Trang chủ --> Tin tức Hoàng Kim --> Nghị lực phi thường của một chàng mù đánh “gục” trái tim cô gái xinh đẹp
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Nghị lực phi thường của một chàng mù đánh “gục” trái tim cô gái xinh đẹp

(Hoàng Kim) - với nghị lực phi thường của mình, Hạnh sẽ dẫn dắt Hoàng Kim thành một công ty lớn mạnh, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khiếm thị hơn nữa. 

 Ảnh anh Hạnh nhận bằng cử nhân

 

Nhìn anh Hoàng Xuân Hạnh đi phăm phăm trên sân của Trung tâm giáo dục phục hồi chức năng - Hội người mù Việt Nam. Tôi thoáng chút nghi ngờ, chẳng có lẽ đôi mắt trong veo của anh thực sự không nhìn thấy gì? Những bước đi rất chuẩn xác, đến góc sân, bước lên cầu thang, vào khúc ngoặt, chọn đúng cánh của phòng làm việc của mình mà không cần khua gậy dẫn đường như những người khiếm thị khác mà tôi thường thấy.

 

Vượt lên số phận nghiệt ngã

Tôi vào phòng, Hạnh kéo ghế mời ngồi rồi vẫn hướng mặt về phía tôi, bàn tay anh lướt trên bàn phím máy vi tính. Một trang web mang tên hoangkim.net.vn, Hạnh giới thiệu với tôi đây là trang web của trung tâm tẩm quất của người mù do anh làm chủ. Anh cho biết có một phần mềm giúp anh đọc những ký tự xuất hiện trên màn hình. Tôi hỏi anh có nhìn thấy lờ mờ gì không? Hạnh thở dài, anh kể mình bị mù do bố bị nhiễm chất độc dioxin, chị và em trai Hạnh cũng bị mù bẩm sinh. Hồi nhỏ anh còn có thể nhìn lờ mờ, nhưng đến bây giờ những gì đôi mắt anh cảm nhận được chỉ đủ phân biệt ngày hay đêm mà thôi.

Sinh ra tại miền quê nghèo, hiếu học ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tuy khiếm thị nhưng lên 6, Hạnh vẫn nằng nặc đòi được đi học như các bạn. Bố anh thương con quá, dẫn anh đến trường làng, năn nỉ mãi cuối cùng nhà trường cũng đồng ý để anh học dự thính. Thật bất ngờ khi càng học, Hạnh càng tỏ ra là một cậu học trò không hề thua kém các bạn. Nhà trường đã nhận anh là học sinh chính thức. Tôi tò mò hỏi Hạnh mắt không nhìn thấy gì thì anh học thế nào? Hạnh nói: 'Tất cả đều bằng trí nhớ, cũng may lúc đó mắt còn thấy lờ mờ. Ghé sát mắt  vào những dòng chữ cô giáo viết trên bảng, tôi có thể nhận ra mặt chữ. Ghi nhớ chúng trong đầu rồi về nhà tập viết lại và nhờ bố mẹ hướng dẫn cách đọc, cách viết cho thật đúng. Hồi đấy chưa có lớp dành riêng cho người khiếm thị nên tôi phải viết chữ thường. Đến năm cấp 2, anh mới được học chữ nổi ở Hội người mù tỉnh Hà Tĩnh'.

Hạnh tâm sự, những ngày đầu được ra Hà Nội học tại Trung tâm giáo dục phục hồi chức năng - Hội người mù Việt Nam, đó là những ngày tháng vô cùng vất vả nhưng đã mở ra cho anh một con đường. Học được nghề, anh cảm thấy tự tin hơn và xóa đi cái mặc cảm người mù thì không kiếm được tiền. Sau khi học anh được giữ lại làm giáo viên dạy văn hóa và phục hồi chức năng. Nhưng không dừng ở đấy, năm 2000, Hạnh thi đỗ vào khoa Triết Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Để có tiền đi xe ôm đến trường, Hạnh phải lân la khắp nơi làm nghề tẩm quất dạo. Rồi cũng có khách quen, họ giới thiệu nhau và gọi anh đến phục vụ tại nhà riêng. Do hồi đó chưa có điện thoại di động, nên nhiều lần đi nhưng không tìm được địa chỉ nên anh phải về không, lại phải mất tiền xe ôm. Cũng có lần khách cố tình trả thiếu tiền để… thử xem mù có biết phân biệt tiền hay không.

 

Nỗi đau tật nguyền và người con gái xinh đẹp

Kể đến đây Hạnh lặng đi. Anh cho biết người mù đi lại rất khó khăn. Nhiều hôm lần mò đi tìm nhà khách, anh bị ngã đến thâm tím mặt mày. Lại có nhiều vị khách sau khi nhậu say gọi anh đến. Vì say rượu nên họ rất 'nhiễu', anh cố hết sức mà khách vẫn không hài lòng. Những lần Hạnh bị chửi mắng, xúc phạm không phải là hiếm và rất nhiều lần khi anh lọ mọ tìm được địa chỉ thì họ thay đổi ý định bảo không làm nữa... Tuy rất vất vả nhưng vì quyết tâm lấy được tấm bằng đại học nên anh đành nhẫn nhịn.

Rồi một cô gái xinh đẹp là cán bộ của Tỉnh hội người mù Quảng Ngãi ra Hà Nội tập huấn. Thấy Hạnh vất vả quá, cô gái tình nguyện làm 'xe ôm' chở anh đến trường. Cô gái có thời gian tập huấn là 7 tháng, thế nhưng sau khi học xong Hạnh không thấy cô gái đó chịu về quê. Sau này anh mới biết cô gái đó đã 'kết' Hạnh sau vài tháng quen nhau. Họ đã yêu nhau, Hạnh không ngờ cuộc đời mình có thể gặp được một cô gái không những lành lặn mà còn rất xinh đẹp. Đẹp! Hạnh biết cô ấy đẹp là qua sự miêu tả của bạn bè chứ nào anh có nhìn thấy gì.

Tôi hỏi anh bí quyết gì để 'cưa' đổ một cô gái xinh đẹp như vậy. Anh thật thà trả lời rằng mình chỉ trò chuyện thôi, lúc thì tâm sự về cuộc đời, lúc thì bàn luận về chuyện học hành và những dự định tương lai. Thế rồi cô ấy 'gục' từ lúc nào không biết. Có lẽ người con gái ấy đã sớm cảm nhận được một nghĩ lực phi thường trong người đàn ông khuyết tật này.

Tôi tò mò hỏi Hạnh có kỷ niệm gì lãng mạn trong thời gian đó không. Anh cười rồi trả lời rất hiền: 'Chúng tôi thường cùng nhau dạo chơi. Chỗ này (Trung tâm Giáo dục phục hồi chức năng - Hội người mù Việt Nam trên đường Trung Kính) với công viên Thủ Lệ cũng gần thôi. Cô ấy thường dắt tôi đến đó hóng mát và tâm sự.

Tôi hình dung một người phụ nữ dắt một người khiếm thị đi bộ trên quãng đường khoảng 2,5km, thế mà Hạnh bảo 'cũng gần thôi', đúng là tâm trạng của người đang yêu.

Họ yêu nhau từ năm 2000 đến năm 2005 mới kết hôn. Khuôn mặt đang rạng ngời hồi tưởng về những ngày đang yêu của Hạnh bỗng dưng chùng xuống, anh tâm sự: 'Chúng tôi yêu nhau, nhưng gia đình cô ấy phản đối ghê lắm. Họ nghĩ người không may bị mù là bỏ đi rồi, nhưng sự thật không phải thế. Có lẽ bố mẹ cô ấy lo sợ con gái mình sẽ phải sống cùng với một kẻ tàn phế, không có khả năng lao động. Tôi rất buồn, nhưng sau đó tôi nghĩ phải quyết tâm chứng minh với mọi người rằng dù khiếm thị vẫn có thể lao động và trở thanh người có ích cho xã hội. Sau nhiều lần về Quảng Ngãi trò chuyện với gia đình cô ấy, cuối cùng họ đã bị tôi thuyết phục'.

Niềm vui còn nhân đôi khi ngay trong năm đó, vợ anh có bầu. Thế nhưng niềm vui đi kèm với nỗi lo thấp thỏm rằng đứa bé có thể bị khuyết tật giống anh do chất độc dioxin di truyền qua nhiều thế hệ.  Khi được vài tuần tuổi, vợ chồng anh thuê taxi đưa con lên viện mắt để kiểm tra. Và kết quả làm họ hết sức hạnh phúc: Mắt đứa bé hoàn toàn bình thường.

 Tương lai rộng mở

Từ những ngày kiếm sống bằng nghề tẩm quất dạo, Hạnh nhận thấy nhu cầu này của người dân là rất lớn. Hơn nữa, những học viên tại trung tâm rất mong muốn được có việc làm. Hạnh quyết tâm mở một cơ sở tẩm quất của người mù mang tên Hoàng Kim. Thật may mắn là càng ngày lượng khách đến với anh càng nhiều. Hạnh cho rằng lúc đầu khách hàng đến với anh do sự tò mò và có cả những vị khách tìm đến với ý định hỗ trợ cho người tàn tật. Nhưng chỉ sau một thời gian, họ nhận thấy có nhiều điểm đặc biệt ở đây như giá thành rẻ, nhân viên hết sức tâm huyết và họ có nhiều phương pháp trị liệu rất hiệu quả. Hạnh tâm sự: 'Các nhân viên đều được học xoa bóp, bấm huyệt một cách bài bản. Họ là người khiếm thị nên sự tập trung vào công việc của họ rất cao, bởi vì công việc là lẽ sống của họ. Người khiếm thị có những cảm nhận ở đầu ngón tay rất nhạy bén và mỗi khi bấm huyệt họ thường tập trung cao độ. Khi đó, những ngón tay sẽ truyền năng lượng vào các huyệt đạo giúp khách hàng hồi phục sức khỏe nhanh chóng'. 

Theo anh Hạnh thì những người khiếm thị làm nghề này có sự tập trung tinh thần rất cao. Dần dần, họ sẽ tạo cho mình một nguồn năng lượng giống như những người tập luyện khí công. Những người này có lòng bàn tay rất ấm. Càng lâu năm, sức mạnh của năng lượng đó càng rõ rệt và hiệu quả trong công việc càng được nâng cao. Trước đây Hạnh cũng được học khí công nên anh hiểu rất rõ điều này. Hạnh tâm sự, anh đang nghiên cứu một phương pháp trị liệu chuyên về phục hồi và nâng cao khả năng sinh lý cho nam giới. Anh hy vọng với bài trị liệu này sẽ mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.

 

Điều Hạnh phấn khởi nhất là có một số nhân viên của anh sau khi làm một thời gian đã trở về quê lập nghiệp bằng cách mở cơ sở tẩm quất và đều thành công.

Đến cơ sở tẩm quất Hoàng Kim nằm trên ngõ 639, đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội vào một sáng thứ bẩy, nhân viên ở đây có 7 người khiếm thị và một người quản lý. Mới sáng sớm mà khách đã có 4,5 người, hầu hết số họ là nữ. Hỏi ra mới biết cơ sở còn có phương pháp trị liệu làm đẹp da mặt và giảm mỡ bụng, các khách hàng nữ rất thích dịch vụ này. Chị quản lý khá nhanh nhẹn tên Hường đưa tôi tham quan một vòng. Khi xuống đến tầng 1, chị thở dài nói với tôi: 'Cơ sở này sau 7 năm hoạt động đã phải thay đổi địa điểm đến 5 lần. Trong thời gian sắp tới, rất có thể lại phải chuyển chỗ một lần nữa. Cái khó của chúng tôi là không thuê được một chỗ nào ký hợp đồng dài hạn. Họ chỉ ký dài nhất là 2 năm. Mỗi lần chuyển địa điểm là hết sức phiền phức. Với một người sáng mắt đã đành, cơ sở của anh có đến 8 người khiếm thị với hàng trăm thứ đồ đạc lỉnh kỉnh'. Hạnh cho biết sắp tới phải thuê ngôi nhà khác đắt hơn đến 5 triệu một tháng, nhưng không còn cách nào khác. Cơ sở không chỉ là nơi làm việc mà còn là ngôi nhà của gia đình anh và 7 nhân viên khiếm thị'

Chỉ có ngày thứ bảy và chủ nhật là Hạnh có mặt ở nhà, buổi tối anh còn đi dạy thêm đến 9h tối. Tổng thu nhập của anh mỗi tháng khoảng 12-15 triệu. Đó quả là con số không nhỏ đối với một người bình thường chứ đừng nói là người khiếm thị. Tôi mong rằng với nghị lực phi thường của mình, Hạnh sẽ dẫn dắt Hoàng Kim thành một công ty lớn mạnh, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khiếm thị hơn nữa.

Thế Hiển (Báo Tuổi trẻ và đời sống ngày 15/7/2011)
 

Lượt xem : 15462 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo