Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Nơi khởi nguồn nghề làm tăm của người khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Nơi khởi nguồn nghề làm tăm của người khiếm thị

Tổ An Toàn thuộc Quận hội Ba Đình là cơ sở làm tăm đầu tiên của người mù do Hội tổ chức và quản lý. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Tổ An Toàn (29/3/1973 - 29/3/2013) bài viết này xin giới thiệu quá trình hình thành và phát triển nghề làm tăm của người mù Hà Nội.

 

Có được một công việc phù hợp với khả nămg của mình luôn là nguyện vọng và khát khao cháy bỏng của người mù nói riêng và người khuyết tật nói chung. Bởi có việc làm, có nguồn thu nhập ổn định người khuyết tật mới thấy mình không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội, từ đó tìm lại được sự lạc quan yêu đời, tự tin vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Nhưng để có được một công việc ở các doanh nghiệp người sáng là điều rất khó khăn nên những người mù đặt niềm hy vọng vào tổ chức Hội. Nắm bắt những tâm tư nguyện vọng thiết tha đó, ngay từ khi mới thành lập ngày 3/2/1972 Thành hội Hà Nội đã chủ trương thành lập các cơ sở sản xuất tạo việc làm cho hội viên giúp họ yên tâm gắn bó và tích cực tham gia đầy đủ các mặt hoạt động của Hội.

 

          Từ chủ trương đúng đắn đó, ngày 29/3/1973 Tổ tăm tre An Toàn nay đổi tên là Cơ sở Sản xuất dịch vụ Nhân Đạo thuộc Hội Người mù quận Ba Đình chính thức được thành lập. Ra đời trong hoàn cảnh thủ đô Hà Nội vừa trải qua 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt chống trả cuộc tập kích chiến lược bằng Pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ. Hậu quả của những trận ném bom phá hoại để lại còn rất nặng nề, Đảng và chính quyền các cấp có nhiều việc cấp bách hơn cần giải quyết nên những người tham gia tổ tăm tre từ buổi đầu ấy đều xác định phải tự lực vươn lên không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ từ bên ngoài thì mới thành công.

 

          Vạn sự khởi đầu nan,với người bình thường khỏe mạnh khi bắt đầu khởi nghiệp đã gặp nhiều khó khăn thì đối với người khiếm thị những khó khăn ấy càng tăng lên gấp bội. Tổ An Toàn bước vào kinh doanh, sản xuất khi trong tay không có một đồng vốn, không kinh nghiệm, không địa điểm chỉ có đôi bàn tay và lòng quyết tâm. Để học được nghề làm tăm một số người mù phải lần mò đi làm thuê cho một cơ sở người sáng trên phố Đặng Thái Thân. Không thể quan sát bằng mắt, các chị đã phải khéo léo dò hỏi quy trình bí quyết của nghề tăm. Sau một thời gian ngắn nghe phong thanh một tổ tăm của người khiếm thị sắp được thành lập, ông chủ cơ sở đã không ngần ngại đuổi việc bà Nguyễn Thị Oanh (người sau này là Tổ phó Tổ An toàn) cùng những người đồng tật khác với lý do sợ mất nghề. Có chút kinh nghiệm Tổ An Toàn mua nguyên vật liệu đế sản xuất từ số vốn ít ỏi là những đồng tiền tiết kiệm do các thành viên gom góp, chắt chiu. Nơi sản xuất là hiên nhà góc bếp nay mượn của người này mai mượn của người kia mỗi lần di chuyển rất cực nhọc. Khó khăn rồi cũng vượt qua, với bản tính chăm chỉ cần cù chịu khó tăm của người khiếm thị làm ra có chất lượng tốt hơn tăm ngoài thị trường nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng tìm mua.

 

Thời điểm đó cuộc sống của người mù hầu như bị khép kín trong bốn bức tường, xã hội ít biết đến và coi họ là những người tàn phế đáng thương không còn khả năng lao động, sống dựa vào sự cưu mang giúp đỡ của người khác. Chính những quan niệm sai lầm này là rào cản gây ra không ít khó khăn cho sự phấn đấu vươn lên của người mù. Bởi vậy ông Nguyễn Văn Nhâm nguyên là Ủy viên Ban thường vụ Thành Hội, Tổ trưởng Tổ An Toàn lúc đó đã phải nhờ một người sáng mắt thay mình đứng tên tổ trưởng trong Giấy đăng ký kinh doanh vì cơ quan cấp phép là Liên hiệp hợp tác xã Ba Đình không tin rằng người khiếm thị lại có thể đảm đương nhiệm vụ quản lý, điều hành một cơ sở sản xuất; nhờ người sáng đứng tên Chủ tài khoản vì Ngân hàng cho rằng việc ký duyệt séc lĩnh tiền và các phiếu thu chi phải là người nhìn thấy thì mới đúng nguyên tắc tài chính. Khi đến các cơ quan liên hệ công tác có người còn nói thẳng với ông Nhâm: “Khó khăn thì có Nhà nước trợ cấp, các anh cứ nghỉ ở nhà cho đỡ mệt đã không nhìn thấy đi lại nhiều làm gì cho vất vả”.

 

Nhưng bằng việc thực, người thực từ những hiệu quả của Tổ An toàn đã chứng minh một thực tế là người mù cũng làm tốt công tác quản lý điều hành sản xuất như những người bình thường khác. Vậy là từ chỗ còn nhiều nghi ngại ban đầu các cơ quan chức năng dần chuyển sang tin tưởng và hết sức quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ. Liên hiệp Hợp tác xã Ba Đình chấp thuận để ông Nguyễn Văn Nhâm đứng tên Tổ trưởng trong Giấy đăng ký kinh doanh, ngân hàng đồng ý để ông Nhâm làm Chủ tài khoản Tổ An Toàn. Phòng Thương binh Xã hội Ba Đình cấp 400 đồng tương đương 30 triệu đồng tiền hiện nay để làm vốn lưu động. Số tiền tuy không lớn nhưng thực sự quý giá đối với một cơ sở mới được thành. Cơ quan thuế Ba Đình cũng miễn thuế sản xuất, Công ty Công nghệ phẩm Hà Nội ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm do cơ sở làm ra. Đặc biệt năm 1975 Phòng Thương binh Xã hội Ba Đình cấp một địa điểm rộng 50 mét vuông trong ngõ 29 phố Cửa Bắc để làm nơi sản xuất. Năm 1979 UBND quận Ba Đình cấp tiếp một địa điểm rộng 36 mét vuông tại số nhà 42 phố Phạm Hồng Thái làm văn phòng giao dịch đã giúp cho hoạt động của Quận hội và Tổ An Toàn dần đi vào ổn định và phát triển mạnh mẽ hơn.

 

          Khi mới thành lập Tổ An Toàn có 12 tổ viên đến năm 1992 tăng lên 58 người. Nhiều hội viên các Quận Huyện hội bạn có nhu cầu việc làm đều được tiếp nhận, một số người khuyết tật vận động, người thiểu năng trí tuệ cũng được nhận vào làm. Một số đồng chí thương binh hỏng mắt được hưởng chế độ Nhà nước nuôi dưỡng có nhu cần làm thêm cũng được giao việc. Thu nhập từ nghề tăm không cao nhưng thực sự rất ý nghĩa vì đây là thu nhập do chính tay người mù làm ra và đã giúp họ tạm đủ trang trải những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

 

Trước năm 1989, tăm An Toàn sản xuất ra được Công ty Công nghệ phẩm Hà Nội thu mua toàn bộ. Tăm được bầy bán rộng rãi trong các cửa hàng mậu dịch quốc doanh ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc nhờ vậy tổ viên có việc làm thường xuyên cuộc sống tương đối ổn định. Nhưng đến năm 1989 do nền kinh tế nước ta dần chuyển đổi sang vận hành theo cơ chế thị trường, Công ty Công nghệ phẩm Hà Nội buộc phải sát nhập vào một đơn vị khác của thành phố, Tổ An Toàn không ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dẫn đến tổ viên không có việc làm và Tổ cũng đứng trước nguy cơ bị giải thể. Trước những khó khăn đó Thành hội Hà nội đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Quận hội Ba Đình một măt đẩy mạnh tuyên truyền vận động xã hội quan tâm giúp đỡ các hoạt động của người mù, mặt khác động viên một số hội viên có năng lực trực tiếp mang tăm đến các cơ quan đoàn thể, các công ty trường học, các địa bàn dân cư để vận động tiêu thụ. Phương thức tiêu thụ sản phẩm theo hình thức mới này bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Sau cuộc vận động “Tuần lễ chăm sóc người mù” do Trung ương Hội phát động vào năm 1990 thì phong trào mua tăm giúp đỡ người mù được mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Tăm An Toàn có mặt ở nhiều địa phương, một số hội viên năng động còn mang tăm vào thành phố Hồ chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam để tiêu thụ. Sản lượng tăm thời kỳ này lên đến 2,2 triệu gói một năm, tổ viên có đủ việc làm đời sống được cải thiện hơn trước rõ rệt.

 

          Từ cách làm thành công của Quận hội Ba Đình nhiều quận, huyện và các thành tỉnh Hội trên toàn quốc tìm đến tham quan học hỏi kinh nghiệm. Đến nay nghề làm tăm được tổ chức sản xuất ở rất nhiều Thành Tỉnh Hội và đã trở thành một nghề truyền thống của Hội người mù. Sau năm 1992 do thị trường tiêu thụ tăm có phần bị thu hẹp, Tổ An toàn tức Cơ sở sản xuất dịch vụ Nhân Đạo ngày nay tiếp tục phát triển thêm các nghề mới như làm hương, làm chổi và gần đây là dịch vụ Xoa bóp bấm huyệt. Cùng với sự đi lên của đất nước cuộc sông của người khiếm thị ngày nay đã có nhiều thay đổi, nhưng hình ảnh về hộp tăm tre xinh xắn mang nhãn hiệu An Toàn còn đọng mãi trong tâm trí của những hội viên lớn tuổi Hội người mù quận Ba Đình để nhớ về một thời gian khó.

 

Phi Anh Dũng  

Hoàng Kim (theo HNM)

Lượt xem : 33335 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo