Trang chủ --> Gương sáng --> Đôi bàn tay diệu kỳ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Đôi bàn tay diệu kỳ

 

       Tài chữa trị bong gân, trật xương khớp, cấm khẩu… của ông giờ đây không chỉ người trong huyện, trong tỉnh mà các tỉnh lân cận cũng biết tiếng và tìm đến. Bằng kỹ thuật xoa bóp, chỉ 5 - 10 phút là ông trị khỏi, cho dù bệnh nhân bị trật trẹo rất nặng.

Với tài nghề của mình, ông Hai Châu đã chữa trị trật xương khớp cho hàng nghìn trường hợp.Ảnh: TRẦN LÂM

Xoa bóp “sửa” trật trẹo xương khớp

Tài nghề chữa bệnh của ông được thiên hạ biết đến nhiều nhưng ít ai biết rằng, ông là một Đảng viên với hơn 50 năm tuổi Đảng, tham gia cách mạng khi tuổi còn niên thiếu. Từ ngày về hưu, ông lấy nghề thuốc cứu giúp bà con. Ông là Trần Ngọc Sơn - còn gọi là Trần Văn Châu (Hai Châu, SN 1932, ở thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành -Quảng Nam). Là con trai trưởng nên hiện ông sống và quản nhiệm căn nhà thờ tộc họ khang trang, có khuôn viên ao vườn rộng phía sau chợ Trạm (Tam Hiệp).

Dáng người thấp nhỏ, dù đã ngoài 80 tuổi nhưng cử chỉ, hành động của ông còn khá nhanh nhẹn. Tiếp chúng tôi, ông nói: “Có gì đâu mà kỳ diệu, chẳng qua là tí tài mọn được học và đúc kết kinh nghiệm từ những năm trong kháng chiến, giúp bà con khi gặp tai nạn thôi chứ có gì lớn lao”.

Ông cho biết, những trường hợp dù nặng hay nhẹ, miễn là bị trật xương, khớp, quai hàm không cử động được... khó mấy cũng chữa hết. Nhưng với những trường hợp qua chẩn đoán mà phát hiện gãy xương, đặc biệt là gãy xương kín, ông yêu cầu đến ngay bệnh viện để được bó bột. Nhiều trường hợp được ông phát hiện gãy xương và yêu cầu đến bệnh viện, nhưng họ không hiểu còn trách móc. Ông giải thích rõ là xương đã bị gãy, nếu không tin cứ chụp phim, không đúng như chẩn đoán thì ông sẽ trả lại tiền chụp phim.

Trong khi trò chuyện, lại có khách đến nhờ sửa trật khớp và cũng chỉ mất 5 - 7 phút là ông đã “tiếp” xong. Quay lại bàn, ông Hai Châu nói: “Đó, vậy là xong. Anh chàng này bị trật quai hàm, miệng không mở được, không nói được nhưng giờ thì hết rồi”.

Khi ông chữa trị cho bệnh nhân, từ phía ngoài chúng tôi quan sát chỉ thấy ông thoa dầu nóng vùng bị đau, sau đó xoa xoa, bóp bóp rất đơn giản.

Bệnh nhân vừa được ông chữa khỏi tên Kiên, nhà ở xã Tam Mỹ Tây. Anh kể: “Hai ngày trước, tôi giúp dựng nhà cho ông bạn hàng xóm, làm việc nặng nên mệt mỏi, ngủ sớm. Không hiểu sao, đến sáng dậy, hai quai hàm cứng đơ, miệng mở không ra, không nói được. Cả nhà hốt hoảng, thoa dầu, cạo gió… nhưng không hết. Gia đình sắp xếp đưa đi bệnh viện thì có người chỉ nên tôi đến đây”.

Theo ông Hai Châu, có ngày ông chữa trị cho 6 - 7 người. Bất kể ngày đêm, lễ tết, hễ có người tìm đến là ông giúp. “Có một số bệnh nhân áy náy trong lòng, cố nài nỉ, tôi chỉ nhận vài nghìn đồng cho cháu ăn kẹo, cũng là để người bệnh yên lòng mà thôi” - ông nói.

Ông kể, trong “sự nghiệp” chữa bệnh cứu người của mình, đã từng gặp rất nhiều chuyện khó xử. Nhất là khi bà con thấy trị bệnh quá nhanh mà hiệu quả nên tưởng ông “trị bệnh dựa vào thần thánh”. “Nhiều người khi được trị hết bệnh còn hỏi: Thầy có bàn thờ cho tôi xin được thắp nén hương! Tôi chỉ biết cười và trả lời: Tôi là Đảng viên, thời chiến tranh ở trong rừng học nghề y từ các bác sĩ, nhờ vậy giờ có cái nghề để giúp bà con thôi”.

“Bí quyết” học từ chiến khu

Ông Châu sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Cha ông là Trần Trà theo cách mạng từ trước năm 1945, sau tập kết miền Bắc. Từ năm 14 - 15 tuổi, ông Châu đã tham gia Đội thiếu nhi Kim Đồng (tiền thân của Đội thiếu niên Tiền phong). Lúc đó đội thiếu nhi được giao nhiệm vụ tập hợp anh em để tuyên truyền, xung phong hô khẩu hiệu, hát những bài ca cách mạng… ở nơi đông người, nhằm chuẩn bị cho khởi nghĩa. Từ đây ông vào Đoàn thanh niên Cứu quốc rồi dân quân du kích địa phương, tham gia các đoàn thể đưa người đi tập kết miền Bắc.

Năm 1959 ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, được Huyện ủy Tam Kỳ rút về căn cứ ở vùng rừng núi huyện Trà My. Sau khi học lớp trinh sát, lúc này Khu ủy khu 5 thành lập, ông được điều động về làm công tác quản lý, hành chính.

Ông kể: “Tôi được cử đi học nhiều lần nhưng học được 7 - 8 tháng thì ta mở chiến dịch nên rút về. Vậy đó, học nhiều lần mà đành lỗi hẹn với bằng cấp”.

Từ năm 1961 đến 1970, ông làm công tác chăm sóc sức khỏe và vô tuyến điện tại Khu ủy khu 5. Năm 1962, khi làm công tác chăm sóc sức khỏe ở Khu ủy 5, ông được bác sĩ Ba (Ba Bấm) truyền “bí quyết” chữa bệnh bong gân, trật xương… Cùng với những kiến thức từng được học về ngành y, ông lĩnh hội rất nhanh.

“Thầy Ba có biệt tài về chữa trị gân xương. Ông “bấm” rất hay nên đồng đội đặt biệt danh là Ba Bấm. Thầy quê Vĩnh Điện, tập kết ra Bắc được ông lang Hanh (Hải Dương) truyền thụ cái nghề xoa bóp, bấm sửa trật xương khớp” - ông Hai Châu kể.

Năm 1977 về hưu, ông Châu vui thú điền viên và trị bệnh giúp bà con. Tiếng lành đồn xa, nhiều cán bộ ngành y tế nghe được đến tìm hiểu. Khi biết được ông là một Đảng viên kỳ cựu, từng tham gia công tác chăm sóc sức khỏe trong chiến trường, được trao tặng kỷ niệm chương, họ cũng thán phục. Trong quá trình tham gia cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến các hạng...

Lượt xem : 81807 Người đăng : admin

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo