Trang chủ --> Hướng dẫn người mù sử dụng Windows 7 --> Hệ điều hành MS DOS cho người mù
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Hệ điều hành MS DOS cho người mù

1.1.1 Giới thiệu

MS-DOS (MicroSoft Disk Operating System) là hệ điều hành máy tính do hãng MicroSoft phát triển. Nó đóng vai trò một thông dịch viên giữa người sử dụng và máy tính: Nhận lệnh từ người dùng, diễn đạt lại theo cách hiểu của máy tính và yêu cầu máy thực hiện, sau đó nhận kết quả trả lại của máy tính và thông báo lại cho người dùng. Hiện nay, hệ điều hành này không còn được cài đặt trong nhiều máy tính. Tuy vậy, các khái niệm DOS sử dụng đã, đang và sẽ vẫn được coi là những yếu tố cốt lõi trong việc cấu thành những hệ điều hành khác. Vì vậy, trong khuôn khổ cuốn sách này chúng tôi sẽ trình bày sơ lược về hệ điều hành này.

1.1.2 Đĩa từ và cách tổ chức thông tin trên đĩa từ

Mọi thông tin trên máy tính đều được mã hóa dưới dạng các bit gồm các con số 0 hoặc 1. Các số này được lưu trữ dưới các trạng thái khác nhau trong máy tính: Tín hiệu từ, tín hiệu điện,  tín  hiệu  quang...  để  khi  cần  thiết,  máy  tính  có  thể  đọc  lại  chúng  và  chuyển thành các con số 0, 1 để xử lý. Các thiết bị trong máy tính có khả năng lưu trữ những thông tin này được gọi là các thiết bị nhớ.

DOS lưu trữ và tổ chức thông tin theo cấu trúc cây. Có bốn khái niệm chính được DOS sử dụng trong cấu trúc này:

- Ổ đĩa (driver): Ổ đĩa là đơn vị logic cấp cao nhất mà DOS sử dụng trong cấu trúc cây để lưu trữ và tổ chức thông tin. Mỗi ổ đĩa tương ứng với một gốc cây, do đó không có khả năng ổ đĩa chứa ổ đĩa. Với DOS, mỗi máy tính có thể có một hay nhiều ổ đĩa. Mỗi ổ đĩa được đại diện bởi một ký tự trong bảng chữ cái A – Z (không phân biệt hoa - thường) và ký tự hai chấm “ : ”. Do đó, mỗi máy tính chỉ có thể có tối đa là 26 ổ đĩa. Bên trong mỗi ổ đĩa là các tệp tin và các thư mục.

- Thư mục (directory): Thư mục là khái niệm logic của DOS dùng để quản lý thông tin trên đĩa. Mỗi thư mục có thể xem tương ứng với một cành trong cấu trúc cây của DOS. Do đó, mỗi thư mục có  thể  chứa (hoặc  không) một  hay  nhiều thư  mục con hay các tệp tin (khi đó nó được gọi là thư mục cha). Các thư mục con của thư mục này lại có thể chứa các thư mục con hoặc các tệp tin khác. Mỗi thư mục đều được đặt tên. Các thư mục con có chung một thư mục cha thì không được phép trùng tên.

- Tệp tin (file): Tệp tin (File) là khái niệm logic cơ sở của DOS trong việc lưu trữ thông tin. Mỗi tệp tin là một tập hợp các thông tin có quan hệ với  nhau. Trong hệ thống cây thư mục, các tệp tin có thể xem tương ứng với các lá cây. Không có khái niệm tệp tin này chứa tệp tin kia. Mỗi tệp tin đều phải được chứa trong một và chỉ một thư mục duy nhất.

- Đường dẫn (path): Đường dẫn là khái niệm được DOS sử dụng để định vị các tệp tin, thư mục trong hệ thống cây thư mục của DOS. Thông tin được lưu trữ trong các tệp tin khác nhau. Những tệp tin này được đặt trong các thư mục. Các thư mục có thể được đặt trong các thư mục khác, cuối cùng là thư mục được đặt trong ổ đĩa. Một tập hợp gồm ổ đĩa, thư mục và tệp tin được gọi là một đường dẫn. Nếu tập hợp này có đủ ba thành phần thì được gọi là đường dẫn tuyệt đối, còn lại nếu chỉ thiếu ít nhất là 1 trong 3 thành phần thì ta có đường dẫn tương đối.

1.1.3 Các lệnh với thư mục và tệp tin

a) Dấu nhắc DOS

Mọi mệnh lệnh mà người sử dụng muốn máy tính thi hành đều được nhập trực tiếp từ bàn phím thành một dòng trên màn hình (command line). Đầu dòng là một tập hợp các ký tự và cuối dòng luôn có một con trỏ (cursor) hình vạch ngang nhấp nháy. Đó chính là dấu nhắc lệnh (command prompt – hay còn gọi là dấu nhắc hệ thống) nổi tiếng của DOS.

Dấu nhắc lệnh này luôn hiển thị đầy đủ đường dẫn hiện hành cộng thêm một ký tự lớn hơn (greater) “ > ” sau đó là đến con trỏ nhấp nháy.

b) Lệnh

Mỗi lệnh của DOS bao gồm hai phần:

- Tên lệnh: Phần bắt buộc phải có trong một lệnh - Là một tập các ký tự liền nhau mà DOS hiểu được đó là một lệnh. Tập các ký tự này phải tuân thủ theo cách đặt tên tệp tin (thư mục) của DOS. Tuy vậy, trước tên lệnh có thể có một hay nhiều ký tự cách (space). Tên lệnh thường là một động từ.

- Tham số: Phần tham số không bắt buộc phải có nhưng nếu có thì phải cách phần tên  lệnh bởi  ít  nhất một  dấu cách.  Mỗi  lệnh  khác  nhau  thì  có  số tham  số  khác nhau. Mục đích của các tham số là giúp người dùng điều khiển các lệnh thực hiện theo ý muốn. Danh sách đầy đủ các tham số (và chú giải) của mỗi lệnh trong DOS có thể được tham khảo nhanh bằng cách gõ tên lệnh và tham số /?

c) Phân loại lệnh

DOS phân biệt hai loại lệnh khi thi hành là lệnh nội trú và lệnh ngoại trú.

Lệnh nội trú: lệnh lưu trữ thường trực trong bộ nhớ máy khi đã được khởi động và sẵn sàng thực hiện lệnh khi được gọi đến. Lệnh nội trú nằm trong phần khởi động của MS-DOS chứa trong các file COMMAND.COM, IO.SYS và MSDOS.SYS. Với lệnh nội trú, lệnh được sử dụng tại chỗ dấu nhắc lệnh mà không cần phải quan tâm đến thư mục hiện hành

Lệnh ngoại trú:lệnh lưu trữ trên đĩa hay thư mục riêng. Các lệnh ngoại trú phải được nạp từ đĩa vào trong bộ nhớ mới chạy được. Khi thực hiện xong câu lệnh, vùng bộ nhớ có chứa câu lệnh ngoại trú đó sẽ bị thu hồi. Các tập lệnh ngoại trú có phần mở rộng là EXE hay COM hoặc BAT. Khi gọi lệnh mà máy không tìm thấy trên màn hình hình sẽ xuất hiện câu báo lỗi Bad command or file name (Sai lệnh hoặc không có tên tệp tin). Với lệnh ngoại trú, muốn sử dụng người dùng phải có  các tệp tin  có  tên tương ứng trên ổ đĩa. Các tệp tin này phải có phần phân loại là COM, BAT hoặc EXE. Tuy nhiên khi gõ tên lệnh người dùng có thể bỏ đi phần phân loại này.

d) Thực hiện lệnh

Trong môi trường DOS, tại dấu nhắc lệnh, mỗi khi bạn nhập một loạt các ký tự sau đó nhấn Enter tức là bạn đã nhập một lệnh và yêu cầu DOS thi hành. Để mở cửa sổ nhập các lệnh trong môi trường DOS với máy tính đã được cài đặt hệ điều hành Window, bạn thực hiện:

  1. Nhấn phím cửa sổ trên bàn phím.
  2. Nhập cmd, nhấn phím Enter để mở cửa sổ command với dấu nhắc DOS để gõ lệnh.

e) Lệnh làm việc ổ đĩa

- Chuyển ổ đĩa hiện hành:

  1. Tại cửa sổ lệnh bạn nhập các chữ cái ứng với tên ổ tương ứng với ổ đĩa bạn muốn chuyển tới rồi nhập dấu hai chấm (:).
  2. Nhấn phím Enter.

Ví dụ: để chuyển từ ổ đĩa hiện tại (ổ C) sang ổ đĩa đĩa D, bạn nhập d, nhập dấu hai chấm, rồi nhấn phím Enter.

f) Lệnh làm việc với thư mục

- Liệt kê nội dung thư mục hiện hành:

  1. Tại cửa sổ lệnh, bạn nhập DIR.
  2. Nhấn enter.

- Liệt kê nội dung thư mục:

  1. Tại cửa sổ lệnh, bạn nhập DIR, tiếp theo gõ dấu cách, tiếp theo nhập tên thư mục bạn muốn liệt kê.
  2. Nhấn phím Enter.

Ví dụ:  Muốn liệt kê các thư mục c:\windows, bạn nhập dir c:\windows.

- Chuyển thư mục:

  1. Tại cửa sổ lệnh, bạn nhập CD, tiếp theo nhập dấu cách, tiếp theo bạn nhập tên thư mục bạn muốn chuyển tới.
  2. Nhấn phím Enter.

Ví dụ: Muốn chuyển tới thư mục c:\windows bạn nhập cd c:\windows.

- Tạo thư mục mới:

  1. Muốn tạo thư mục mới trong thư mục hiện hành, tại cửa sổ lệnh bạn thực hiện nhập md, nhập dấu cách, nhập tên thư mục bạn muốn tạo.
  2. Nhấn phím Enter

Ví dụ: Muốn tạo thư mục Temp trong thư mục hiện hành bạn nhập md temp.

- Lệnh xóa thư mục:

Thư mục được xóa phải thỏa mãn: 1) thư mục rỗng – thư mục không chứa thư mục con hay bất kỳ một tệp tin nào; 2) thư mục không phải thư mục hiện hành. Để xóa thư mục, bạn thực hiện:

  1. Tại cửa sổ lệnh, nhập rd, nhập dấu cách, nhập tên thư mục muốn xóa.
  2. Nhấn phím Enter.

Ví dụ: Muốn xóa thư mục c:\temp, bạn nhập rd c:temp.

g) Lệnh làm việc với tệp tin

- Tạo một tệp tin mới:

  1. Tại cửa sổ lệnh bạn nhập copy con, nhập dấu cách , nhập tên tệp mới.
  2. Nhập nội dung bạn muốn ghi lên tệp.
  3. Nhấn tổ hợp phím Ctrl+Z, nhấn phím Enter.

- Lệnh xem nội dung tệp tin:

  1. Để xem nội dung tệp tin, tại cửa sổ lệnh bạn nhập lệnh type, nhập dấu cách, nhập tên tệp.
  2. Nhấn phím Enter.

- Đổi  tên tệp tin:

  1. Tại cửa sổ lệnh, nhập rename, nhập dấu cách, nhập tên tệp tin muốn đổi, nhập dấu cách,  nhập tên tệp tin mới.
  2. Nhấn phím Enter.

- Sao chép tệp tin:

  1. Tại cửa sổ lệnh, nhập copy, nhập dấu cách, nhập tên tệp tin nguồn, nhập dấu cách,  nhập tên tệp đích.
  2. Nhấn phím Enter.

Lưu ý: Lệnh  COPY sẽ tìm tệp tin được chỉ định trong tham số  thứ nhất,  sau  đó  sẽ chép tệp tin này đến nơi được chỉ định trong tham số thứ hai. Nếu tham số thứ hai không được sử dụng thì DOS sẽ tự hiểu đích là thư mục hiện hành. Sau khi sao chép ta được một tệp tin mới giống hệt tệp tin cũ. Nếu trong tham số thứ hai có chỉ hẳn ra một tên tệp tin mới, thì tệp tin cũ sau khi được sao chép sẽ được đổi lại tên.

- Xóa tệp tin:

  1. Tại cửa sổ lệnh, nhập del, nhập dấu cách, nhập tên tệp tin muốn xóa.
  2. Nhấn phím Enter.

 

Lượt xem : 1451 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo