Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Sơ lược lịch sử hình thành Hội người mù Việt nam (P 1)
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Sơ lược lịch sử hình thành Hội người mù Việt nam (P 1)

Ngày mai (16/4/2013), toàn thể cán bộ, hội viên Hội người mù Việt nam kỷ niệm ngày thành lập. Bạn đọc cùng Hoàng Kim nhìn lại chặng đường 44 năm hình thành và phát triển của Hội người mù Việt nam.

 

 

HOÀN CẢNH VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM

 

Ở miền Bắc, dưới thời thuộc Pháp người mù luôn bị coi là những người thừa của cả gia đình và xã hội, họ không được học hành và luôn phải chịu sự ghẻ lạnh hắt hủi của xã hội. Để có được miếng ăn hàng ngày, không ít người đã phải đi ăn xin hoặc âm thầm sống nhờ sự cưu mang của gia đình. Tuy nhiên với trí óc và các giác quan khác phát triển bình thường nên nhiều người đã quyết chí vươn lên tự lập cuộc sống bằng chính khả năng của mình. Nhiều người đã học nghề tẩm quất, học hát xẩm và cả nghề bói toán … có người đã trở thành nghệ nhân xẩm nổi tiếng, thợ tẩm quất điêu luyện…

 

Đặc biệt từ năm 1943 khi ông Nguyễn Chí Thiện là 1 trong 5 học sinh giỏi nhất của trường giành cho người mù ở Sài Gòn cùng vợ tình nguyện ra Hà Nội vận động quyên góp mở trường dạy cho trẻ em mù thì người mù ở miền Bắc bắt đầu được tiếp cận với chữ Braille từ ngày ấy.

 

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đất nước tạm thời chia cắt làm 2 miền. Ở miền Bắc dưới chế độ XHCN – Trong hoàn cảnh kinh tế còn rất nhiều khó khăn do hậu qua chiến tranh nhưng người mù nói riêng và những người tàn tật nói chung đã được Đảng và Nhà nước quan tâm giúp đỡ. Ngoài trường Thương binh hỏng mắt do Nhà nước thành lập từ năm 1955 ở 139 Nguyễn Thái Học Hà Nội, vào năm 1960, Ban Dân chính Trung ương đã thành lập trường dạy nghề và tổ chức sản xuất cho người mù ở Bắc Giang. Trường tiếp nhận khoảng gần 100 người mù cô đơn, khó khăn dạy nghề làm đinh, đan lát … Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan chỉ 3, 4 tháng sau trường giải thể. Cũng từ năm 1960 trong phong trào xoá mù chữ, bổ túc văn hoá nhiều người mù (nhất là những người mù ở Hà Nội) đã tìm đến các lớp học ban đêm để học tập. Khoảng 40 thanh niên, thiếu niên mù được vào học chương trình bổ túc văn hoá cấp I ở trường chữ nổi Ba Đình. Một số người đã được vào học ở một số trường Đại học hệ tại chức.

 

Được học tập, được tiếp nhận những thông tin về người mù các nước XHCN, người mù Việt Nam càng khát khao có được tổ chức riêng của mình.

 

Năm 1946 – Do bị thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại leo thang ra miền Bắc. Trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng gay go, ác liệt, thì ngày 26/11/1966 Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã ban hành Thông tư 202/CP về chính sách đối với những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và người tàn tật. Trong thông tư này đã nhấn mạnh đến việc thành lập Hội người mù. Điều này đã đáp ứng lòng mong mỏi của những người tàn tật nói chung và người mù nói riêng.

 

Tháng 7/1968 Bộ Nội Vụ đã cử ông Thái Cầm là chuyên viên của Vụ Cứu Trợ đến tiếp xúc với các ông Nguyễn Công Tiễu, Huỳnh Đình Thảo, Đinh Thuyên, Trần Công Nhuận để thông báo chủ trương của Nhà nước cho phép thành lập Hội.

 

Tháng 8/1968 - Ông Lê Văn Đại, Vụ trưởng Vụ Cứu Trợ đã chủ trì cuộc họp tại Văn phòng Bộ Nội Vụ với một số người mù tiêu biểu trong đó có cả những thương binh, các nhà khoa học và cán bộ viên chức Nhà nước để phổ biến chủ trương thành lập Hội. Cuộc họp đã cử ra một Ban trù bị thành lập Hội Người mù Việt Nam do ông Nguyễn Công Tiễu uỷ viên BCH TW Hội phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam, một nhà khoa học bị hỏng mắt rất am hiểu người mù. Người mà từ năm 1951 không còn là hội viên Hội đồng khảo cứu khoa học Đông Dương đã xuất bản cuốn Quốc ngữ “Chữ Mù” Alphabet Braill pour les aveugle Vietnamiens để người mù có thể tự học chữ Braille, làm trưởng ban. Ông Huỳnh Đình Thảo thương binh hỏng mắt là phó Ban.

 

Sau cuộc họp này, Bộ đã dự thảo Điều lệ của Hội có sự tham khảo điều lệ của Hội Người mù và kém mắt CHDC Đức. Bản dự thảo này đã được gửi cho các uỷ viên Ban trù bị thành lập Hội để tổ chức cho người mù – chủ yếu là người mù Hà Nội nghiên cứu đóng góp, bổ xung.

 

Ngày 16/4/1969 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký quyết định số 190/NV cho phép thành lập Hội Người mù Việt Nam. Ngày 17/4/1969 khi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc thì Đại hội thành lập Hội Người mù Việt Nam được khai mạc trọng thể tại hội trường câu lạc bộ Thống Nhất, cạnh hồ Hoàn Kiếm trung tâm Thủ đô Hà Nội. Đại hội diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/4 với gần 100 đại biểu đại diện cho người mù ở 3 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và Tỉnh Hà Tây cùng nhiều đại biểu đại diện cho các cơ quan TW và Hà Nội, đại hội đã được đón ông Ung Văn Khiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đến dự và phát biểu ý kiến.

 

Tại Đại hội các Đại biểu đã nhất trí lấy tên Hội là Hội Người mù Việt Nam. Hội có 3 cấp: Trung ương, Thành, Tỉnh và Quận, Huyện Thị hội (gọi là Chi hội). Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành TW gồm 11 người trong đó:

 

Cụ: Nguyễn Công Tiễu làm Chủ tịch

 

Ông: Huỳnh Đình Thảo làm Phó Chủ tịch

 

Ông: Đinh Thuyên làm Tổng thư ký

 

Sự ra đời của Hội là một dấu án lịch sử, đánh dấu một bước ngoặt cơ bản trong đời sống người mù.

 

Sau khi Hội người mù Việt Nam được thành lập, tháng 6/1969 Bộ Nội vụ thông báo với Hội là Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đang yếu mệt đã gửi lời thăm hỏi, động viên và yêu cầu Hội báo cáo với Bác về tình hình người mù. Ông Huỳnh Đình Thảo Phó Chủ tịch Hội đã gửi báo cáo lên Bác và xin phép Bác cho lấy lời dạy: “Tàn nhưng không phế” của Người làm phương châm hoạt động của Hội. Đây là lời nói của Bác với anh em thương binh tại Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội đêm giao thừa tết Bính Thân (1956).

 

Ở miền Nam năm 1968, thành lập Hội Người mù, đóng trụ sở ở số 506 đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Hội tập hợp được khoảng 100 người mù. Phần lớn hội viên sống dựa vào gia đình, một số đi bán vé số. Hội chỉ làm nhiệm vụ vận động kiếm tiền, cán bộ Hội không có lương. Sau giải phóng (1975) một thời gian thì giải thể.

 

B – Quá trình xây dựng và phát triển:

 

 

I – Nhiệm kỳ I (1969 – 1981)

 

Kiên trì, thận trọng, vững chắc bằng con đường văn hoá:

 

tổ chức sản xuất -  xây dựng và phát triển Hội.

 

Được thành lập trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh vô cùng ác liệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị vô cùng thiếu thốn; trụ sở của Hội chỉ là 2 phòng trong thường Thương binh hỏng mắt ở số 139 Nguyễn Thái Học (Hà Nội) với một số tủ, bàn ghế thô sơ, cán bộ của Hội không có lương. Với tinh thần: Tất cả vì hạnh phúc của người mù, từ đầu tháng 5/1969 Ban Thường vụ cùng một số cán bộ ít ỏi của Văn phòng đã bắt tay vào triển khai công việc.

 

Căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước, để thực hiện nhiệm vụ: đưa người mù vào đời sống xã hội theo Điều lệ của Đại hội đề ra, lãnh đạo Hội đã quyết định 2 phương châm hoạt động của thời kỳ này là:

 

1/ Thận trọng, vững chắc, nỗ lực chủ độnglà chính, viện trợ là quan trọng.

 

2/ Từ không đến có, từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn.

 

Với 2 phương châm này cùng với việc tiến thành phát triển, xây dựng tổ chức ở Hà Nội và Hải Phòng, Hội đã nhanh chóng triển khai mở các lớp xoá mù chữ Braille cho người mù.

 

Ngày 3/7/1969 Hội đã có công văn gửi Bộ Giáo dục đề nghị giúp đỡ mở lớp học cho người mù. Cũng tháng 7/1969 TW Hội đã đề nghị ngành Thủ công nghiệp chấp nhận cho 10 cán bộ, hội viên đi học lớp quản lý kinh tế do ngành mở.

 

Ngày 15/1/1970 Sở Giáo dục Hà Nội cho phép thành lập một số lớp chữ nổi Bổ túc văn hoá tại trường cấp I, II Phan Chu Trinh (Hội lấy tên là Trường Nguyễn Đình Chiểu) do ông Trần Công Nhuận Uỷ viên Ban chấp hành Hội Người mù Việt Nam nguyên hiệu trưởng trường chữ nổi Ba Đình trước đây làm hiệu trưởng. Trường có 4 lớp dạy chương trình cấp cấp I cho 50 người mù từ 15 – 35 tuổi. Trường tổ chức chữ học mỗi tuần 3 buổi tối. Nhiều anh chị em ở Hà Nội, Hà Tây đã không quản ngại xa xôi, vất vả theo học đầy đủ. Do tổ chức phát triển, năm 1972 khi Thành hội Hà Nội được thành lập thì TW Hội đã chuyển giao cho Thành hội một số tổ chức hoạt động như đội văn nghệ và trường Nguyễn Đình Chiểu và một thời gian sau thì các lớp học của trường chuyển về các Quận, Huyện.

 

Cũng trong năm 1970 TW Hội kết hợp với Phòng Thương binh và xã hội khu phố Hoàn Kiếm mở lớp dạy chữ, dạy nghề đầu tiên cho các cháu mù trong khu phố. Các cháu được học xoá mù chữ Braille và học nghề làm tăm với thời gian 1 năm. Khi lớp học kết thúc thì tổ sản xuất 202 được thành lập.

 

Do nhu cầu học tập của người mù và để đáp ứng định hướng chiến lược về phát triển Hội, năm 1971 Trung ương Hội đã thành lập tổ nghiên cứu cải tiến thống nhất chữ tắt Braille Tiếng Việt gồm 20 người do ông Đinh Thuyên làm tổ trưởng. Tổ được Viện Nghiên cứu ngôn ngữ và khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng Hợp giúp đỡ. Sau 5 năm nghiên cứu và thực nghiệm từ năm 1971 – 1975 tổ chức hoàn thành một bản chữ viết tắt Tiếng Việt rút ngắn được 40% so với chữ đủ. Hội đã ban hành hệ thống chữ tắt này trên toàn quốc. Đặc biệt chữ Braille Tiếng Việt thời gian này được trình bày khác nhau về dấu thanh. Tuy không có cuộc thảo luận nào nhưng khi đất nước thống nhất thì anh chị em ở cả 3 miền đã sử dụng cách đặt dấu như ở miền Bắc vì tiện lợi và đơn giản hơn.

 

Tháng 12/1972 Mỹ cho máy bay B52 đánh phá ác liệt Hà Nội, Trung ương Hội đã sơ tán về Hà Tây. Mọi hoạt động của Hội được chuyển về nông thôn. Trong khi Mỹ chủ trương đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá thì Hội đã mở lớp dạy chữ Braille đầu tiên cho hội viên và người mù ở xã Hiệp Thuận, huyện Quốc Oai. Cũng thời gian này chuyến hàng viện trợ đầu tiên của Hội Người mù và kém mắt CHDC Đức cho Hội Người mù Việt Nam chuyển bằng tàu biển đã cập cảng Hải Phòng. Hàng gồm có 500 bảng, dùi viết, 20 máy chữ nổi, đồng hồ và 5 tấn giấy viết giành cho người mù. Mặc dù Mỹ đang đánh phá ác liệt và phong toả cảng Hải Phòng, cán bộ sáng mắt của Hội chỉ trong một đêm đã chuyển được toàn bộ số hàng về Hà Nội phục vụ kịp thời cho việc mở lớp học. Nhờ vậy lớp thứ 2 vừa dạy chữ, vừa dạy nghề đã được Bộ Thương binh và Xã hội (Nay là Bộ LĐTB&XH) đánh giá là: Một công trình xã hội rất có ý nghĩa.

 

Phát huy hết kết quả và kinh nghiệm thu được trong việc dạy chữ cho người mù, để hỗ trợ đắc lực cho công tác phát triển Hội, lãnh đạo Hội ngày 15/6/1974 đã quyết định mở lớp đào tạo giáo viên trong thời gian 4 tháng và đề nghị Bộ Nội vụ giúp đỡ mở lớp.

 

Ngày 13/9/1974 Bộ Nội vụ đã có công văn gửi các Sở, Ty Thương binh và Xã hội Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Nam Hà, Hà Bắc, Thái Bình, Thanh Hoá, Hải Hưng yêu cầu cử người về học lớp đào tạo giáo viên do Hội mở. Ngày 28/9/1974 lớp học được khai giảng tại xã Hoàng Văn Thụ, Huyện Thanh Trì, Hà Nội. Phần lớn học viên của lớp khi về địa phương đã trở thành những giáo viên hoặc cán bộ nòng cốt xây dựng Hội.

 

Để đáp ứng nhu cầu học tập của người mù, năm 1974 TW Hội đã sản xuất bảng và dùi viết để cung cấp cho giáo viên và học viên nhưng do nguyên liệu được cấp là nhôm dẻo nên những bảng này dùng một thời gian đều bị sai lệch.

 

Song song với việc mở lớp dạy chữ, dạy nghề Hội đã chú trọng tới việc tổ chức sản xuất cho hội viên.

 

Về việc mở lớp dạy nghề, tổ chức sản xuất của Hội thời gian này đã có một số ý kiến của cán bộ các ngành hữu quan cho rằng: Hội viên của Hội đã là những người tàn tật, không nên bắt họ lao động, Hội không cần tổ chức sản xuất. Người mù đã có Nhà nước trợ cấp … thậm chí có người còn có quan điểm: Việc thành lập Hội chỉ là hình thức, để đối ngoại với những ý kiến đó, lãnh đạo Hội đã kiên trì thuyết phục và bảo vệ quan điểm: sự nghiệp của người mù phải do người mù đảm nhiệm và để có thể chăm sóc tốt hơn cho hội viên, giúp họ có cuộc sống ổn định, bình đẳng với xã hội thì việc tổ chức cho người mù được lao động sản xuất với những ngành, nghề phù hợp là rất cần thiết. Vì vậy Điều lệ Hội ở nhiệm kỳ I đã xác định Hội góp phần tích cực với Nhà nước trong việc tổ chức sản xuất cho người mù và tổ chức sản xuất của Hội chỉ được triển khai xen ghép với các tổ chức sản xuất khác. Để thực hiện mục tiêu này tháng 4/1970 Hội đã thành lập tổ hợp tác “Đời Mới” chuyên sản xuất các mặt hàng nhựa như: Sợi nilon, đan túi xách cho công ty Bách hoá, sợi khâu nón cho Ty lâm nghiệp Hà Tây, sợi đan cho Tổng cục thuỷ sản - Địa điểm tại 94 Đường Nam Bộ (nay là phố Lê Duẩn) và 181 Phùng Hưng (Hà Nội). Sau đó Thành hội Hà Nội đã tổ chức tổ sản xuất tăm tre an toàn (Quận Ba Đình), tổ chức sàng và nắm than cho nhà máy cơ khí Điện ảnh …

 

Việc tổ chức sản xuất thời kỳ này thực chất chỉ giành cho người mù Hà Nội và trong phạm vi hẹp mang tính thể nghiệm, tìm tòi.

 

Vấn đề người mù ở Việt Nam là vấn đề rất mới mẻ. Hội lại ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh. Để làm cho xã hội hiểu về người mù và tổ chức của mình ngay từ khi thành lập Lãnh đạo Hội đã rất chú trọng công tác tuyên truyền. Bằng việc thành lập các tổ, đội văn nghệ; tổ chức các buổi nói chuyện, xuất bản bản tin đã có tác dụng rất lớn làm cho xã hội hiểu rõ hơn khả năng của người mù… qua đó khẳng định với cộng đồng: người mù có thể hoà nhập bình đẳng với xã hội nếu có sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân.

 

Ngay từ khi nghe tin Nhà nước cho phép thành lập Hội và để chuẩn bị cho Đại hội thành lập Hội Người mù Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Nghệ sĩ Kim Sinh – Uỷ viên Ban Trù bị, các tổ văn nghệ được thành lập. Anh chị em luyện tập rất hăng say suốt 6 tháng không có lương, không có thù lao, nhiều người còn phải kiếm sống hàng ngày. Có người vai mang đàn ghi ta, lưng địu con, tay cầm gậy lần đến điểm tập.

 

Đêm 19/4/1969 TW Hội tổ chức công diễn văn nghệ chào mừng thành công của Đại hội lần thứ I của Hội. 63 anh chị em diễn viên mù lần đầu tiên lên sân khấu tình diễn liên tục 3 tiếng đồng hồ với rất nhiều tiết mục như: độc tấu nhạc cụ, đơn ca, tốp ca với các thể loại: chèo, cải lương, hát xẩm, nhạc mới … phần lớn do anh chị em tự biên, tự diễn. Đặc biệt có dàn đồng ca 45 người do nghệ sĩ Kim Sinh chỉ đạo.

 

Đêm công diễn đã gây nên sự ngỡ ngàng xúc động và để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân và giới văn nghệ sĩ thủ đô.

 

Để phát huy kết quả Đại hội. TW Hội đã mở một đợt tuyên truyền với xã hội về sự ra đời của Hội, tổ chức in ấn Điều lệ Hội, các tài liệu văn bản của Đại hội, giới thiệu chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người mù, tổ chức và hoạt động của Hội. Cùng với việc tổ chức các buổi nói chuyên, trình diễn văn nghệ, tháng 3/1970 Hội đã xuất bản tờ “Tin tức hoạt động” bằng chữ Braille và chữ Việt. Tờ chữ Việt in Rônêô chủ yếu để biếu các cơ quan hữu quan. Tờ chữ Braille do không có máy in nên được anh chị em cán bộ, hội viên đánh bằng tay rồi khâu lại thành tập gửi về các địa phương.

 

Đến năm 1973 tờ “Tin tức hoạt động” được đổi thành bản tin.

 

Tháng 7/1975 nội san Đời Mới bằng chữ Braille được xuất bản thay cho bản tin.

 

Ngày 22/1/1972 Bộ Nội vụ có công văn gửi các Sở, Ty Thương binh và Xã hội đề nghị cung cấp tin cho tờ “Tin tức hoạt động” của Hội.

 

Tháng 6/1981 Hội được Uỷ ban II Hà Lan viện trợ một xưởng in chữ Braille, từ đây nội san Đời Mới được in, đóng bằng máy chất lượng tốt hơn, số trang nhiều hơn (lên tới 60 trang).

 

Do tình trạng kinh tế lạc hậu lại phải trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt nên tỷ lệ người mù ở nước ta khá cao. Để có thể chăm sóc tốt hội viên và người mù ngay từ những ngày đầu mới thành lập, lãnh đạo Hội đã rất chú trọng tới việc mở ra quan hệ quốc tế nhất là với các tổ chức đồng tật ở các nước XHCN. Ngay sau ngày 17/4/1969 Hội đã gửi công văn cho các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đề nghị thông báo sự ra đời của Hội Người mù Việt Nam với Hội Người mù các nước XHCN như: Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức, CuBa, Triều Tiên, Mông Cổ, Bungari, Ba Lan, Anbani, Hungari …

 

Ngày 17/2/1970 Hội Người mù và kém mắt CHDC Đức đã gửi thư mời đại diện của Hội sang thăm CHDC Đức.

 

Ngày 1/12/1970 GS.TS. Zakharốp Phó Chủ tịch thứ I Hội chữ thập đỏ Liên Xô đến thăm Hội và chuyển quà tặng của Hội Người mù toàn Nga cho Hội gồm đồ dùng học tập và đồ chơi thể thao. Tháng 7/1970 Hội Người mù toàn Nga gửi thư mời một đoàn đại biểu của Hội sang thăm Liên Xô.

 

Năm 1987 Ông Đinh Thuyên đi dự Đại hội VI của Hội Người mù và kém mắt CHDC Đức.

 

Nhiệm kỳ I của Hội do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã kéo dài trong 12 năm (1969 – 1081) trong đó có 2/3 thời gian là chiến tranh ác liệt, và ngày 3/10/1976 Hội lại chịu một tổn thất lớn là cụ Nguyễn Công Tiễu Chủ tịch Hội từ trần. Bắt đầu từ thời gian này ông Huỳnh Đình Thảo làm quyền Chủ tịch.

 

Nhiệm kỳ I với rất nhiều khó khăn nhưng với lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm, năng động, sáng tạo, cán bộ, hội viên của Hội đã phát huy hết khả năng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra.Từ gần 100 hội viên ngày đầu thành lập, đến cuối nhiệm kỳ đã có 1.738 hội viên sinh hoạt ở 42 Chi hội (Quận, Huyện) thuộc 4 Tỉnh, Thành hội và 3 Huyện hội thực thuộc là các Thành hội: Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tỉnh hội: Hà Nam và Huyện hội Hoà An (Cao Bằng), khu điều dưỡng Thương binh Duy Tiên Nam Hà, khu điều dưỡng thương binh hỏng mắt Hà Nội.

 

Kết quả hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ I đã là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Hội sau này, đồng thời đã tạo được sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân với Hội, tạo được niềm tin của hội viên và người mù với Đảng, Nhà nước và tổ chức của mình. Một điều không kém phần quan trọng nữa là: kết quả này đã giúp cho người mù tự tin hơn trong cuộc sống./.

 

 

 

Nhiệm kỳ II (1981 – 1987)

 

Đẩy mạnh phát triển tổ chức, góp phần với Nhà nước thay đổi phương thức chăm sóc người mù.

 

 

 

Tuy đạt được nhiều thành tích to lớn nhưng có thể nói: Nhiệm kỳ đầu tiên của Hội vẫn là giai đoạn tìm tòi, thể nghiệm. Ban lãnh đạo các cấp Hội vừa tìm mọi cách chăm sóc đời sống hội viên vừa dựa vào các cơ quan chức năng để khẳng định vị thế của Hội và chính vì có mục tiêu, phương pháp hoạt động đúng đắn nên Hội đã tạo được sự quan tâm giúp đỡ thường xuyên của Đảng, Nhà nước.

 

Sau một thời gian dài hoạt động, để tổng kết rút kinh nghiệm nhằm củng cố tổ chức, đưa hoạt động Hội lên bước phát triển mới cả về lượng lẫn về chất, lãnh đạo Hội đã quyết định tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II. Đại hội diễn ra trong 2 ngày từ 25 – 26/11/1981 tại Hội trường khách sạn Giảng Võ Hà Nội. Về dự Đại hội có 70 đại biểu của 4  Thành, Tỉnh hội: Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nam Ninh và Huyện hội Hoà An (Cao Bằng), chi hội khu Điều dưỡng thương binh Hà Nam và khu Điều dưỡng thương binh hỏng mắt Hà Nội cùng đại diện của 4 ban vận động thành Hội của các Tỉnh: Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Khánh, Quảng Nam - Đà Nẵng. Tại Đại hội, quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ đã đến dự và phát biểu ý kiến.

 

Sau 2 ngày làm việc Đại hội đã bầu ra  Ban chấp hành gồm 15 người, Ban chấp hành đã bầu ra Ban thường vụ gồm 3 người, trong đó:

 

Ông Huỳnh Đình Thảo – Chủ tịch

 

Ông Đinh Thuyên – PCT – Kiêm tổng thư ký

 

Ông Trần Công Nhuận – Uỷ viên

 

Nhiệm kỳ II của Hội (1981 – 1987) là nhiệm kỳ có sự phát triển mạnh mẽ về tổ chức. Ở nhiệm kỳ I trách nhiệm của xã hội đối với người mù và Hội chưa được xác định rõ ràng thì ở nhiệm kỳ II ngay trong Điều lệ sửa đổi của Hội và trong quyết định 08 ngày 1/2/1982 của HĐBT (nay là Chính phủ) đã xác định rõ là: Hội được Nhà nước “Hướng dẫn, giúp đỡ”.

 

Được sự quan tâm giúp đỡ ngày càng thiết thực của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Hội đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa các mặt hoạt động - đặc biệt là việc mở lớp dạy chữ ở các địa phương chưa có Hội, tiếp tục thực hiện phương châm: bằng con đường văn hoá tập hợp người mù, tiến tới thành lập Hội. Do vậy, chỉ trong nhiệm kỳ đã có 9 Thành, Tỉnh hội được thành lập là: Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Khánh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Hà Sơn Bình, Long An, Đồng Nai, Nghệ Tĩnh, Sông Bé ra đời 4 Ban vận động thành lập Hội ở các tỉnh: Thanh Hoá, Bình – Trị – Thiên, Nghĩa Bình, Tiền Giang. Từ nhiệm kỳ I, Hội đã có hệ thống tổ chức gồm 3 cấp. Ở nhiệm kỳ II, hệ thống tổ chức của Hội đã được cấu tạo chặt chẽ, hoạt động theo qui chế rõ ràng hơn. Ở cơ quan TW Hội đã hình thành các Ban chuyên môn giúp việc cho Thường vụ.

 

Với tinh thần ở đâu có tổ chức Hội, ở đó có người mù phải được chăm sóc tốt hơn, Đại hội II của Hội đã quyết định lấy LĐSX làm nhiệm vụ trung tâm cho các hoạt động của Hội. Vì vậy các cấp Hội đã rất chú trọng công tác LĐSX, đặc biệt là việc thành lập các cơ sở sản xuất tập trung.

 

Tại Đại hội II, trong Điều lệ về LĐSX được ghi là: “Hội góp phần tích cực với Nhà nước trong việc tổ chức sản xuất cho người mù”. Nhưng trong khi thực hiện, điều này đã gây cho Hội rất nhiều khó khăn. Theo yêu cầu của đông đảo cán bộ, hội viên, lãnh đạo Hội đã báo cáo với Nhà nước thông qua Văn phòng Chính phủ và đã được sửa lại là: “Hội tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất của người mù”, việc thay đổi này đã tạo điều kiện để Hội đẩy mạnh công tác LĐSX, nhất là việc phát triển các cơ sở sản xuất (SX) tập trung.

 

Với kinh nghiệm tổ chức LĐSX của thành hội Hải Phòng và Hà Nội, TW Hội đã chỉ đạo các địa phương tổ chức các cơ sở SX tập trung chủ yếu làm các nghề thủ công như: làm tăm, chổi, đan lát … Riêng Hà Nội đã sản xuất đồ nhựa, đồ điện, cao su, thu nhập của người lao động tương đối cao. Vì vậy hầu hết các Thành, Tỉnh hội đều nỗ lực xây dựng các cơ sở sản xuất. Có địa phương như: Hà Nội toàn bộ các Quận, Huyện đều có cơ sở SX – trong đó, có đến 3 cơ sở hoạt động rất hiệu quả. Điều đặc biệt là, tuy thời gian này cả nước ở trong  cơ chế bao cấp – kể cả vốn đầu tư ban đầu đến nguyên vật liệu, trừ một vài cơ sở của Hà Nội như: Tổ sản xuất 3-2, tổ 19-5, tổ Hồ Gươm sau nhiều năm hoạt động do lãnh đạo Thành hội tích cực đề xuất, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành trong Thành phố nên năm 1981 Thành phố đã ban hành quyết định số 5241 chấp thuận chuyển các cơ sở sản xuất này lên thành HTX trực thuộc các cấp Hội. Do đó cơ sở mới được phân phối vật tư theo chỉ tiệu phân bổ hàng năm. Xã viên, được đong gạo chênh lệch theo ngành nghề, được cấp trang bị bảo hộ, được khám chữa bệnh miễn phí … Cũng trong thời gian này Bộ Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư Liên tịch số: 34/TTLT về miễn, giảm thuế cho các cơ sở SX của người tàn tật và Thông tư 09 về việc thành lập các xí nghiệp của người tàn tật, nhờ có các chính sách này Thành hội Hải Phòng đã thành lập được xí nghiệp 17/4 và HTX 3-2 của Hà Nội được chuyển lên thành xí nghiệp cao su 3-2.

 

Tóm lại tuy không được bao cấp nhưng các cấp Hội đã phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, tự thân vận động để xây dựng và đảm bảo hoạt động cho các cơ sở sản xuất.

 

Tính đến cuối nhiệm kỳ (1987) toàn Hội đã tổ chức và quản lý 60 cơ sở, trong đó có 4 xí nghiệp, 3 HTX, thu hút hơn 1.000 người mù.  Những cơ sở sản xuất của Hội không chỉ là nơi để người mù đến làm việc mà còn là nơi để Hội tổ chức cho hội viên học chữ, học nghề, sinh hoạt văn nghệ, câu lạc bộ nhằm nâng dần trình độ về mọi mặt cho hội viên.

 

Tuy đạt được những kết quả tốt đẹp trong hoạt động SX nhưng nhìn chung ở nhiệm kỳ này các cơ sở sản xuất của Hội đều rất nhỏ bé, cơ sở vật chất nghèo nàn, công việc đơn giản, thu nhập của người lao động quá thấp, hơn nữa việc thành lập các cơ sở SX tập trung chỉ mới thích hợp với địa bàn Thành phố, Thị xã, thị trấn. Hội chưa có biện pháp giúp đỡ về việc làm cho người mù nông thôn – nhất là vùng sâu, vùng xa.

 

Cùng với công tác LĐSX, để chăm lo tốt hơn đời sống cho hội viên. TW Hội đã chủ trương mở rộng quan hệ với các tổ chức xã hội, từ thiện và các tổ chức đồng tật trên thế giới. Từ năm đầu nhiệm kỳ (1981) đến năm cuối nhiệm kỳ (1987) Hội đã đón tiếp các đoàn đại diện của Hội Những người tàn tật thị lực Thụy Điển, Hội Người mù Nga, CHDC Đức, Đan Mạch, Mỹ, NaUy và các tổ chức: Uỷ ban II Hà Lan, SIDA … đồng thời Hội đã cử các đoàn đại biểu đi thăm và dự các hội nghị quốc tế như: Hội nghị quốc tế về báo chí của người mù ở CHDC Đức (1982), thăm Hội Người mù các nước Bắc Âu (1983), Tổng thư ký của Hội đi thăm và học tập ở Liên Xô (1983), hội nghị quốc tế về Hình ảnh nổi ở CHDC Đức và Tiệp Khắc (1984).

 

Do mở rộng quan hệ quốc tế nên trong nhiệm kỳ Hội Người mù Việt Nam đã tranh thủ được sự giúp  đỡ to lớn về vật chất của bạn bè Thế giới – cụ thể như: Sau khi viện trợ cho Hội một xưởng in chữ Brai vào năm 1981, những năm sau đó UB II Hà Lan đã cử chuyên gia sang giúp đỡ in ấn.Năm 1986, 1987 Uỷ ban tiếp tục cung cấp phụ tùng máy, nguyên vật liệu in và hàng chuyên dùng cho Hội.

 

Cũng trong nhiệm kỳ Hội Người mù Việt Nam đã được Hội Người mù CHDC Đức tặng một xưởng in sản xuất bàn chải, Hội Người mù toàn Nga tặng một máy ép nhựa và dụng cụ học tập, Hội Người mù Mỹ tặng hàng chuyên dùng phục vụ cho học tập, Hội Người mù khu vực Bắc Âu và Hiệp hội Người mù Thế Giới (WBU) tặng giấy viết …

 

Đặc biệt từ năm 1987, khi trở thành thành viên chính thức của WBU Hội càng có điều kiện để mở rộng quan hệ quốc tế và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức và Hội Người mù các nước. Nhờ sự giúp đỡ này nên cùng với việc tổ chưc SX, Hội đã có thêm điều kiện để mở các lớp xoá mù chữ ở các địa phương và đưa hoạt động khác nhu báo chí, tuyên truyền, văn nghệ … phát triển.

 

Trong nhiệm kỳ vào những năm 1981, 1982 TW Hội đã biên soạn ký hiệu chữ Braille dùng trong toán học, âm nhạc và biên soạn tài liệu thanh toán mù chữ và làm một số sách có hình ảnh nổi cho các cháu mù …

 

Ở Hà Nội, sau một thời gian lãnh đạo Thành hội tích cực đề nghị, năm 1982 UBND Thành phố đã ra quyết định thành lập trường trẻ em mù Nguyễn Đình Chiểu địa điểm trường cũng là trụ sở của Hội lúc bấy giờ ở 195 Đường Nam Bộ. Thời gian đầu việc giảng dạy cho học sinh do giáo viên của Thành hội và của ngành giáo dục cùng đảm nhiệm.

 

Riêng tờ báo của Hội, nhân kỷ niệm 15 năm ra “Bản tin” đầu tiên (1970), năm 1985 TW Hội đã quyết định đổi “Nội san Đời Mới” thành Tạp chí Đời Mới. Bằng sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, hội viên, hoạt động của Hội ngày càng có hiệu quả do đó đã tạo được uy tín trong xã hội và tranh thủ được sự giúp đỡ của các cấp Uỷ Đảng, Chính quyền, các ban ngành và nhân dân. Một số Tỉnh, Thành, Quận huyện hội đã được cấp trụ sở, cấp kinh phí hoạt động, cử cán bộ sáng mắt giúp đỡ. Riêng TW Hội đã được Nhà nước giải quyết 25 chỉ tiêu cán bộ, công nhân cho xưởng in.

 

Đặc biệt công ty Xổ số kiến thiết Thủ đô đã giành một đợt vé của năm 1987 để xây dựng trụ sở TW Hội. Thứ trưởng Bộ Thương binh – Xã hội Hoàng Thế Thiện đã trực tiếp đo đạc, khảo sát 500 m2 đất ở khu điều dưỡng thương binh hỏng mắt để xây dựng trụ sở Hội.

 

Với kết quả hoạt động từ ngày thành lập, đặc biệt trong nhiệm kỳ II, có thể nói: Hội đã giúp Nhà nước thay đổi phương thức giải quyết vấn đề chăm lo đời sống cho người mù nói riêng – người tàn tật nói chung, đó là: chuyển từ trợ cấp, cứu tế sáng tạo điều kiện giúp đỡ để người tàn tật vươn lên tự nuôi sống mình và hoà nhập với cộng đồng.

 

Với thành tích xuất sắc trong hoạt động, năm 1982 Hội Người mù Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III. Cùng được tặng thưởng Huân chương lao động hạng III trong năm này còn có Thành hội Hà Nội, xí nghiệp cao su 3-2, HTX Hồ Gươm (Hà Nội).

 

Với thành tích hoạt động của nhiệm kỳ và với những phần thưởng cao quí của Nhà nước vị thế của Hội đã được nâng lên – nhất là vào năm 1987 khi Hội được kết nạp là thành viên của MTTQVN thì tính độc lập của Hội ngày càng được xác lập vững chắc. Hội đã có đủ tư cách pháp nhân về những hoạt động của mình và có tiếng nói chính thức trên các diễn đàn cả trong nước và Quốc tế.

 

 

Lượt xem : 16704 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo