Trang chủ --> Gia đình --> VAI TRÒ CỦA NGƯỜI MẸ ĐỐI VỚI TRẺ TRƯỚC NĂM 13 TUỔI (P 1)
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI MẸ ĐỐI VỚI TRẺ TRƯỚC NĂM 13 TUỔI (P 1)

(Hoàng Kim) - Tại sao lại là tuổi 13

 

Tuổi 13 được coi là mốc quan trọng mở ra một giai đoạn phát triển mới về tâm lý của trẻ. Trẻ đã kết thúc lứa tuổi nhi đồng chuyển sang thời kì niên thiếu, đồng thời chuẩn bị bước sang giai đoạn đầu của tuổi thanh niên. Theo cảm nhận của các giáo viên thì học sinh dưới 13 tuổi thường chấp hành các quy định của nhà trường và nghe theo sự quản thúc của giáo viên hơn, dễ dàng điều chỉnh hơn. Học sinh trung học trên 13 tuổi nếu đã hình thành thói quen và thái độ học tập xấu thì rất khó có thể thay đổi được.

Theo cảm nhận của các bà mẹ, trước năm 13 tuổi phương thức tư duy của trẻ rất giản đơn, chỉ bằng sự chuyển tải đơn thuần đã có thể truyền đạt tư tưởng của người mẹ sang con trẻ. Nhưng sau tuổi 13, khả năng độc lập tư duy của trẻ phát triển mạnh, không còn nghe theo sự quản thúc của người lớn, tự hành động theo ý mình và theo những cách không giống với ai.

Tuổi 13 là ranh giới quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ, sau 13 tuổi, thói quen và cá tính trẻ hầu như đã được định hình rất khó thay đổi.

Cho dù con bạn đang ở độ tuổi nào, trước tuổi đi học, bắt đầu đi học hay đã bước vào tuổi dậy thì, là một người mẹ, bạn hãy ghi nhớ những lời tâm sự sau đây để làm bài học cho mình:

“Cứ nghĩ con lên trung học sẽ sửa được tật qua loa đại khái nhưng thực tế thì tật xấu này ngày càng trở nên nghiêm trọng”.

“Khi còn trẻ, trẻ đã rất ít nói, tôi cũng không để tâm lắm. Bấy giờ đã đến tuổi đi học, cả ngày nó cũng không nói nửa lời”.

“Khi còn học tiểu học tôi thúc ép thì cháu mới học một chút. Bây giờ, mỗi khi tôi nói đến việc học là cháu giận dữ, kết quả học tập ngày càng sa sút”.

Những biểu hiện không tốt ở trẻ như tật qua loa đại khái, không thích học, kết quả học tập kém… có vẻ đây là những vấn đề ngày càng được thể hiện rõ sau khi trẻ trưởng thành. Nhưng kỳ thực thì căn nguyên của những vấn đề này đã định hình và bám rễ ở trẻ từ trước tuổi 13.

Các chuyên gia đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng, giai đoạn từ khi trẻ còn thơ ấu đến hết tiểu học là thời kì mấu chốt để tính cách của trẻ được hình thành và chỉnh sửa. Nếu ở giai đoạn này cha mẹ biết dẫn dắt và giáo dục một cách đúng đắn thì cá tính, thói quen và hành vi của trẻ sẽ phát triển theo vòng tuần hoàn tốt. Ngược lại nếu bỏ qua “ giai đoạn giáo dục hữu hiệu này” thì sau đó dù có cố gắng gấp mười lần cũng rất khó có thể mang lại hiệu quả gì.

Ở đây các bà mẹ thường rất dễ phạm sai lầm khi cho rằng trẻ còn nhỏ không có vấn đề gì, sau này lớn lên sẽ tốt hơn. Có một bà mẹ đã viết trong nhật ký của mình như sau:

“Khi con còn nhỏ đã rất lười học, dạy toán cho nó cũng không học. Thấy vậy, tôi cũng không để ý đến nữa, cứ nghĩ, đấy đều là những kiến thức đơn giản, sau này lớn lên tự nó sẽ hiểu hết.

Khi con lên tiểu học rất ham chơi, bài tập về nhà chỉ khi nào tôi giám sát chặt mới làm hết. Lúc đó tôi nghĩ rằng đến khi lớn hơn, trẻ sẽ bớt ham chơi, hiểu được tầm quan trọng của việc học, tự nhiên sẽ tập trung vào học hành.

Nhưng  thực tế sau này đã chứng minh tất cả những suy nghĩ đó của tôi đều là sai lầm. Sau khi chuyển lên trung học, vốn tính lười học, con càng không có hứng thú gì với sách vở, đi học thì ngủ gật, thường xuyên trốn học. Mắng tôi cũng mắng rồi, đánh cũng đánh rồi thậm chí còn nhốt con trong phòng cho tự suy nghĩ… nhưng nó vẫn làm mọi việc theo ý mình”.

Trong câu chuyện này, nếu ngay từ đầu, khi mới phát hiển ra trẻ lười học, bà mẹ nên kịp thời tăng cường hướng dẫn và giáo dục trẻ,  sử dụng nhiều phương cách để tạo hứng thú học hành cho trẻ thì có thể sự việc đã không diễn tiến tồi tệ đến mức khó có thể kiểm soát như vậy.

Dạy dỗ con trẻ ngoài việc chú ý đến phương pháp còn cần phải đúng thời điểm. Các cô giáo mầm non và tiểu học đều có chung nhận xét rằng: Ở giai đoạn này trẻ thường nghe lời cha mẹ và thầy cô nhiều hơn, chỉ cần có phương pháp đúng sẽ không có đứa trẻ nào là không giáo dục được. Nghiên cứu đã chứng minh rằng trên 90% tố chất ở trẻ là do người mẹ quyết định! Hãy coi giới hạn giáo dục là tuổi 13. Nói cách khác, sự giáo dục tốt, có hiệu quả của người mẹ đối với con trẻ trước tuổi 13 sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời con trẻ sau này!

 

Mẹ là người thầy đầu tiên, là tấm gương tốt nhất cho con trẻ

Từng có một câu chuyện đau lòng thế này:

Một phạm nhân trước khi ra pháp trường chịu tội đã cầu xin mẹ mình rằng: “Con rất muốn được bú mẹ một lần cuối cùng”. Bà mẹ nước mắt lưng tròng đồng ý. Chứng kiến đứa con sắp bị xử tử, cho dù có hàng trăm người xung quanh bà cũng không cảm thấy  ngại ngùng. Nhưng rồi bi kịch đã xảy ra – đứa con bất ngờ cắn đứt vú mẹ khiến bà đau đớn, ngất lịm đi…

Trước khi bị hành hình, đứa con chỉ nói một câu rằng, anh ta không xứng đáng làm con. Nhưng mẹ của anh ta cũng không xứng đáng làm mẹ!

Đối lập hẳn với câu chuyện kể trên, trong hồi ký của nhiều danh nhân hay những người thành đạt, chúng ta thường bắt gặp những câu: “Mẹ đã từng nói với tôi…”, “Mẹ đã dạy tôi…”, “Mẹ là người tốt nhất thế gian…”.

Quả đúng như vậy, đối với kẻ phạm tội tử hình kia, nếu ngay từ bé được giáo dục kịp thời, yêu thương đúng mực thì có thể sẽ không có kết cục đau lòng như vậy.

Còn với những người thành đạt, nếu không có sự dạy dỗ, làm gương của người mẹ thì họ khó có thể gây dựng niệm vinh quang cho bản thân.

Đối chiếu hai số phận, chúng ta có thể rút ra một chân lý vững như bàn thạch rằng: Cũng là mẹ, nhưng mỗi bà mẹ lại tạo cho con mình một số phận riêng.

Trên thực tế, một người từ bé đến khi trưởng thành đều có người mẹ ở bên, tất cả mọi thứ ở mẹ: Hình tượng, nguyên tắc sống, tư tưởng… đều tác động tới đứa con!

Napoleon trong một lần nói chuyện với vợ của mình đã hỏi rằng: “Thể chế giáo dục truyền thống dường như còn điều gì chưa đúng. Để có được sự giáo dục tốt nhất, điều chúng ta còn thiếu ở đây là gì?”.

“Người mẹ” – vợ ông trả lời. Câu trả lời này đã tác động sâu sắc tới Napoleon.

“Đúng vậy”. – Ông nói – “Phẩm cách của người mẹ quyết định tương lai của đứa con. Một gia đình dù nghèo, nhưng nếu có một người phụ nữ lương thiện, tiết kiệm, lạc quan, ngăn nắp, biết lo liệu… thì gia đình đó vẫn là thánh đường cho mỗi tâm hồn và suối nguồn của sự vui vẻ”.

Mỗi người đều bước vào thế giới từ lúc còn ấu thơ để rồi trưởng thành lên. Có thể chúng ta chưa bao giờ suy nghĩ thật kỹ xem người mẹ đứng vai trò như thế nào đối với cuộc đời một đứa trẻ, nhưng có một điều không thể phủ nhận là hình tượng người mẹ luôn ảnh hưởng tới cả cuộc đời một con người.

Người mẹ kính già yêu trẻ thì đứa con sẽ học theo.

Người mẹ biết tiết kiệm, điều độ thì đứa con sẽ tránh xa hoa, lãng phí.

Người mẹ biết lễ nghĩa, đứa con sẽ khiêm nhường.

Người mẹ kiên cường, đứa con sẽ không lùi bước trước khó khăn.

Người mẹ lương thiện, đứa con sẽ có tấm lòng yêu thương mọi người.

Người mẹ có tu dưỡng, phẩm chất thanh khiết, đứa con sẽ trưởng thành hơn người.

Giáo dục con trẻ cần lưu ý đến phương pháp

Đã là mẹ ai cũng muốn dạy dỗ con cái hết khả năng của mình, mong con trưởng thành. Tuy nhiên, tại sao có những đứa trẻ trưởng thành vượt bậc nhưng cũng có những đứa lại rất bình thường, không có gì nổi trội? cũng được sinh ra là những đứa trẻ, tại sao sự khác biệt lại lớn đến vậy?

Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt ở đây rất dễ hiểu – Phương pháp giáo dục đã đúng đắn chưa?

Một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ từng tổng kết mười điều cha mẹ không nên áp dụng với con trẻ:

1- Không nên đe dọa: “Bố (mẹ) không yêu con nữa, con hãy cút đi!”.

2- Không nên cầu xin: “Bố (mẹ) xin con…”.

3- Không nên oán trách: “ Con chẳng chịu cố gắng gì, thật khiến người khác phải đau lòng”.

4- Không nên hứa hẹn: “Nếu con thi được 10 điểm bố mẹ sẽ …”.

5- Không nên mỉa mai: “Con có thật tài giỏi không? Liệu có làm được việc này không?”.

6- Không nên dùng lời độc địa: “Cái thằng đần độn này…”.

7- Không nên trách móc: “Con luôn làm hỏng việc, thật chán quá!”.

8- Không nên sỉ nhục: “Con đúng là đồ bỏ đi”.

9- Không nên ức chế: “Im mồm, không được nói nữa”.

10- Không nên ép buộc: “Mẹ nói không được là không được”.

Nhìn vào mười điều không nên áp dụng trong việc giáo dục con cái ở trên, liệu bạn có phạm vào điều nào trong đó?

Tuyệt đối không nên nghĩ cách đây chỉ là vấn đề một câu nói, khi nó trở thành biện pháp giáo dục cỗ hữu sẽ kéo theo những sai lầm lớn hơn, thậm chí là những sai lầm không thể cứu vãn.

Cha mẹ có thể nhìn thấy những khuyết điểm ở con trẻ, nhưng có một vấn đề họ rất dễ bỏ qua là khuyết điểm đó đã hình thành như thế nào? Cần phải hiểu rằng mọi việc đều có có nhân, có quả.

Có bậc cha mẹ than vãn con họ quá nhút nhát. Vậy xin đặt một câu hỏi ngược lại: Khi trẻ còn nhỏ có phải người lớn thường mang hổ báo ra dọa nạt để ngăn chặn những hành vi không nghe lời của trẻ?

Có bậc cha mẹ lại trách trẻ không tự tin, lòng tự ti quá lớn. Vậy thử hỏi khi trẻ mới bắt đầu học làm gì đó mà làm không được như ý, liệu người lớn có dùng những từ “đần độn”, “ngốc nghếch” để chỉ trích trẻ?

Có bậc cha mẹ trách trẻ không chịu tâm sự gì với mình, thậm chí còn che giấu sự việc. Vậy thử hỏi khi trẻ phạm lỗi có phải người lớn luôn dùng biện pháp cứng rắn là chửi mắng để giáo dục trẻ?

Từ những điều trên chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, sự hình thành của bất kỳ thói quen hay tính cách nào ở trẻ đều có căn nguyên của nó. Chỉ một lời nói hoặc một hành động vô ý nào đó của người lớn đều có thể ảnh hưởng rất nhiều tới tương lai của đứa trẻ.

Có bậc cha mẹ nói: “Giáo dục trẻ cần có phương pháp, điều này tôi biết. Nhưng mỗi lần trẻ phạm lỗi, không được đánh mắng, không được chỉ trích, càng không được có thái độ cứng rắn, lẽ nào phải theo trẻ sao? Vậy phương pháp giáo dục khoa học mà hữu hiệu rút cuộc là gì?

Trong quá trình giáo dục con trẻ, chúng ta cần biết những lời nói hoặc hành động nên kiêng kị, nhưng chỉ biết có thể thôi vẫn là chưa đủ. Bởi vì khi trẻ phạm lỗi hoặc có xu hướng hình thành tính cách không tốt hay khi không nghe lời mà người lớn không nói gì, đó mới là phương pháp giáo dục sai lầm nhất.

Giáo dục con trẻ vừa đòi hỏi sự thân mật, không còn khoảng cách giữa mẹ với con, vừa đòi hỏi người mẹ phải “đấu trí” với những tư tưởng và hành vi sai trái của trẻ.

 

Nguồn: Hoàng Kim 

Lượt xem : 20742 Người đăng :

Bình luận

huong

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI MẸ ĐỐI VỚI TRẺ TRƯỚC NĂM 13 TUỔI (P 1)

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo