Trang chủ --> Tin tức Hoàng Kim --> Ông chủ khiếm thị và chuyện tình đẹp như cổ tích
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Ông chủ khiếm thị và chuyện tình đẹp như cổ tích

Không may mắn có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng nhưng anh Hoàng Xuân Hạnh đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi ở tuổi 38, anh đã là ông chủ của một trung tâm tẩm quất, giám đốc một công ty và là giảng viên của một trung tâm đào tạo.

Có lẽ cuối cùng tạo hóa cũng cảm thông với số mệnh của anh nên đã mang đến cho anh tình yêu đẹp như cổ tích.

Vượt lên nỗi đau

 

Ông chủ khiếm thị và chuyện tình đẹp như cổ tích - Ảnh 1Phóng to

 Anh Hạnh có thể làm việc trên máy tính như người bình thường.

Người ta thường nói, ông Trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả. Rằng, những nỗi đau rồi sẽ được đền bù theo một cách khác, bằng một người khác. Trước đây tôi nghĩ có lẽ điều đó đúng, nhưng sau khi gặp anh Hoàng Xuân Hạnh và được nghe những chia sẻ của anh thì tôi đã không còn phải băn khoăn về sự “có lẽ” ấy nữa. Thành ngữ có câu “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, anh Hạnh không may mắn vì ngay từ nhỏ đã không có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng như bao người khác. Nguyên nhân là do hậu quả của chiến tranh,  cả bố và mẹ anh, ông Hoàng Xuân Hiền và bà Hoàng Thị Duyễn đều là những người trực tiếp chiến đấu lâu năm trên những chiến trường ác liệt của miền Nam, nên đã bị nhiễm chất độc da cam. Ngày anh ra đời, cha anh đã thở phào nhẹ nhõm khi thấy một cậu bé khỏe mạnh và hoàn toàn bình thường, thế nhưng niềm vui chẳng được tày gang vì khi vừa tròn 1 tuổi, mắt anh đã không thể nhìn rõ được nữa. Những năm ấy, không biết bao nhiêu đêm bố anh lo lắng cho con đến bạc tóc, còn mẹ anh cũng khóc hết nước mắt bởi sau anh, 2 người em cũng không thoát khỏi “kiếp nạn” mà chiến tranh mang đến. Em trai anh là Hoàng Xuân Lĩnh bị khiếm thị nặng, còn Hoàng Thị Châu không những mù mà còn bị bệnh thần kinh và không có khả năng tự kiểm soát.

Vốn chẳng ai hiểu lòng con bằng bố mẹ, cũng chẳng ai hiểu bố mẹ bằng con. Thấu hiểu những đau khổ mà người sinh thành phải vượt qua, anh Hạnh đã giấu những nỗi niềm riêng vào tận sâu trong lòng mình để có thể vững bước đi qua những năm tháng khó khăn của tuổi ấu thơ. Và suốt những năm tháng đầu đời cho đến khi anh học cấp 3, bố là người bạn đồng hành cùng anh đến trường để những mong con trai có cơ hội thay đổi cuộc đời khi có tri thức.

Ở trên lớp, tuy không thể nhìn thấy cô giảng bài nhưng Hạnh có trí nhớ rất tốt. Anh chỉ ngồi nghe và có chỗ nào chưa hiểu thì lại nhờ bạn bè. Ngày đó chưa có chữ nổi nên anh tự tập viết chữ bằng cách mò mẫm trên vở, rồi về nhà cho bố mẹ đọc lại vì anh không thể tự đọc được. Môn hình học thì bố anh căng dây lên tường nhà để anh lần theo đó giải bài. Kết quả đáng tự hào là nhiều năm liền, anh đều là học sinh xuất sắc của trường và cảm phục trước tấm gương vượt khó vươn lên của anh, sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã đặc cách tốt nghiệp THPT cho anh.

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh đăng ký vào nhiều trường đại học mà vẫn không được chấp nhận. Anh đành tự học ở nhà ba năm sau qua chương trình giáo dục từ xa trên Đài tiếng nói Việt Nam. Sau đó năm 1997, anh ra Hà Nội để mong được đặt chân vào giảng đường đại học. Và niềm vui đến với anh khi năm 1999, anh thi đậu vào Khoa Triết học, ngành quản lý xã hội của trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đến năm 2004, khi vừa mới tốt nghiệp thì anh được đặc cách vào học Khoa Quản trị kinh doanh của Viện Đại học mở Hà Nội. Ba năm sau, chàng trai Hà Tĩnh đã thực hiện được ước mơ của mình khi được cầm trên tay tấm bằng đại học của hai trường đại học ở Hà Nội.

Anh chia sẻ: “Mình đã không sáng mắt nên càng phải cố gắng hơn người khác nhiều lần. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi còn được Hội người mù Việt Nam giúp đỡ, tạo điều kiện rất nhiều trong suốt những năm học đại học và cả thời gian sau này nữa. Nếu không có những may mắn đó thì tôi không có được cuộc sống như bây giờ. Trong thời gian học đại học, tôi đã có ý tưởng mở một tiệm tẩm quất nhỏ để vừa tạo thêm thu nhập cho cuộc sống, vừa giúp đỡ một số người đồng cảnh ngộ vì ở trung tâm hội Người mù có nhiều người đã học xong nhưng vẫn chưa có việc làm. Đến năm 2004, tôi đã thành lập được Trung tâm người mù tẩm quất Hoàng Kim. Lúc đầu, rất gian nan vì chỉ có hai anh em thay nhau làm mọi công việc, lại thiếu vốn, chưa có mặt bằng. Nhưng sau đó thì mọi việc cũng dần ổn định”.

Đến nay anh Hạnh đã có 2 trung tâm tẩm quất của riêng mình, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động khiếm thị với thu nhập trung bình từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng/người. Nhiều người sau một thời gian học việc ở trung tâm của anh đã ra mở trung tâm tẩm quất riêng và đạt được những thành công đáng kể. Ngoài ra, anh còn là Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và Hỗ trợ nghề Việt Nam và đảm nhiệm nhiều công việc khác của Hội Người mù Việt Nam.

Hạnh phúc mỉm cười

Sau những giây phút bộn bề trong công việc, trở về với cuộc sống riêng, anh Hạnh lại như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới. Với anh, tổ ấm có cậu con trai khỏe mạnh, đáng yêu và người vợ hiền thục, đảm đang là tài sản lớn nhất của cuộc đời. Cứ chiều tan sở, người ta lại thấy chị Bùi Thị Kim Anh, nhân viên hành chính ở Thời báo Kinh tế Việt Nam có mặt ở phố Trung Kính (Thanh Xuân, Hà Nội) để đón chồng. Điều này đã trở thành một thông lệ diễn ra nhiều năm, từ lúc anh chị bắt đầu yêu nhau cho đến khi cùng nhau nắm tay xây dựng tổ ấm hạnh phúc.

Tổ ấm nhỏ của anh Hạnh.

Nhiều người yêu mến anh Hạnh vì tính tình tốt bụng, tâm huyết với  công việc giảng dạy và cảm phục anh trước tình cảm sâu nặng mà anh dành cho người vợ của mình. Anh tâm sự rằng, anh cảm động và thấy mình may mắn vì có chị, một người con gái xinh xắn, giỏi giang nhưng quyết định gắn bó cuộc đời mình với một người đàn ông khiếm thị, người không thể mang đến cho chị nhiều điều tốt như bao người đàn ông bình thường khác. Anh chị yêu nhau 5 năm mới “thành hoa kết trái”, khoảng thời gian đó có biết bao ngang trái, gập ghềnh xảy đến, những tưởng sẽ có lúc hai người phải buông tay nhau nhưng tình yêu đã giúp họ vượt qua tất cả.

Hai anh chị quen nhau khi chị Kim Anh đang làm cán bộ của Hội Người mù tỉnh Quảng Ngãi và được cử về Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng, Hội Người mù Việt Nam, nơi anh giảng dạy để học tập. Bảy tháng về học tập bên anh, không biết từ lúc nào chị đã thầm thương, trộm nhớ người thầy khiếm thị nhưng tài hoa ấy. Cứ lúc rảnh, anh chị lại trao đổi, trò chuyện như những người bạn và tình yêu nảy mầm. Rồi những tháng ngày sau đó anh đã không còn đơn độc nữa khi mỗi chiều về, chị lại đèo anh trên chiếc xe đạp trở về phòng trọ, cùng anh chia sẻ vui buồn.

Tình yêu của anh dù trắc trở nhưng vẫn đẹp, vẫn lãng mạn như bao đôi tình nhân khác. Hai người thường hay nắm tay nhau đi dạo công viên rồi lang thang trên những con đường đẹp của Hà Nội. Yêu anh, chị chẳng bao giờ đòi hỏi, có chăng chỉ là tình cảm trái tim anh dành cho mình. Thế mà ngày hai anh chị về ra mắt gia đình của mình, hai bên bố mẹ đều phản đối kịch liệt. Bố mẹ chị vì thương con gái vất vả, còn bố mẹ anh cũng sợ vì yêu anh mà chị phải khổ và hai người sẽ không bền chặt. Từng ấy năm anh chị yêu nhau cũng là từng ấy năm hai người đều phải đấu tranh với gia đình để giữ gìn tình yêu của mình. Những khó khăn sóng gió xảy đến càng khiến anh, chị thêm hiểu và vững tin vào tình cảm dành cho nhau.

Rồi anh chị đã cập bến bờ hạnh phúc và quả ngọt của tình yêu là một bé trai khỏe mạnh đã tròn 7 tuổi. Với anh, cuộc đời không còn gì đẹp hơn thế.  

Tâm huyết với nhiều trọng trách

Ngoài thời gian quản lý trung tâm tẩm quất massage, anh Hạnh còn đi dạy tin học cho người mù, chủ yếu là đào tạo cán bộ hội cho các địa phương lân cận. Đó là cố gắng rất lớn của anh, bởi tài liệu tham khảo, hướng dẫn, sách giảng dạy bằng chữ nổi rất hiếm và anh đã phải mày mò nhiều ngày đêm để hoàn thành tâm huyết của mình. Anh Hạnh còn là thành viên của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, hiệp hội làng nghề Việt Nam và tích cực tham gia hội bảo trợ người khuyết tật của trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội.

Loan Thanh

Lượt xem : 61164 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo