Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Người khiếm thị học kế mưu sinh
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người khiếm thị học kế mưu sinh

Đôi mắt không sáng rõ khiến cuộc sống phần đông người khiếm thị chìm trong mặc cảm. Thế nhưng, bằng nghị lực và lòng yêu lao động, không ít người đã vươn lên, quyết tâm thay đổi số phận. Trên hành trình ấy, họ luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Hội Người mù huyện Phú Vang thông qua hoạt động dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm...

Cho cần cầu

 

 

Hội viên sản xuất tăm tre

 

 

Theo số liệu thống kê của Hội Người mù huyện Phú Vang, những năm trước đây, tỉ lệ gia đình người khiếm thị nghèo luôn chiếm tỷ lệ rất cao. Hội xác định, cần trang bị cho người mù kiến thức, kỹ năng nghề để họ có thể đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội. Với phương châm “Cho cần câu hơn xâu cá”, Hội Người mù huyện đã phối hợp với các ngành mở nhiều lớp dạy nghề cho hội viên như: làm tăm tre, chổi đót, hương, xoa bóp – bấm huyệt cũng như áp dụng khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi. Sau đào tạo, 80% hội viên, người mù có công việc ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bản thân và gia đình.

 

Nhiều người mù sau khi học nghề, mạnh dạn vay vốn ưu đãi, mở những cơ sở sản xuất nhỏ và đã tự trang trải được kinh tế gia đình. Minh chứng cho điều này là Hội Người mù Phú Vang đã tổ chức lao động sản xuất ngay tại gia đình hoặc tập trung với 2 mặt hàng chính đó là tăm tre và chổi đót. Không chỉ hỗ trợ mua sắm các loại thiết bị, máy móc, hội còn tích cực vận động hội viên chú trọng đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Trong nhiệm kỳ qua, đã sản xuất được gần 1.400.000 gói tăm và hơn 8.000 chổi đót, đưa tổng doanh thu đạt 1,1 tỷ đồng, tăng gần hai lần của nhiệm kỳ trước. Anh Nguyễn Văn Bạch ở xã Vinh Thái (Phú Vang) bộc bạch: “Ban đầu, tôi rất chật vật khi vót tre với con dao sắc. Dần dần, tôi cũng quen và lấy đó làm niềm vui khi được lao động tập trung cùng với người đồng cảnh ngộ. Từ đó, chúng tôi còn chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống”.

 

Vay vốn, giải quyết việc làm được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất của chương trình xóa đói giảm nghèo cho người mù. Bởi, ngoài nỗi bất hạnh do khiếm thị, đa số họ còn lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sống phụ thuộc vào người thân. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã lập 9 dự án với tổng số tiền gần 650 triệu đồng, tạo điều kiện cho hơn 100 lao động được vay vốn và giải quyết việc làm... Tín hiệu đáng mừng là hầu hết hội viên khiếm thị đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, giúp cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Trong quá trình vay vốn, không có trường hợp nào nợ quá hạn. Việc hoàn trả vốn và lãi được thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định.

 

Xuất hiện nhiều gương sáng

 

Sự cần cù nhẫn nại, ý chí vươn lên cũng như được học các lớp chăn nuôi, trồng trọt nên ngày càng xuất hiện nhiều người khiếm thị làm kinh tế giỏi. Điển hình trong sản xuất là anh Đào Văn Chớ, xã Phú Đa (Phú Vang). Trong tháng ngày lay lắt đói khổ, đồng vốn vay dành cho người khiếm thị đến với anh như chiếc phao cứu sinh, giúp cả gia đình vượt qua cơn bĩ cực. Anh  chia sẻ: “Trong mơ, tôi cũng không tin gia đình mình có ngày hôm nay. Nhớ lần đầu vay vốn, cầm số tiền 10 triệu đồng mà lòng tôi rối như tơ vò, tự hỏi, sau này, biết lấy gì để trả? Thế nên, tôi chỉ dám đầu tư sản xuất nhỏ nhưng an toàn. Dần dần, có đồng vào, đồng ra, gia đình tôi mới mạnh dạn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn. Giờ thì chuyện trả nợ cả gốc lẫn lãi không còn khó nữa”. 

Mô hình làm kinh tế hiệu quả ngày càng được nhân rộng. Ở xã Phú Hải (huyện Phú Vang) có anh Lê văn Hồi. Cũng từ nguồn vốn vay khiêm tốn, anh đã chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Hiện nay, đàn gia súc của gia đình anh đã lên 50 con lợn thịt và 2 con lợn nái, thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Hay ở xã Phú Hồ (Phú Vang), có anh Khương Văn Thuận, một thương binh 1/4, đã tích cực phát triển kinh tế gia đình, phát huy hiệu quả vốn vay nên đã có thu nhập đáng kể, như sửa chữa nhà cửa, mua sắm dụng cụ tiện nghi và con cái học hành thành đạt.    

                       

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Người mù huyện Phú Vang, thời gian đến, hội sẽ đăng ký thêm vốn vay theo nhu cầu của người mù cũng như tổ chức quản lý tốt vốn vay, hướng dẫn tập huấn làm kinh tế gia đình về trồng trọt chăn nuôi. Ngoài ra, hội sẽ nỗ lực đảm bảo cho người lao động có việc làm thường xuyên từ 10 tháng trở lên, tổ chức dạy truyền nghề ngắn hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các trường học, các hội đoàn thể trong địa bàn. Tất cả nỗ lực trên nhằm giảm tỷ lệ nghèo từ 2% trở lên.

Bài, ảnh: Huế Thu
Lượt xem : 14012 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo