Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Người khuyết tật cần gì?
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người khuyết tật cần gì?

 

          Khi người ta có một đôi chân mạnh khỏe để chạy nhảy thì không hiểu được hết những khát khao của những người bị liệt, những người không có khả năng di chuyển bình thường trên đôi chân của mình.

 

Khi người ta có một đôi mắt sáng để ngắm nhìn những sự vật xung quanh theo góc nhìn của riêng mình làm sao hiểu hết những mong muốn một lần được nhìn thấy ánh sáng, ngắm những sắc màu lung linh của cuộc sống của những người khiếm thị.

 
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi người ta đã có đôi tai để nghe những âm thanh rộn ràng của cuộc sống sẽ không biết được vì sao người khiếm thính mong một lần được nghe thấy hơi thở cùng tiếng nói dịu dàng của mẹ, mong một lần được nghe thấy tiếng gió thổi nhè nhẹ chứ không phải cảm nhận những thanh âm ấy bằng những vuốt ve của mẹ hay những vờn bay của tóc trên vai áo.

Khi người ta nói ra những điều khiến người khác đau lòng hay xúc phạm nhau thì đâu biết những người bị câm thầm mong một lần được cất tiếng nói đến dường nào dù chỉ một lần thôi để họ có thể nói lên tiếng yêu thương với những người mà họ hằng yêu quý.

Khi người ta sống trong đầy đủ thì dường như không để ý đến sự thiếu thốn của người khác và cũng thiếu đi những đồng cảm. Trong giấc mơ hay suy nghĩ của họ sẽ hướng đến những điều cao sang còn những mong ước của những người thiếu thốn thì hình như thật nhỏ bé và tầm thường trong mắt họ. Đó cũng là một quy luật tự nhiên của cuộc sống: người ta luôn phải hướng đến những điều cao hơn những gì mà mình đang có. Nhưng trong cuộc sống này còn có một điều quan trọng mà từ lâu hình như con người đã dần quên lãng đó là sự đồng cảm và ghi nhận nghị lực vươn lên của người khác.

Người ta có thể chạy thật nhanh rồi sao còn biết được người phải cố gắng lê từng bước phải khó khăn thế nào, với họ khi ấy chỉ thấy người kia thật chậm chạp, làm vướng chân người khác. Họ sẽ thấy thật buồn cười khi người câm cứ thích hóng chuyện rồi khua khoắng chân tay trong khi người đối diện chẳng hiểu gì. Họ đâu hiểu rằng người câm cũng thèm được trao đổi thông tin, cũng muốn nói lên ý kiến của mình. Tất cả những mong muốn ấy thật quá đơn giản với mọi người mà sao với người khuyết tật lại quá xa vời đến vậy.

Không cần phải sống trong đau khổ mới hiểu thấu cái khổ, không phải ai cũng phải đã từng chết mới đóng được những cảnh qua đời trên phim ảnh, chỉ cần chúng ta để ý một chút, biết lắng nghe một chút và đôi lúc đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác thì sẽ có được những đồng cảm, sẻ chia…

Nhưng dường như những việc ấy thật khó khăn với một số người.

Chúng ta đã được biết đến thật nhiều những tấm gương có nghị lực vươn lên trong cuộc sống bất chấp hoàn cảnh khó khăn cũng như những vết thương tật nguyền.

Ngày bé đi học được cô giáo kể cho nghe câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký với đôi tay bị liệt đã tập viết bằng chân với những nét chữ tròn trịa sau này đã trở thành một thầy giáo mẫu mực, tài năng trên bục giảng. Gần đây chúng ta đã thấy rất nhiều những tấm huy chương vàng cùng thành tích đáng ghi nhận của các vận động viên tại các kì Para Games như: Trần Nguyên Thái, Nguyễn Thị Hải, Hoàng Thị Tuyến… Và đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin-một lĩnh vực mới và cũng nhiều thử thách, mạo hiểm đã ghi danh những hiệp sĩ khuyết tật như: Nguyễn Công Hùng, Trịnh Công Thanh…

Những công việc tưởng chừng rất khó với những người lành lặn, khỏe mạnh nhưng những người khuyết tật đã khiến mọi người phải sửng sốt, ngạc nhiên, khâm phục tài năng cũng như nghị lực vươn lên của họ. Để có được những thành tích ấy phải kể đến những nỗ lực, ý chí cùng những tháng ngày vất vả, cực nhọc đầy khó khăn với mồ hôi, nước mắt và cả sự tủi thân để một ngày vinh quang đến với họ. Họ sống, cống hiến không phải vì muốn chứng tỏ tài năng cho mọi người thấy mà chỉ muốn mình không trở thành người vô dụng, không ăn bám gia đình và xã hội. Có lẽ họ là người hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của một việc làm đối với người tật nguyền. Khi có công việc người khuyết tật sẽ đảm bảo cho mình một nguồn thu, có đóng góp với gia đình, không cảm thấy mình phụ thuộc, mọi người sẽ thấy họ là những người ‘tàn mà không phế”.

Nhìn vào những tấm gương vươn lên trong khó khăn ấy lại càng thấy tiếc cho những ai có một sức khỏe tốt, một thân hình cường tráng, lành lặn lại đi vào con đường tội lỗi, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Họ đâu biết rằng dõi theo họ có thể là một đôi mắt của người khuyết tật với mong muốn đến cháy lòng: “Giá như mình có một sức khỏe như thế…”. Giá như trên thế gian này có một phép màu: Những người tài giỏi sẽ không bị bệnh tật gì để họ có thể cống hiến nhiều hơn cho xã hội khi không phải di chuyển trên xe lăn, phải nhờ vào đôi nạng, phải lần tay trên những trang sách chữ nổi… Nhưng cuộc sống là vậy, không phải lúc nào cũng theo ý của mình. Và hình như câu nói của ai đó đã đúng khi cho rằng “Lịch sử sinh anh hùng và anh hùng góp phần làm nên lịch sử”. Có lẽ chính trong những khó khăn của cuộc đời ý chí cũng như nghị lực cùng tố chất thông minh trong họ mới được phát huy hết. Và chúng ta đôi lúc thầm cảm ơn những khắc nghiệt kia đã mang đến cho xã hội một con người tuyệt vời. Đó như một sự thật nghiệt ngã nhưng chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn vào và an ủi nhau rằng “cuộc sống rất công bằng, không cho ai quá nhiều và cũng không lấy đi của ai tất cả”.

Những ai đã từng biết đến vợ chồng hoa hậu khuyết tật Tạ Bích Hường và Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin Trịnh Công Thanh đều dành sự khâm phục tuyệt đối cho đôi vợ chồng này. Hai con người có chung hoàn cảnh đã tìm đến nhau với sự đồng cảm và khâm phục. Và ai cũng mừng vui khi đám cưới của họ được tổ chức trong niềm hân hoan của hai gia đình, bạn bè. Cô dâu và chú rể đều là những tấm gương sáng về tài năng, nghị lực mà không phải người lành lặn nào cũng có thể làm được. Họ không chỉ mang đến cho mình cuộc sống đầy ý nghĩa mà còn giúp những người có hoàn cảnh như mình có cuộc sống đầy đủ hơn với những công việc phù hợp.

Tôi còn nhớ một chương trình phát sóng của “Câu chuyện tình yêu” trên VTV3 đã khiến khán giả rất xúc động khi nghe câu chuyện của một nữ y tá đã đem lòng yêu thương một bệnh nhân bị liệt và quyết tâm đến với người mình yêu dù bị gia đình kịch liệt phản đối. Bản thân cô cũng hiểu được những khó khăn mà mình phải đối mặt khi về sống cùng một người chồng suốt đời sẽ phải gắn liền với chiếc xe lăn. Tình yêu đã chiến thắng tất cả.

Nhưng không phải người khuyết tật nào cũng được nhận những niềm hạnh phúc tưởng như đơn giản ấy bên cạnh người mà mình yêu thương. Gia đình, bố mẹ và ngay bản thân bạn liệu có thể chấp nhận được không khi bạn đến với một người tàn tật? Có thể nói lời sẻ chia nhưng liệu người ta có dễ dàng chấp nhận cho người thân của mình đến với những người kém may mắn ấy? Nói thì dễ nhưng khi làm mới khó, lời nói và việc làm đôi khi không đi đôi với nhau.

Khi bất chợt nhìn thấy một người đi khập khiễng hay ngồi trên xe lăn hoặc chống chiếc gậy với cặp kính đen trên mắt lần mò từng bước trên phố bạn sẽ có thái độ như thế nào? Bạn nhìn với ánh nhìn cảm thông, chia sẻ hay cũng nhìn theo với ánh mắt đầy tò mò, hiếu kì như bao người khác, như cách mà mọi người vẫn thường làm khi thấy một người “khác thường”: chỉ trỏ, bàn tán, bình luận về những khiếm khuyết của người vừa nhìn thấy?

Nếu bạn một lần hỏi những người tài năng mà tôi đã nhắc đến ở trên rằng: Họ thấy thái độ của những người xung quanh ra sao khi nhìn họ. Có lẽ họ sẽ cho bạn câu trả lời chung rằng: Mọi người nhìn theo và có những lời bàn tán không mấy dễ chịu. Vậy là trước khi họ được biết đến tài năng của mình, trước khi họ nhận được sự thán phục của người đời thì họ đã phải nhận những tổn thương từ thái độ của người xung quanh. Thấy một anh chàng nhỏ nhắn, ngồi trên chiếc xe lăn đi trên phố ai biết đó là hiệp sĩ tin học Nguyễn Công Hùng? Nhìn thấy một đôi trai gái: chàng trai khập khiễng đẩy xe lăn cho một cô gái xinh đẹp ai biết đó là cặp vợ chồng đang được mọi người khâm phục: hoa hậu khuyết tật Tạ Bích Hường và Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin Trịnh Công Thanh. Mọi người sẽ chỉ trỏ, bàn tán…Lẽ nào khi ra đường họ đều phải đeo tấm biển có dòng chữ “Tôi là hiệp sĩ tin học…”; “Tôi là vận động viên đã đoạt huy chương vàng…” để mọi người biết và thể hiện luôn sự ngưỡng mộ của mình không còn những chỉ trỏ, bàn tán kia nữa?

Bạn nghĩ rằng điều mà những người khuyết tật cần nhất là gì? Là sự ngưỡng mộ, thán phục mà bạn giành cho họ? Là những món quà mà bạn tặng mỗi dịp lễ tết? Bạn đã bao giờ nghĩ điều họ cần từ bạn chỉ là một thái độ bình thường, một cái nhìn sẻ chia khi thấy họ trên phố? Đó sẽ là một món quà vô giá đối với họ, họ sẽ thấy rằng xã hội đang có cái nhìn thay đổi đối với họ, công nhận họ là một thành viên trong đó và đang dần có những công bằng trong đối xử. Người khuyết tật vẫn luôn cần sự sẻ chia, đồng cảm nhưng không phải là sự sẻ chia theo lối hiếu kì, tò mò… Không chỉ những người khuyết tật tài năng mới đáng để ta khâm phục mà ngay cả những người yếu về sức khỏe mà họ luôn cố gắng để sống tốt, có ích cũng đã là một tấm gương sáng để ta học tập, cảm phục rồi.

Họ cần những đôi tay đưa ra thật sự để họ bám chắc vào chứ không phải là những lời nói suông, những cái nhìn tỏ ra thương cảm, tội nghiệp. Nghị lực sống luôn tiềm tàng trong mỗi người và đối với người khuyết tật thì điều ấy càng quan trọng hơn và sẽ được thổi bùng hơn khi có sự đồng cảm, sẻ chia chân thành của mọi người. Và một điều quan trọng nữa là việc làm thiết thực của bạn để giúp họ có được cuộc sống bình thường và một công việc có ích. Xin đừng chỉ nói “Tôi rất thương bạn” mà hãy hành động để chứng tỏ cho tình thương ấy là chân thành, là thật sự!

Theo Hội Người khuyết tật Hà Nội

  

Lượt xem : 13481 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo