Trải qua 20 năm hoạt động, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT&TMC) Hà Nội đã vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ quỹ hội tiền, hiện vật trị giá 44,792 tỷ đồng. Hội thực hiện nhiều chương trình chăm sóc, giúp đỡ được hàng triệu lượt NTT&TMC.
|
|
Trao tặng xe lăn cho người khuyết tật. |
Hà Nội có khoảng 90.000 người khuyết tật và gần 9.000 trẻ mồ côi, phần lớn sống ở vùng nông thôn các huyện nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn. Để có một tổ chức xã hội chăm sóc, giúp đỡ NTT&TMC cả về vật chất lẫn tinh thần, ngày 7-6-1993, UBND TP Hà Nội ra Quyết định 2211/QĐ-UBND thành lập Hội Bảo trợ NTT&TMC Hà Nội. Năm 2008, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thành phố đã ra quyết định hợp nhất Hội Bảo trợ NTT&TMC Hà Nội và Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh Hà Tây (cũ) thành Hội Bảo trợ NTT&TMC Hà Nội hiện nay - đánh dấu mốc quan trọng trong hoạt động bảo trợ NTT&TMC.
Từ khi thành lập và từ ngày hợp nhất đến nay, cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức, Hội Bảo trợ NTT&TMC Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động thu hút tài trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Hội thường xuyên phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền về Pháp lệnh Người tàn tật, Luật Người khuyết tật, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo trợ, chăm sóc, giúp đỡ NTT&TMC cũng như Điều lệ Hội. Hội tổ chức các chương trình giao lưu, liên hoan, biểu dương như: "Mở rộng vòng tay nhân ái", "Nhịp cầu vươn tới ước mơ", "Lá lành đùm lá rách", "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", "Vượt lên chính mình"... vừa để cộng đồng hiểu hơn về cuộc sống khó khăn của NTT&TMC vừa kêu gọi sự chung tay giúp sức của mọi người. Năm 2011, Hội tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu Luật Người khuyết tật", thu hút hàng nghìn NTT&TMC tham gia, tạo hiệu quả rất lớn.
Thành công lớn nhất của Hội Bảo trợ NTT&TMC Hà Nội trong quá trình hoạt động là triển khai hiệu quả các chương trình tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp cho NTT&TMC; cấp học bổng cho trẻ mồ côi; hỗ trợ sinh kế cho NTT&TMC; phẫu thuật mắt, mang lại ánh sáng cho người mù nghèo; phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Từ các chương trình này, Hội đã tặng 7.962 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; trao 2.930 xe đạp, 1.837 suất học bổng (trị giá 1 triệu đồng/suất) cho học sinh mồ côi vượt khó học giỏi; phẫu thuật thủy tinh thể miễn phí, đem lại ánh sáng cho 1.957 người nghèo; hỗ trợ phục hồi chức năng cho 300 người khuyết tật. Hội còn vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng, sửa chữa 21 nhà cho gia đình người khuyết tật nghèo; tổ chức nhiều đợt đi trao tặng quà với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng ủng hộ đồng bào các địa phương trong nước bị thiệt hại do bão lũ. Hằng năm, vào các dịp lễ tết, Hội tổ chức nhiều đoàn đi tặng quà, thăm hỏi hơn 8.000 lượt NTT&TMC.
Với phương châm "Giúp cần câu hơn là cho con cá", Hội đặc biệt chú trọng công tác dạy nghề. Hội chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ, thực hiện các dự án, chương trình dạy nghề cho NTT&TMC và đã mở 52 lớp dạy nghề cho hơn 2.000 NTT&TMC, trong đó 75% có việc làm sau khi học nghề. Hội vận động Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc tài trợ 3,4 tỷ đồng xây dựng mới Trung tâm Nhân đạo Minh Tâm (huyện Thạch Thất), tiếp nhận và dạy nghề cho hơn 300 học viên khuyết tật. Lớp dạy nghề mát xa chân ở Trung tâm Phục hồi chức năng cho người mù trẻ Hà Nội có 30 học viên theo học, kết quả 100% có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Lớp dạy nghề may tại Trung tâm Nhân đạo Phù Đổng, huyện Sóc Sơn, 100% học viên được bố trí việc làm phù hợp sau học nghề... Bên cạnh đó, các dự án mà Hội triển khai như: "Hỗ trợ chăn nuôi lợn thịt cho hộ gia đình có NTT&TMC, phụ nữ nghèo khuyết tật" ở huyện Thạch Thất; "Mô hình sinh kế cho NTT - hỗ trợ mua bò" ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội; "Hỗ trợ các gia đình nghèo" ở huyện Sóc Sơn, Thanh Trì... cũng đã giúp hàng trăm gia đình thoát nghèo.
Hoạt động uy tín và hiệu quả nên đến nay, Hội đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của rất nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền lên đến 44,792 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ này, hàng triệu lượt NTT&TMC được giúp đỡ vượt qua khó khăn.
Hai mươi năm qua, Hội đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh cả về tổ chức lẫn chất lượng hoạt động. Hội không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NTT&TMC mà còn khơi dậy, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong mỗi người, hướng tới một xã hội công bằng hơn, nhân văn hơn. Với những gì đã và đang làm, Hội đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều cán bộ của Hội được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương... Đây là sự ghi nhận và cũng là nguồn động viên rất lớn để Hội tiếp tục là điểm tựa vững chắc của NTT&TMC.
Bình luận