Tỉnh Thừa Thiên-Huế có gần 26.500 người khuyết tật; trong đó trên 15.000 người ở độ tuổi lao động và hầu hết thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn.
Cơ sở dạy nghề Hy Vọng ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế dạy nghề cho người khuyết tật. (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)
Để tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người khuyết tật như đào tạo nghề miễn phí, hỗ trợ ăn, ở trong quá trình học nghề, giới thiệu việc làm giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật thuộc Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thừa Thiên-Huế là một địa chỉ dạy nghề uy tín cho người khuyết tật. Mỗi năm trung tâm nhận đào tạo nghề miễn phí cho khoảng 150-170 người khuyết tật.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm nói: “Hiện, trung tâm nuôi dạy 150 em khuyết tật; trong đó có 103 em nội trú, với 18 cán bộ và giáo viên giảng dạy được đào tạo chuyên môn về nuôi dạy, chăm sóc trẻ khuyết tật. Các giáo viên ở trung tâm đã chọn nghề, xây dựng giáo án riêng và có phương pháp dạy phù hợp với mỗi học viên, như nghề may dân dụng, may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, thêu ren truyền thống, tin học, điện-điện tử và sửa chữa xe gắn máy. Với thời gian học kéo dài từ 6-9 tháng, khi nào tay nghề học viên vững mới cung ứng lao động cho các doanh nghiệp nên có trên 90% học viên có việc làm khi ra trường.”
Trong quá trình học nghề các em được miễn đóng tiền học phí và hỗ trợ tiền ăn, ở, được khám và điều trị kịp thời khi đau ốm. Trung tâm còn dạy cho các em kỹ năng sống, giao tiếp, trang bị kiến thức xã hội, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao giúp các em xóa đi mặc cảm, tự tin nói lên nguyện vọng của mình lúc phỏng vấn xin việc.
Không chỉ đào tạo nghề, Trung tâm còn liên kết với các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm việc làm cho các em khi hoàn thành khóa học. Đối với những em không xin được việc, Trung tâm đứng ra nhận các hợp đồng sản phẩm để các em vừa được thực hành vừa có thêm thu nhập.
Đến nay, trung tâm đã mở hơn 170 lớp nghề cho hơn 3.300 học viên; trong đó có khoảng 2.300 em có việc làm ổn định, một số em điều kiện không đi xa được tự sản xuất gia công tại nhà và địa phương, có thu nhập khá. Số còn lại chưa có khả năng xin việc, được đào tạo việc làm tại ba xưởng của Trung tâm với mức thu nhập từ 600.000 đến 1.000.000 đồng/em/tháng. Trung tâm đã sản xuất, gia công gần 140.000 sản phẩm may, mộc mỹ nghệ và thêu ren trị giá hơn 2,3 tỷ đồng.
Cùng với Trung tâm, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều cơ sở dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật như cơ sở dạy nghề Hy vọng thuộc Hợp tác xã thương mại-Dịch vụ Thuận Thành, Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật Tịnh Trúc Gia, Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người mù tỉnh, Hợp tác xã Thương bệnh binh và Người tàn tật Thành Đạt… Vì thế, mà hàng ngàn người khuyết tật đã có việc làm, tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ người thân phát triển kinh tế.
Mặt khác, số doanh nghiệp trên địa bàn tuyển dụng lao động khuyết tật ngày càng tăng, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân như Công ty may xuất khẩu Đại Việt, doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hưng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thịnh Phát… Điều này được lý giải vì lao động khuyết tật hầu như không "nhảy việc," họ làm việc với tinh thần say mê, cần mẫn, không chạy theo số lượng mà chú trọng đến chất lượng. Mức lương bình quân của người khuyết tật là 2 triệu đồng/tháng, nhiều công ty còn bố trí chỗ ăn ở tại đơn vị, hỗ trợ việc đi lại tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật hoàn thành tốt công việc.
Hiện vấn đề dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật còn nhiều hạn chế. Do đó, để tạo việc làm cho người khuyết tật có kết quả lâu dài, đòi hỏi phải có những chính sách ưu tiên nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề; quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm, đặc biệt tạo mọi điều kiện tốt nhất để người khuyết tật làm việc, hòa nhập và phát huy tối đa khả năng của mình để vươn lên ổn định cuộc sống
Bình luận