Trang chủ --> Xoa bóp --> Xoa bóp bấm huyệt trong phục hồi chức năng cho người khuyết tật
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Xoa bóp bấm huyệt trong phục hồi chức năng cho người khuyết tật

Trẻ em khuyết tật là do di chứng các bệnh lý cấp tính, bệnh lý di truyền bẩm sinh để lại những thiếu hụt, mất mát hay bất bình thường về cấu trúc, chức năng, giải phẫu sinh lý, gây ra hậu quả là khiếm khuyết, giảm khả năng lao động và học tập, cản trở việc thực hiện vai trò của trẻ để tồn tại trong cộng đồng, dẫn đến phải phụ thuộc 1 phần hoặc hoàn toàn vào người khác để có thể  tồn tại, trong khi trẻ cùng tuổi, cùng giới tính, hoàn cảnh thực hiện được.

 

Tất cả các trẻ đó cần được phục hồi chức năng tại các cơ sở chuyên ngành hoặc tại cộng đồng. Có nhiều phương pháp để phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, bao gồm các dụng cụ trợ giúp, chỉnh hình thay thế với các kỹ thuật thích nghi, các kỹ thuật phục hồi bằng vật lý trị liệu, dạy nói, hành động trị liệu, giáo dục đặc biệt, châm cứu…, trong đó không thể thiếu được vai trò xoa bóp bấm huyệt của y học cổ truyền.

Theo số liệu bước đầu, ở Việt Nam tỷ lệ khuyết tật khoảng 5 - 7 % dân số, nghĩa là có khoảng 5 triệu người khuyết tật, trong đó trẻ em chiếm tới 40%. Khuyết tật là một hậu quả nặng nề cho xã hội, gia đình và bản thân trẻ, bởi 90% trẻ khuyết tật chết trước tuổi 20.

Trong các kỹ thuật của y học được Tổ chức Y tế thế giới công nhận, chỉ có xoa bóp bấm huyệt là đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho mọi người trên toàn cầu. Bởi xoa bóp bấm huyệt đã thỏa mãn các tiêu chí: đơn giản, hiệu quả, phổ cập, kinh tế và không phản ứng phụ.

Xoa bóp bấm huyệt cho trẻ em vẫn dựa vào y lý y học cổ truyền và vẫn tuân theo các kỹ thuật, thủ pháp chung, nhưng vẫn có một số đặc điểm, chú ý riêng do những đặc điểm sinh lý, bệnh lý trẻ em.

 2. Xoa bóp bấm huyệt phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật:

2.1. Xoa bóp bấm huyệt là gì?

Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh với sự chỉ đạo của lý luận y học cổ truyền. Đây là phương pháp sử dụng bàn tay, ngón tay hoặc khuỷu tay để tác động trực tiếp lên da, thịt, xương, khớp, dây chằng, hệ thống kinh lạc, huyệt vị của cơ thể con người với mục đích lập lại thăng bằng âm dương và thông kinh hoạt lạc.

2.2. Những điều cần chuẩn bị và chú ý khi thực hành xoa bóp bấm huyệt cho trẻ em khuyết tật

2.2.1. Cơ sở vật chất:

Giường, đệm, chiếu, gối, bột tan hoặc phấn rôm, tinh dầu thực vật

Với trẻ lớn: có thể đặt trên giường có đệm hoặc chiếu trải ga.

Với trẻ bé: trẻ sợ hãi, khóc thét, giãy giụa có thể để cho bà mẹ ôm vào lòng, đặt trẻ nằm sấp trên đùi mẹ hoặc có người giữ…

2.2.2. Cán bộ y tế làm công tác xoa bóp bấm huyệt

Có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn

Trang phục y tế gọn gàng, sạch sẽ, đẹp, móng tay cắt ngắn, không đeo nhẫn, đồng hồ để tránh tổn thương da cho trẻ.

Giao tiếp với người nhà bệnh nhân phải chân thành, văn minh, lịch sự, chu đáo. Người thầy thuốc Nhi khoa phải có lòng yêu thương trẻ, biết vui đùa, dỗ dành, tạo lòng tin giúp trẻ không sợ hãi. Đồng thời phải biết chia sẻ, thông cảm với hoàn cảnh gia đình trẻ, biết kết hợp với tư vấn, giáo dục bố mẹ các cháu những kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc vệ sinh, giáo dục, tập luyện…

Trước khi làm thủ thuật phải rửa tay, xắn tay áo lên khuỷu tay. Mùa đông phải hơ tay hoặc xoa 2 tay cho ấm. Không uống rượu bia, hút thuốc lá trước và trong khi tiến hành xoa bóp bấm huyệt cho trẻ.

Trong khi xoa bóp bấm huyệt phải thực hiện thao tác đúng kỹ thuật, bài bản. Có thể ngồi lên giường nếu trẻ bé. Có thể dùng bột hoạt thạch hoặc phấn rôm rắc vào lòng bàn tay để xoa bóp cho trơn và dễ dàng. Hoặc có thể dùng 1 số loại tinh dầu cay, ấm để hành khí hoạt huyết nhưng nên tránh dùng cho trẻ bé vì da còn mỏng, dễ bị phồng rộp.

Sau khi xoa bóp bấm huyệt phải rửa sạch tay đề phòng cảm nhiễm giao thoa, lây truyền bệnh tật.

2.2.3. Trẻ khuyết tật:

Thân thể sạch sẽ, không dơ bẩn.

Bộc lộ vùng cần xoa bóp, mặc quần áo mỏng, nếu xoa bóp toàn thân thì cởi hết quần áo ngoài.

Cần có bệnh án theo dõi, được ghi chép rõ ràng, có cả chẩn đoán về y học hiện đại và y học cổ truyền. Trẻ cần được khám và lượng giá chức năng để chọn phương pháp điều trị.

2.2.3.1. Khám và lượng giá chức năng theo y học hiện đại

a, Theo Tổ chức Y tế Thế giới chia ra 7 nhóm khuyết tật sau:

Nhóm trẻ có khiếm khuyết, giảm khả năng, khuyết tật về vận động, bẩm sinh hay mắc phải

Nhóm trẻ có khiếm khuyết, giảm khả năng, khuyết tật về nghe nói, bẩm sinh hay mắc phải

Nhóm trẻ có khiếm khuyết, giảm khả năng, khuyết tật về trí tuệ, bẩm sinh hay mắc phải

Nhóm trẻ có khiếm khuyết, giảm khả năng, khuyết tật về mắt, bẩm sinh hay mắc phải

Nhóm trẻ có khiếm khuyết, giảm khả năng, khuyết tật liên quan đến bệnh động kinh, bẩm sinh hay mắc phải

Nhóm trẻ có khiếm khuyết, giảm khả năng, khuyết tật liên quan đến bệnh tâm thần, có hành vi xa lạ

Nhóm trẻ có di chứng về mất cảm giác

b, Dịch tễ học khuyết tật có thể chia ra làm 3 nhóm:

Trẻ khuyết tật về chậm phát triển trí tuệ và rối loạn tâm thần

Trẻ khuyết tật về thể chất:

Khuyết tật do bệnh cơ quan vận động: Tổn thương cơ, xương, khớp, thần kinh.

Khuyết tật do bệnh cơ quan giác quan: tổn thương về mắt, tai, ngôn ngữ.

Khuyết tật do bệnh cơ quan nội tạng: tim mạch, sinh dục, tiết niệu, nội tiết,…

3. Trẻ đa khuyết tật:

Là trẻ mắc từ 2 khuyết tật trở lên, VD: vừa liệt toàn thân, vừa mất ngôn ngữ, trí tuệ.

c, Tại khoa Nhi - BVCCTW, chủ yếu phục hồi chức năng cho trẻ bại não:

Lượng giá thể lâm sàng chủ yếu dựa vào tổn thương vận động. Có 5 thể bại não sau:

Thể co cứng: chiếm 60 - 90%, tăng trương lực cơ, co cứng cơ, co rút cơ, tăng phản xạ gân xương.

Thể múa vờn: chiếm 1 - 20%, tổn thương ngoại tháp, rối loạn trương lực cơ, kém kiểm soát đầu cổ, thân mình, 2 tay, ổn định tư thế kém.

Thể phối hợp giữa co cứng và múa vờn: chiếm 20 - 30%

Thể nhẽo: chiếm 1 - 5%, giảm trương lực cơ

Thể thất điều, rối loạn điều phối: chiếm 1 - 7%, kém kiểm soát về tần số, tầm vận động, hướng và lực cử động.

Lượng giá theo khu trú tổn thương: liệt tứ chi, liệt nửa người, liệt 2 chân…

Lượng giá theo nguyên nhân: Bẩm sinh di truyền, trong thời kỳ bào thai, trong thời gian cuộc đẻ (đẻ non, đẻ yếu, đẻ ngạt, đẻ can thiệp), sau khi sinh (nhiễm trùng, nhiễm độc, chấn thương), không rõ nguyên nhân,…

Lượng giá theo mức độ: nhẹ, vừa, nặng hay rất nặng.

2.2.3.2. Khám và lượng giá chức năng theo y học cổ truyền:

Trẻ khuyết tật nguyên nhân bẩm sinh, di truyền hay mắc bệnh từ lúc mới sinh đều thuộc tiên thiên bất túc, nguyên khí hư yếu, thận khí hư nhược làm cho cơ năng tạng phủ toàn thân phát sinh bệnh biến, dẫn đến khí huyết đều hư.

Trẻ khuyết tật nguyên nhân do sau khi mắc các bệnh thần kinh cấp tính, để lại di chứng đều do tổn thương não tủy mà thận làm chủ công năng. Thận khí tổn thương não tủy càng bất túc, can huyết bất túc, tâm huyết, tỳ huyết hư suy đều dẫn đến khí huyết hư.

Như vậy theo y học cổ truyền trẻ khuyết tật đều thuộc chứng khí huyết hư, thuộc chứng Ngũ trì, Ngũ nan, Ngũ nhuyễn.

Chứng khí hư: Trẻ khuyết tật về trí tuệ, vận động, ngôn ngữ, kèm theo các chứng trạng như: tinh thần mệt mỏi, thở yếu, ăn uống và ngủ kém, tự hãn, chân tay và lưng gối yếu, đại tiện lỏng nhão, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm, trì hư nhược.

Chứng huyết hư: Trẻ khuyết tật về trí tuệ, vận động, ngôn ngữ, kèm theo các chứng trạng như: sắc mặt xanh nhợt, kém tươi, môi miệng nhợt, mệt mỏi, yếu sức, tâm thần hay kích thích, mê sảng, kém ăn, kém ngủ, chân tay co cứng, xoắn vặn, cứng khớp, teo cơ, đại tiện táo, tiểu tiện vàng, lưỡi đỏ nhạt, mạch tế sác.

Xét về chứng trạng thì chứng huyết hư nặng hơn bởi ở giai đoạn muộn hơn, tân dịch khô kiệt gây ra các di chứng teo cơ, cứng khớp, gân cơ co rút tương đương với giai đoạn khuyết tật thứ cấp theo y học hiện đại

2.3. Những cấm kỵ và những cách xử trí tai biến khi xoa bóp bấm huyệt cho trẻ khuyết tật

2.3.1. Chống chỉ định:

Trẻ có bệnh ngoài da, tổn thương da như: nhiễm trùng, lở loét, viêm tấy mủ, bỏng da…

Các bệnh lý sai khớp, gẫy xương, tiền sử gãy xương bệnh lý, các bệnh lý cần theo dõi ngoại khoa…

Trẻ có mắc bệnh về máu, gây chảy máu hoặc đe dọa chảy máu…

2.3.3. Theo dõi và xử trí tai biến:

Trong khi xoa bóp bấm huyệt người thầy thuốc phải đối diện với ánh sáng để quan sát trạng thái toàn thân, sắc mặt, hơi thở và hành động của trẻ. Với trẻ lớn có hợp tác cần hỏi han để phát hiện tai biến và xác định cường độ bấm thích hợp, điểu chỉnh nhịp độ và công thức huyệt cho phù hợp.

Nếu trẻ tỏ ra đau đớn cần chỉnh lại cường độ cho thích hợp hoặc dừng thủ thuật.

Xuất huyết, sưng tấy, tụ máu dưới da thường do bấm quá mạnh, cần xoa nhẹ chỗ xuất huyết hoặc không cần xứ trí gì, sẽ tự hồi phục sau vài ngày.

Đau các khớp, đau cơ, tụ máu trong cơ do làm quá thô bạo, quá nhanh, quá mạnh, quá đột ngột. Để tránh cần xoa bóp nhẹ nhàng, từ từ cho cơ khớp ấm, hồng và mềm mại ra rồi hãy vận động các khớp và cũng tránh vận động quá giới hạn hoạt động của khớp.

2.4. Các yêu cầu kỹ thuật (thủ pháp) khi làm xoa bóp bấm huyệt cho trẻ

Khi tiến hành thủ thuật, người thầy thuốc cần thực hiện đúng 6 yêu cầu cơ bản của phương pháp xoa bóp bấm huyệt là "Tâm, trí, khí, lực , pháp, hành". Phải tập trung tư tưởng, tránh phân tâm, dồn "Tâm, khí, lực" vào lòng bàn tay, ngón tay. "Thủ tùy tâm chuyển" nghĩa là tay liền với tâm, tâm sáng thì tay khéo. "Pháp tùng thủ xuất" nghĩa là thủ pháp xuất phát từ tay. Sao cho các ngón tay, bàn tay trở lên tinh nhạy, điêu luyện, không cần tốn nhiều sức lực mà vẫn phát huy công lực của thủ pháp, vẫn đạt hiệu quả điều trị. Dùng các đầu ngón tay nhạy cảm, sự tinh tế của lòng bàn tay áp sát da thịt, ôm trọn bắp cơ của trẻ trong lòng bàn tay mình mà cảm nhận chiều sâu bên trong để phát hiện ra sự đau đớn, sự co cứng cơ, dây chằng, sự thay đổi nhiệt độ của tổ chức bị bệnh, sự đáp ứng của cơ thể bệnh nhi dưới tay mà thầy thuốc điều chỉnh thủ pháp của mình. Để đạt được như vậy cần quá trình rèn luyện, học tập, rút kinh nghiệm cả về kỹ thuật lẫn chuyên môn y học.

Nhìn chung về kỹ thuật, yêu cầu phải nhẹ nhàng, có tác dụng thấm sâu vào da thịt. Lần đầu tiên phải làm nhẹ và ít về thời gian hơn những lần sau. Lúc bắt đầu và khi kết thúc phải làm nhẹ nhàng hơn.

Trong kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt, ngoài việc phải chọn huyệt, xác định huyệt cho chính xác thì yêu cầu thực hiện thao tác đúng kỹ thuật với cường độ và nhịp độ lực tác động phù hợp với tình trạng bệnh, sức khỏe của trẻ là rất quan trọng. Để quyết định điều này, trước hết làm tốt việc thăm khám, chẩn đoán tình trạng bệnh lý, tình trạng hư thực của bệnh nhi.

Như trên đã nói, đối với trẻ khuyết tật đều thuộc chứng trạng hư cho nên khi xoa bóp bấm huyệt chủ yếu dùng thủ pháp bổ là chính. Các thao tác thường dùng là lực tác động vừa phải, tăng giảm lực từ từ, không đột ngột, thời gian bấm hoặc vận động các khớp có khi phải lâu hơn, nhằm tạo cho trẻ cảm giác toàn thân dễ chịu, thoải mái, tại chỗ vùng bấm sẽ thấy ấm nóng, tê tức nhẹ. Các thao tác chậm, nhẹ nhàng, đúng mức sẽ có tác dụng an thần, làm cơ bắp thư giãn, các khớp giảm co cứng sẽ mềm mại hơn và đỡ đau đớn.

Các động tác phù hợp với thủ pháp bổ là xoa, vuốt, nhào bóp, vừa xát vừa bóp, ấn bấm từ từ, vỗ hoặc rung nhẹ, kéo căng cơ từ từ, co duỗi các khớp chậm và nhẹ nhàng…

Khi bấm huyệt có thể dùng nhiều ngón tay của 2 bàn tay để tác động lên nhiều huyệt của trẻ một lúc. Với các bệnh nhi co cứng co, cứng khớp, xoắn vặn, lệch trục các chi thì bao giờ cũng phải xoa bóp, bấm cho các cơ, gân, dây chằng, khớp mềm mại ra trước rồi mới được vận động các khớp, để phòng đứt cơ, trật khớp, gẫy xương, tụ máu,...

Một số lương y có kinh nghiệm bao giờ cũng bấm vào các "huyệt khóa" ở gần các khớp cổ tay, cổ chân, khớp gối, khớp khuỷu trước với quan niệm là để khai thông (mở khóa), rồi sau đó vừa bấm vào các huyệt ở các khối cơ, vừa bấm vào các huyệt khóa ở các khớp để điều chỉnh lượng kích thích bằng các huyệt khóa này. Thực chất ở đây là bấm vào các huyệt ở các khớp (nơi các gân cơ bám vào đầu xương gần ổ khớp) để làm mềm gân, mềm dây chằng, khớp sẽ đỡ co cứng, sẽ làm giảm đau đớn, khi vận động các khớp sẽ dễ dàng hơn. Mặt khác, theo y học cổ truyền các huyệt ở xung quanh khớp cổ chân, cổ tay, khớp gối, khớp khuỷu là các huyệt nguyên, huyệt hợp theo ngũ du huyệt là nơi khí của các đường kinh tụ hội nhiều nhất nên bấm vào đây có tác dụng chữa bệnh tốt.

2.5. Thời gian và liệu trình xoa bóp bấm huyệt cho trẻ khuyết tật

Thời gian của 1 động tác: Cường độ kích thích của các loại thủ pháp có nặng, có nhẹ, yêu cầu thời gian dài, ngắn của các  động tác cũng không giống nhau. Thường thì các động tác kích thích mạnh, huyệt vị phản ứng mạnh thì thời gian thủ thuật có thể ngắn 1 chút. Ở phần tổ chức mềm, mỏng yếu hơn, thời gian phải ngắn hơn 1 chút, ngược lại có thể dài 1 chút.

VD: Khi làm động tác đấm vài nhát đến vài chục nhát, thời gian từ 1 - 3 phút. Cách bấm thông thường mỗi lần thao tác 10 - 20 nhát, khoảng  1 - 3 phút, cũng có thể kéo dài 10 phút. Mỗi lần bấm từ 10 - 20 huyệt. Cách gõ thông thường mỗi thao tác từ 20 - 30 nhát, khoảng 1 - 3 phút. Đối với các chứng hậu nguy cấp, thời gian thủ thuật không nên kéo dài.

Thời gian 1 lần xoa bóp bấm huyệt: các động tác được làm trong khoảng thời gian từ 20 - 30 phút là vừa, cũng có thể kéo dài hơn, xong không nên để bệnh nhân mệt, thầy thuốc cũng mệt.

Liệu trình: có bệnh lý chỉ cần một lần xoa bóp bấm huyệt là khỏi. Với các cháu khuyết tật thì liệu trình thường là 1 tháng, nghỉ 10 ngày rồi tiếp tục đợt mới.

Bệnh cấp tính có thể bấm 2 - 3 lần/ngày, cách nhau 3 - 4 giờ. Bệnh mãn tính của trẻ khuyết tật thì chỉ cần 1 lần/ngày. Nói chung thời gian và số lần xoa bóp bấm huyệt để chữa bệnh sẽ tùy theo tình trạng bệnh lý và sự đáp ứng của người bệnh mà ấn định.

Xoa bóp bấm huyệt để chữa bệnh có thể làm bất kỳ thời gian nào trong ngày, còn xoa bóp bấm huyệt để tăng cường sức khỏe cần phải làm thường xuyên vào buổi sáng sau ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

3. Các động tác xoa bóp bấm huyệt cơ bản cho trẻ em khuyết tật:

Các động tác xoa bóp bấm huyệt rất phong phú, đa dạng, nhưng nhìn chung cũng chỉ nằm trong phạm vi thay đổi về cường độ mạnh, yếu, lớn, nhỏ, phương hướng tác dụng, thời gian tác dụng, thông qua sự biến đổi của 3 yếu tố đó để tạo ra sự khác biệt. Chú ý các động tác nhẹ nhàng, có tác dụng bổ là chính.

Thực tế với xoa bóp bấm huyệt cho trẻ em khuyết tật cũng chỉ cần nắm bắt được những động tác cơ bản, khoảng 15 động tác. Khi đã chẩn đoán bệnh ở vị trí nhất định, thầy thuốc chỉ cần làm 1 số thủ thuật thích hợp với loại bệnh đó, chứ không phải làm đủ cả 15 động tác.

a, Các thủ thuật tác động lên da là chính:

1. Xoa

2. Xát

3. Véo

4. Vỗ

5. Phân, hợp

b, Các thủ thuật tác động lên cơ là chính:

1. Day

2. Bóp

3. Lăn

4. Đấm và chặt

5. Vờn

c, Các thủ thuật tác động lên huyệt là chính:

1. Bấm, điểm

2. Ấn, day huyệt

d, Các thủ thuật tác động lên khớp là chính:

Thủ thuật chính là vận động các khớp. Tác động của các thủ thuật này đều làm tăng phạm vi và sức hoạt động của khớp, thông lý, mở khớp, tán nhiệt. Mỗi khớp có 1 cách vận động khác nhau, song đều thống nhất ở các điểm sau:

- Phải nắm vững phạm vi hoạt động sinh lý của các khớp cần vận động

- Muốn vận động khớp được dễ dàng phải cố định phần trên của khớp

- Cần nhớ là màng sụn trong ổ khớp của trẻ rất mỏng, dễ viêm, dễ dính, cho nên cần nắm vững trạng thái hoạt động hiện nay của khớp bị bệnh để có hướng vận động thích hợp. Nói chung xu hướng tổn thương các khớp của trẻ khuyết tật là viêm dính, co gân cơ trong tư thế gấp là chính. Nên khi vận động các khớp cần nhẹ nhàng, từ từ và trước khi vận động khớp phải làm các thủ thuật tác động lên các gân, cơ, da, dây chằng để các gân cơ mềm mại hơn, đỡ co cứng thì khi vận động khớp sẽ dễ dàng, đỡ đau. Mỗi lần vận động bị động cho khớp với phạm vi rộng hơn phạm vi bệnh lý 1 chút và  cố gắng giữ trong xu thế căng cơ, chống lại sự co rút vài phút để làm cơ mềm duỗi và khớp cũng sẽ mềm ra dần. Nếu làm mạnh, đột ngột, phạm vi rộng quá mức sẽ gây đau ở khớp, thậm chí gãy xương, đứt cơ, chảy máu trong khớp, trong cơ.

4. Kết luận:

Xoa bóp bấm huyệt để phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật là 1 công việc khó khăn, cần kiên trì, kết hợp lồng ghép với các chương trình khác của nhi khoa như chương trình "phát hiện và can thiệp sớm", chương trình "Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng", kết hợp với truyền thông chăm sóc sức khỏe trẻ em về dinh dưỡng, phòng bệnh, giáo dục trẻ có tật, đề phòng các khuyết tật thứ cấp… Đó không chỉ là một công tác nhân đạo mà còn có tính chất kinh tế, nhân lực và pháp lý sâu sắc, cần được xã hội hóa cao và mang tính ngày càng thiết thực.

 

Theo Chamcuuvietnam

Lượt xem : 51930 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo