Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Giúp người khiếm thị thoát nghèo nhanh và bền vững
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Giúp người khiếm thị thoát nghèo nhanh và bền vững

Đôi mắt không sáng rõ khiến cuộc sống phần đông người khiếm thị chìm trong mặc cảm. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường và lòng yêu lao động, không ít người đã vươn lên, quyết tâm thay đổi số phận. Trên hành trình ấy, họ luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Hội Người mù tỉnh Quảng Trị thông qua hoạt động dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm...

Cả ba thế hệ đều đối diện với cảnh mù lòa, tưởng chừng cuộc đời đã đẩy gia đình chị Nguyễn Thị Vân (54 tuổi, trú tại thôn Mỹ Duyệt, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh) vào ngõ cụt. Trong tháng ngày lay lắt đói khổ, đồng vốn vay dành cho người khiếm thị đến với chị Vân như chiếc phao cứu sinh, giúp cả gia đình vượt qua cơn bĩ cực. Tâm niệm: “Mình mất đi đôi mắt nhưng vẫn còn hai bàn tay”, người phụ nữ khiếm thị chăm chỉ lao động, sản xuất. Nhờ thế, không chỉ thoát khỏi cảnh chạy gạo từng bữa, gia đình chị Vân còn sửa sang được nhà cửa, phát triển việc trồng trọt, chăn nuôi. 

Chị chia sẻ: “Trong mơ, tôi cũng không tin gia đình mình có ngày hôm nay. Nhớ lần đầu vay vốn, cầm số tiền lớn mà lòng tôi rối như tơ vò, tự hỏi, sau này, biết lấy gì để trả? Thế nên, tôi chỉ dám đầu tư sản xuất nhỏ nhưng an toàn. Dần dần, có đồng vào, đồng ra, mẹ con tôi mới mạnh dạn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn. Giờ thì chuyện trả nợ cả gốc lẫn lãi không còn là vấn đề nữa”. 


 

Hội viên Hội Người mù tỉnh hăng say lao động, sản xuất


Nằm ở dải đất miền Trung đầy nắng và gió, cuộc sống người nông dân Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn do quanh năm hết đối diện với hạn hán rồi đến lũ lụt. Thế nên, dẫu có sức khỏe, khả năng ứng dụng khoa học – kỹ thuật nhưng việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống vẫn là bài toán khó đối với bà con. Đặt trong bối cảnh ấy, khó khăn càng nhân lên gấp bội đối với người khiếm thị. Do khiếm khuyết bản thân, đa số họ ít có cơ hội học tập, trau dồi kỹ năng, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn người khiếm thị không chấp nhận để mình trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

Chị Trương Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đông Hà chia sẻ: “Dù mất đi đôi mắt nhưng người khiếm thị chúng tôi vẫn còn sức khỏe, còn đôi tay. Thế nên, ai cũng mong muốn tìm được việc làm ổn định, có đồng vào, đồng ra để cải thiện cuộc sống bản thân, giúp đỡ gia đình và hòa nhập với xã hội”. Thấu hiểu tâm tư ấy, những năm qua, Hội Người mù tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên như dạy nghề, tổ chức sản xuất tại hộ gia đình, tạo việc làm, cho vay vốn...

Theo số liệu thống kê của Hội Người mù tỉnh, những năm trước đây, tỉ lệ gia đình người khiếm thị nghèo luôn chiếm gần 50%. Trước tình hình đó, Tỉnh hội xác định cần trang bị cho người mù kiến thức, kỹ năng nghề để họ có thể đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội. Với phương châm “Cho cần câu hơn xâu cá”, những năm qua, Hội Người mù tỉnh thường xuyên liên hệ với Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Sở LĐ, TB&XH, các trung tâm, trường học và tổ chức, cá nhân hảo tâm để mở nhiều lớp dạy nghề cho hội viên như: làm tăm tre, chổi đót, hương, xoa bóp – bấm huyệt, vi tính văn phòng... 5 năm qua, Tỉnh hội và các hội cơ sở đã tổ chức 27 lớp dạy nghề cho gần 600 học viên. Sau đào tạo, 80% hội viên, người mù có công việc ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân và gia đình.

Song song với việc tổ chức các lớp dạy nghề, Hội Người mù tỉnh còn nỗ lực tạo việc làm cho người khiếm thị ngay tại gia đình hoặc điểm sản xuất tập trung. Không chỉ hỗ trợ mua sắm các loại thiết bị, máy móc, hội còn tích cực vận động hội viên chú trọng đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm như tăm tre, chổi đót, hương... của người khiếm thị Quảng Trị không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra các địa phương khác.

Hiện, toàn hội có 9 cơ sở sản xuất tập trung, thu hút hơn 200 lao động. Trong đó, gần 1/2 số lao động có việc làm 9 tháng/ năm. Thu nhập bình quân từ nghề xoa bóp, bấm huyệt đạt trên 2 triệu đồng/người/tháng. Các nghề thủ công mang lại mức thu ổn định trên 700 nghìn đồng/người/tháng. Trong 5 năm qua, doanh thu từ việc sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống và xoa bóp, bấm huyệt lên đến gần 7 tỉ đồng. Đặc biệt, hiểu nỗi khó khăn của người mù trong việc đi lại, Hội Người mù tỉnh còn chú trọng giải quyết việc làm ngay tại hộ gia đình người khiếm thị. Bằng nhiều phương án như: Giới thiệu nghề; tổ chức tập huấn, phổ biến kinh nghiệm; hỗ trợ vốn sản xuất - kinh doanh..., hội đã góp phần tạo việc làm cho hơn 850 hội viên, người mù lao động phân tán tại các hộ gia đình.

Nhằm giúp người khiếm thị thoát nghèo nhanh và bền vững, từ năm 1996, được sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương, Hội Người mù tỉnh đã quản lý tốt nguồn vốn phân bổ, chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng và thực hiện nhiều dự án lớn nhỏ. Từ năm 1996 đến 2012, Tỉnh hội đã triển khai 166 dự án vay vốn qua kênh Trung ương Hội và địa phương. Tổng số vốn luân chuyển lên đến trên 8,5 tỉ đồng. Qua đó, hơn 2.600 hộ được vay vốn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Nhờ sử dụng vốn hiệu quả, nhiều gia đình người khiếm thị đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định như ông Võ Hiền, Trương Lựu, Nguyễn Công Hiệu (Hướng Hóa), Nguyễn Đức Toàn, Dương Hạc, Phạm Công Thái (Cam Lộ), Nguyễn Thị Vân, Lê Văn Nam, Nguyễn Hiếu Hòa (Vĩnh Linh)...

Ông Nguyễn Tăng Mùi, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Tín hiệu đáng mừng là hầu hết hội viên khiếm thị đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, giúp cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Trong quá trình vay vốn, không có trường hợp nào nợ quá hạn. Việc hoàn trả vốn và lãi được thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định”.

Xác định chăm lo đời sống người khiếm thị là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội Người mù tỉnh luôn tập trung làm tốt công tác này. Hội đã tích cực tìm nguồn tài trợ, chương trình, dự án nhằm giúp người khiếm thị vượt qua khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Tranh thủ sự giúp đỡ của Ban Chỉ đạo “Quỹ Vì người nghèo”, Hội đã phối hợp với UBMTTQVN các cấp xây dựng 83 ngôi nhà và sửa chữa 109 ngôi nhà cho hội viên, người mù gặp khó khăn với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng. Thông qua Sở Kế hoạch – Đầu tư, Hội phối hợp với Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư khoan 120 giếng nước giúp người khiếm thị. Đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân tặng quà, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hội viên, người mù.

Trong 5 năm qua, hơn 3.100 lượt hội viên đã được các tổ chức từ thiện khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí. Bên cạnh đó, các cấp hội còn vận động tổ chức, cá nhân từ thiện tặng gần 12.000 suất quà cho người khiếm thị... Không dừng lại ở đó, Hội Người mù tỉnh còn đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết chế độ chính sách; tuyên truyền các chủ trương, chính sách; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ... cho các hội viên, người mù. Qua đó, người khiếm thị có thêm nhiều cơ hội để hòa nhập với cuộc sống.

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Hội Người mù tỉnh, số lượng hội viên, người mù thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm xuống đáng kể, đến nay, toàn tỉnh còn 780/2.254 hội viên, chiếm tỉ lệ 34,6%. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của hội viên, người mù đã được nâng lên; họ có thêm nhiều cơ hội để hòa nhập cộng đồng, tham gia các công tác xã hội, trau dồi kiến thức cũng như kỹ năng... Có thể khẳng định những hoạt động cụ thể như dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn, chăm lo đời sống... của Hội Người mù tỉnh đã giúp người khiếm thị vượt qua mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng.

                                                     Bài, ảnh: QUANG HIỆP  

Hoàng Kim (theo Báo Quảng Trị

Lượt xem : 31627 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo