Trang chủ --> Tin tức Hoàng Kim --> Người giàu không ở... hai con mắt
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người giàu không ở... hai con mắt

 
 
Tấm gương bình dị mà cao quý
 
 
 
Người giàu không ở... hai con mắt
 
QĐND - Thứ Ba, 25/12/2012, 19:43 (GMT+7)

QĐND - Thành ngữ có câu “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” ý muốn nói có con mắt sáng và tầm nhìn xa, sự cần mẫn chăm chỉ của hai bàn tay là yếu tố quyết định sự giàu nghèo. Tuy nhiên, có người đàn ông không may mắn có được hai con mắt sáng, nhưng anh đã chinh phục ánh sáng bằng con đường khác... Anh là Hoàng Xuân Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và Hỗ trợ nghề Việt Nam; giảng viên Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng, Hội người mù Việt Nam…

Vượt lên nỗi đau đi-ô-xin

Câu chuyện anh bắt đầu là từ hậu quả của chiến tranh! Chiến tranh đã rải xuống chiến trường miền Nam hàng triệu tấn chất độc hóa học. Cả bố và mẹ anh, ông Hoàng Xuân Hiền và bà Hoàng Thị Duyễn, là những người trực tiếp chiến đấu ở chiến trường lâu năm, nên đã bị nhiễm thứ chất độc chết người ấy, khiến ba đứa con của ông bà đều bị khiếm thị nặng: Em trai anh là Hoàng Xuân Lĩnh cũng là một tấm gương vượt lên tật nguyền, em đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Thua thiệt hơn 2 anh em trai là chị Hoàng Thị Châu, không những mù mà chị còn bị bệnh thần kinh, không có khả năng tự kiểm soát mình...!

Năm cậu bé Hạnh đủ tuổi vào học lớp 1 ông bà dẫn Hạnh đến trường tiểu học, Ban giám hiệu nhà trường không dám nhận vì sợ cậu bé khiếm thị sẽ không theo nổi lớp nhưng bố mẹ Hạnh kiên trì thuyết phục, cuối cùng nhà trường cũng đồng ý cho Hạnh vào học dự thính. Một năm dự thính, Hạnh có kết quả học tốt và nhà trường đã đồng ý cho Hạnh vào học lớp 1 tại ngôi trường làng…

Giảng viên Hoàng Xuân Hạnh làm việc qua chiếc cầu nối giữa chiếc loa và đôi tai của mình.

Cuộc điện thoại từ một đối tác gọi đến hẹn ngày ký hợp đồng cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Anh Hạnh thoăn thoắt mở máy vi tính kiểm tra lại những thông tin cần thiết và nhanh chóng hoàn tất thủ tục chuẩn bị cho buổi ký hợp đồng… Nhìn cung cách làm việc của anh, chúng tôi hết sức ngạc nhiên! Với đôi mắt chỉ còn chút phân biệt đen - trắng thế mà anh sử dụng máy vi tính rất thành thạo, đầy chuyên nghiệp. Hồi lâu, chúng tôi mới biết và thêm thán phục anh vì đôi tai thính nhạy khi nghe âm thanh trên phần mềm soạn thảo văn bản dành cho người khiếm thị...

Anh tiếp tục tâm sự: Tôi lên THPT thì bắt đầu được học chữ Braille. Năm 1994, tôi vào Hội người mù Hà Tĩnh và quyết tâm học để thi đại học. Năm 1999, tôi thi đậu vào Khoa Triết học, ngành quản lý xã hội, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, vừa học đại học, vừa học tiếng Anh… Chúng tôi được biết, anh từng là người khiếm thị xuất sắc nhất của tỉnh được nhận giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, được gửi về Trung ương Hội đào tạo cán bộ. Trong lớp học 20 người là cán bộ các tỉnh về học tại Trung tâm, sau khóa học, Ban giám đốc Trung tâm lấy 6 người ở lại giảng dạy thì anh là người đứng đầu danh sách...

Số phận như bắt đầu mỉm cười với một chàng trai khuyết tật đến từ vùng quê nghèo cát trắng Kỳ Anh, Hà Tĩnh khi anh học tập, công tác có nhiều thành công. Anh liên tục có nhiều sáng tạo, thành công trong công việc như: Viết giáo trình bằng chữ Braille in thành sách, ghi đĩa CD phục vụ học viên… Đặc biệt, anh tham gia viết bộ sách “Tin học văn phòng cho người khiếm thị”, tham gia biên soạn tài liệu “Phục hồi chức năng định hướng không gian về đi lại cho người khiếm thị”. Điều đáng nói là, với giáo viên khiếm thị, công việc soạn giáo án rất khó khăn và tốn thời gian hơn nhiều, không như giáo viên dạy văn hóa ở các cấp! Bởi tài liệu tham khảo, hướng dẫn, sách giảng dạy bằng chữ nổi rất hiếm.

Tình yêu không là cổ tích

Chiều tan sở, cũng là lúc chị Bùi Thị Kim Anh, nhân viên hành chính ở Thời báo Kinh tế Việt Nam có mặt ở phố Trung Kính, Thanh Xuân, Hà Nội đón chồng. Như quen thuộc với thời gian của người vợ thủy chung, nặng nghĩa tình, anh bảo: “Bà xã tôi đến ngoài cổng rồi đó”, để tôi nói với vợ chờ một lúc nhé. Như có linh giác, anh bấm máy: “Mẹ con lên phòng đợi bố chút, hôm nay bố có khách”. Một lúc sau, chị Kim Anh và cháu trai kháu khỉnh Hoàng Anh Dũng gần 6 tuổi có mặt ở phòng làm việc của anh. Chị nhìn anh trìu mến hỏi: “Trưa nay bố ăn gì, mấy đứa làm bài kiểm tra tốt không?”. Chị ngồi tựa bên chồng nắm lấy tay anh, còn bé Hoàng Anh Dũng nũng nịu ôm cổ bố: “Bố mua bim bim cho Dũng nhé”, anh ôm vợ con khoe “Đây là tài sản vô giá của tôi đấy anh ạ”.

Tôi và anh bẵng quên đi phần công việc giảng dạy, sự đa tài của anh mà quay sang câu chuyện tình rất đẹp giữa cô gái xinh đẹp và chàng trai khiếm thị... Kim Anh từng tốt nghiệp trung cấp kế toán, làm cán bộ của Hội người mù tỉnh Quảng Ngãi về trung tâm học tập và anh giảng viên khiếm thị của Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng, hội người mù Việt Nam. Chỉ có bảy tháng về học tập bên thầy Hạnh, Kim Anh đã thầm thương, trộm nhớ thầy lúc nào không biết… Được tôi khơi gợi chuyện tình của anh chị, anh Hạnh cười rồi nói với vợ: “Cho anh nghe lại những bức thư của em viết ngày xưa nhé, anh muốn tiết lộ tài văn của vợ anh chút". Trên màn hình máy vi tính của anh, tôi may mắn được trải nghiệm từng tiếng lòng yêu thương mà chị đã dành cho anh hơn sáu năm về trước:

- Hà Nội ngày…

Anh ơi, còn hơn tuần nữa em xa anh rồi! Hôm nay em không thể gọi anh là thầy nữa. Mà cho em được gọi anh, anh Xuân Hạnh yêu thương nhất của em nhé. Giờ này em và anh chỉ cách nhau mấy căn phòng thôi, nhưng em phải viết lên những lời trên máy, vì đây cũng là cách anh tiếp nhận rõ nhất, tốt nhất. Còn mỗi lần bên anh em bối rối chẳng nói được điều gì…

Hay một bức thư khác gửi qua đường email khi Kim Anh đã trở về Quảng Ngãi công tác.

Quảng Ngãi chiều nhớ anh…

Anh yêu thương! Hôm qua nhà em có mặt đông đủ, em đã thưa chuyện với gia đình rồi. Vì em không thể chờ lâu hơn được nữa… Cả nhà em phản đối quyết liệt lắm! Phía trước chúng ta sẽ gặp vô cùng khó khăn đấy anh ạ. Nhưng anh hãy vững tâm, dù bất cứ hoàn cảnh nào em vẫn luôn bên anh và em là con cưng của cả nhà, một thời gian cả nhà sẽ đồng ý thôi, anh đừng nghĩ nhiều…

Con đường tình yêu giữa một cô gái xinh đẹp, có học, công việc ổn định với một anh giáo khiếm thị đã trải qua những năm tháng khó khăn và lãng mạn, son sắt… Giữa năm 2006, lời hẹn ước thủy chung của họ sau 5 năm mới thành hiện thực...

Giảng viên Hoàng Xuân Hạnh và các học viên lắng nghe tản văn của học viên Trịnh Thị Thùy Dương, An Lão, Hải Phòng.

Khát vọng nhân lên ánh sáng...

Trong cuộc trò chuyện, tôi vô tình chạm đến nỗi đau của người khiếm thị, khi kể một vài hoàn cảnh số phận của những người khiếm thị ở nông thôn. Anh thở dài với điều này: “Phần lớn người khiếm thị ở nông thôn còn khổ lắm, bản thân tôi cũng nhiều đêm trăn trở với những số phận của những người cùng chung sự thiệt thòi đôi mắt. Đó là người khiếm thị ở nông thôn không có điều kiện học tập, là sự nhận thức của số phụ huynh khi nhìn nhận hạn chế về người khiếm thị, là khó khăn về kinh tế… Người khiếm thị không được học chữ Braille, không có điều kiện sử dụng máy vi tính, không tiếp cận được phần mềm nghe, đọc văn bản… Ngoài những khả năng về linh giác, xúc giác, khứu giác, người khiếm thị ở nông thôn không phát huy được gì thêm! Đặc biệt, có phần lớn người khiếm thị mắc phải căn bệnh tự ti, mặc cảm…”. Từ những yêu cầu đó, mỗi cán bộ giảng dạy ở các tỉnh về học tập tại trung tâm, Ban giám đốc trung tâm và thầy Hạnh đã tổ chức nghiêm túc, bài bản các bộ môn như: Dạy chữ Braille, tin học văn phòng, phục hồi chức năng, kỹ năng massage... Với mong muốn họ sẽ trở thành những cán bộ giảng dạy giỏi tại địa phương, chung sức nhân lên ánh sáng cho những người cùng số phận. Anh còn quản lý 2 trang web: www.hoangkim.net.vn  và www.thegioimatxa.net, ngoài những thông tin, hướng dẫn học tập cho người khiếm thị còn cung cấp miễn phí các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị như: Phần mềm đọc màn hình; phần mềm soạn thảo có hỗ trợ tiếng nói; phần mềm luyện bàn phím, phần mềm máy tính nói…

Khát vọng tạo công ăn việc làm cho người khiếm thị cũng là một ước mơ lớn của giảng viên Hoàng Xuân Hạnh. Từ năm 2001 đến nay, anh đã mở Trung tâm massage Hoàng Kim, trên phố Hoàng Hoa Thám, thường xuyên tạo việc làm cho 8 đến 10 lao động, với mức lương hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay anh có 2 trung tâm massage, tạo việc làm cho gần 20 lao động khiếm thị. Hầu hết các em đều được anh và trung tâm truyền nghề rất căn bản, đã có tay nghề giỏi.

Khi hoàn thành bài viết này cũng là lúc chúng tôi được biết: Học viện Hành chính Quốc gia vừa thông báo kỳ thi cao học vừa qua, giảng viên Hoàng Xuân Hạnh đã trúng tuyển chuyên ngành “Hành chính công”. Thông tin ấy càng làm chúng tôi thêm khâm phục ý chí và nghị lực của anh…

Hà Tĩnh, Hà Nội đầu đông 2012

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẠNH

 

Báo Quân Đội Nhân Dân (Ngày 25/12/2012)

Lượt xem : 551855 Người đăng : admin

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo