Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Tẩm quất massage của Hội người mù Thanh Hoá: Nghề sáng trong bóng tối
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Tẩm quất massage của Hội người mù Thanh Hoá: Nghề sáng trong bóng tối

Từ một sáng kiến đầu tiên – hành nghề tẩm quất, trải qua bao vất vả, Hội người mù Thanh Hoá không những đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hội viên mà còn tham gia tích cực vào các công tác xã hội. Năm 1997, Hội người mù Việt Nam nhân rộng mô hình này ra cả nước.  

 

Anh Quyết đi tìm nghề

Tẩm quất của Hội người mù Thanh Hoá: Nghề sáng trong bóng tối 

Cụ Nguyễn Văn Tý, một trong những người làm việc đầu tiên trong Hội đang làm việc

Ngày 25-10-1982, Hội người mù thị xã Thanh Hoá thành lập với 12 hội viên. Những năm đầu tiên, Hội nhận làm các việc như chẻ que kem, đan chành bánh phở,
khâu bao tải rách cho các cơ sở tư nhân. Công việc nặng nhọc mà tiền công thì chẳng được bao nhiêu, đời sống anh em hội viên gặp nhiều khó khăn.

Năm 1994, anh Phạm Văn Quyết (hiện là chủ tịch Hội) cùng với anh Trần Mạnh Cường (hiện là phó chủ tịch Hội) thuê một người sáng mắt và bắt đầu bôn ba tìm
nghề giúp cho các hội viên có thể tự lực mưu sinh. Hầu hết các tỉnh phía Bắc, các anh đều đặt chân tới, nghe ngóng, thăm hỏi, tìm hiểu các mô hình làm
ăn. Nghề thì nhiều nhưng để tìm được một nghề phù hợp với những người mà trước mắt chỉ là một màn đêm u tối, tịch mịch như anh thì giống như “Thầy bói
xem voi”!

Anh cùng bạn hồi hương với tâm trạng chán chường và đổ bệnh nặng. Khi đang điều trị tại bệnh viện, anh vô tình nghe được tin từ một người bệnh đau cột sống
là “ở chợ Cửa Nam có một quán tẩm quất chữa bệnh hay lắm”. Mắt anh như sáng ra!

Sau khi xuất viện, anh lại thuê người dẫn đường, lại bôn ba tới các cơ sở tẩm quất lúc bấy giờ để tìm hiểu, học tập. Qua gần 10 nơi như thế, anh nhận thấy
những chỗ này lấy giá quá đắt, chưa có bài bản và nhiều nơi còn mang cả yếu tố không lành mạnh. Từ đó anh rút ra kết luận: “Đây là nghề mà những người
khuyết tật làm được và có thể làm tốt, giá rẻ hơn và không có tệ nạn xã hội”.

Anh và anh Cường tập hợp được một số anh em cùng cảnh ngộ. Thế nhưng cái khó là cơ chế lúc này không cho mở các điểm mát xa, đấm bóp. Anh lại phải mất một
thời gian đi vận động, gặp rất nhiều lãnh đạo thị xã, ở đâu anh cũng mang nghề ra tiếp thị. Khi thấy ý nghĩa, hiệu quả của công việc,  nhiều vị đã phải
thốt lên: “Như vậy thì tốt quá, tại sao lại không làm”!

Được sự đồng ý, giúp đỡ của các cấp chính quyền. Năm 1995, dịch vụ tẩm quất, mát xa, xông hơi của Hội người mù Thanh Hoá chính thức đi vào hoạt động. Để
chuyên nghiệp, đạt hiệu quả cao hơn, Hội phối hợp Bệnh viện Y học cổ truyền hướng dẫn những phương pháp điều trị.

Nghề... nuôi người tối mắt sáng lòng

Hiện tại, Hội có hơn 150 hội viên làm việc tại 4 cơ sở trong thành phố Thanh Hoá với thu nhập ổn định gần 1 triệu đồng/tháng. Hội còn tham gia tích cực
các phong trào xã hội khác như xây nhà tình thương cho nhiều người trong hội (cụ Tý, cụ Vòi, chị Nguyễn Thị Bằng...); chăm sóc, động viên con em của hội
viên học tập, lao động; thường xuyên quan tâm, giúp đỡ những hoàn cảnh mới không may bị cướp đi ánh sáng (như chị Ánh Dương, một giáo viên bị tai nạn và
mất đi đôi mắt, chị suy sụp hoàn toàn và chỉ muốn chết. Hội đã kịp thời đến động viên, chia sẻ và giúp chị học tập, lấy lại tinh thần, hiện tại chị đã
trở thành giáo viên dạy chữ Brai, dạy tin học trong Trung tâm dạy nghề của Hội)...

Những hội viên của Hội người mù Thanh Hoá không những đã tự sống bằng sức lao động của mình mà còn giúp ích cho xã hội .

ĐÌNH HỢP



 

Lượt xem : 50688 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo