Trang chủ --> Tin tức Hoàng Kim --> Dạ lan hương – Tập thơ người mù huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Dạ lan hương – Tập thơ người mù huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh

                                ĐÔI LỜI CÙNG BẠN ĐỌC

 

                   Cái chữ chi chi… mới lạ đời

Ngoằn nghèo mấy chữ ngược rồi xuôi

Taysờ miệng đọc ngân thành tiếng

Ghép những vần thơ đẹp tuyệt vời

            Kỳ Anh mảnh đất tận cùng của xứ Nghệ, nơi đầy thiên tai bão tố nắng hạn gió Lào.Cuộc sống của người dân nơi đây đang nghèo khó và vất vả. Với những lực điền nguyên vẹn lo đủ bát cơm manh áo đã là điều khó khăn huống hồ lại là những người mù lòa. Trong số hơn 15 vạn nhân khẩu ở Kỳ Anh đã có gần 5000 công dân khiếm thị và gần 800 người mù hẳn quờ quạng đi trong bóng đêm.Khi những đường đi còn nhờ vào chiếc gậy tre thì cuộc sống áo cơm dẫu họ không nói ra thì đời ai cũng đã biết rồi.

 

            Năm 1992, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Hội người mù Kỳ Anh được thành lập. Đấy là chiếc gậy màu nhiệm làm điểm tựa dẫn dắt những người mù ở xứ Đèo Ngang vượt lên số phận, hòa mình vào cộng đồng, vươn lên tự chủ trong mọi công việc làm ăn để mưu cầu sự sống và phát triển.

 

            Bảy năm qua nhiều người mù đã đổi đời. Sự thật đã được biểu hiện nhiều phương diện của đời sống. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội người mù Việt Nam , chúng tôi tập hợp tuyển chọn cho ra đời tập thơ: “ Dạ Lan Hương”. Đây là một chứng thực đầy đủ và sinh động về cuộc sống vật chất, tinh thần và tình cảm cho những người mù Kỳ Anh nói với bạn đọc và cuộc đời qua những bài thơ ứng khẩu trước đây nhờ một số bạn bè chép lại. Từ ngày được học chữ nổi những vần thơ anh chị em người mù lại xuất hiện nhiều hơn phong phú hơn .

 

            Xin cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của huyện ủy – HĐNH –UBNH huyện Kỳ Anh cùng các ban ngành cấp huyện và cấp tỉnh đã tạo điều kiện cho tập thơ ra đời đúng thời điểm.

 

            Xin cảm ơn bạn đọc gần xa có lưu tâm đến tập sách này. Chúng tôi thiết tha mong muốn được sự hồi âm của bạn đọc.

                                                                                      

                                                                                        Kỳ Anh tháng 4 năm 1999

 

                                                                                        TRẦN ANH THI

                                                                                    Hội trưởng Hội người mù huyện Kỳ Anh- Hà Tĩnh

                                                                                           

Những vần thơ tự sâu thẳm cõi lòng

 

          Hội người mù Kỳ Anh trao tôi tập bản thảo hơn 60 bài thơ nhờ biên tập và viết lời giới thiệu. Thú thật ban đầu tôi hơi lo. Tình trạng sáng tác thơ loạn cào cào hiện nay đã ám ảnh những người làm biên tập. Chọn bài nào đây? Cho in được hay không ? Khi một tập thơ ra đời , bạn đọc lướt qua và buông một tiếng thở dài hoặc một cái lắc đầu ngao ngán coi như là hỏng. Sự thật thường đi những lối bất ngờ . Càng đọc , càng ngẫm nghĩ tôi bị cuốn hút bởi những vần thơ khá hấp dẫn của những người mù Kỳ Anh . Đọc thơ các anh các chị, các cháu bất trợt làm tôi nhớ đến thi sĩ mù lòa Nguyễn Đình Chiểu:

                                                        Dù đui mà giữ đạo nhà…

                                              Còn hơn có mắt ông cha không thờ.

          Hóa ra cái đạo ấy là tiền đề để làm nên nhiều chuyện có ý nghĩa.

          Bạch Cư Dị là một nhà thơ cổ Trung Quốc cũng đã từng nói: “Thơ: Tình là gốc…” Nỗi thấm đượm ân tình và khát vọng sống là nguồn cảm hứng để những người mù ứng khẩu, chắp nối làm nên cả tập thơ dài mà lắm người có mắt, được học hành bằng cấp đầy đủ nhưng chưa hẳn đã viết được một câu nên hồn .

 

          Bàn về văn chương, đại văn hào TônxTôi của Nga đã khẳng định: “Ngôn ngữ là dấu hiệu của tư tưởng”. Đại văn hào Lỗ Tấn của Trung Quốc thì cho rằng: “Tâm hồn người nghệ sĩ quyết định nội dung tác phẩm. Cũng như “Từ trong mạch máu phun ra là máu và từ mạch nước phun ra là nước . “ học theo lời của cổ nhân, tôi đã đọc một cách say sưa để chiêm nghiệm vẻ đẹp tâm hồn sáng suốt của những thi sĩ mù. Để tài muôn thủa của các anh các chị quen thuộc muôn thủa mà các anh các chị hướng tới là người mẹ . “ thái dương sinh những bông hồng. Mẹ hiền sinh những anh hùng thi nhân”. Cảm ơn Mác xim Goor Ky đã nói hộ lòng nhân loại điều đó. Máu từ trong tim đi ra rồi máu lại trở về lần nữa.

 

          Cả tập “ Dạ Lan Hương” này tần số từ  “mẹ” được xuất hiện chiếm ưu thế cao nhất so với mọi từ khác. Mở đầu là bài “Mẹ Tôi” của Hoàng Nam Đằng:

                                              Sáu mươi lăm tuổi mẹ đã già

                                           Trên đầu tóc bạc tuyết sương pha

                                           Mà chân lẫm dẫm dò từng bước

                                           Gánh nước vô vườn để tưới hoa.

          Viết về các bà cụ già chân chậm, mắt mờ, tóc bạc,thơ văn truyền thống thường gắn các cụ với việc trong nom các cháu hoặc chăm sóc đàn gà, luống rau v.v…giữa thời buổi kinh tế thị trường như hôm nay ở một miền quê nghèo nhưng Hoàng Nam Đằng đã đưa vào thơ mình chân dung một người mẹ tinh thần rất lý tưởng. Người mẹ “ Lẫm dẫm dò từng bước gánh nước tưới hoa”. Tâm hồn nào bị ám ảnh bởi những “ Đô la” những “ cây” những “chỉ” không thể nào có được những ý thơ cao đẹp đến vậy.

 

          Hoàng Xuân Hạnh cũng nói về mẹ nhưng ở góc độ là lời an ủi, động viên:

                                           Thương con mẹ lén khóc thầm

                                           Nỗi đau đã thế xin đừng…mẹ ơi….

          Lòng người mẹ nào mà cầm được nước mắt khi sinh ba đứa con đều bị mù lòa vì chất độc màu da cam. Sau những năm tháng ở chiến trường về, người mẹ một thời là cô gái TNXP đã lăn lộn với bom đạn Mỹ nay lại phải bươn chải với cơ chế thị trường để nuôi ba con cũng vì hậu quả chiến tranh:

                                         Tuổi già tóc bạc bao nhiêu

                                         Mà bàn tay mẹ nhăn nheo nếp sần

                                         Nắng mưa đã trải bao lần

                                         Để lưng của mẹ phải còng thế kia.

 

Rồi một ngày nào đó vợ chồng mình cũng phải trăm tuổi, ai sẽ nuôi những đứa con tật nguyền này. Lòng mẹ không đau sao được!

Hoàng Xuân Hạnh không chỉ biết động viên mẹ bằng những vần thơ và bản thân em cũng biết nên, sống đẹp có ích cho đời. Trong bài “ Thơ tặng mẹ” Hạnh có cái nhìn rất ân nghĩa:

                               Mẹ thấp gầy bé nhỏ

                               Sao lòng mẹ bao la

                               Cao hơn muôn đỉnh núi

                               Đẹp hơn mọi loài hoa.

Xin hỏi con cái nhà giàu bây giờ mấy ai viết được những vần thơ về mẹ của mình như thế.

Cũng với chủ đề ấy, chị Hồ Thị Kim Sen quê hương dưới chân Bàn Độ luôn nhắc đến mẹ mình với lòng biết ơn:

                               “ Mẹ là gậy dắt con đi

                               Chông gai con có ngại gì mẹ ơi

                               Đời con không thấy mặt trời

                               Vẫn nghe nắng mẹ chói ngời tim con…”

 

ở vùng quê Kỳ Khang đất bạc màu và cát trắng, cuộc sống nghèo nàn, gian khổ. Chị Sen đã gợi lại những kỷ niệm nao lòng:

                               Nhớ cánh đồng xưa những buổi cấy cày

                               Mẹ khom lưng đến từng cây mạ.

Kẻ giàu sang người ta thường đếm bạc, đếm tiền chứ ai lại đếm từng cây mạ bao giờ. Dân nghèo Kỳ Anh là thế. Một chữ “ đếm quen” thuộc được đặt đúng chỗ làm chạm vào trái tim, tấc lòng của những ai còn nhân cách. Ngoài những bài thơ viết về mẹ mình chị Sen còn có những lời chia buồn với những người mẹ từ cuộc chiến tranh trở về:

                               Mười ngày chín tháng ươm cây

                                         Mẹ cha ao ước một ngày đơm hoa

                                         Ngờ đâu số mệnh xấu xa

                                         Hai trai một gái cả ba đều mù

                                         Nhìn con bóng tối âm u

                                         Bốn mươi tuổi đã bạc phơ mái đầu

                                         Nếp nhăn tràn ngập niềm đau

                                         Lắng sâu mắt mẹ một màu da cam.

          Ngoài chủ đề viết về mẹ, các tác giả còn đề cập đến những chuyện tình làng nghĩa xóm, công tác đền ơn đáp nghĩa:

                                      Chiều nay xóm đến lợp nhà

                                      Tám mươi, nước mắt mẹ già rưng rưng.

          Đấy là hai câu thơ mở đầu của bài “ Tình dân nghĩa Đảng” của chị Nguyễn Thị Hà một người mù ở xã Kỳ Thư. Cũng với đề tài này trong bài “Hội Ta”với giọng điệu thống kê chị đã nêu lên hàng chục địa chỉ cao đẹp của Hội người mù Kỳ Anh trong việc đem lại “Niềm vui cho trẻ” “ Sức khỏe cho già” để rồi kết luận:

                                         Hội là nghĩa nặng tình thân

                                         Người mù bớt nỗi âm thầm khổ đau…

          Chủ đề ca ngợi Hội gần như tác giả nào cũng có vài câu hay. Chị Hồ Thị Kim Sen trong bài “ Nói với mẹ” đã khái quát:

                                      Trời cao đất rộng bao la

                                      Cha sinh mẹ dưỡng Hội là đời con.

          Ngoài những chủ đề thiết thân với số phận những người mù, các tác giả còn mở rộng ra các đề tài về “Kế hoạch hóa gia đình”, ca ngợi những người vợ sống thủy chung, những anh thương binh trên trận tuyến mới, những cô gái mù dệt chiếu v.v…

 

          Đề tài tình bạn, tình yêu cũng khá chiếm khá đậm trong tập thơ này. Tôi thật sự xúc động khi đọc hai bài thơ này: “Lớp học người mù “ và “Nhớ bạn” của Hà Xuân Thủy. Một lớp học khác thường vì người học không dùng tiếng mẹ đẻ để viết chữ lên giấy trắng, bảng đen như lẽ thường tình mà họ phải dùng kim châm vào giấy để hiện lên những dòng chữ nổi:

                                         Lưu luyến chia tay lòng để nhớ

                                         Rồi đây ta lại phải xa ta

                                         Thăm nhau bằng mấy dòng chữ nổi

                                         Lẽ nào ta lại bỏ quên ta.

          Trước lúc chia tay những người bạn mù tâm tình với nhau vậy đấy.Đó là lời nguyện ước. Nhưng rồi khi xa nhau thật sự mỗi người một nẻo. Nỗi nhớ bạn khôn nguôi lại cồn cào gan ruột, họ rất muốn bay đến để thăm nhau. Nhưng thương ôi! Kẻ xuôi biển người ngược nguồn xa xôi cách trở:

                                         Tơ vò chín khúc lòng ai thấu

                                         Muốn đi thăm bạn chẳng thấy đường.

          Tình cảm người mù là vậy. Trong bài thơ viết về nỗi khát khao có ánh điện của Hoàng Xuân Hạnh đã gợi lên niềm xúc động cho bao người.

                                        Điện đã về mọi người vui hớn hở

                                         Mắt em mù giọt lệ lại rưng rưng.

          Nhưng điều đáng mừng là những người mù Kỳ Anh đã vượt lên hoàn cảnh để sống, làm thơ- yêu đời và đi tới. Phẩm chất thi sĩ của từng người một được bộc lộ qua từng câu chữ rất chân thật nghĩa tình. Về lĩnh vực này đi dầu là Hoàng Xuân Hạnh một thanh niên đã có ý chí quyết tâm theo đòi nghiên bút. Hạnh đã hoàn thành chương trình phổ thông. Vốn chữ nghĩa của Hạnh khá phong phú, cộng với hồn thơ và khát vọng giao hòa đã khiến Hạnh làm nên nhiều tứ thơ độc đáo:

                                      Anh nghĩ rằng tuổi thơ sẽ đi qua

                                      Mùa hè ấy bỗng chốc thành vô tận

                                      Phượng nở hoài ve dâng từng đợt sóng

                                      Mắt thẫn thờ nuối tiếc một vần thơ.

                                      Một lần “Nuối tiếc” tâm sự với một người bạn cùng cảnh ngộ đã xa nên bây giờ Hạnh lại hướng lòng mình  lên vũ trụ với một ý thơ không dễ gì ai cũng có được:

                                      Đêm dài tâm sự cùng trăng

                                      Câu thơ viết mãi chưa xong nỗi buồn.

          Đến bài “Mong nắng” Hạnh đã đạt được độ chín của một người từng trải và xót xa:

                                      Nỗi buồn thấm ướt trong thơ

                                      Cho ta khóc những ngày xưa hiện về

                                      Tình yêu trao gửi câu thề

                                      Ai hay khờ dại dầm dề hạt mưa.

          Thơ Hạnh còn nhiều câu hay, xin bạn đọc cứ lần tìm trong hơn 20 bài được in trong tập.

          Ngoài Hoàng Xuân Hạnh, chất thi sĩ trong người phụ nữ mù lòa của núi Bàn Độ cũng đạt đến mức khá tinh tế. Hãy nghe chị Sen nói về nắng Hà Nội:

                                      Rộn ràng trong tiếng tàu xe

                                      Dưới trời Hà Nội tôi nghe nắng cười

                                      Bao nhiêu âm điệu từ thời Hùng Vương

“ Nghe” được nắng cười trong vòm biếc mà nhận ra âm điệu thời Hùng Vương ở Hà Nội bây giờ chỉ có trái tim người mù mới cảm nhận được như vậy. Xin hãy đọc thêm bài “Bận” của chị kể về một ngày bận rộn túi bụi việc lợn gà nhưng:

                                      Mấy trang chữ nổi trên bàn

                               Bài thơ chấm dở, mấy hàng chưa xong.

          Khi biên tập đến dòng này tôi đã gạch chữ “chấm” để thay vào chữ “viết”. Nhưng rồi đọc lại câu trên đó mới giật mình ngẫm lại: Có một lần tôi đã thấy lớp người mù học chữ Braille nên vội vàng cung kính khôi phục lại từ chấm như nguyên bản.

Một từ “ chấm” của người mù thơ trên giấy nó cứ ám ảnh tôi như chính mũi kim ấy châm vào trái tim tôi. Văn chương hay phải là văn chương đạt đến sự ám ảnh lòng người.

          Anh Võ Xuân Thoại đóng góp trong tập thơ với ba mảng khác nhau. Đầu tiên là lời văn gian khổ và niềm vui sướng của một người mang nhau lại.

                                      Nhân thể hôm nay được giãi bày

                                      Nỗi niềm đau khổ bấy lâu nay

                                      Mắt mù không thấy chi trời đất

                                      Cuộc sống đời mình thật đắng cay

                                      Nhờ Đảng ơn Người tôi sáng lại.

          Sau ngày sáng mắt – thế là ánh sáng thêm cả cõi lòng. Anh đã làm thơ ca ngợi thầy cô giáo, ca ngợi cả những người cùng cảnh ngộ nhưng biết vượt lên làm chủ cuộc đời mình.

          Còn biết bao vẻ đẹp trong tập thơ “Dạ Lan Hương” này xin mời bạn đọc hãy tự tìm đến.

          Để kết thúc bài viết này tôi xin được trích lại đoạn cuối bài: “Trò chuyện với người mù” của tác giả mù Hà Xuân Thủy:

                   Cái chữ chi chi… mới lạ đời

Ngoằn nghèo mấy chữ ngược rồi xuôi

Taysờ miệng đọc ngân thành tiếng

Ghép những vần thơ đẹp tuyệt vời.

          Không phải “ cái chữ chi chi lạ đời” mà chính là tâm hồn của các anh chị ẩn chứa những vẻ đẹp lại thường. Tâm hồn ấy đã “ngân lên thành tiếng” phát ra “những vần thơ đẹp tuyệt vời” từ cõi lòng sâu thẳm của tâm thức.

          “ Một trang thơ khép lại – một thế giới mở ra. Câu thơ hay làm cho chúng ta không còn thấy câu thấy chữ mà chỉ thấy tình người”  (Tố Hữu) . Tập sách này chắc hẳn có nhiều những câu thơ như thế, không thể phụ lòng những ai đã chiếu cố tìm đọc với thái độ chân thành.

 

                                                                                                           Tháng 4/1999

                                                                                                                                        Võ Minh Châu

 

Lượt xem : 60241 Người đăng : admin

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo