Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của Hội người mù Việt nam (P 3)
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của Hội người mù Việt nam (P 3)

Nhiệm kỳ IV (1992 – 1997)

Củng cố và phát triển tổ chức bước phát triển năng động mới

 

Công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo ngày càng thu được kết quả to lớn. Kinh tế ngày càng ổn định, phát triển; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên đất nước vẫn còn nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh và thời kỳ bao cấp quá nặng nề không thể nhanh chóng khắc phục.

 

Đối với Hội Người mù Việt Nam, sau 3 nhiệm kỳ hoạt động đặc biệt với chủ chương xã hội hoá hoạt động ở nhiệm kỳ III, tuy đã có sự trưởng thành to lớn, đã có kinh nghiệm hoạt động trong cơ chế mới, nhưng với hoàn cảnh thực tế của đất nước, nên những qui chế, chế độ của Nhà nước với Hội chưa rõ ràng, chính sách đối với người mù về cơ bản chưa thay đổi. Vì vậy điều kiện để Hội hoạt động còn hạn chế – nhất là ở các chi hội. Cán bộ Hội chưa được đào tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó trong cả nhiệm kỳ III chỉ có 3 tỉnh hội mới được thành lập. Vì vậy việc có những chủ trương, biện pháp phù hợp để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Hội lúc này trở thành vấn đề cấp bách.

 

Trước những kết quả đạt được sau 5 năm hoạt động và trước những yêu cầu đặt ra. TW hội đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV ngày 25 – 27/11/1992 tại hội trường nhà khách TW Đảng số 8 Chu Văn An (Hà Nội).

 

Đại hội IV có 120 đại biểu, đại diện cho 20 tỉnh, thành và huyện hội trực thuộc. Các ông Vũ Oanh Uỷ viên Bộ Chính trị ĐCSVN, ông Phan Văn Khải Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và phát biểu ý kiến. Đến dự đại hội còn có các vị lãnh đạo của MTTQVN, Bộ LĐTB&XH và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành các tổ chức chính trị xã hội ở TW và Hà Nội.

 

Đại hội đã nhất trí UV BCH, sau đó tại phiên họp đầu tiên CBH đã bầu ra BTV gồm 7 người:

 

Ông Đinh Thuyên – Chủ tịch kiêm trưởng Ban TC, Ban ĐN.

 

Ông Lê Hồng Thuỷ – Phó CT kiêm Tổng Thư ký Trưởng Ban LĐSX.

 

Ông Trần Công Nhuận – Phó CT kiêm trưởng ban Tuyên truyền VHGD.

 

Ông Đào Soát – Chủ tịch tỉnh hội Hà Tây, phó Ban tổ chức.

 

Ông Đào Xuân Hùng – Chủ tịch thành hội Hà Nội là uỷ viên phó Ban LĐSX.

 

Ông Phan Thanh Mai – Chủ tịch thành hội Đà Nẵng – Uỷ viên phụ trách khu vực miền Trung.

 

Ông Nguyễn Khánh – Chủ tịch thành hội T/p HCM uỷ viên phụ trách khu vực phía Nam. Trưởng VP đại diện của Hội tại T/p Hồ Chí Minh.

 

Tại diễn đàn đại hội, ông Vũ Oanh thay mặt Bộ chính trị Đảng CSVN đã khằng định: “Những thành tích trong hoạt động của Hội người mù Việt Nam có thể nói là thiên anh hùng ca, một trong những biểu hiện của sức sống và sức sáng tạo mãnh liệt của toàn dân tộc VN, của truyền thống nhân ái của dân tộc VN. Hoạt động của HNMVN là một mô hình khá cụ thể, sinh động của một đoàn thể xã hội theo tư tưởng Nghị quyết 8 của TW Đảng về mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân…” và cũng tại diễn đàn đại hội Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đã xác định: Việc giúp đỡ người mù có nhiều hình thức nhưng cách giúp đỡ cao quí nhất và cơ bản nhất là giúp cho người mù được làm việc, được lao động có ích cho mình và cho xã hội.

 

Đáp lại lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân các Đại biểu dự đại hội đã thông qua Nghị quyết, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động cả về lượng lẫn về chất, đặc biệt là công tác củng cố và  tổ chức.

 

Mở đầu nhiệm kỳ, từ năm 1993 TW đã phát động năm “Củng cố và phát triển tổ chức”, cuộc vận động này được tiến hành theo 2 bước.

 

Bước 1: ở cấp trung ương hội và tỉnh, thành hội trong 2 năm 1993 – 1994.

 

Bước 2: ở cấp cơ sở (quận, huyện hội) trong 2 năm 1995 – 1996.

 

Hưởng ứng cuộc phát động với sự chỉ đạo chặt chẽ của TW Hội, các cấp Hội đã sắp xếp lại tổ chức, phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng cho từng cán bộ nhân viên, xây dựng qui chế thi đua, khen thưởng.

 

Tháng 9/1993 TW Hội đã điều chỉnh thang lương nội bộ - đây cũng là cơ sở góp phần đánh giá đúng năng lực trình độ của cán bộ Hội.

 

Cuộc vận động này đã đưa hoạt động hội đi vào nề nếp. Cán bộ các cấp Hội đã thấy rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong công việc mình đảm trách và với mong muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ hầu hết anh chị em đã tích cực tham gia học tập chuyên môn, nghiệp vụ qua các lớp do TW và địa phương mở. Do vậy trong những năm này số lượng cán bộ văn phòng từ TW đến địa phương hầu như  không tăng (có nơi tăng không đáng kể) nhưng hoạt động vẫn được tiến hành đều đặn với chất lượng ngày càng cao.

 

Trước khi tiến hành cuộc vận động: “Năm củng cố và phát triển tổ chức”, số thành, tỉnh hội được hội đồng thi đua TW Hội xếp loại xuất sắc được rất ít. Năm 1993 – năm đầu nhiệm kỳ chỉ có 3 đơn vị, nhưng chỉ sau 1 năm tiến hành cuộc vận động, năm 1994 đã có 8 đơn vị xuất sắc, 7 đơn vị khá, 4 đơn vị trung bình và chỉ có 1 đơn vị là yếu.

 

Với các văn bản chỉ đạo của TW Hội về cuộc vận động từ các phòng ban TW Hội đến các cơ sở đã tranh thủ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo giúp đỡ các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan ban ngành, đoàn thể … Nhiều nơi đã được cấp kinh phí hoạt động ổn định được định biên cán bộ phù hợp, được giải quyết chế độ lương hoặc phụ cấp, một số địa phương được cấp ôtô, xe máy, trụ sở làm việc …

 

Hội tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các Bộ, ngành đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – là cơ quan vừa có trách nhiệm bảo trợ Hội vừa có chức năng quản lý Nhà nước về công tác Hội.

 

Ngày 11/4/1996 Bộ trưởng Trần Đình Hoan (sau là UV Bộ chính trị, trưởng Ban tổ chức TW Đảng) đã thăm văn phòng và làm việc với lãnh đạo TW Hội. Bộ trưởng vui mừng nhận thấy: Thời gian qua, Hội đã năng động, chủ động trong các mặt hoạt động nên đã đạt được hiệu quả cao và đem lại nhiều quyền lợi cho người mù. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý Hội về tỷ lệ hội viên trong tổng số người mù còn ít, trình độ dân trí của người mù còn thấp. Bộ trưởng cũng cảm thông với những khó khăn của Hội và cho biết: Bộ sẽ tích cực tác động với các tỉnh để triển khai kế hoạch công tác của Hội. Riêng cá nhân Bộ trưởng sẽ giúp phát triển Hội ở Hải Hưng, Vĩnh Phú.

 

Do làm tốt công tác củng cố phát triển tổ chức nên đến cuối nhiệm kỳ đã có 6 tỉnh, thành hội mới được thành lập đó là: Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Bến Tre, Bà rịa – Vũng tàu, Tây Ninh, Cần Thơ với 78 Quận, huyện hội và kết nạp mới: 14.115 hội viên. Với sự phát triển này đã nâng số tỉnh, thành có tổ chức hội lên 24. Trong nhiệm kỳ do một số tỉnh: Hà Nam, Quảng Nam, Đà Nẵng, Sông Bé được chia tách nên tổng số tỉnh, thành tính đến cuối năm 1997 đã là 28 và 2 chi hội trực thuộc là: Hòa An (Cao Bằng) Mê Linh (Vĩnh Phú): số quận huyện hội là 212 và số hội viên là 25.115 người.

 

Nhằm chăm sóc tốt hơn đời sống hội viên, sau một thời gian nghiên cứu với nhiều ý kiến đóng góp – năm 1994 TW đã tổ chức hội nghị bàn về hoạt động của Phân hội gồm lãnh đạo các tỉnh thành hội phía Bắc. Tại Hội nghị các đại biểu đã nhất trí: vẫn giữ nguyên hệ thống của Hội gồm 3 cấp: Trung ương, Tỉnh, Thành và Quận huyện. Do vậy phân hội không phải là một cấp hội. Tuy nhiên do tác dụng của phân hội nhất là địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nên các địa phương cần thiết và nhanh chóng thành lập phân hội. Phân hội từ đây đã trở thành cầu nối giữa hội viên với Hội. Nhiều phân hội đã gây được quỹ để hoạt động và chăm sóc hội viên; nhiều phân hội trưởng đã được Đảng uỷ, chính quyền xã coi là cán bộ đầu ngành trong xã.

 

Thành công của công tác tổ chức đã là động lực thúc đẩy toàn bộ các hoạt động của Hội.

 

Về công tác LĐSX trong nhiệm kỳ, lãnh đạo hội có chủ trương: Củng cố và phát triển các cơ sở sản xuất tập trung, đồng thời đẩy mạnh việc cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

 

Với thành công của việc thí điểm cho hội viên nghèo vay vốn năm 1990, 1992 khi Nhà nước có chủ trương cho người nghèo vay vốn từ quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT- nay là Chính phủ. Trung ương Hội đã nhanh chóng đề xuất với Nhà nước phân bổ vốn vay cho Hội.

 

Có thêm nguồn vốn của Nhà nước, với kinh nghiệm có sẵn, toàn hội phấn khởi dấy lên phong trào tìm và tạo việc làm cho hội viên. Cán bộ hội trước đây chỉ làm công tác phong trào thì nay đã làm công tác quản lý. Thẩm định vốn. Chữ Brai đã thực sự trở thành phương tiện cần thiết trong việc quản lý vốn. Để bảo toàn vốn vay và giúp hội viên nghèo sử dụng đồng vốn có hiệu quả, nhiều cán bộ đã dồn hết tâm sức lăn lộn với phong trào, điển hình như anh Lê Văn Sáu – Phó Chủ tịch huyện hội Sóc Sơn (Hà Nội) đã mang gạo, thực phẩm đến ăn ở tại nhà hội viên giúp họ cách chăn nuôi lợn.

 

Vốn vay đến với hội người mù nghèo – có người đã ví như  “Nắng hạn gặp mưa rào”. Người mù từ đây thoát khỏi cảnh, vay nặng lãi, bán lúa non.

 

Có người trước đây không dám nhận ruộng khoán của HTX vì đã không có người làm, lại không có tiền thì nay đã nhận lại ruộng.

 

Được vay vốn, người mù luôn suy nghĩ: phải bảo toàn vốn, làm ăn có lãi, hoàn trả đúng hạn cho Nhà nước, suy nghĩ đó cũng là tâm tư, nguyện vọng, là đạo đức nếp sống của người mù. Có nhiều tấm gương rất cảm động về việc vay vốn của Hội như chị Lê Thị Kim Phương ở thôn Hoà  Bình, xã Hoà Phát huyện Hoà Vang (Quảng Nam), tháng 10/1993 chị được vay 1 triệu đồng để nuôi bò đến đầu năm 1995 không may chị lâm bệnh nặng truớc khi chết chi gọi chồng  và dặn:

 

Em biết em không còn sống được nữa, mà giờ đây đã đến hạn trả tiền vay cho Hội. Vậy anh và mẹ hãy bán con bò đi rồi đem tiền – cả vốn và lãi trả cho Hội nói xong chị ôm chặt đứa con nhỏ vào lòng rồi chút hơi thở cuối cùng. Làm tuần 7 ngày cho chị xong, chồng và mẹ chị đã bán bò rồi đem tiền đến trả cho Hội.

 

Lãnh đạo huyện hội rất cảm động chỉ nhận lại vốn, còn lãi xin được gia đình để lại thắp hương cho chị. Nhưng mẹ chị nói: “Xin các anh vui lòng nhận vì con tôi đã dặn thì chúng tôi phải làm theo cho nó vui lòng nơi chín suối!”. Những lời dặn dò của chị Phương trước lúc ra đi còn đọng mãi trong lòng cán bộ, hội viên. Không chỉ ở huyện hội Hoà Vang mà trong toàn Hội.

 

Được vay vốn, hội viên của Hội đã có được sức bật mới, các nơi đã dấy lên phong trào thi đua LĐSX. Nhiều gương “Người tốt việc tốt” về xây dựng kinh tế đã xuất hiện đều đặn trên báo của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

 

Qua điều tra, khảo sát của hội cho thấy chỉ sau 6 năm được vay vốn, số người trong diện đói nghèo của Hội cũng giảm được 21%. Nhiều người mù nghèo được vay vốn làm ăn đã có cuộc sống ổn định, một số người đã trở lên khá giả thu nhập hàng năm từ 10- 20 triệu đồng.

 

Để giúp hội viên sử dụng vốn có hiệu quả, các cấp Hội đã thường xuyên cung cấp cho họ những tài liệu về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, những thông tin về KHKT và mở các lớp truyền nghề, dạy nghề cho hơn 7 ngàn người mù. Trung ương Hội đã tổ chức các hội nghị chuyên đề về sản xuất tăm.

 

Có một thực tế là năm 1992 khi Hội được Nhà nước cho mở kênh riêng cho người mù vay vốn thì số người vay và số tiền vay hàng năm đều tăng. Chỉ riêng năm 1993 so với năm 1992 số tiền vay đã tăng 4 lần (2.002.660.000đ), số người vay tăng gấp ba lần (2.461 người) và số dự án tăng gấp đôi (48 dự án). Cũng trong năm 1993 Nhà nước đã giảm lãi xuất vay từ 1,2% xuống còn 0,6%, thủ tục vay cũng đơn giản hơn. Điều này đã tạo thuận lợi cho công tác vay vốn của Hội giúp hội viên thêm phấn khởi, tin tưởng vào chương trình xoá đói giảm nghèo của Nhà nước.

 

Không chỉ với hội viên, khi được vay vốn các CSSX tập trung của Hội đã tiếp tục thích nghi và hoạt động ngày càng có hiệu quả trong cơ chế thị trường. Một số cơ sở đã tiếp nhận thêm lao động. Nhiều cơ sở đã nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã hạ giá thành sản phẩm làm ra những mặt hàng tăm chuốt tròn và tăm nhọn đầu… do vậy hàng của người mù đã dần chiếm lĩnh được thị trường có nơi còn xuất khẩu như cơ sở SX của tỉnh hội Khánh Hoà đã xuất 5.000 cây chổi ra nước ngoài. Hoặc xí nghiệp 3-2 của Thành hội Hà Nội đã được chuyển thành doanh nghiệp Nhà nước được vay 100 triệu đồng từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm theo dụ án nhỏ với lãi xuất 0,4%/tháng vì vậy trong năm 1993 xí nghiệp đã sản xuất được nhiều mặt hàng mới, đảm bảo chất lượng được khách hàng ưa chuộng như: Cao su màu, tấm trải sàn xe, ống nước chịu áp lực doanh thu năm 1993 của xí nghiệp đạt 800 trăm triệu đồng, lương bình quân của người lao động đạt 200 ngàn đồng/tháng.

 

Trong nhiệm kỳ IV (1992 – 1997) hội đã giải quyết cho 26.378 lượt người vay số tiền: 11.110.960.000 đồng từ nguồn quỹ QGGQVL và hàng ngàn người được vay hàng trăm triệu đồng từ vốn của địa phương và các tổ chức khác – trong đó có các tổ chức quốc tế như SIDA, NAP … Các cơ sở SX tập trung của nhiều thành, tỉnh hội cũng được cấp vốn theo QĐ 15/TTg của TTCP có nơi được cấp hàng tỷ đồng như: Thanh Hoá, Thái Bình, Hà Tây, Hà Nội.

 

Trong nhiệm kỳ đã thành lập thêm được 48 cơ sở SX tiếp nhận thêm 2.780 lao động. Như vậy đến cuối năm 1997 toàn hội có 100 cơ sở SX với 3.662 lao động riêng thành hội TP HCM và tỉnh hội Thanh Hoá đã thành lập CS xoa bóp bấm huyệt phục hồi sức khoẻ. Đây là nghề mới rất phù hợp với người mù. Thu nhập của người lao động ở các CS này đạt từ 300 đến 500 ngàn đồng một tháng.

 

Không dừng lại ở việc cho vay vốn các thành, tỉnh hội đã tìm mọi biện pháp để chăm sóc tốt hội viên như: vận động trợ cấp khó khăn, miễn giảm thuế nông nghiệp, điều hoà lương thực … Riêng thành hội Hà Nội, năm 1993 đã phát động phong trào vận động xây nhà từ thiện, cấp sổ tiết kiệm, cấp thẻ BHYT, cấp giếng nước sạch cho hội viên nghèo. Phong trào này đã được lãnh đạo thành phố đánh giá cao và được các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể cùng nhân dân Hà Nội nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ. Do vậy, chỉ trong năm 1993 Hà Nội đã xây dựng được 80 nhà và sửa chữa được gần 50 ngôi nhà dột nát. Việc làm này của thành hội Hà Nội đã được TW Hội hết sức quan tâm. Sau khi ông Lê Hồng Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội đến khảo sát thực tế, TW đã quyết định nhân rộng mô hình này ra toàn hội và chỉ sau 4 năm triển khai, toàn hội đã vận động xây dựng, sửa chữa được hàng ngàn ngôi nhà; tặng hơn 1000 sổ tiết kiệm với mức từ 200 – 500 ngàn đồng; cấp hơn 8000 thẻ BHYT và gần 500 giếng nước sạch cho hội viên nghèo.

 

Thực hiện chủ trương “Củng cố và phát triển tổ chức”, để đáp ứng yêu cầu công tác, sản xuất, việc học tập của CB, HV đã trở thành nhu cầu cấp thiết. Vào những năm 1996 – 1997 một số địa phương đã báo cáo hoàn thành chương trình xoá mù chữ đối với ngành giáo dục nên không được cấp kinh phí xoá mù chữ nữa, nhưng thực tế, người mù ở những địa phương này vẫn còn cần được xoá mù chữ. Vì vậy, lãnh đạo hội đã tích cực đề nghị với Bộ GDĐT về việc xoá mù chữ cho người mù và các cấp hội ở những địa phương này vẫn tiếp tục nhận được kinh phí để mở lớp.

 

Từ năm 1993 – 1997 các cấp Hội đã mở được 597 lớp xoá mù chữ cho 6000 người mù. Việc xoá mù chữ trong thời gian này không chỉ dành cho những hội viên lớn tuổi. Trước thực tế với khoảng 30 nghìn trẻ em mù trên cả nước mà đối với ngành giáo dục việc đưa các em đến trường là vô cùng khó khăn. Hơn nữa, về tương lai đây chính là đội ngũ kế cận của hội. Vì vậy, lãnh đạo hội đã quyết định bằng mọi biện pháp chăm lo đến việc học tập của các em.

 

Năm 1993 TW Hội đã tích cực đề xuất với Bộ GD ĐT giúp đỡ, giải quyết cho các em mù có đủ điều kiện vào học hoà nhập với trẻ em sáng mắt ở các trường phổ thông; và để các em có thể học hoà nhập được, với sự giúp đỡ của Sứ quán Úc, TW Hội đã mở thí điểm 3 lớp tiền hoà nhập (THN) cho trẻ em mù ở 3 tỉnh: Hà Bắc, Hà Tây, Hà Tĩnh. Tại các lớp này các em được PHCN, XMC Braille và học chương trình văn, toán lớp 1 và một phần lớp 2 phổ thông với thời gian 9 tháng. Các lớp học này mở ra đã gây được sự xúc động, cảm phục không chỉ của gia đình các em mà của cả các cấp các ngành và nhân dân địa phương đối với tổ chức hội. Do vậy các lớp đã nhận được sự giúp đỡ to lớn, thiết thực của những cá nhân, tập thể các cơ quan đoàn thể như: Sở GDĐT, UB bảo vệ chăm sóc trẻ em, như lớpTiền Hoà nhập của tỉnh Hà Tây khai giảng này 19/10/1993 có 14 học sinh đã được các cơ quan giúp đỡ gần 6 triệu đồng, 14 cặp sách, quần áo và 1 việt kiều ở Pháp tặng 200 Frăng. Các lớp học này đã được sự giúp đỡ, giám sát, kiểm tra của các phòng giáo dục đào tạo các địa phương. Sau 9 tháng học tập hầu hết các em đều được học hoà nhập với học sinh sáng mắt ở các trường phổ thông, nhiều em đã là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi như các em: Bùi Thị Xuân (Bắc Giang), Nguyễn Văn Tuấn (Hà Tây) …

 

Thành công của 3 lớp THN thí điểm này đã nhanh chóng được phổ biến và trở thành mô hình đào tạo không thể thiếu trong Hội.

 

Trong năm 1994, thực thi dự án PHCN dựa vào cộng đồng do HNM Thụy Điển tài trợ cho 2 tỉnh Ninh Bình và Tiền Giang, TW Hội đã mở các lớp bồi dưỡng giáo viên cho các huyện, thị hội ở hai tỉnh này trong thời gian 20 ngày.

 

Cũng trong năm 1994 Hội còn nhận được sự giúp đỡ của Liên đoàn công dân mù Úc với dự án đào tạo giáo viên nữ mù ở các tỉnh Thái Bình, Long An, Hà Tây, Quảng Nam.

 

Với những dự án này HNM VN có thêm điều kiện để đưa công tác GD lên bước phát triển mới - đặc biệt HNM và kém mắt Na Uy năm 1993 đã cam kết tài trợ cho Hội xây dựng 1 trung tâm đào tạo PHCN cho người mù – từ năm 1994 đã đặt VP đại diện tại Hà Nội để giúp HNM Việt Nam thực hiện các dự án do phía Na Uy tài trợ.

 

Trung tâm Đào tạo PHCN cho người mù được khởi công xây dựng ngày 20/6/1996  đến 10/1997 hoàn thành. Ngày 20/10/1997 Trung tâm khai giảng khoá đào tạo giáo viên đầu tiên, mở đầu cho 1 giai đoạn mới tương đối chính quy của Hội. Cùng với công tác giáo dục, công tác tuyên truyền báo chí cũng được củng cố, đảm bảo hoạt động theo đúng pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Hội.

 

Tạp chí Đời Mới bằng băng casset sau một thời gian thí nghiệm sản xuất cùng với Tạp chí Đời Mới chữ Việt sau một thời gian chỉ được phép xuất bản 3 số đặc san, TW Hội đã tích cực đề nghị với Bộ VHTT cho phép xuất bản thường kỳ. Tháng 4/1993 cả 3 loại hình của Tạp chí gồm: Chữ Việt và băng cassette đã được Bộ VHTT cấp phép hoạt động. Tạp chí do ông Trần Công Nhuận – Uỷ viên thường vụ, Trưởng Ban Tuyên truyền văn hoá, Giáo dục TW Hội làm Tổng biên tập. Tạp chí có 2 nhà báo được cấp thẻ và gần 70 cộng tác viên. Đầu năm 1993 do khó khăn về kinh phí hoạt động, cán bộ biên tập của Tạp chí đã chủ động tranh thủ quỹ Việt Nam – Thụy Điển để phát triển văn hoá và được quỹ tài trợ 3.200 USD cho hoạt động báo chí. Cũng từ năm 1993 khi nhà nước có chủ trương tài trợ cho báo chí thì Tạp chí đã được tài trợ 20.000.000đ và do hiệu quả hoạt động, mức tài trợ trong các năm đã được tăng dần.

 

Để đảm bảo chất lượng hoạt động của Tạp chí, TW Hội đã rất chú trọng tới việc bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên (CTV). Tháng 5/1995 Tạp chí mở lớp bồi dưỡng CTV các tỉnh phía Bắc tại Hà Nội.

 

Tháng 6/1996 mở lớp CTV cho các tỉnh phía Nam. Ngoài ra Tạp chí còn giúp cho một số Tỉnh, Thành mở lớp bồi dưỡng CTV ngay tại địa phương như: Hải Phòng, Đà Nẵng … Sau những lớp CTV này, anh chị em đã tích cực viết tin, bài cho Tạp chí của Hội và nhiều người đã trở thành những CTV tích cực của các báo, đài ở địa phương.

 

Tạp chí của Hội đã ổn định được các trang mục, phục vụ tốt mục đích chính trị của Hội, đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc và thật sự là tiếng nói, diễn đàn của người mù.

 

Với chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cả nhiệm kỳ TW Hội đã xuất bản 9 số báo chữ  Việt, trung bình mỗi số 3.500 bản; mỗi năm phát hành 6 số báo chữ Braille và 6 số báo băng, với trung bình 650 bản/số chữ Brai và 320 bản/số băng.

 

Để đáp ứng yêu cầu của đông đảo người mù, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập hội, năm 1994 Tạp chí đã xuất bản số chuyên đề giới thiệu thơ của người mù và thơ viết về người mù mang tên “Hương đêm”. Tập thơ đã được nhà thơ Vương Tâm, nhà báo Lê Hậu biên tập, nhà thơ Võ Văn Trực viết lời tựa và nhà thơ Trần Lê Văn giới thiệu tại thư viện Hà Nội có nghệ sĩ Hồng Tuyết ngâm minh hoạ. Tập thơ đã được xuất bản với số lượng trên 5.000 cuốn và được các Thành, tỉnh hội nhiệt tình đón nhận.

 

Cùng với việc xuất bản báo chí, để xoá đói thông tin cho hội viên, trong nhiệm kỳ TW Hội đã cấp 296 máy ghi âm cho các cấp hội; nhiều thành, tỉnh hội đã cấp rađiô cho hội viên như:

 

Thành hội Hà Nội cấp 657 chiếc.

 

Tỉnh hội Hà Tây cấp 87 chiếc.

 

Thành hội Tp HCM cấp 200 chiếc.

 

Do vậy việc đọc báo, nghe băng, theo dõi tin tức trên đài phát thanh đã trở thành nhu cầu thường xuyên của người mù. Được nâng dần trình độ dân trí, Hội đã vận động các cấp Hội và hội viên tham gia đầy đủ các chương trình của Nhà nước như: chương trình DS-KHHGĐ, sinh đẻ có kế hoạch, phòng chống tệ nạn xã hội đồng thời đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, TDTT chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm của địa phương và đất nước.

 

Năm 1995 Tỉnh hội Ninh Bình đã tổ chức Đại hội TDTT lần thứ  I tại sân vận động Thị xã gồm 2 môn bóng bàn và bóng ném với gần 70 vận động viên.

 

Tháng 10/1995 Thành hội Hà Nội đã tổ chức liên hoan văn nghệ “Tiếng hát niềm tin” lần thứ I với 160 diễn viên là những cán bộ, hội viên ở 9 quận, huyện hội. Anh chị em đã đem về liên hoan 41 tiết mục với nhiều thể loại như: đơn ca, ngâm thơ, độc tấu với nhiều loại nhạc cụ như: trống, oocgan, sáo, đàn bầu … Liên hoan có sự tham gia nhiệt tình của các đội văn nghệ Tỉnh hội Đồng Nai và Hà Tây.

 

Vào tháng 10/1996 Quận hội Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã làm lễ ra mắt CLB Thơ Chữ nổi, đến dự có các nhà thơ, nhà văn: Phạm Hổ, Tế Hanh, Trần Lê Văn, Vũ Báo, Phan Thị Thanh Nhàn.

 

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội 17/4 hàng năm, Thành hội TP.HCM thường xuyên tổ chức hội diễn văn nghệ với chủ đề: “Hát về Đảng quang vinh, nhân dân anh hùng”.

 

Trong cả nhiệm kỳ đã có 80 tổ, đội văn nghệ của các Tỉnh, Thành hội hoạt động thường xuyên. Anh chị em trong các tổ, đội văn nghệ này rất tích cực tham gia các liên hoan văn nghệ ở địa phương và biểu diễn phục vụ những ngày lễ lớn …

 

Các buổi thi đấu, biểu diễn này đã thu hút được hàng ngàn người tham gia, tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn về chuyên môn, nghiệp vụ, tài chính của các nhạc sỹ, nghệ sĩ, các nhà chuyên môn, các cơ quan, ban ngành và nhân dân địa phương.

 

Những hoạt động văn hoá, văn nghệ của Hội đã góp phần không nhỏ đem lại niềm tin ở tương lai tốt đẹp trong cuộc sống cộng đồng của người mù và cũng làm cho xã hội hiểu rõ hơn khả năng to lớn, khát vọng vươn tới của người mù nói riêng và người tàn tật nói chung.

 

Có thể nói Nhiệm kỳ IV với chủ trương: củng cố và phát triển tổ chức lãnh đạo Hội, với năng động, sáng tạo của các cấp Hội và sự nỗ lực cố gắng của mỗi cán bộ, hội viên đã là một nhiệm kỳ phát triển nổi bật cả về lượng lẫn về chất của Hội sau gần 30 năm hoạt động. Và để khẳng định những thành tích mà Hội đã đạt được, đồng thời xác định vị thế của Hội trong đời sống cộng đồng, tháng 1/1998 Nhà nước đã tặng Hội Huân chương Lao động hạng nhất.

 

  

Lượt xem : 33788 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo