Trang chủ --> Tin tức Hoàng Kim --> Từ bóng tối đến ánh sáng.
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Từ bóng tối đến ánh sáng.

LỜI TỰA: 

 

Sống ngọt ngào qua muôn  nỗi đắng cay, cũng là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam ta. Nhiều người dù tật nguyền nhưng bằng lao động và nghị lực của mình đã vượt lên hoàn cảnh và số phận hòa nhập với cộng đồng và sống một cuộc đời hữu ích. Đó là bản lĩnh và lòng nhân ái đã chiến thắng.  

   Chiến tranh đã qua đi đúng bằng số tuổi của Hoàng Xuân Hạnh. Hai mươi năm trên mảnh đất này, tiếng súng đã im lặng và mặt đất nở hoa cho cuộc sống mới đâm chồi nảy lộc. Song với Hạnh lại không có được may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Dư âm của chiến tranh vẫn còn đè nặng lên cuộc đời tật nguyền của em.

Cha Hạnh ông Hoàng Xuân Hiền trước là đoàn xe vận tải chở hàng ra tiền tuyến, rong ruổi trước chiến trường B, C. Mẹ Hạnh cũng từng là thanh niên xung phong ở Trường Sơn, Lào. Trong những năm tháng khốc liệt ở chiến trường, họ đã nhiễm chất độc hóa học mà không hề hay biết cho đến khi ba đứa con của ông bà Hiền ra đời, rủi ro thay cả ba đứa đều bị mù bẩm sinh, chị cả của Hoàng Xuân Hạnh còn bị thần kinh, gia đình vô cùng khốn khó.

  Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, Xuân Hạnh vẫn âm thầm nỗ lực  tự học. Khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi. Những ngày đông buốt giá, có lúc đầu ngón tay buốt nhói nhưng Hạnh vẫn kiên  trì lần tìm từng nốt chấm nổi của Những dòng chữ Brai. Cứ từng bước từng bước như vậy, nhờ sự động viên giúp đỡ của ba mẹ, thầy cô giáo và bạn bè, Hoàng Xuân Hạnh đã vượt qua các kỳ thi, vượt qua từng cấp học phổ thông.

Có thể mỗi sớm mai thức dậy, bình minh với em cũng chỉ là một màu đen tối. Song mỗi điểm tốt trong học tập đã là những đốm lửa đưa em dần tới ánh sáng tri thức. Và một điều thật vui mừng đối với Hạnh là năm học 1993 -1994 vừa qua của bộ giáo dục và đào tạo đã xét đặc cách tốt nghiệp PTTH cho học sinh mù Hoàng Xuân Hạnh.

Mặc dù cho đến tận bây giờ Hoàng Xuân Hạnh vẫn không biết sau này sẽ có một cơ quan nào rộng lòng nhận một nhân viên bị tật nguyền như em, song Hạnh vẫn kiên trì phấn đấu học tập. Trước hết đối với Hạnh là để tự khẳng định mình, vượt lên trên số phận nghiệt ngã và dường như quan trọng hơn nữa là mỗi bước tiến tới của em trong học tập cũng sẽ phần nào làm vơi đi những giọt nước mắt xót xa của mẹ, của cha.

Với Hạnh việc học tập không chỉ dừng lại ở bậc PTTH, em vẫn còn ước mơ học lên cao nữa. Liệu những cánh cổng cao của trường đại học có mở ra với những người tật nguyền như Hạnh. Dịp may đã đến với Hạnh khi có chương trình đào tạo đại học từ xa trên làn sóng đài tiếng nói Việt Nam và Hoàng Xuân Hạnh đã trở thành sinh viên ngành quản trị kinh doanh. Trong một bức thư gửi đi cho chúng tôi Hạnh đã viết thật chân thành: “ em cũng cố gắng học tập để vơi đi nỗi buồn của bản thân và mong muốn được làm một việc gì đó dù nhỏ nhoi cho gia đình và xã hội. Chương trình đào tạo đại học từ xa qua làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam vào tận Hà Tĩnh để trao quà, là một chiếc đài radio cattset của giám đốc Phan Quang cho Hoàng Xuân Hạnh, nhằm động viên em học tập. Chúng tôi thật sự xúc động trước hoàn cảnh éo le của Hạnh và gia đình. Khó khăn đến nổi nhiều lúc cha của Hạnh phải góp từng mảnh giấy để bồi lại làm giấy bản cho con viết chữ nổi Brai. Vậy mà Hạnh vẫn lặng lẽ trong bóng tối để theo học đến bậc đại học. Tấm gương ham học của Hạnh thật đáng khích lệ.

Tâm sự với chúng tôi Hạnh nói: “tên cháu là Hoàng Xuân Hạnh, con của một gia đình bất hạnh sống trên mảnh đất Kỳ Anh xa xôi nghèo khó. Trong những năm chiến tranh ác liệt, bố, mẹ cháu đã từng tham gia và phục vụ chiến đấu ở các chiến trường Miền Nam. Sau khi thành lập gia đình bố mẹ cháu đã sinh ra ba anh em cháu đều bị mù. Chị đầu bất lực trong cuộc sống vì ảnh hưởng thần kinh. Còn cháu và em trai cháu ( đang học lớp 8 )hòa nhập với các bạn sáng mắt ở trường.

          Bản thân cháu sinh ra đã chịu bao cảnh thiệt thòi, nghe bạn bè bay nhảy ,học hành. Cháu được gia đình hết sức tận tụy với các con tật nguyền. Với nghị lực ý chí vươn lên trong cuộc sống đời thường, được sự giúp đỡ của bạn bè, sự nhiệt tình của thầy cô giáo và Hội người mù các cấp. Cháu đã tốt nghiệp trường PTTH năm học 1993 -1994. Học mà không viết được, không đọc được tài liệu sách vở. Phương tiện nghe nhìn đã không có , kinh tế gia đình khó khăn và cảnh ba anh em tật nguyền, rồi biết làm gì để sinh sống. Cháu đã quyết tâm vượt khó vươn lên trong học tập. Được viện đại học mở Hà Nội chấp nhận cho học từ xa trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam. Bao khó khăn đến với cháu : sách vở, tài liệu., giấy bút –loại đặc chủng cho người mù. Rồi đến việc kiểm tra thi cử dùng chữ Brai có ai đọc được hay không ?

Món quà này đến với cháu, đã động viên khích lệ cháu, giúp đỡ cháu phần nào trong khó khăn học tập. Dù thế nào cháu cũng xin hứa quyết tâm vươn lên, nâng cao tri thức hiểu biết, giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội….”

 

          Hi vọng ước mơ của Hạnh sớm thành hiện thực và một ngày không xa em sẽ có trong tay tấm bằng đại học. Tuy nhiên, trên đường đời của mình, Hạnh vẫn đang rất cần sự giúp đỡ, động viên chia sẻ những tấm lòng nhân ái để thắp sáng thêm niềm tin vào cuộc sống cho em và những người không may bị tật nguyền.

 

LỜI KẾT

 

          Chuyển đến quý vị câu chuyện thật của một học sinh bị tật nguyền nhưng bằng nghị lực và tình yêu cuộc sống đã vươn lên thành người có ích trong gia đình và xã hội. Chúng tôi muốn giới thiệu một tấm gương sáng của đời thường và hơn nữa chúng tôi cũng tin tưởng rằng đối với mỗi người, cánh cửa này khép lại, sẽ có những cánh cửa khác mở ra. Cuộc đời vẫn luôn luôn rộng mở cho tất cả những ai biết tin yêu và vun trồng cho cuộc sống.

 

          Phan Chí Thanh(chương trình nhân đạo – Đài tiếng nói Việt Nam – ngày 25/06/1995

Lượt xem : 54788 Người đăng : admin

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo