Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Người khiếm thính phạm pháp do ít biết luật
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người khiếm thính phạm pháp do ít biết luật

Học vấn ít, không có việc làm, không có kiến thức pháp luật, suy nghĩ hạn chế khiến người khiếm thính dễ dẫn đến tình cảnh phạm pháp.

Gần đây, thỉnh thoảng xuất hiện những vụ án người khiếm thính phạm pháp, đa phần việc phạm pháp rơi vào người điếc nhiều hơn là người nghe kém và mất thính lực. Lo ngại nguy cơ số lượng người khiếm thính vi phạm pháp luật có thể gia tăng, ngày 23-5, tại TP.HCM, chương trình Khuyết tật và phát triển (DRD) đã tổ chức hội thảo Giải pháp ngăn ngừa việc vi phạm pháp luật của người khiếm thính.

Chém người vì được cho ăn phở!

“Tại sao lại đi giật đồ? - Do bạn xúi”; “Tại sao lại chém người, lấy xe, giật giỏ xách của người khác? - Tại làm vậy người ta cho ăn một tô phở” - bà Trần Thị Ngời, Hiệu trưởng Trường Hy vọng 1, kể lại hai đoạn đối thoại trong những lần lấy cung người câm điếc phạm tội mà bà là người phiên dịch.

Dưới góc nhìn của một người làm công tác xã hội và phát triển con người, bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc DRD, phân tích: “Do rào cản ngôn ngữ nên người khiếm thính bị cô lập trong chính cộng đồng của họ, họ không có các mối tương tác với người khác để giúp họ trưởng thành. Do hạn chế về ngôn ngữ, người khiếm thính có thể không được nhóm tích cực chấp nhận và họ dễ bị lôi kéo vào một nhóm tiêu cực trong xã hội”.

Bà Ngời nhận định thêm: “Hầu hết những người tôi tiếp cận giúp công an lấy lời khai đều không được học hành hoặc trình độ học vấn rất thấp, cao nhất là học đến lớp 3, lớp 4. Họ cũng không được gia đình giáo dục. Khi cha mẹ của những người phạm pháp được mời đến để xác định nhân thân, chỗ ở, phản ứng đầu tiên của hầu hết các bà mẹ là mắng chửi con mình”.

Người khiếm thính “vỗ tay” đồng tình với ý kiến của các khách mời tại hội thảo. Ảnh: TRÀ GIANG

Các khách mời đều bày tỏ chung ý kiến, người khiếm thính phạm tội phần nhiều do tình trạng khiếm khuyết của họ. Nhiều người không biết viết, không biết ngôn ngữ ký hiệu, không biết cả tên của mình. Cộng thêm ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam chỉ có hơn 3.000 từ, trong đó có rất ít từ trừu tượng và các từ về pháp luật lại càng hiếm. Người khiếm thính bị hạn chế trong tiếp nhận thông tin, nhất là thông tin về luật pháp.

Cần giáo dục, không cần nuông chiều

Đây là ý kiến trên của ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch Câu lạc bộ Văn hóa điếc TP.HCM. Ông Dũng cho rằng người điếc cần được tiếp cận với nền giáo dục và nhất là những thông tin về pháp luật để họ hiểu biết và ứng xử đúng khi gặp vấn đề pháp luật.

Cụ thể hơn, luật sư Trương Thị Hòa nêu phương pháp dạy luật cụ thể cho người khiếm thính, dùng công cụ trực quan sinh động: tranh ảnh, sách hình…

Một phụ huynh có con là người khiếm thính đang học đại học cũng chia sẻ những phương pháp giáo dục: Luôn dành ít nhất 1 giờ đồng hồ trong ngày để chia sẻ cùng con; khi con không nghe lời, nhờ bạn bè của con, họ hàng, thầy cô… thuyết phục. Rủ con đi dự các phiên tòa… Bà Tôn Nữ Thị Nhi mong mỏi: “Tôi mơ ước mỗi ngày có 15 phút tuyên truyền pháp luật cho người khiếm thính trên truyền hình”.

Bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc DRD, nhận định nên nhìn nhận người khiếm thính trong môi trường mà họ sống. Khi người khiếm thính phạm tội, chỉ lên án hành vi của họ, không lên án con người họ. Bên cạnh việc giáo dục nhằm đem lại cơ hội việc làm, thu nhập để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho người khiếm thính, bà Hoàng Yến nhấn mạnh những cố gắng của xã hội để phá bỏ rào cản ngôn ngữ: “Trong các trường đại học của Mỹ, ngôn ngữ ký hiệu được xem tương đương với một ngoại ngữ để sinh viên lựa chọn. Nếu chúng ta phát triển được số người biết ngôn ngữ ký hiệu, lực lượng phiên dịch trong xã hội đông đúc lên và phần nào tháo dỡ rào cản ngôn ngữ với người khiếm thính” - bà Hoàng Yến nói.

Những vụ phạm pháp của người khiếm thính

- Ngày 5-4, Mai Văn Câm (59 tuổi, quận 11, TP.HCM) cùng năm người bạn (đều là người câm điếc) uống rượu. Khi chuẩn bị ra về, Câm đã có bất đồng với một người bạn về việc hùn nhau trả tiền ăn nhậu. Một người trong nhóm chạy vào can và dùng tay đẩy trúng đầu Câm. Tức giận, Câm lấy một con dao xếp để sẵn trong cốp xe, bỏ vào túi quần rồi đi tới đâm vào bụng nạn nhân.

- Ngày 3-5, Bùi Ngọc Đức (30 tuổi, Tân Phú) điều khiển xe chở Nguyễn Anh Khoa (22 tuổi, ngụ quận 11) giật túi xách của phụ nữ trên đường Ba Tháng Hai. Tại cơ quan điều tra, Đức ra hiệu anh đi cướp để kiếm tiền mua sữa cho con.

- Ngày 26-11-2009, A Đuưr (26 tuổi, ở Sa Thầy, Kon Tum) cùng vợ đi vào rừng le hái măng. A Đuưr đòi “quan hệ” nhưng vợ không đồng ý nên giữa hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. A Đuưr dùng xà gạt (dao) chém vào gáy vợ chết tại chỗ.

TRÀ GIANG 

Hoàng Kim (theo Pháp luật TPHCM)
 

Lượt xem : 12803 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo