Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Bền bỉ phấn đấu vì sự phát triển bình đẳng và hạnh phúc của người mù
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Bền bỉ phấn đấu vì sự phát triển bình đẳng và hạnh phúc của người mù

Ngày 31/3/1982, Hội Người mù Thái Bình ra đời đánh dấu một sự kiện quan trọng trong đời sống của người mù trong tỉnh. Trải qua 30 năm bền bỉ phấn đấu, vượt lên nhiều chông gai, thử thách, Hội Người mù Thái Bình không ngừng trưởng thành và phát triển, trở thành mái nhà chung đầy ắp ân tình của những người khiếm thị.  

 

Tiết mục tham dự Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” do Hội Người mù Thái Bình tổ chức

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, một vấn đề vô cùng khó khăn đặt ra với Hội là làm thế nào để nhanh chóng tập hợp người mù vào hội đồng thời chăm lo tốt đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho hội viên. Trong khi đó, điều kiện về con người, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động đối với hội còn rất nhiều khó khăn. Ban chấp hành Hội - nòng cốt là những thương binh nặng từ chiến trường trở về. Tổ chức hội đã phải mất một thời gian khá dài để tìm tòi phương thức hoạt động.

Toàn thể cán bộ, hội viên không chịu lùi bước trước những khó khăn, thử thách, đoàn kết đồng lòng, kề vai sát cánh bên nhau quyết tâm xây dựng Hội. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND UBND tỉnh, sự đùm bọc, giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, hội viên, đến nay Hội Người mù Thái Bình đã trở thành một tổ chức xã hội đoàn kết, năng động, vững mạnh - một trong những đơn vị xuất sắc của Hội Người mù Việt Nam. Hệ thống tổ chức hội đã hình thành từ tỉnh đến các huyện, thành phố và tới các xã, phường, thị trấn với 232 chi hội, thu hút hơn 3.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Chi hội là cánh tay nối dài của các huyện, thành hội, là nơi người mù đi về, tối lửa tắt đèn có nhau, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ lẫn nhau làm cho tình cảm đồng tật thêm thân thiết, gắn bó. Hội đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, giàu lòng nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động hội, đồng thời quan tâm đề nghị giải quyết tốt chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội giúp cán bộ hội yên tâm công tác.

Nhận thức rõ, người mù luôn là lớp người chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh trong xã hội, chỉ bằng cách giúp họ có việc làm để tự nuôi sống bản thân, vươn lên hòa nhập với xã hội, ngay từ những ngày đầu mới thành lập Hội đã xác định việc tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ người mù phát triển kinh tế gia đình là nhiệm vụ trọng tâm. Công tác dạy nghề cho người mù được bắt đầu từ các lớp xe thừng, bện chão, dệt chiếu, đan cói, xe sợi len, dệt thảm, dệt bao tải... Từ những năm đầu đầy khó khăn, đến nay tất cả 8 huyện thành hội đều đã có cơ sở sản xuất, tỉnh Hội có Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề, được cơ quan chức năng giao chỉ tiêu dạy nghề hàng năm. 30 năm qua, Hội đã mở được hơn 100 lớp dạy các nghề thủ công, xoa bóp bấm huyệt cho 3.000 lượt người, giúp đỡ hàng trăm người có nghề, có vốn, có công cụ để sản xuất. Riêng nghề xoa bóp bấm huyệt đã mang lại hiệu quả lớn cho người mù ở Thái Bình.

Mỗi huyện, thành hội đều quản lý từ một đến hai cơ sở dịch vụ, tạo việc làm cho gần 200 người mù với mức lương thu nhập từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người mù đã có được mức sống khá từ nghề tẩm quất mang lại. Hội Người mù Thái Bình cũng là đơn vị điển hình trong công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Hội đã lập gần 100 dự án tạo điều kiện cho trên 1.000 người mù vay vốn với số tiền quay vòng trên 6 tỷ đồng. Vốn vay được người mù sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, nhờ đó nhiều gia đình người mù đã xóa được đói, giảm được nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trong Hội đã giảm từ 80% năm 1992 xuống còn 26% năm 2011 (theo chuẩn mới).

Cùng với dạy nghề, tạo việc làm, Hội Người mù Thái Bình còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội quan tâm, giúp đỡ người mù. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, các cấp hội từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn lại chuẩn bị quà, tiền trợ cấp để tặng cho hội viên. Trung bình mỗi năm có từ 5.000 đến 6.000 lượt người mù được thăm hỏi, tặng quà với số tiền từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng. Đó là chưa kể đến 1.500 chiếc máy thu thanh, hàng trăm bộ quần áo, chăn màn, giếng nước sạch được trao tặng đã góp phần giúp người mù vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Hội đã vận động các cấp, các ngành và nhân dân giúp đỡ sửa chữa, làm mới 120 ngôi nhà cho những người không tự lo được nhà ở với số tiền 830 triệu đồng, quyên góp tặng 400 sổ tiết kiệm từ thiện trị giá trên 100 triệu đồng.

Trong 30 năm xây dựng và hoạt động, thành tích đáng tự hào của Hội Người mù Thái Bình là đã đưa chữ Braille trở thành phương tiện giao tiếp, học tập, nâng cao nhận thức cũng như đời sống văn hóa tinh thần cho người mù. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chữ nổi, từ khi thành lập đến nay, Hội đã khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, giáo viên mở được 73 lớp xóa mù chữ cho 981 người, nâng cao trình độ cho 250 người, đào tạo 35 giáo viên, tổ chức nuôi dạy và đưa hàng chục học sinh đi học hòa nhập cùng với học sinh sáng mắt tại các trường phổ thông, cao đẳng và đại học. Nhờ có chữ nổi mà người mù được đọc các loại sách báo, tài liệu do trung ương Hội và tỉnh Hội xuất bản, phát hành.

Hội Người mù Thái Bình còn là một trong những tỉnh Hội sớm đưa công nghệ thông tin đến với người mù. Từ chỗ chỉ có 2 máy tính dành cho văn phòng và học sinh sử dụng năm 2000, đến nay Hội đã mở được 5 lớp tin học văn phòng cho cán bộ hội. 8/8 huyện, thành hội đều đã được trang bị máy vi tính, máy in và nối mạng internet. 80% cán bộ hội đã sử dụng thành thạo máy tính trong công việc. Hội không chỉ tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ, đồng thời khai thác mọi nguồn lực trong tỉnh, trong nước mà còn nắm bắt thời cơ vươn ra khai thác nguồn lực từ các tổ chức từ thiện nước ngoài góp phần đáng kể trong việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải thiện đời sống cho người mù.

Nhìn lại chặng đường 30 năm đã qua, Hội Người mù Thái Bình rất phấn khởi và tự hào trước những kết quả đã đạt được, trong đó điều phấn khởi nhất là thông qua các hoạt động của Hội đã góp phần trang bị văn hóa, tri thức, nghề nghiệp cho những người khiếm thị. Nhiều người mù từ cuộc sống đói nghèo nay đã trở thành những người lao động giỏi, những giáo viên, nghệ sĩ. Từ kết quả hoạt động của mình Hội Người mù Thái Bình đã làm thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận của xã hội về người mù. Vị thế của Hội và của người mù ngày càng được khẳng định rõ nét trong xã hội. Hội Người mù Thái Bình đã tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi do công cuộc đổi mới đất nước mang lại, đa dạng hóa các mối quan hệ trong tỉnh, trong nước và ngoài nước, khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện, quỹ vốn, luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo xây dựng tổ chức hội vững mạnh, mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc và sự phát triển bình đẳng cho người mù.

Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập là dịp để Hội Người mù Thái Bình nhìn lại chặng đường đã qua, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cho những năm tới, tích cực phát huy ưu điểm, ra sức khắc phục nhược điểm để xây dựng hội ngày càng vững mạnh nhằm chăm lo tốt hơn nữa cho đời sống của người mù theo tinh thần Chỉ thị số 51 của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa VI) “Về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam”. Nhân dịp này, toàn thể cán bộ, hội viên Hội Người mù Thái Bình bày tỏ sự biết ơn chân thành, sâu sắc và tha thiết mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của Hội Người mù Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành cũng như cộng đồng xã hội để người mù Thái Bình nhanh chóng vươn lên hòa nhập với xã hội, vì sự phát triển bình đẳng và hạnh phúc của người mù.

Bùi Anh Tuấn

(Phó Chủ tịch Hội Người mù Thái Bình)

 

  

Lượt xem : 12995 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo