắn hạn với 03 nhân viên phục vụ và 08-12 giáo viên dạy nghề và các môn học ngoại khóa.

 

b. Trung tâm hướng nghiệp và tổ chức biểu diễn nghệ thuật

 Lãnh đạo Trung tâm có Ban Giám đốc, phòng đào tạo và phòng hành chính (do Lãnh đạo, cán bộ chuyên môn Tỉnh hội kiêm nhiệm)

Đoàn nghệ thuật có diễn viên, nhạc công và bộ phận phục vụ gồm 20 người.

 

3. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG

a.     Trung tâm PHCN GD dạy nghề và tạo việc làm cho người mù

* Các lớp dạy và học văn hóa cho trẻ em trong độ tuổi học đường

          Hàng năm, Trung tâm tổ chức các lớp học văn hoá cho trẻ em khiếm thị từ lớp tiền hoà nhập cho đến lớp 12 cho 60 học sinh khiếm thị trong tỉnh; 02 lớp PHCN, xoá mù chữ và dạy nghề xoa bóp cho 30 hội viên trong độ tuổi lao động cụ thể như sau:

          - Lớp tiền hoà nhập có 13 học sinh với hình thức giáo dục chuyên biệt.

          - Khối tiểu học có 18 học sinh học hoà nhập tại trường tiểu học Võ Thị Sáu; khối THCS có 17 học sinh học hoà nhập tại trường THCS Võ Thị Sáu; khối THPT có 12 học sinh học hoà nhập tại Trung tâm GDTX thành phố Hải Dương.

 

          - Tổng kết các năm học, 100% học sinh đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ học sinh khá chiếm khoảng 35-45%, học sinh xếp loại giỏi khoảng 8-12%.

 

          - Lớp hoà nhập tại cộng đồng có 10 - 12 học sinh học hoà nhập cộng đồng tại 6 huyện: Thanh Hà, Nam Sách, Thanh Miện, Kinh Môn, Bình Giang, Ninh Giang. Kết thúc năm học 100% học sinh đạt yêu cầu, trong đó có từ 4 - 5 học sinh xếp loại tiên tiến, chiếm khoảng 40%.

 

          - Lớp bổ túc văn hoá lớp 10, lớp 11, lớp 12 chương trình THPT với hình thức giáo dục (tự học có hướng dẫn), tổng số có từ 12 - 15 học viên là cán bộ, hội viên Hội người mù các huyện, thị xã, thành phố. Kết thúc năm học 100% học viên đạt yêu cầu.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm mở lớp dạy thanh nhạc và sử dụng các loại nhạc cụ như: sáo, nhị, đàn ghi ta, organ... cho 14 học sinh do Tổ chức Từ Tế đài Loan hỗ tợ kinh phí thuê giáo viên Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh dạy, sau 02 năm học tập 100% học viên đã sử dụng được các loại nhạc cụ, đáp ứng được yêu cầu môn học.

          Trong hội thi Liên hoan văn nghệ toàn quốc "Nghị lực và tỉnh thương" giành cho trẻ khuyết tật do Hội khuyến học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2012,2013, các tiết mục tham dự đều đạt giải, trong đó có 02 huy chương bạc và 02 giải khuyến khích. NHân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tại Hội thi văn nghệ do phòng giáo dục và đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hải Dương tổ chức, tiết mục độc tấu sáo của em Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 8 đạt huy chương vàng.

 

          Trung tâm mở lớp mỹ thuật "Vượt lên thị giác" từ năm 2012 đến nay, do bà Elizabeth quốc tịch Thuỵ Điển cho 15 học sinh, với các môn học: vẽ, nặn gốm, phối hợp với các nghệ sỹ, thanh niên tình nguyện tại các buổi triển lãm, gần 20 bức tranh của học sinh khiếm thị đã được bán với tổng số tiền hơn 5 triệu đồng.

 

          Hàng năm có 5 học sinh có năng khiếu thể thao môn bơi lội được Sở văn hoá thể thao và du lịch huấn luyện thường xuyên, trong đó có 03 em được chọn vào đội tuyển thể thao Người khuyết tật của tỉnh, được trợ cấp thường xuyên từ 1.015.000đ - 2.100.000đ/tháng. Điển hình có em Nguyễn Anh Tú, Trần Thị Phượng, tại các kỳ thi Đại hội thể thao Người khuyết tật toàn quốc đã đạt 19 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 07 huy chương đồng môn bơi lội.

 

          * Các lớp PHCN và dạy nghề cho hội viên trong độ tuổi lao động.

- Lớp PHCN và dạy nghề xoa bóp

Lớp PHCN, xoá mù chữ và dạy nghề xoa bóp tẩm quất: Tỉnh hội đã phối hợp với trường Kỹ thuật Y tế Hải Dương (nay là trường Đại học Y Hải Dương), bệnh viện Y học cổ truyền dân tộc tỉnh, Hội châm cứu, Hội đông y tỉnh, tính đến nay Trung tâm đã tổ chức được 32 khoá học cho 385 học viên. Các học viên được học 3 môn học trong thời gian 6 tháng: Phục hồi chức năng; học sử dụng chữ Braille và học nghề tẩm quất cổ truyền. Phần học nghề anh chị em được học môn lý luận đông y, giải phẫu, tâm lý học, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe, bệnh học, kỹ thuật xoa bóp(Đông y, Tây y và một số kỹ thuật trong trường phái siatsu, anma…), quản lý. Ngoài ra Trung tâm còn bố trí cho học viên được thực hành tại các điểm dịch vụ do Hội quản lý để rèn luyện ký năng và tích lũy kinh nghiệm. Kết thúc khoá học gần 80% học viên đạt yêu cầu môn PHCN, chữ Braille được Trung tâm cấp chứng chỉ; hơn 92,5% học viên đạt yêu cầu môn nghề tẩm quất, lý luận đông y, được Hội đông y cấp chứng chỉ. Qua tổng hợp báo cáo của các đơn vị 100% học viên tốt nghiệp khóa đào tạo nghề có nhu cầu về việc làm đều được Hội bố trí tham gia làm việc tại các cơ sở sản xuất, dịch vụ của Hội. Ngoài ra còn một số học viên tự mở phòng dịch vụ tẩm quất cổ truyền trong tỉnh và các tỉnh thành bạn. Thu nhập trung bình tháng hiện nay 2.5-3.5 triệu/ tháng. Đặc biệt vào những thàng hè một số nhân viên phòng dịch vụ có mức lương 4.5-5.5 triệu/người/tháng.

 

- Lớp học nhạc:

Được sự tài trợ của tổ chức Maryknoll Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hội người mù tỉnh Hải Dương đã triển khai thực hiện dự án “Dạy sử dụng nhạc cụ và kỹ thuật thanh nhạc cho người mù” trong 2 năm 2011 – 2012. Việc tổ chức lớp dạy nhạc cụ và thanh nhạc nhằm hướng dẫn cho các hạt nhân văn nghệ của Hội biết sử dụng một số nhạc cụ và kỹ thuật thanh nhạc; xây dựng chương trình văn nghệ, nhằm đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu văn nghệ của người mù, tạo cho họ một nghề có thu nhập cải thiện cuộc sống. Sau 2 năm thực hiện dự án, học viên đã nắm được nhạc lý cơ bản, sử dụng tốt một số nhạc cụ thường dùng và biết kỹ thuật thanh nhạc. 100% học viên tham gia dự án đã hoàn thành nội dung chương trình khóa học, nhiều học viên đạt kết quả tốt nội dung môn học do giáo viên yêu cầu. Đội văn nghệ đã tích cực tập luyện để xây dựng chương trình đi biểu diễn kiến tập ở một số địa phương, tạo tiền đề xây dựng “Trung tâm hướng nghiệp và tổ chức biểu diễn nghệ thuật” của Hội.

 

b. Trung tâm hướng nghiệp và tổ chức biểu diễn nghệ thuật

Trên cơ sở kết quả triển khai của giai đoạn I năm (2011-2012), HNM tỉnh đã xây dựng dự án giai đoạn II (2013-2014) và đã được tổ chức chấp nhận. Giai đoạn II thực hiện trong thời gian 18 tháng chương trình giành cho 15 học viên được lựa chọn từ 24 học viên của giai doạn I.

 

Giai đoạn II, học viên được đào tạo nâng cao kỹ thuật cơ bản, kỹ thuật hòa thanh, phối khí dàn nhạc và kỹ năng biểu diễn trên sân khấu, dựa trên kiến thức và kỹ năng đó được học ở giai đoạn trước để hoàn thiện tác phẩm.

 

Trong quá trình đào tạo, Trung tâm dàn dựng một số tác phẩm theo chủ đề phù hợp với yêu cầu của khán giả và thực hiện các chương trình biểu diễn kiến tập. Trong năm 2013 và 2014, Trung tâm đã thực hiện 37 buổi biểu diễn. Trong đó có 9 buổi biểu diễn tại cộng đồng. 19 biểu diễn tại trường học, 6 buổi phục vụ Lễ hội và 03 buổi biểu diễn phục vụ Hội nghị, nhà hàng quán ba. Tổng số tiền thu được từ hoạt động biểu diễn là 170.076.00đ.

 

Từ khi thành lập Trung tâm, hoạt động văn hóa, văn nghệ của Hội đã phát triển mạnh mẽ nhiều hoạt động liên quan đến văn nghệ được lãnh đạo Hội mạnh dạn đăng ký cho học viên tham gia như: tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng Việt Nam(VIETNAMS GDT) năm 2012. Tham gia liên hoan văn nghệ giành cho trẻ em khuyết tật năm 2013, các hội diễn văn nghệ do địa phương và Hội tổ chức và đã giành được thứ hạng cao của các cuộc thi như: Văn Tuấn Anh đạt Huy chương vàng tại cuộc thi giành cho các nhà thiếu các tỉnh phía Bắc năm 2012. Đào Thị Thúy, Văn Tuấn Anh đạt huy chương bạc tại Liên hoan văn nghệ giành cho trẻ khuyết tật Toàn quốc lần thứ nhất’ HCB cuộc thi thiếu nhi đàn và hát dân ca do Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 2014.…thông qua các hoạt động này mà vị thế uy tín của Trung tâm và của Hội được củng cố và nâng cao.

 

4/THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN

          a. Những mặt thuận lợi

          - Trung ương Hội giúp đào tạo giáo viên của Trung tâm PHCN, cấp học cụ như sách xoá mù chữ, SGK cho các bậc học, tài liệu hướng nghiệp dạy nghề, sách ký hiệu âm nhạc bằng chữ Braill, máy tính cho học sinh...

 

          - Sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện mọi mặt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng trong tỉnh.

 

          - Các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, cá nhân hảo tâm và thanh niên tình nguyện đã có sự ủng hộ, động viên giúp đỡ các học viên của Trung tâm về phương tiện học tập, kinh phí và trợ cấp thường xuyên cho các học viên.

 

          - Tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự năng động ham học hỏi, tiếp thu những kiến thức mới để đưa vào bài giảng của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động tại các Trung tâm; bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ của các giáo viên với phụ huynh học sinh, cùng với sự giúp đỡ hiệu quả về chuyên môn của Viện khoa học giáo dục, Bộ GD&ĐT, Hội khuýên học Việt Nam và trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội.

 

          - Ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập và chấp hành nghiêm túc nội quy Trung tâm của học sinh và học viên.

 

          b. Những khó khăn như sau

          - Cơ sở vật chất, phòng học và một số phòng chức năng còn thiếu. Trung tâm PHCN với mặt bằng chật hẹp, xuống cấp nên việc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá cho học sinh còn khó khăn. Trung tâm Hướng nghiệp và tổ chức BDNT hiện phải thuê địa điểm nên việc tổ chức hoạt động dạy học, biểu diễn còn hạn chế.

          - Các học liệu chuyên dùng còn thiếu nhiều, máy tính chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Lực lượng giáo viên của các Trung tâm còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc. Tỷ lệ học sinh chậm phát triển, đặc biệt là ở lớp tiền hoà nhập, còn ở mức độ cao.

 

          - Đối tượng tuyển sinh của Trung tâm là những người mù có nguyên nhân, hoàn cảnh, mức độ mù, sức khoẻ, trình độ nhận thức khác nhau nên công tác giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn.

 

          - Đặc biệt do nguồn kinh phí hạn chế, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ đủ chi trả cho cán bộ, giáo viên và hỗ trợ một phần cho hoạt động đào tạo. điều này dẫn đến khó khăn.

Lượt xem : 75572 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo