Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Sơ lược lịch sử hình thành Hội người mù Việt nam (P2)
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Sơ lược lịch sử hình thành Hội người mù Việt nam (P2)

 

Nhiệm kỳ III (1987 – 1992)

 

“Xã hội hoá hoạt động”

 

Chủ trương đúng đắn, kết quả to lớn

 

 

 

Vào năm 1986 Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương đổi mới - Đặc biệt từ năm 1989 khi nền kinh tế được chuyển đổi mạnh mẽ từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Để đưa mọi hoạt động của Hội bắt kịp với nhịp độ phát triển mới của đất nước và cũng là thực hiện Điều lệ sửa đổi của nhiệm kỳ II – Ngày 20/11/1987 TW Hội quyết định tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III tại Hội trường nhà khách TW Đảng số 8 Chu Văn An – Hà Nội. Về dự Đại hội có 102 đại biểu, đại diện cho 13 Thành, Tỉnh hội và 3 huyện hội trực thuộc. Đại hội vinh dự được đón bà Nguyễn  Thị Định Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước và đại diện lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể ở TW và Hà Nội.

 

Ông Phó chủ tịch Hội người mù toàn Nga đã đến dự và phát biểu ý kiến chào mừng Đại hội. Đại hội đã bầu ra BCH gồm 19 uỷ viên. Sau đó BCH đã bầu ra Ban thường vụ gồm 5 người, trong đó:

 

Ông Đinh Thuyên – Chủ tịch

 

Ông Lê Hồng Thuỷ – PCT kiêm Tổng thư ký

 

Ông Nguyễn Hữu Vọng – PCT

 

Ông Trần Công Nhuận – Uỷ viên

 

Ông Trần Thế Tôn – Uỷ viên

 

Tại đại hội này ông Huỳnh Đình Thảo do sức khoẻ yếu nên xin nghỉ công tác.

 

Ở những năm đầu nhiệm kỳ, trong hoàn cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn; Mỹ ra sức bao vây, cấm vận. Liên Xô và cả hệ thống XHCN ở Đông Âu sụp đổ. Về kinh tế chúng ta mất đi những bạn hàng, những chỗ dựa truyền thống. Đồng tiền mất giá, lạm phát tăng cao đời sống nhân dân khó khăn. Trong khi đó các thế lực phản động bên ngoài luôn tìm mọi cách để chống phá … Do những khó khăn của đất nước nên kinh phí hoạt động của các cấp Hội thời gian này rất hạn chế. Ở các cơ sở SX hàng hoá làm ra phải “tự sản, tự tiêu”, nguyên liệu không được cung cấp, người lao động không còn được cung cấp lương thực, thực phẩm theo giá bao cấp, nên đời sống của hội viên, của người lao động rất thấp. Ở nhiều địa phương, phương tiện hoạt động, cơ sở vật chất rất nghèo nàn.

 

Do chưa quen với kinh tế thị trường, lại gặp khó khăn khi chuyển đổi cơ chế nên hoạt động của Hội thời gian này đã có phần chững lại. Chỉ tính đến cuối năm 1981 toàn Hội chỉ 52 cơ sở SX với 882 lao động. Trong cán bộ, hội viên đã nảy sinh nhiều băn khoăn lo lắng. Nhiều câu hỏi đặt ra với lãnh đạo các cấp Hội như: Hoạt động của các cấp Hội có duy trì và phát triển lên được không? Hàng của người mù làm ra làm sao cạnh tranh được với thị trường? Các cơ sở SX của Hội liệu có tồn tại?

 

Trước tình hình đó nếu chỉ trông chờ vào sự bảo trợ, giúp đỡ của Nhà nước là rất khó khăn. Hơn nữa sự viện trợ của các tổ chức đồng tật quốc tế cũng chỉ mới bắt đầu và còn ít ỏi. Vì vậy, ban lãnh đạo Hội đã có chủ trương: Vừa đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động vừa phát động cán bộ, hội viên nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, tìm nghề, tìm việc; khuyến khích các cơ sở SX chủ động chuyển đổi mặt hàng, tìm kiếm thị trường, nguyên vật liệu, tự tiêu thụ sản phẩm …

 

Để đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động, lãnh đạo Hội đã tích cực tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, MTTQVN. Bộ LĐTB và XH và các bộ, ban ngành, cơ quan đoàn thể ở TW.

 

Ngày 19/7/1988 Bộ LĐTB và XH đã có công văn số 2495 xác định mối quan hệ bảo trợ của Nhà nước với Hội. Điều này đã giúp Hội có điều kiện mở rộng quan hệ với các cơ quan, ban ngành có liên quan.Vào năm 1989, sau khi có ý kiến gợi ý của Thượng tướng Song Hào – Bộ trưởng Bộ LĐTB và XH, lãnh đạo Hội đã chủ động đề xuất với Ban Dân vận TW tăng cường giúp đỡ Hội. Ngày 12/4/1989 Ban Bí thư TW Đảng đã ra Chỉ thị 51/CT-TW khẳng định vai trò và thành tích hoạt động của Hội Người mù Việt Nam, đồng thời chỉ thị cho các cấp, các ngành đề cao tinh thần nhân đạo, ý thức trách nhiệm giúp đỡ Hội. Chỉ thị 51/CT-TW của Đảng thật sự là động lực to lớn thúc đẩy toàn bộ hoạt động của Hội - đặc biệt là công tác phát triển tổ chức.

 

Và cũng nhằm đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động, về phía nội bộ, TW Hội đã phát động các cuộc vận động trong phạm vi toàn Hội:

 

Tuần lễ chăm sóc người mù 1990.

 

Năm xoá mù chữ cho người mù 1991.

 

Năm việc làm cho người mù 1992.

 

Các cuộc vận động này đã làm cho xã hội đã hiểu rõ về Hội, về nhu cầu cháy bỏng của người mù đồng thời đã tranh thủ được sự giúp đỡ đáng kể về tinh thần và vật chất, tạo điều kiện cho Hội hoạt động.

 

Tháng 9/1990 Trụ sở TW Hội được khánh thành, toàn bộ cơ quan TW Hội chuyển về trụ sở mới 139b Nguyễn Thái Học Hà Nội. Từ đây các phòng ban chuyên môn có điều kiện làm việc tốt hơn, nề nếp và chuyên sâu hơn.

 

Cũng trong năm 1990 này, TW Hội đã tích cực đề xuất và năm 1991 đã được Nhà nước chấp thuận phân bổ cho một nguồn tiền từ quỹ SIDA (Thụy Điển) để giúp cho việc SX của Hội. TW Hội đã phân bổ số tiền này về các địa phương với chủ trương ban đầu là để xây dựng và củng cố cơ sở SX.

 

Sau khi nhận được tiền, lãnh đạo Tỉnh hội Thái Bình thấy cần thiết phải tạo điều kiện giúp đỡ vốn cho người mù nghèo – Vì ở Thái Bình có đến hơn 80% người mù sinh sống ở địa bàn nông thôn và làm nông nghiệp rất cần được giúp đỡ.

 

Giải quyết cho hội viên vay vốn, tuy có người còn băn khoăn, e ngại về hiệu quả sử dụng vốn của người mù, nhưng tin tưởng ở cách làm của Thái Bình, ngay cuối năm 1990 TW Hội đã tiến hành thí điểm cho hội viên nghèo trong toàn Hội vay vốn để làm kinh tế gia đình với hình thức tín chấp và không tính lãi. Số tiền vay là của quỹ SIDA (Thụy Điển), cùng với tiền của tổ chức CARE Úc giúp đỡ và tiền thu được qua cuộc vận động “Tuần lễ chăm sóc người mù”. Có tiền, người mù đã mua được cây, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nguyên liệu cho sản xuất như: mây, tre, nứa … tạo thêm việc làm cho bản thân và gia đình.

 

Tính đến tháng 10/1992 toàn Hội đã có 3.176 hội viên được vay vốn với số tiền là: 714.893.000 đồng.

 

Việc thí nghiệm cho người mù vay vốn của Hội tuy còn rất ít ỏi nhưng đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong các cấp Hội, tăng thêm niềm tin yêu vào Hội của mỗi cán bộ, hội viên làm cho họ phấn khởi, hăng say lao động sản xuất ổn định cuộc sống, đồng thời cũng là tiền đề để Hội phát động cuộc vận động “Năm việc làm cho người mù” vào năm 1992 và tạo đà cho công tác LĐSX của Hội phát triển ở những năm tiếp theo.

 

Ngoài việc giúp cho người mù nghèo được vay vốn để SX thì các cuộc vận động “Tuần lễ chăm sóc người mù”, “Năm việc làm cho người mù” cũng nhằm tạo thêm vốn cho các cơ sở SX tập trung – giúp các cơ sở đứng vững được trong cơ chế thị trường và vươn lên phát triển. Cùng với việc tạo thêm vốn, các đơn vị đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức, giảm bớt những người không cần thiết, không sản xuất những mặt hàng khó cạnh tranh như: đồ điện, đồ nhôm, nhựa … mà chỉ chuyên sản xuất những mặt hàng phù hợp với khả năng của người mù như: đan lát, làm tăm, làm chổi … Trong sản xuất, đặc biệt chú trọng tới chất lượng, mẫu mã và hạ giá thành sản phẩm, đồng thời mở rộng các hình thức tiêu thụ và địa bàn tiêu thụ. Thời kỳ này nhiều hội viên đã vượt mọi khó khăn đi bán sản phẩm của Hội. Có hội viên ở Hà Nội đã mang tăm vào tận T/p Hồ Chí Minh bán; có hội viên ở Nha Trang mang chổi lên tận Tây Nguyên, vào các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long: Long An, Đồng Tháp để tiêu thụ …

 

Với nhiều biện pháp sáng tạo, tích cực, đồng bộ kịp thời của TW, các Thành, Tỉnh hội và lòng quyết tâm của cán bộ, hội viên nên công tác sản xuất của Hội đã được duy trì, đến những năm cuối nhiệm kỳ đã phát triển tốt đẹp.

 

Tính đến tháng 10/1992 Hội đã có tổ chức và quản lý 74 cơ sở sản xuất với hơn 2.000 lao động. 74 cơ sở này đã được TW hội trợ giúp vốn với số tiền 961.000.000đ, bình quân mỗi cơ sở được trợ giúp: 11.600.000đ.

 

Có thể nói: Trong hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn của đất nước, khi Nhà nước chưa có chủ trương cho người nghèo vay vốn thì việc đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động, tích cực tạo nguồn, thí nghiệm cho hội viên nghèo vay vốn, trợ giúp cho các cơ sở sản xuất của Hội là một cách làm táo bạo, đúng đắn, kịp thời, thể hiện tính nhân văn sâu sắc với tư tưởng cao đẹp: tất cả vì hội viên, vì người mù  của tập thể lãnh đạo Hội. Hơn nữa thành công trong công việc thí nghiệm cho người mù vay vốn của Hội đã tạo thuận lợi to lớn để Hội tham gia chương trình vay vốn “quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm” (QQGHTVL) của Nhà nước năm 1992.

 

Cùng với việc giải quyết cho vay vốn giúp đỡ hội viên sản xuất ổn định đời sống, các cấp Hội còn tích cực đề xuất với Đảng bộ. Chính quyền địa phương trợ cấp khó khăn, miễn giảm thuế nông nghiệp, miễn giảm chi phí học được cho họi viên nghèo và con em của họ.

 

Để đảm bảo chất lượng hoạt động, công tác của cán bộ Hội, năm 1989 TW Hội đã xây dựng thang lương nội bộ. Các tỉnh hội Hà Tây (1990), Tỉnh hội Thái Bình (1991) đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép thực hiện chế độ lương theo qui định của Hội.

 

Trong nhiệm kỳ III cùng với công tác LĐSX, nhằm chăm sóc tốt hơn đời sống tinh thần cho hội viên, đưa công tác Hội phát triển toàn diện, vững chắc, lãnh đạo các cấp hội đã rất chú trọng tới việc nâng dần trình độ dân trí cho hội viên qua việc mở các lớp dạy chữ, dạy nghề, tăng cường các hoạt động tuyên truyền báo chí, văn nghệ, thể dục thể thao …

 

Năm 1991 cùng với việc Hội phát động cuộc vận động “Năm xoá mù chữ cho người mù”, Nhà nước đã phát động: thập kỷ chống mù chữ quốc gia (1991) – 2000) và đưa người mù nói riêng – người tàn tật nói chung vào diện được miễn  xoá mù chữ thì lãnh đạo Hội đã cử ông Trần Công Nhuận, UVTV, trưởng ban tuyên truyền, giáo dục của Hội lên gặp Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười để đạt nguyện vọng của đông đảo cán bộ, hội viên mong được tham gia chương trình xoá mù chữ quốc gia. Nguyện vọng này đã được Chủ tịch HĐBT chấp thuận và sau đó Nhà nước đã công nhận việc xoá mù chữ cho người mù nằm trong chương trình xoá mù chữ quốc gia và được cấp kinh phí với mức áp dụng cho miền núi (100.000đ/người). Chỉ tính riêng năm 1991 Hội đã được Nhà nước cấp 300.000.000đ và vận động các nguồn tài trợ được 120.000.000đ. Với số tiền này các cấp Hội đã mở được 150 lớp xoá mù chữ cho 1.600 người. Một số Tỉnh, thành hội như: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh … còn mở các lớp học tiếng Anh, học nghiệp vụ chuyên môn …

 

Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng của chương trình, năm 1991 TW Hội đã nghiên cứu, biên soạn và xuất bản 2 bộ sách giáo khoa với 2.000 cuốn xoá mù chữ mức 1 (M1) và 1.000 cuốn mức 2 (M2).

 

Năm 1992 được sự tài trợ kinh phí của tổ chức OXFAM Anh, TW Hội đã cùng với một cơ sở sản xuất nghiên cứu và sản xuất tại trong nước 5.000 bộ bảng viết, dùi viết và 2.000 bộ bảng tính cung cấp cho các địa phương.

 

Để phục vụ cho công tác xoá mù chữ, năm 1992 TW Hội đã cử cán bộ về một số tỉnh mở lớp đào tạo giáo viên tại chỗ. Và cũng năm này Giáo sư KiZuKa (Nhật Bản) cũng là người mù đã sang giúp Hội mở lớp tập huấn giáo viên về phương pháp giảng dạy cho người mù.

 

Với nhiều cách làm năng động, sáng tạo phù hợp từ TW đến các địa phương đã tạo nên một không khí hào hứng sôi động trong học tập của hội viên, đồng thời làm cho mỗi cán bộ, hội viên – nhất là hội viên trẻ nhận thấy được là chỉ bằng con đường học tập mới có thể LĐSX tốt, ổn định được cuộc sống, vươn lên hoà nhập với cộng đồng.

 

Cũng để góp phần nâng cấp trình độ dân trí cho hội viên – TW Hội đã tích cực đề nghị và năm 1988 Tạp chí Đời Mới – chữ Braille đã được Bộ VHTT cấp phép hoạt động trở thành tờ báo chính thức phục vụ người mù trong mạng lưới báo chí quốc gia. Tạp chí do ông Đinh Thuyên làm Tổng biên tập.

 

Tuy nội dung còn nghèo nàn, cán bộ biên tập vừa thiếu lại vừa yếu, bài vở biên tập xong lại phải đem nhờ một cán bộ của cơ quan khác tu chỉnh. Tuy vậy Tạp chí đã đem đến cho cán bộ hội viên những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những kiến thức về KHKT, những thông tin về hoạt động của tập thể và những cá nhân trong Hội – cùng những thông tin về Hội người mù các nước.

 

Năm 1991 – Liên đoàn công dân mù Úc viện trợ cho Hội một trung tâm sản xuất sách nói. Bạn đã gửi tặng máy móc thiết bị, băng từ và cử chuyên gia sang giúp lắp đặt và hướng dẫn sử dụng. Có được phòng thu băng, TW Hội đã quyết định sản xuất thí điểm tạp chí Đời Mới truyền thanh. Tuy ở giai đoạn thí điểm nhưng tạp chí đã được cán bộ, hội viên trong toàn Hội nhiệt tình đón nhận.

 

Như vậy đến năm 1991 Hội đã tích cực đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của người mù qua 2 cơ quan xúc giác (sờ) và thính giác (nghe). Điều này đã làm cho người mù gần gũi với cộng đồng hơn, tự tin hơn trong cuộc sống.

 

Xã hội hoá hoạt động, tranh thủ sự giúp đỡ to lớn của Nhân dân trong nước, Hội vẫn chủ trương tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế để có điều kiện chăm sóc hội viên của Hội tốt hơn.

 

Được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước hàng năm trong nhiệm kỳ Hội đều tổ chức đón tiếp các đoàn đại biểu của các tổ chức đồng tật, các tổ chức nhân đạo và các cơ quan ngoại giao nước ngoài đến thăm, trao đổi bàn bạc phương án hợp tác, giúp đỡ hoặc trao hàng viện trợ. Năm nhiều nhất (1988 – 1989) Hội đã đón tới 12 đoàn; năm ít nhất (1991 – 1992) cũng đón tới 5 đoàn. Các đoàn tới không chỉ từ các nước XHCN như: Mông Cổ, Cu Ba, CHDC Đức, Liên Xô mà còn từ: Pháp, Hà Lan, Nhật, Tây Đức, Úc, Thụy Điển, Thái Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Phần Lan …

 

Cùng với việc đón tiếp các đoàn quốc tế, Hội đã tăng cường cử đại diện đi thăm quan, học tập và dự các đại hội, hội nghị của Hiệp hội người mù thế giới (WBU) và các tổ chức đồng tật ở khu vực và một số nước – cụ thể: năm 1988 dự đại hội II WBU ở Tây Ban Nha; dự hội nghị quốc tế về Thư viện cho người mù ở Úc và thăm Liên bang Nga.

 

Năm 1989 đi thăm Hội người mù các nước Bắc Âu, thăm Liên Xô.

 

Năm 1990 dự Hội nghị Quốc tế ở CHDC Đức, đi thăm Thái Lan.

 

Năm 1991 dự Đại hội Hiệp hội người mù khu vực Châu á - Thái Bình Dương; Thăm và dự các hội nghị ở: Nhật Bản, Thái Lan, Inđônêxia, Singapore.

 

Năm 1992 dự Đại hội III WBU ở Aicập, dự các hội nghị ở Kenya và thăm Philippin. Cũng trong năm này ông Đinh Thuyên Chủ tịch Hội, một mình với cây gậy trắng đã lên đường đi dự hội nghị Thế giới của những người tàn tật Vancuvơ (Canada) họp từ 22 – 26/4/1992.

 

Nhờ đẩy mạnh công tác đối ngoại, Hội đã tranh thủ được nguồn viện trợ to lớn, cần thiết phục vụ cho người mù như: gậy, đồng hồ nói, xe đạp đôi, máy đánh chữ nổi, sách, giấy, nguyên vật liệu in, máy dệt len, máy cuốn dây, băng từ, máy móc để sản xuất sách nói …

 

Đạt được thành tích to lớn trên các mặt hoạt động, vị thế của Hội ngày càng được khẳng định rõ nét trong cộng đồng. Tuy nhiên việc phát triển Hội trong cả nhiệm kỳ còn chậm. Do nhiều nguyên nhân cả chủ quan, lẫn khách quan, trong cả nhiệm kỳ chỉ có 3 tỉnh hội và 1 huyện hội trực thuộc mới được thành lập đó là: Thanh Hoá, Hà Bắc, Tiền Giang và huyện hội: Mê Linh (Vĩnh Phú). Tính đến cuối nhiệm kỳ (1992) cả nước có 16 Tỉnh, Thành Hội nhưng do Hà Nam Ninh chia tách thành Nam Hà và Ninh Bình; Nghệ Tĩnh được chia thành Nghệ An và Hà Tĩnh nên số Thành, Tỉnh hội đã là 18 và 2 chi hội trực thuộc là: Hoà An (Cao Bằng) và Mê Linh (Vĩnh Phú) với 138 chi hội và 12.000 hội viên.

 

Từ nhiệm kỳ III do sự phát triển Hội - đặc biệt ở các tỉnh phía Nam - để đảm bảo có sự chỉ đạo chặt chẽ kịp thời của TW Hội với các địa phương, sau khi được sự đồng ý của UBND thành phố HCM ngày 26/9/1991 Lãnh đạo Hội đã quyết định thành lập Văn phòng Đại diện ở các Tỉnh phía Nam đặt tại 185 Cống Quỳnh Quận 1, T/p HCM và cử ông Nguyễn Hữu Vọng Phó Chủ tịch Hội làm Trưởng đại diện. Một thời gian sau do ốm đau nhiều, sức khoẻ suy giảm, ông Vọng trở ra Hà Nội, TW cử ông Nguyễn Khánh – UVBCH, Chủ tịch Thành hội TP.HCM làm trưởng ban đại diện.

 

Có thể nói: nhiệm kỳ III của Hội với chủ trương xã hội hoá hoạt động đã tạo cho Hội bước chuyển hướng mạnh mẽ và kịp thời trước hoàn cảnh khó khăn của đất nước. Chủ trương đúng đắn, đầy tính sáng tạo này đã đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, hội viên và được Nhà nước, Hiệp hội người mù Thế giới và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

 

Ngày 17/4/1989 tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội, thay mặt HĐND, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và Chủ tịch Đoàn chủ tịch UBTWMTTQVN Nguyễn Hữu Thọ, đã trao tặng Hội Người mù Việt Nam Huân chương lao động hạng II.

 

Trong báo cáo của Đại hội lần thứ III, Hiệp hội người mù Thế giới họp tại Cairô (Ai cập) từ ngày 2 – 6/11/1992 do ông Pedro Zurita – Tổng thư ký Hiệp hội trình bày đã khẳng định: các Hội Người mù hoạt động có kết quả nhất trên thế giới hiện nay là: Hội Người mù Tây Ban Nha, Hội người mù Anh, Hội Người mù Nauy và Hội Người mù Việt Nam. Trong đó Hội Người mù Việt Nam hoạt động trong điều kiện rất khó khăn về tài chính.

 

 

 

Lượt xem : 14657 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo