Trang chủ --> Gương sáng --> Chuyện tình đẹp của cặp vợ chồng khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Chuyện tình đẹp của cặp vợ chồng khiếm thị

Đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng cặp vợ chồng khiếm thị ấy vẫn miệt mài đi hát rong và bán vé số lấy tiền nuôi 4 con ăn học, trưởng thành. Chuyện tình của họ từng trải qua không ít khó khăn trong cả thời chiến lẫn thời bình, nhưng vẫn thủy chung, son sắt và đầy lãng mạn. Đôi vợ chồng chúng tôi muốn nhắc đến là ông Nguyễn Nghề và bà Phạm Thị Diệu ở xóm 6, phường Tân Lập (Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk).

Tình yêu và nụ hôn đầu

Sinh ra tại Bình Định, lên 4 tuổi, bỗng dưng đôi mắt cậu bé Nguyễn Nghề mờ dần rồi mù hẳn. Nhà đông anh em, lại nghèo, nhưng bố mẹ Nghề vẫn cố gắng đưa cậu đi bệnh viện chữa trị. Ngày qua ngày, gia sản trong nhà dần cạn kiệt, song căn bệnh của Nghề không có dấu hiệu thuyên giảm, điều đó khiến Nghề vô cùng tuyệt vọng.

Nhớ lại những ngày tháng đầy gian khổ đó, ông Nghề rưng rưng nói: “Cứ thấy cha mẹ khóc lóc, rồi đi vay tiền để chữa trị cho mình, tôi càng xót xa, đau đớn. Đến năm lên 10 tuổi, bác sỹ nói không thể chữa được nữa, thế là cuộc đời tôi chìm hẳn trong tăm tối”.

Cũng từ đó, Nguyễn Nghề quyết tự lập bằng cách học hát để đi hát rong kiếm sống. “Có hôm thấy tôi tập theo các bài hát trong đài từ sáng đến tối rồi mệt lả, lăn ra ngủ quên cả ăn, bố mẹ can ngăn và định gửi tôi lên chùa, nhưng tôi nhất quyết không chịu”, ông Nghề kể.

Thời gian lặng lẽ trôi, cho đến năm 25 tuổi, gia đình ông Nghề chuyển lên Đắk Lắk sinh sống, ông tình cờ quen bà Phạm Thị Diệu, một cô gái cũng gặp nhiều bất hạnh. Diệu mồ côi, một mắt bị thong manh nên chỉ thấy lờ mờ, làm nghề rửa chén cho cửa hàng ăn của ông chú họ. Hai số phận bất hạnh gặp nhau và dần nảy sinh tình yêu.

Đúng lúc “lời yêu” vừa được thốt ra thì ông chú của bà Diệu chuyển quán ăn đi huyện khác, cách chỗ ông Nghề hát rong hàng trăm cây số. Để thỏa nỗi nhớ nhung, cứ tới cuối tháng, ông Nghề lại trích ra một số tiền từ nghề hát rong đầy nhọc nhằn nhờ người đưa ra xe đò để đến thăm bà Diệu. “Lúc đó, cũng có người kỳ thị nói, đã mù lòa còn bày đặt yêu đương, nhiều đêm về nghĩ thấy tủi thân muốn khóc, nhưng rồi nghĩ lại, mình mù nhưng chưa bao giờ xin ai đồng tiền nào, mình hát, ai thấy hay thì cho, không thì thôi. Người mù cũng có quyền được yêu chứ? Và thế là tôi lại có thêm sức mạnh để đến với bà Diệu”, ông Nghề tâm sự.

Có không ít đêm trời mưa như trút nước, hai người cứ đứng ngoài hiên nhà dột nát, nơi bà Diệu làm phục vụ để trò chuyện, bởi chú của bà cũng cấm cản không cho bà yêu ông. Nhớ lại những lần bị ông chú mắng như tát nước vào mặt, bà Diệu sụt sùi kể: “Có hôm, ông Nghề bắt xe xuống và chờ tôi suốt hai giờ đồng hồ, khi xong mọi việc tôi mới dám đi gặp người yêu. Nhưng ông chú bắt gặp lại chửi mắng tôi thậm tệ…”.

Năm 1967, sau 4 năm nói lời yêu, ông Nghề mới dám trao cho bà Diệu nụ hôn đầu tiên. Đó là một đêm trăng rằm, hai người đã thề suốt đời sống buồn vui có nhau. “Lúc đó tôi như vỡ òa vì hạnh phúc, bởi lâu nay chỉ mong không phiền hà tới người thân đã là tốt lắm. Nhưng rồi sự chân thật của anh Nghề đã khiến trái tim tôi rung động. Có điều, khi tình yêu trở nên khăng khít thì họ hàng lại càng kịch liệt can ngăn, họ nói hai đứa như thế thì ai lo được cho ai, với lại cha mẹ tật nguyền, sinh ra con cũng tật nguyền, tội nghiệp... Cuối cùng, lý lẽ của con tim đã thắng”, bà Diệu thổ lộ.

Lý tưởng cao đẹp…

Năm 1968, bố mẹ ông Nghề qua đời, hai người anh thì về TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, còn lại mình ông ở trong căn nhà nhỏ do bố mẹ để lại. Đúng lúc đó, Mỹ bắn phá Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột trở thành “miếng mồi” ngon cho giặc xâm chiếm. Khắp nơi đều xảy ra chết chóc, ngay cả quán bán hàng ăn - nơi bà Diệu làm việc cũng bị giặc càn cho tơi tả. Lòng căm phẫn giặc Mỹ trong lòng ông Nghề trỗi dậy mạnh mẽ, nhưng tiếc là bị mù nên không ai cho ông gia nhập quân đội.

Sau bao đêm trằn trọc suy nghĩ, ông Nghề lặn lội lên thuyết phục tổ chức hãy đưa lúa về nhà để ông bí mật giã gạo cho bộ đội. Hồi tưởng lại những ngày bom rơi đạn lạc đó, ông Nghề chân thành kể: “Ban đầu tổ chức cũng do dự lắm, nhưng sau thấy tôi quá thiết tha yêu cầu, hơn nữa bố mẹ tôi trước kia cũng làm nghề giã gạo nên có sẵn cối chày, căn nhà tôi ở lại nằm mãi trong khu vực sâu nên địch không chú ý đến. Thế là tổ chức quyết định cho người đưa lúa đến để tôi giã gạo”.

Ông Nghề giã được khá nhiều gạo, nhưng do bị mù nên không thể sàng sảy được, ông nghĩ ngay đến bà Diệu - người yêu của mình, thế là bà dọn về cùng ông sàng sảy gạo. Sức mạnh như được nhân lên, tổ chức nhiều lần khen ngợi nên không quản ngày đêm, ông bà chăm chỉ bên cối giã gạo, càng giã được nhiều gạo cho bộ đội, ông bà càng thấy hạnh phúc, sung sướng. Thấu hiểu sự thắm thiết và lý tưởng cao đẹp của hai trái tim đang yêu, hàng xóm đã tổ chức mấy mâm cơm mừng cho hai người chính thức trở thành vợ chồng.

Nhìn cơn mưa cuối mùa bất chợt phủ mờ tấm cửa kính của căn nhà nơi phố núi, lặng người đi rất lâu, bà Diệu xúc động giãi bày: “Có nhiều hôm anh Nghề ngủ gục ngay bên cối giã gạo. Chúng tôi giao hẹn với nhau phải giã thật nhiều gạo, khi nào giải phóng rồi mới sinh con. Vì vậy, tuy đã thành vợ chồng nhưng vẫn ngủ riêng vì sợ sinh con lúc này sẽ không còn giúp gì được cho kháng chiến nữa”.

Hạnh phúc tuổi xế chiều

Bây giờ, cả ông Nghề và bà Diệu đều đã bước qua cái dốc bên kia của cuộc đời, cuộc sống tuy còn nhiều vất vả nhưng ông bà vẫn quyết giữ khí chất của người cách mạng để làm gương cho con cháu. Uống xong ngụm trà nóng, với tay lấy chiếc đài radio cũ kỹ, ông Nghề bồi hồi nhớ lại: “Tuy không học được chữ, nhưng suốt từ thời kháng chiến đến giờ, ngày nào tôi cũng nghe đài, nhất là các chương trình thời sự, các bản tin nói về lý tưởng cách mạng, lý tưởng của tình yêu. Thời đó gian khổ, nhưng không hiểu sao con người lại có ý chí mạnh mẽ, kiên cường đến thế, khó khăn nào cũng vượt qua. Sau giải phóng, vợ chồng tôi sinh được 4 đứa con, giờ tất cả đều trưởng thành. Cuộc sống vất vả nhưng chưa bao giờ hai vợ chồng xảy ra cãi vã to tiếng, thời chiến tranh gian khó người ta còn sống kham khổ, yêu thương và sẵn sàng hy sinh cho nhau nữa là trong thời bình. Tuy mù lòa nhưng tôi luôn dạy con mình phải sống cho xứng đáng với những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho hòa bình hôm nay. Tình yêu cũng thế, phải gắn với lý tưởng cuộc sống. Hồi mới sinh đứa con đầu tiên, gia đình tôi cực khổ lắm, nhưng rất sung sướng vì sinh ra đứa con nào cũng lành lặn, ngoan ngoãn…”.

Có mặt trong buổi trò chuyện của chúng tôi, ông Võ Văn Hoàng, Tổ trưởng khu phố cứ gật gù thán phục: Đều đã qua cái tuổi 70, nhưng anh Nghề, chị Diệu luôn biết trân trọng, giữ gìn và sống với hạnh phúc đang có từng ngày, từng giờ, từng phút.

“Dù được Nhà nước trợ cấp hàng tháng nhưng còn sức khỏe, chúng tôi không thể ngồi yên, hàng ngày vẫn đi bán vé số dạo để góp thêm cho con cháu chút nào hay chút ấy, đó cũng là cái thú vui và hạnh phúc của tuổi già”, ông Nghề tâm sự.

Hà Văn Đạo 

Hoàng Kim (theo Kinh tế Nông thôn)  

Lượt xem : 35250 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo