Trang chủ --> Gương sáng --> Không “chịu thua” số phận
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Không “chịu thua” số phận

Dù khiếm thị nhưng anh Nguyễn Chí Thành (thường gọi là Ba Thành), ở phường Trà An, quận Bình Thủy, Chủ tịch Hội người mù quận Bình Thủy, Cần Thơkhông đầu hàng số phận, luôn nỗ lực vươn lên, đồng tâm hiệp lực cùng vợ xây dựng gia đình hạnh phúc và đau đáu ước muốn được sẻ chia với những người đồng cảnh ngộ.

 

Sớm có ý thức tự lập, quyết tâm tìm học nghề để tự nuôi sống bản thân, anh Ba Thành xin cha mẹ đi học đàn ghi ta phím lõm, rồi khăn gói lên TP Hồ Chí Minh học cách đọc chữ nổi dành cho người khiếm thị. Ý chí cùng tính tình hiền lành của anh đã làm chị Lương Thị Kim Tiên cảm động, chấp nhận làm vợ anh, dù biết cuộc sống phía trước còn nhiều khó khăn. Sau khi sinh con gái đầu lòng, do cuộc sống quá chật vật, năm 1993, anh chị quyết định lên TP Hồ Chí Minh tìm phương kế làm ăn. Hàng ngày, anh chị bồng con đi khắp nơi để bán vé số, đến nửa đêm mới về đến nhà trọ, đứa con gái nhỏ nằm vắt trên lưng cha ngủ say sưa từ lúc nào... Năm 2003, vợ chồng anh Thành quyết định trở về Cần Thơ sinh sống và sinh con trai út Nguyễn Tấn Đạt. Hiện Đạt học lớp 4 Trường Tiểu học Trà Nóc 1, với thành tích học sinh giỏi nhiều năm liền. Con gái lớn Nguyễn Thị Thanh Thảo tốt nghiệp trung cấp kế toán, có việc làm với mức lương khá ổn định, vừa phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống, vừa dành dụm, tìm cơ hội học tập nâng cao trình độ.

Anh Thành luôn ấp ủ ước mơ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Tháng 7-2011, anh Thành được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội người mù quận Bình Thủy và cuối năm 2012, anh bắt đầu làm nghề bó chổi bông cỏ, bỏ mối, kiếm thêm thu nhập, trang trải chi tiêu gia đình. Từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng của Hội người mù quận Bình Thủy, anh Ba Thành một mình khăn gói lên TP Hồ Chí Minh mua nguyên liệu bông cỏ làm chổi, tìm đến các cơ sở sản xuất học hỏi. Nhờ có vợ hỗ trợ, anh Ba từng bước hoàn thành các công đoạn làm một cây chổi như: bó dây kẽm, kết tua, bện chổi... Anh chia sẻ: “Tôi mong muốn làm sản phẩm không thua kém về chất lượng so với các sản phẩm ngoài thị trường, cũng là cách để chứng minh cho vợ con, gia đình và cộng đồng thấy được nghị lực của bản thân và của người mù”. Lúc đầu, công việc mới mẻ, sản phẩm làm ra không đáp ứng tiêu chuẩn mẫu mã, hàng bán không chạy. Nhiều đêm anh Thành không ngủ được, sợ việc sản xuất không đạt hiệu quả, ảnh hưởng đến nguồn vốn vay. Dần dần, anh vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, nung nấu hy vọng tạo việc làm cho người mù tại địa phương khi công việc kinh doanh đi vào ổn định. Theo anh Thành, khó nhất là khâu chào hàng sản phẩm. Nơi đầu tiên đặt mua sản phẩm chổi cỏ của anh là Phòng Giáo dục quận Bình Thủy, dùng trong các trường học. Ngoài ra, anh cũng chào hàng đến các điểm bán lẻ như tiệm tạp hóa, tùy từng loại chổi, giá bán từ 18.000 - 22.000 đồng/cây. Qua tìm hiểu, khảo sát thực tế, anh Ba Thành nắm bắt thị trường TP Cần Thơ chưa có cơ sở làm chổi bông cỏ bằng cán nhựa, chỉ có một vài gia đình làm chổi dừa mà chủ yếu lấy chổi từ nơi khác. Nhu cầu sử dụng chổi bông cỏ trong dân cư còn nhiều, nên nghề làm chổi còn có cơ hội phát triển, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Anh Thành phấn khởi cho biết, bình quân mỗi ngày vợ chồng anh làm khoảng 60 cây chổi. Dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, anh chị đã bán được gần 200 cây chổi, có thêm thu nhập để cả nhà ăn Tết xôm tụ, sung túc. Bà con lối xóm còn hòa chung niềm vui, khi anh Ba Thành có được căn nhà mới khang trang, do cha mẹ và anh chị em hỗ trợ thêm chi phí xây dựng.

Hội người mù quận Bình Thủy hiện có 135 hội viên. Năm 2012, Hội đã phát vay 85 triệu đồng vốn cho hội viên. Qua đó, mỗi hội viên được vay từ 5 - 6 triệu đồng để chăn nuôi, mua bán nhỏ… phát triển kinh tế gia đình. Vào những dịp lễ, Tết, anh Ba Thành tranh thủ sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể cũng như vận động mạnh thường quân đóng góp tặng quà cho hội viên, giúp các hội viên vơi bớt khó khăn. Anh Ba Thành trăn trở: “Thời gian qua, tỷ lệ hội viên nghèo từng bước giảm, từ 36 hội viên giảm còn 23 hội viên và hy vọng sẽ giảm dần từng năm. Sản phẩm người khiếm thị làm ra khó tạo niềm tin ở người tiêu dùng, do đó cần đầu tư nhiều hơn để nâng cao chất lượng, hình thức bắt mắt”. Anh Thành đang có kế hoạch mở rộng các mối quan hệ, nhờ chính quyền đoàn thể chức năng hỗ trợ để giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm, vừa phát triển kinh tế gia đình vừa giải quyết công ăn việc làm cho bà con tại địa phương. Hơn thế nữa, anh Thành bày tỏ nguyện vọng có nguồn đầu tư mở rộng cơ sở, để dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật tại địa phương. Anh Thành bộc bạch: “Tôi mong muốn được tài trợ kinh phí, mở rộng mặt bằng để phát triển nghề bó chổi, có chỗ ở bán trú cho anh em, góp phần ổn định cuộc sống cho người khiếm thị”.

Ông Ngô Công Chiến, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam quận Bình Thủy chia sẻ: “Anh Thành rất giàu nghị lực và ý chí vượt khó vươn lên, không “chịu thua” số phận, luôn nỗ lực tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Anh Thành còn nhiệt tình tham gia công tác Hội, chăm lo cải thiện đời sống hội viên, góp phần cùng địa phương đẩy mạnh công tác giảm nghèo”.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG 

 

Lượt xem : 46615 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo