Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Để người khiếm thị bớt khổ!
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Để người khiếm thị bớt khổ!

Thông thường người bị mù đã gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống thì đối tượng người mù là phụ nữ và trẻ em lại càng chịu nhiều thiệt thòi. Việc làm sao để họ gạt bỏ được mặc cảm, hòa nhập với cuộc sống là nội dung của cuộc hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em mù” được Hội người mù Việt Nam tổ chức vào sáng nay (1/10).

Đối tượng chủ đạo trong cuộc hội thảo là Ban công tác Phụ nữ, thuộc Hội người mù Việt Nam. Được thành lập từ năm 1998, đến nay số lượng hội viên của Ban lên đến hơn 35 nghìn hội viên, chiếm 52,5% tổng quân số.

Đánh giá của Ban công tác phụ nữ đã đạt được trong những năm vừa qua, chị Đinh Việt Anh, Ủy viên TƯ Hội nhận định: Thực hiện đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Hội người mù Việt Nam cũng như Ban công tác phụ nữ đã đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhằm giúp phụ nữ và trẻ em mù phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tự tin làm việc và hòa nhập với cộng đồng.

Bằng những hoạt động thiết thực, thời gian qua hội đã mở các lớp học chữ, học nghề và tạo việc làm cho phụ nữ trong độ tuổi lao động. Đến nay, hàng ngàn phụ nữ mù đã tham gia vào các lớp dạy nghề ở địa phương với những ngành nghề như: xoa bóp bấm huyệt, làm các dụng cụ thiết yếu, nuôi ong... Chị em phụ nữ sau các khóa đào tạo này đã làm nghề thành thạo, giải quyết được việc làm với mức thu nhập trung bình trên 1 triệu đồng/người/tháng.

Để người khiếm thị… bớt khổ!

Học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu trình diễn văn nghệ.

Bên cạnh đó, Hội cũng đã giúp gần 5.000 phụ nữ mù vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các doanh nghiệp chuyển đổi gần 200 đầu sách, truyện, sách tham khảo về chăm sóc sức khỏe, giáo dục giới tính, hướng dẫn nấu ăn... sang chữ Braille, audio để giúp phụ nữ và trẻ em mù bổ sung kiến thức, rèn luyện kĩ năng, nâng cao đời sống văn hóa.

Những hoạt động an sinh xã hội cụ thể là xây dựng mỗi gia đình hạnh phúc là một nhân tố quyết định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, các phong trào “Bếp hồng hạnh phúc”, “Gia đình không sinh con thứ ba”, “Phụ nữ niềm tin”… được chị em nhiệt tình hưởng ứng.

Để thực hiện được những phong trào này là cả sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo hội cũng như sự cố gắng của mỗi thành viên. Suốt 16 năm qua, Ban công tác phụ nữ của Hội người mù Việt Nam đã là địa điểm giúp đỡ nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Nhiều đơn vị địa phương đã đạt được thành tựu đáng kể trong hoạt động hội. Cụ thể Hội người mù Đà Nẵng, Hội người mù Nghệ An, Hội người mù tỉnh Đồng Nai, Hội người mù tỉnh Hải Dương…

Chia sẻ về công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em mù tại đơn vị, Trưởng Ban Công tác phụ nữ Hội người mù thành phố Đà Nẵng, chị Lê Thị Diệu Châu nói: Xác định rõ tổ chức hội là ngôi nhà chung, là nơi mang lại niềm tin tri thức và tạo điều kiện để phụ nữ khiếm thị hòa nhập với cộng đồng. Những năm qua, Hội Người mù thành phố Đà Nẵng đã động viên các chị em tích cực tham gia câu lạc bộ để cùng chia sẻ vất vả trong cuộc sống. Thông qua câu lạc bộ, Hội giúp chị em học chữ, học nghề, vay vốn... để nâng cao đời sống về tinh thần, vật chất. Đến nay, các chị em khiếm thị rất tích cực lao động, sáng tạo tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Tuy nhiên, nhận định chung thì tình hình nhiều chị em phụ nữ vẫn khó cởi bỏ tâm lý tự ti, ngại hòa nhập với cộng đồng… thì việc cần đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động Hội là điều cần thiết.

Đối với đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên bị mù… không chỉ gặp khó khăn với hòa nhập công đồng mà việc học tập cũng gặp nhiều khó khăn. Điều này đã được đại diện của Hội Người mù tỉnh Hải Dương, chị Đinh Thị Diệu Thúy đề cập: “Hiện nay, học sinh mù đã tốt nghiệp THPT gặp khó khăn trong việc thi xét tuyển vào các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đề nghị TƯ Hội kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho đối tượng này tiếp tục được học lên”.

Xác định những vấn đề còn tồn đọng, phải tháo gỡ, bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) chia sẻ: Với những gì chị em phụ nữ trong Hội người mù Việt Nam đã đạt được là đáng biểu dương. Tuy nhiên, chị em cần cởi bỏ tâm lý tự ti để vươn lên hơn nữa trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, bà Nga cũng kêu gọi toàn xã hội hãy chung tay giúp đỡ những trường hợp chị em bị mù, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cần có những hoạt động tuyên truyền để chị em hòa nhập cộng đồng, xây dựng tốt hình ảnh “tàn nhưng không phế” để khẳng định vị trí của người phụ nữ trong thời đại mới.

Huyền Anh 

Lượt xem : 162022 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo