Trang chủ --> T: --> THỦY THŨNG
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

THỦY THŨNG

 


Thủy thũng là loại bệnh do công năng bài tiết thủy dịch trong cơ thể mất bình thường, thủy dịch ứ đọng lại gây nên phù thũng cục bộ hoặc toàn thân.

Chất nước ứ đọng trong cơ thể, tràn ra da, thớ thịt, làm cho mặt, mi mắt, chân tay, lưng bụng, thậm chí toàn thân phù, gọi chung là Thủy thũng.

Trong Nội kinh có bệnh danh là ‘Thủy’; Sách ‘Kim Quỹ Yếu Lược’ có bệnh danh là ‘Thủy khí’.

Thiên ‘Khí Huyết Luận’ (Tố Vấn 37) viết; “Mạch của Thận Vi Đại là chứng Thạch thủy. Dũng thủy ấn tay vào bụng không thấy cứng, thủy khí náu ở Đại trường, đi nhanh có tiếng kêu óc ách, như túi bọc nước, đó là bệnh Thủy”.

Về phân loại, sách Nội Kinh căn cứ vào triệu chứng mà nêu ra Phong thủy, Thạch thủy. Lại căn cứ vào chất nước ứ đọng ở mỗi tạng để chia ra các loại chứng hậu khác nhau.

Chu Đan Khê đời Nguyên tổng kết lý luận và kinh nghiệm của người xưa, chia thủy thũng làm hai loại lớn là Âm thủy, Dương thủy.

Các đời sau, căn cứ theo lý thuyết của Chu Đan Khê trên cơ sở hai loại lớn Âm thủy, Dương thủy lại chia ra nhiều thể bệnh, đối với nhận thức về biện chứng thể bệnh đã có bước tiến nhất định. Những bàn luận về thủy thũng của người xưa, bao gồm cả loại Thủy thũng do viêm Thận cấp, mạn tính; bệnh Tim, xơ Gan và trở ngại dinh dưỡng trong y học hiện đại.

Nguyên Nhân

1) Ngoại cảm phong tà thủy thấp: Phong tà từ ngoài xâm phạm, Phế khí không tuyên thông, không điều hòa thủy đạo đưa xuống Bàng quang, phong tà và thủy khí kích bác lẫn nhau đến nỗi phong thủy tràn lan ra thớ thịt và da gây nên thủy thũng.

2) Do ăn uống ở nơi ẩm thấp: ăn uống không điều độ, no đói thất thường, hoặc mệt nhọc quá mức; Tỳ khí bị tổn thương mất chức năng kiện vận đến nỗi thủy dịch ứ đọng không chưng hóa được. Ở nơi ẩm ướt hoặc lội nước dầm mưa, thủy thấp ngấm vào trong, thấp tà ứ đọng ở trung tiêu, Tỳ bị thấp làm trở ngại nên vận hóa không mạnh, thủy thấp không đưa xuống được tràn ra cơ bắp gây nên thủy thũng. Nặng hơn thì Thận khí nội thương, Thận hư chức năng mở đóng không thuận lợi, thủy dịch tràn ra cũng gây nên thủy thũng.

3- Do lao động quá sức làm tổn thương Tỳ. Thêm vào đó, no đói thất thường làm Tỳ ngày càng suy tổn. Tỳ có công năng vận hành dưỡng chấp nuôi dưỡng toàn thân,. Nếu Tỳ hư thì thủy dịch không vận hóa, đình trệ lại bên trong, đến lúc Tỳ thổ không ức chế được thủy, thấm vào cơ mô gây nên thủy thũng.

4- Do phòng sự quá độ hoặc tinh thần quá căng thẳng làm cho Thận khí bị tổn thương, ảnh hưởng đến việc hóa khí của Bàng quang và Tam tiêu, thủy dịch bị ngừng trệ, ngấm ra da thịt gây nên thủy thũng.

Các nguyên nhân nói trên, đều có thể chuyển hóa lẫn nhau. Như thủy thũng do ngoại nhân lâu ngày không khỏi, thủy thấp ngấm dần có thể dẫn đến Tỳ Thận dương hư khiến bệnh tình càng thêm dai dẳng. Trái lại, Thủy thũng do nội nhân, một khi cảm nhiễm ngoại tà cũng dẫn đến Phế khí không tuyên giáng được, khiến cho xu thế thủy thũng đột nhiên tăng lên.

Chương ‘Thủy Thũng Môn’(Y Môn Pháp Luật) viết: “Sách nói ‘Nhị dương kết gọi là Tiêu, Tam âm kết gọi là Thủy; Tam âm là hai tạng Thủ Túc Thái âm Phế. Vị là bể thủy cốc bệnh thủy có gốc từ Vị, sách nói thuộc Tỳ Phế là tại sao ? Túc Thái âm Tỳ đủ sức chuyển tinh vi lên trên ; Thủ Thái âm Phế đủ khả năng thông điều thủy đạo xuống dưới thì bể không nối sóng. Chỉ có khí của hai tạng Tỳ Phế kết lại không thông, vì sau này càng tích chứa trong Vị, thấm khắp biểu lý nơi nào cũng bị, đó là Tỳ Phế không phát huy tác dụng nữa. Nhưng tác dụng quan trọng nhất là Thận, vì Thận là cửa của Vị. Thận chủ mở đóng. Thận theo dương thì mở. Dương quá mạnh thì quan môn mở rộng, thủy dồn xuống mà thành tiêu. Thận theo âm thì đóng. Âm quá mạnh thì quan môn đóng chặt, thủy không thông mà thành thũng. Sách còn nói Thận là bản, Phế là tiêu là có đủ ý đón nhận chuyển vận, như vậy thì gây nên bệnh Thủy cốt lõi xuất phát từ ba tạng Tỳ Phế Thận mà ra”.

Hải Thượng Lãn Ông trong ‘Bách Bệnh Cơ Yếu’ viết: “ Thận hư không hành được thủy, Phế hư không chế được thủy, Vị hư không chuyển hóa được thủy cốc, đình lại ở Tỳ, Tỳ không vận hóa được làm cho Tam tiêu, kinh lạc đều bị ngừng trệ, lưu lại ở tạng thì thành bệnh trướng, ngấm ra bì phu thì thành bệnh thủy thũng… Thủy khí gây bệnh nếu thành trướng phần nhiều là thực chứng, nếu phát ra phù thũng, đa số là hư chứng. Tuy nói tạng Phế có liên hệ nhưng gốc bệnh vẫn là hai tạng Tỳ và Thận. Vì mệnh môn hỏa hư không ôn hóa được Thận khí, không ôn dưỡng được Tỳ thổ. Thủy cốc lan tràn, Tỳ kém vận hóa. Do đó, Tỳ dương cũng suy kém dần trở thành mạn tính. Muốn đạt hiệu quả tốt nhất trước hết phải chú trọng ôn bổ mệnh môn”.

Nói tóm lại, ngoại cảm phong tà thủy thấp dẫn đến thủy thũng phần nhiều là Dương thủy. Nội thương ăn uống mệt nhọc dẫn đến thủy thũng phần nhiều là âm thủy. Lâm sàng còn hay gặp trường hợp thủy thấp, dễ làm tổn thương dương khí. Thấp uất hóa nhiệt, nhiệt nung nấu làm tổn thương phần âm; hoặc người bệnh vốn bị âm hư, lại có thể xuất hiện chứng trạng âm hư nội nhiệt.

Qua những bệnh lý nói trên, dù ngoại cảm hay nội thương gây ra thủy thũng, đều có liên quan tới ba tạng Tỳ, Phế, Thận, và nguyên lý phát bệnh của ba Tạng đó lại có liên hệ ảnh hưởng lẫn nhau.

Theo sách Nội Kinh Tố Vấn, các chứng thủy thũng là bệnh có liên can tới Phế, Tỳ, Thận. Bởi vì Thủy là Chí âm, cho nên gốc ở thận. Thủy hóa do khí, cho nên ngọn ở Phế; Chỉ có thủy mới sợ Thổ, cho nên chế Thủy là do Thổ. Như vậy là có sự liên quan giữa Tỳ Phế Thận đối với bệnh thủy thũng, lấy Thận làm gốc, Phế làm ngọn, lấy Tỳ làm cột trụ, đây là mấu chốt trong điều trị bệnh này.

Hải Thượng Lãn Ông, trong ‘Bách Bệnh Cơ Yếu’ dựa vào nguyên nhân gây bệnh và biểu hiện chứng trạng có liên quan đến bệnh thủy thũng phân tích một cách cụ thể như sau:

+ Tỳ nhiễm phải thấp tà, Tỳ khí không vận hóa được làm cho mặt, chân tay phù thũng là do thấp khí sinh bệnh.

+ Ăn uống phải các chất có độc. Độc khí đọng lại trong dạ dày rồi đưa dần vào trong gây nên bệnh thũng là do ngộ độc gây nên.

+ Bị bệnh thương hàn, dùng lầm thuốc hạ quá sớm, tà khí nhân đó chuyển vào bụng gây nên phù thũng là do gốc bệnh của thương hàn.

+ Sau khi bệnh nặng mới khỏi, khí huyết quá hư hao, trung khí chưa được phục hồi cũng dễ sinh bệnh thũng là do quá hư yếu. Nhưng loại này sáng dậy thấy thũng ở mặt, buổi chiều thì thũng ở chân.

+ Tỳ hư có thấp tà, không vận hóa được tinh khí làm cho vinh vệ bị đình trệ, Phế khí không thông xuống, thủy khí bốc lên làm cho mi mắt sưng phù, bụng to, sắc mặt nhạt, chân phù mà lạnh, đè vào lõm xuống nhưng nhấc tay thì đầy ngay, da phù như bong bóng nước, đó là do thủy khí gây bệnh.

+ Thủy khí đọng lại ở bàng quang làm cho âm nang phù thũng, đó là chứng nang thũng.

+ Bụng ngực đầy tức, buổi sáng ăn vào không được, buổi chiều ăn vào bụng trướng to như cái trống, sắc da vàng xám mà bụng thấy nổi gân xanh, ngoài tuy cứng nhưng bên trong không có gì, đó là loại cổ trướng chứ không phải bệnh phù thũng.

+ Bụng đầy trướng, ợ hơi, ăn không được, hơi thở ngắn, phiền khát, mặt vàng, da bóng, chân tay gầy mà lại có ho, tiểu ít, táo bón là loại trướng mãn do Tỳ hư quá mức.

+ Đột nhiên bị phong hàn phạm vào vào Tỳ Vị cùng với thấp tà công kích lẫn nhau làm cho khắp người đều phù, đè tay vào bụng thấy lõm xuống, lâu đầy, mệt mỏi, không muốn ăn, ợ chua, muốn nôn, đó là thuộc loại phu trướng.

Đối với trẻ nhỏ thì:

+ Tâm Tỳ hư tổn quá nhiều làm cho mặt vàng, bàn chân sưng phù, đó là chứng ‘Cam Thũng’.

+ Trong bụng có tích uất kết lâu ngày hóa thành thủy thủng, đó là chứng ‘Tích thủy’.

+ Luôn bị sợ hãi, tâm hỏa bị kích động nhiều sinh ra chứng táo khát, rồi do uống nước nhiều, thủy dịch bị ngưng trệ gây nên phù thũng, đó là loại ‘Kinh thủy’.

Biện Chứng Luận Trị

Mới bị thủy thũng, phần nhiều xuất hiện chứng trước hết phù ở mi mắt, sau đó lan ra đầu mặt, tay chân và toàn thân. Cũng có khi bắt đầu phù thũng từ chân rồi mới phát triển toàn thân. Nếu tình thế bệnh nghiêm trọng có thể có các chứng trạng ngực bụng nghẽn đầy, suyễn thở không nằm được.

Thiên ‘Thủy Trướng’ (Linh Khu) viết: “Bắt đầu bị chứng thủy, hố mắt hơi sưng như người mới ngủ dậy, ho, bắp chân lạnh, ống chân phù, bụng cũng to, đó là đã hình thành chứng thủy. Để xét chứng hậu, dùng tay ấn vào bụng thấy chỗ đó lõm xuống, nhấc tay lên chỗ lõm nổi ngay như người lấy tay nhúng vào nước vậy”.

Biện chứng thủy thũng có thể chia hai loại lớn là Âm thủy, Dương thủy. Dương thủy thuộc Biểu thuộc thực, Âm thủy thuộc Lý thuộc hư.

Dương thủy bao gồm phong và thủy chọi nhau, thủy thấp xâm lấn. Âm thủy bao gồm Tỳ Thận dương hư, thủy tà tràn lan.

Về điều trị, có ba phép lớn là phát hãn, lợi tiểu và công trục.

Sách ‘Kim Quỹ Yếu Lược’ đề xuất hướng điều trị: “Phong thủy thì mạch Phù, chứng biểu hiện đau khớp xương, sợ gió. Bì thủy mạch cũng Phù, chứng biểu hiện mu chân sưng, ấn vào lõm tay, không sợ gió, bụng to như trống, điều trị nên phát hãn. Chính thủy thì mạch Trầm Trì, chứng biểu hiện là Suyễn. Thạch thủy thì mạch Trầm, chứng biểu hiện là bụng đầy mà không suyễn... các bệnh thủy từ lưng trở xuống thũng, nên lợi tiểu tiện; từ lưng trở lên thũng, nên phát hãn sẽ khỏi”.

Thiên ‘Thũng Trướng’ (Cảnh Nhạc Toàn Thư) viết: “Ôn bổ thì có thể hóa khí. Hóa khí sẽ khỏi hẳn, Khỏi hẳn rất tự nhiên. Tiêu phạt là để trục tà, trục tà sẽ khỏi tạm thời, cái khỏi đó chỉ là gò ép. Một đằng là khỏi đích thực, một đằng khỏi gỉa tạo, làm sao có thể coi khỏi giả tạo là khỏi đích thực được chăng”.

Hải Thượng Lãn Ông nêu ra nguyên tắc điều trị chi tiết như sau:

. Thũng ở phần trên, dùng phép phát hãn, ở phần dưới dùng phép lợi tiểu.

. Thũng ở phần biểu dùng phép phát hãn, ở phần lý dùng phép công hạ. Nhưng không nên dùng thuốc quá mạnh như Đại kích, Cam toại… Nếu dùng thuốc quá mạnh thủy tà nhân hư mà chuyển thành bệnh nặng hơn, tiểu không thông, dùng thuốc thông lợi mà tiểu lại bị bế. Do trung khí bị hư, mất chức năng thăng giáng. Ngoài ra còn do thuốc hàn lương làm ngăn lại gây nên tiểu không thông. Chỉ nên dùng thuốc ôn dương giáng khí như Trầm Hương Phụ Tử Thang… thì tiểu tự thông mà suyễn đầy cũng khỏi.

Thông qua thực tiễn lâm sàng lâu đời, về sau bổ sung thêm các phép chữa kiện Tỳ, bổ Thận, ôn dương, vừa công vừa bổ.

DƯƠNG THỦY

1) Phong Và Thủy Cùng Chống Nhau: Trước khi phát sinh thủy thũng hoặc khi xuất hiện thủy thũng thường có chứng trạng ngoại cảm như phát sốt, sợ gió, sợ lạnh, nhức đầu, tay chân mỏi, ho suyễn, họng sưng đỏ đau, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù. Trước tiên mặt mắt phù thũng sau mới lan tỏa toàn thân, tiểu tiện không lợi, nói chung xu thế bệnh cấp tính khá nhanh.

Biện chứng: Phong tà xâm phạm Phế, Phế bị tắc không lưu thông đường nước, ảnh hưởng đến khí hóa Bàng quang mất bình thường khiến cho tiểu không lợi, phù thũng khắp mình. Phong là dương tà, tính hay đi lên, phong và thủy chọi nhau cho nên thũng bắt đầu từ trên mà phát triển nhanh. Tà ở cơ biểu, vít tắc kinh toại xuất hiện các biểu chứng như sốt, sợ gió, sợ lạnh, đau đầu, khớp xương mỏi, rêu lưỡi trắng mỏng v.v... đều do ngoại cảm phong tà gây nên. Ho mà Suyễn là do Phế mất sự túc giáng, bụng sưng đỏ đau là do phong nhiệt xâm phạm.

Điều trị: Tuyên Phế lợi thủy. Sách ‘Đan Khê Tâm Pháp’ viết; “Trị bệnh phù thũng, nếu có phát sốt là thủy tà còn ở phần biểu, nên dùng phương pháp phát hãn”.

Dùng bài Việt Tỳ Gia Truật Thang (Kim Quỹ Yếu Lược): Cam thảo 8g, Đại táo 2 trái, Ma hoàng 24g, Sinh khương 12g, Thạch cao 32g, Bạch truật 8g. Sắc Ma hoàng trước với 1,4 lít nước cho sôi, vớt bỏ bọt, cho thuốc vào, sắc còn 600ml, chia làm 3 lần uống, uống xong trùm chăn (mền) cho ra mồ hôi.

(Trong bài có Ma hoàng, Thạch cao để tuyên Phế thanh nhiệt; Bạch truật kiện Tỳ lợi thủy, khiến Phế khí tuyên thông, thủy thấp chảy xuôi thì Phong thủy tự rút).

Nếu sốt không nặng lắm, bỏ Thạch cao. Biểu chứng rõ ràng thêm Khương hoạt, Phòng phong. Ho thêm Tang bạch bì, Tiền hồ, Hạnh nhân. Họng sưng đỏ đau, thêm Ngân hoa, Bồ công anh, Bản lam căn v.v... Nếu biểu chứng tạm khỏi mà nặng mình, thủy thũng chưa rút có thể áp dụng phép chữa thủy thấp thấm vào trong, cho uống các bài như Ngũ Linh Tán, Ngũ Bì Ẩm v.v... Nếu ra mồ hôi, sợ gió là Vệ dương đã hư, nên giúp Vệ khí khơi thông tà khí thủy thấp, cho uống Phòng Kỷ Hoàng Kỳ Thang gia vị.

2) Thủy Thấp Ngấm Vào Trong: Khắp mình thủy thũng, chủ yếu là từ bụng xuống đến chi dưới, ấn vào lõm ngập ngón tay, tiểu ít, thân thể nặng nề, mỏi mệt, biếng ăn, ngực khó chịu, muốn nôn, rêu lưỡi nhớt, mạch Nhu. Phát bệnh nói chung từ từ, bệnh trình kéo dài.

Biện chứng: Tà khí thủy thấp ngấm vào cơ bắp, bị nghẽn không lưu thông, khiến cơ thể phù thũng không rút. Thủy thấp ứ đọng ở trong, sự khai thông của Tam tiêu không tốt ; Khí hóa của Bàng quang thất thường cho nên tiểu tiện không lợi, Thủy thấp ngày càng tăng không có lối thoát đi ngang ra cơ bắp, cho nên phù càng tăng, ấn vào ngập ngón tay. Tỳ bị thấp làm trở ngại, dương khí không thuận lợi cho nên nặng nề mỏi mệt, biếng ăn, ngực khó chịu, muốn nôn, rêu lưỡi nhớt, mạch Nhu v.v... Tính của thấp dính nhớt khó mà hóa được nhanh, đó là lý do tình thế bệnh dai dẳng kéo dài.

Điều trị: Thông dương lợi thủy. Sách ‘Đan Khê Tâm Pháp’ viết: “Bệnh phù thũng mà người không nóng là thủy khí ngừng trệ bên trong, phải gấp dùng phương pháp thông lợi tiểu tiện và thuận khí, hòa Vị”.

Chủ yếu dùng Ngũ Linh Tán (Thương Hàn Luận): Bạch truật 8g, Nhục quế 4g, Phục linh 12g, Trạch tả 16g, Trư linh 8g, phối hợp với Ngũ Bì Ẩm (Cục Phương): Đại phúc bì, Địa cốt bì, Ngũ gia bì, Phục linh bì, Sinh khương bì) (Ngũ Linh Tán có tác dụng thông dương lợi thủy; Ngũ Bì Ẩm có tác dụng hành thủy tiêu thũng. Hai bài dùng chung, sức lợi thủy tiêu thũng càng mạnh).

Nếu thũng nhiều ở nửa người phần trên kèm theo Suyễn, thêm Ma hoàng, Hạnh nhân. Nếu rêu lưỡi trắng dày, nhạt mỏng, mỏi mệt, trướng bụng, nửa người phần dưới thũng nặng khiến cho đi đứng phải khom bỏ Tang bạch bì, thêm Hậu phác, Xuyên tiêu mục, Phòng kỷ để hành khí hóa thấp. Nếu thấp thắng, dương ít, sợ lạnh, chân tay lạnh, mạch Trầm Trì, thêm Phụ tử, Can khương để trợ dương, hóa khí, lợi thủy thấp.

3) Thấp Nhiệt Ủng Tắc Quá Nhiều: Thủy thấp uất lại lâu ngày hóa nhiệt, thấp và nhiệt ủng thịnh, tiêu hao tân dịch, khắp người đều phù, sắc da trong, bóng, bụng ngực đầy tức khó chịu, nóng bứt rứt, khát nước, nước tiểu ít mà đỏ, táo bón, rêu lưỡi nhớt mà vàng, mạch Trầm Sác.

Điều trị: Thanh thấp nhiệt, phân lợi thủy ta (thấp nhiệt)ø. Sách ‘Đan Khê Tâm Pháp’ viết: “Bệnh thủy khí không có biểu chứng là bệnh ở phần lý, nên dùng phép hạ lợi (trục thủy), nhưng mức độ nặng nhẹ khác nhau, không nên dùng thuốc công hạ quá mạnh.

Bệnh nhẹ dùng Kỷ Tiêu Lịch Hoàng Hoàn (Kim Quỹ Yếu Lược): Đại hoàng 40g, Đình lịch 40g, Phòng kỷ 40g, Tiêu mục 40g, Tán bột, làm hoàn. Ngày uống 12 ~ 16g. Bệnh nặng dùng bài Sơ Tạc Ẩm Tử (Tế Sinh Phương): Binh lang 4g, Đại phúc bì 6g, Khương hoạt 6g, Mộc thông 6g, Phục linh bì 6g, Tần giao 6g, Thương lục 4g, Tiêu mục 4g, Trạch tả 6g, Xích tiểu đậu 6g, Thêm Khương bì sắc uống.

ÂM THỦY

1) Tỳ Dương Hư Yếu: Chi dưới phù thũng khá nặng, ấn xuống lõm lâu mới nổi lên, bụng trướng đầy, kém ăn, đại tiện lỏng, sắc mặt úa vàng, mỏi mệt, chân tay lạnh, tiểu ít, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trầm Hoãn.

Biện chứng: Do trung dương bất túc, Tỳ khí hư yếu, khí không hóa được thủy khiến thủy tà ở hạ tiêu tràn lan, cho nên chi dưới phù thũng nặng ấn lõm lâu mới nổi lên. Tỳ dương không mạnh, vận hóa vô lực cho nên bụng trướng đầy, kém ăn, đại tiện lỏng, Tỳ hư thì khí không sung mãn, dương không bảo vệ bên ngoài cho nên sắc mặt úa vàng, mỏi mệt, chân tay lạnh. Dương khí không hóa được, thủy thấp không lưu thông làm cho tiểu ít Lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trầm Hoãn... đều là do Tỳ hư, nước ứ đọng, dương khí không vận hóa gây nên.

Điều trị: Ôn trung kiện Tỳ, hành khí lợi thủy. Chủ yếu dùng Thực Tỳ Ẩm (Chứng Trị Chuẩn Thằng): Bạch truật 4 ~12g, Binh lang 4 ~12g, Can khương 4 ~8g, Chích thảo 4g, Gừng 3 lát, Hậu phác 4 ~8g, Mộc hương 4 ~8g, Mộc qua 8 ~12g, Phụ tử 4 ~12g, Phục linh 12 ~16g, Táo 3 quả, Thảo quả 8 ~12g.

(Phụ tử, Can khương ôn dưỡng tỳ vị, phù dương, ức âm; Hậu phác, Mộc hương, Đại phúc bì, Thảo khấu nhân hạ khí, đạo trệ, hóa thấp, lợi thủy; Phục linh, Bạch truật, Mộc qua kiện tỳ, hòa trung, thấm thấp, lợi thủy; Cam thảo, Sinh khương, đại táo ích tỳ, ôn trung).

Nếu thủy thấp quá nặng có thể thêm Quế chi, Trư linh, Trạch tả để giúp khí hóa ở Bàng quang mà lợi tiểu tiện. Đại tiện lỏng, bỏ Đại phúc bì. Khí hư, hơi thở ngắn, có thể thêm Đảng sâm để bổ khí của Tỳ Vị

Còn một loại phù thũng nguyên nhân do ăn uống không điều độ kéo dài, tổn thương Tỳ Vị, hoặc sau khi bệnh lâu ngày mới khỏi, Tỳ hư không vận hóa được tinh vi của thủy cốc, thủy thấp đình trệ ở trong, có triệu chứng phù thũng toàn thân, sáng dậy đầu mặt phù càng nặng, về chiều chi dưới phù càng nặng, mệt mỏi yếu sức, tiểu tiện nhiều, rêu lưỡi mỏng nhớt, chất lưỡi bệu, mạch Nhu Nhuyễn. Đây là Tỳ hư sinh thấp, khí không thư giãn, uất trệ thành thũng. Điều trị phải kiện Tỳ hóa thấp, không nên phân lợi, có thể dùng Sâm Linh Bạch Truật Tán. Hoặc thêm Hoàng kỳ, Quế chi để ích khí thông dương, hoặc thêm Phụ tử, Bổ cốt chi để ôn Thận trợ dương.

2) Thận Dương Suy Yếu: Thủy thũng toàn thân, từ lưng trở xuống phù nặng hơn, lượng nước tiểu giảm ít, tay chân quyết lạnh, sợ lạnh, mỏi mệt, sắc mặt tối sạm hoặc trắng nhợt, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng, mạch Trầm Tế.

Biện chứng: Thận dương suy nhược, âm thịnh ở dưới nên phần dưới phù thũng nặng. Lưng là phủ của Thận, Thận hư mà thủy khí thịnh ở trong, nên lưng đau mỏi. Thận biểu lý với Bàng quang, Thận khí hư yếu đến nỗi Bàng quang khí hóa không lợi, gây nên lượng nước tiểu ít. Thận dương bất túc, Mệnh môn hỏa suy không làm ấm áp được tay chân khắp mình, nên tay chân quyết lạnh, sợ lạnh mỏi mệt. Sắc mặt tối sạm hoặc trắng nhợt, lưỡi nhợt mà bệu, rêu lưỡi trắng, mạch Trầm Tế... đều là dấu hiệu Thận dương suy yếu, thủy thấp thịnh ở trong.

Điều trị: ôn dương lợi thủy. Dùng bài Chân Vũ Thang (Thương Hàn Luận): Bạch linh 12g, Bạch thược 12g, Bạch truật 12g, Phụ tử (chế) 8g, Sinh khương 3 lát. Sắc uống.

(Phụ Tử rất cay, rất nhiệt, ôn Thận dương, khử hàn tà; Phục linh + Bạch truật kiện Tỳ, lợi thủy; Sinh khương ôn tán thủy khí, tăng thêm tác dụng lợi thủy của Phục linh. Bạch truật + Thược dược hòa vinh, chỉ thống, toan hàm, liễm âm lại hòa hoãn được tính tân nhiệt của Khương, Phụ, không gây ra tổn âm. Tác dụng bài này là ôn Thận lợi thủy khiến cho dương khí hồi phục, hóa được hàn thủy thì tiểu tiện lợi mà thũng sẽ tiêu).

Nếu hư hàn quá nặng, có thể thêm Hồ lô ba, Ba kích thiên, Nhục quế để ôn bổ Thận dương. Nếu suyễn thở tự ra mồ hôi không nằm được thêm Nhân sâm, Chích thảo, Ngũ vị tử, Mẫu lệ nung đề phòng suyễn thoát. Nếu cảm nhiễm hàn tà, hàn với thủy chọi nhau, tình trạng thũng trở nên nặng, sợ lạnh không mồ hôi, bài này bỏ Bạch thược, tạm thêm Ma hoàng, Tế tân, Cam thảo để ôn kinh tán hàn.

Còn có trường hợp bệnh lâu ngày, dương khí chưa hồi phục, lại thấy chứng âm hư, phù thũng tái phát nhiều lần, mỏi mệt, chóng mặt, ù tai, đau lưng, di tinh, chân răng chảy máu, đó là Dương bị tổn thương liên lụy đến phần âm, âm hư không liễm được dương, hư dương quấy động gây nên.

Điều trị: nên bổ Thận dương, tư dưỡng âm dịch, kiêm lợi thủy để trừ thủy tà. Có thể dùng Đại Bổ Nguyên Tiễn (Cảnh Nhạc Toàn Thư): Chích thảo 4g, Đỗ trọng 8g, Đương quy 8g, Hoài sơn 8g, Kỷ tử 8g, Nhân sâm 12g, Sơn thù 4g, Thục địa 20g cùng uống với Tế Sinh Thận Khí Hoàn Bạch linh 30g, Mẫu đơn bì 30g, Ngưu tất 16g, Phụ tử 30g, Quan quế 16g, Sơn dược 30g, Sơn thù nhục 30g, Thục địa 16g, Trạch tả 30g, Xa tiền tử 30g. Tán bột, làm hoàn. Ngày uống 8-12g với nước cơm, lúc đói.

Điều trị các bệnh thủy thũng nói trên, tất cả không rời phép lợi thủy; Nhưng có Tuyên Phế lợi thủy, Thông dương lợi thủy, Kiện Tỳ lợi thủy, ôn Thận lợi thủy khác nhau. Nói chung, Dương thủy nên tuyên nên thông, âm thủy nên ôn nên bổ; Ngoài ra,

còn một số cây cỏ làm thuốc theo dạng đơn phương có thể phối hợp ứng dụng.

+ Lệ chi thảo, Xa tiền thảo v.v... đều có tác dụng lợi tiểu tiêu thũng, có thể chọn một hoặc vài vị sắc uống, liều lượng đều 40 gam (Hành Giản Trân Nhu).

+ Cá diếc đen nấu canh ăn cũng chữa phù thũng nhất là chứng phù thũng do Tỳ hư. Bài thuốc gồm cá diếc đen, Tang bạch bì, Xích tiểu đậu, Bạch truật và Hành sống (Hành Giản Trân Nhu).

+ Trư linh, tán bột. Mỗi lần uống 4g với nước nóng, ngày 3 lần (Hành Giản Trân Nhu).

+ Ốc nhồi 4 con, Đại toán bỏ vỏ 5 củ, bột Xa tiền tử 12 gam. Các vị đã nát nặn thành bánh đắp vào giữa lỗ rốn, dán băng bên ngoài (Hành Giản Trân Nhu).

+ Đậu đỏ nấu với rễ Cỏ tranh, bỏ rễ Cỏ tranh đi, lấy đậu ăn (Nam Dược Thần Hiệu).

+ Xơ mướp, Có Bấc, Hành trắng, lượng bằng nhau, sắc uống (Nam Dược Thần Hiệu).

+ Hạt Bìm bìm sống 4g, tán bột. Sắc nước Thanh bì lấy nước uống thuốc bột (Nam Dược Thần Hiệu).

Thuốc Đắp Ngoài

+ Ốc nhồi 4 con, Tỏi 5 tép, Hạt Mã đề 12g. Hạt Mã đề tán bột, giã nát chung với hai vị trên, làm thành bánh dầy độ 3 ~ 5mm, đặt lên rốn, băng lại. Khi thấy đại tiểu tiện thông thì bỏ thuốc đi.

(Cần chú ý: không nên để thuốc lâu quá có thể gây phồng rốn).

+ Trư linh, Địa long (để sống, nghiền riêng), Cam toại, Châm sa. Lượng bằng nhau. Tán nhỏ, thêm mấy củ Hành tăm, giã nát, làm thành bánh, đắp lên rốn, băng lại. Khi thấy tiểu được nhiều thì bỏ thuốc ra). Có thể làm ngày 2 lần (Hành Giản Trân Nhu).

Đối với bệnh thủy những, nên kiêng các thức kích thích sống lạnh và muối mặn. Chỉ khi hết phù thũng 3 tháng mới được ăn chút ít muối, dần dần tăng lên. Sau khi phù thũng đã rút, vẫn phải theo dõi hoặc tiếp tục điều trị một thời gian dài. Về phương diện biện chứng luận trị, theo dõi tình hình cụ thể của người bệnh, chủ yếu nhằm bồi dưỡng Tỳ Thận, củng cố hiệu quả, đề phòng tái phát.

Lượt xem : 2452 Người đăng : admin
Tags :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo