Trang chủ --> Tin tức Hoàng Kim --> Hạnh phúc bắt đầu từ những điều “giản dị”
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Hạnh phúc bắt đầu từ những điều “giản dị”

(Hoàng Kim) - Ông trời không cho Hạnh đôi mắt sáng nhưng nhờ đó mà anh có nghị lực vượt qua những bĩ cực của cuộc đời…. Để rồi hôm nay, nhìn lại chặng đường đi qua, Hoàng Xuân Hạnh thấy mình thật hạnh phúc.

Ảnh cưới Hạnh - Kim Anh năm 2005

 

Thành đạt với 2 tấm bằng ĐH, là giáo viên của Trung tâm giáo dục phục hồi chức năng (Hội Người mù Việt Nam), và là “ông chủ” cửa hàng tẩm quất đã tạo việc làm cho bao lao động. Hạnh còn là người chồng, người cha mẫu mực của người vợ hiền và cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu…
 

Tìm niềm vui trong nỗi buồn
 

Nhớ lại những khó khăn, đôi mắt Xuân Hạnh đượm một chút buồn. Anh kể, cha anh từng rong ruổi khắp các chiến trường trong Bắc, ngoài Nam. Còn mẹ là thanh niên xung phong ở mặt trận Trường Sơn ác liệt. Gia đình anh vốn đã nghèo, lại càng thêm khốn khó khi cả 3 chị em anh ra đời đều bị mù bẩm sinh. Dù đã đưa các con đi chạy chữa tứ phương nhưng bố mẹ anh cuối cùng vẫn đành bất lực.
 

Có lẽ niềm vui duy nhất của bố mẹ Xuân Hạnh là sự ham học của hai cậu con trai. Khi lên 6 tuổi, anh Hạnh đã nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học cùng các bạn. Nhưng hồi đó, chẳng trường nào mở lớp dành cho người mù. Cho nên bố mẹ Hạnh phải thuyết phục mãi, hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Anh mới cho anh vào học dự thính. Tuy không viết được nhưng anh có trí nhớ rất tốt. Những lời cô giáo giảng, anh đều nhớ hết và về nhà kể lại cho bố mẹ nghe. Với những môn hình học, bố anh còn cắt chữ rồi dán lên tường giúp con tự học. Nhờ đó, anh luôn được nhà trường khen ngợi là tấm gương về tinh thần vượt khó cho các học sinh khác noi theo.
 

Lên cấp 3, Xuân Hạnh theo bố ra Thị xã Hà Tĩnh xin học chữ nổi Braille ở trung tâm dạy nghề dành cho người khiếm thị. Cũng từ đây, ước mơ trở thành nhà giáo cứ thôi thúc trong anh. Nhưng bao nhiêu hồ sơ gửi đi thi các trường sư phạm là bấy nhiêu lần anh không nhận lại được giấy báo hồi âm. Tuy bị các trường “từ chối” nhưng anh bảo: “chưa bao giờ mình buông xuôi. Bởi vẫn hi vọng một ngày nào đó, mong muốn của mình sẽ thành hiện thực”. Và ngày ấy cũng đến khi Đài Tiếng nói Việt Nam mở chương trình đào tạo từ xa trên làn sóng phát thanh. Chẳng một chút đắn đo, Xuân Hạnh đăng ký học ngay ngành quản trị kinh doanh của Viện Đại học Mở Hà Nội. Hồi ấy, anh còn liên tục viết thư và có lần được Đài tiếng nói về tận nhà trao phần thưởng. Vinh dự nhất vào năm 1996, anh còn là một trong năm người của cả nước được nhận giải Nguyễn Đình Chiểu. Đến giờ kể lại, anh Hạnh vẫn không sao tả hết niềm hạnh phúc của mình khi lần đầu tiên ra Hà Nội và được tiếp xúc với các nhà khoa học trong chuyến đi đó.
 

Hạnh phúc mang niềm vui cho mọi người

Nhưng cũng từ đây, cuộc sống ở Thủ đô của chàng trai khiếm thị thêm phần khó khăn, vất vả. Lúc này, anh Hạnh không những học ở Trung tâm của Hội người mù Việt Nam mà còn vào học chính thức tại Viện Đại học Mở. Sau khi tốt nghiệp, anh được được giữ lại làm giáo viên trường dạy nghề của Hội Người mù Việt Nam. Nhờ tinh thần nỗ lực, ham học hỏi, anh đã tục có nhiều sáng kiến, thành công trong công việc như: Viết giáo trình bằng chữ Braille in thành sách, ghi đĩa CD phục vụ học viên… Đặc biệt, bộ sách “Tin học văn phòng cho người khiếm thị” và “Phục hồi chức năng định hướng không gian đi lại cho người khiếm thị” do anh viết và biên soạn được xã hội đánh giá rất cao. Song nhiệt huyết của chàng trai tật nguyền vẫn không dừng ở đó khi năm 2000, anh tiếp tục thi đỗ ngành Triết học, khoa Quản lý Xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Anh tâm sự: “ Mình nghĩ, với mình hạnh phúc là được học và làm việc để vượt lên số phận và đóng góp cho xã hội như những người công dân có ích”.

Cũng bắt nguồn từ suy nghĩ đó, năm 2004, Xuân Hạnh mở cửa hàng tẩm quất mang tên Hoàng Kim. Đến nay, gần mười năm thành lập, Hoàng Kim đã trải qua biết bao khó khăn nhưng bù lại đã tạo việc làm cho khoảng 200 lượt người khiếm thị. Gần đây nhất, anh còn tiếp tục thành lập Công ty CP Tư vấn và hỗ trợ nghề Việt Nam. Anh cho biết, mặc dù xã hội đã quan tâm nhiều nhưng thực tế, hầu hết người khuyết tật ở nước ta vẫn chưa có việc làm. Thế nên, công ty của anh hiện đã liên kết với hơn 10 đơn vị sử dụng lao động nhằm hỗ trợ việc làm cho những đối tượng thiệt thòi này. Anh Hạnh chia sẻ: “Mình không có tiền cho mọi người. Nhưng mình cố gắng giúp họ bằng cách đem cho họ phương tiện để kiếm sống. Mình nghĩ đó mới là cách giúp đỡ lâu dài…”.
 

Chuyện tình như trong “cổ tích”
 

Không chỉ hạnh phúc vì đã tạo việc làm ổn định cho những người cùng cảnh ngộ, Xuân Hạnh còn thấy mình may mắn trong tình yêu với người con gái xứ Quảng dịu hiền. Hạnh kể, trong thời gian dạy ở Trung tâm, cô học trò xinh đẹp Kim Anh (giờ là vợ Hạnh), đồng thời là cán bộ của Hội Người mù tỉnh Quảng Ngãi đã thầm thương trộm nhớ thầy… Mặc cho biết bao dị nghị, nhất là sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình, Kim Anh vẫn kiên trì động viên Hạnh và thuyết phục gia đình đồng ý.
 

Để minh chứng cho chuyện tình đẹp của hai vợ chồng, anh Hạnh đã cho chúng tôi xem những bức thư thấm đầy tâm trạng của Kim Anh gửi cho mình. Trong đó, có đoạn: “Anh ơi, còn hơn tuần nữa em xa anh rồi! Hôm nay em không thể gọi anh là thầy nữa. Mà cho em được gọi anh, anh Xuân Hạnh yêu thương nhất của em nhé. Giờ này em và anh chỉ cách nhau mấy căn phòng thôi, nhưng em phải viết lên những lời trên máy, vì đây cũng là cách anh tiếp nhận rõ nhất, tốt nhất. Còn mỗi lần bên anh em bối rối chẳng nói được điều gì…”. Hay những lời tình cảm khác: “Quảng Ngãi chiều nhớ anh… Anh yêu thương! Hôm qua nhà em có mặt đông đủ, em đã thưa chuyện với gia đình rồi. Vì em không thể chờ lâu hơn được nữa… Cả nhà em phản đối quyết liệt lắm! Phía trước chúng ta sẽ gặp vô cùng khó khăn đấy anh ạ. Nhưng anh hãy vững tâm, dù bất cứ hoàn cảnh nào em vẫn luôn bên anh và em là con cưng của cả nhà, một thời gian cả nhà sẽ đồng ý thôi, anh đừng nghĩ nhiều…”.

Vì tình yêu, anh Hạnh cũng nhiều lần lặn lội vào tận Quảng Ngãi để thuyết phục bố mẹ Kim Anh. Để rồi, kết thúc cho chuyện tình đẹp 5 năm của họ là một đám cưới với sự có mặt đông đủ của hai bên gia đình. Giờ đây, chiều chiều Kim Anh trên đường đi làm về đều qua Trung tâm đón chồng trở về căn nhà nhỏ... Mỉm cười khi nói về hạnh phúc hiện tại, anh bảo, dẫu cuộc sống vẫn chưa hết khó khăn nhưng bên anh luôn có sự động viên, cổ vũ của người vợ hiền và cậu con trai 6 tuổi Hoàng Anh Dũng…  Với anh, sẽ chẳng có thứ hạnh phúc nào hơn thế…
 

Thanh Hương

Báo Bảo hiểm xã hội (số tết Đinh Tỵ 2013)

 

Lượt xem : 30850 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo