Trang chủ --> Gương sáng --> Quảng Bình: Nghị lực của chàng trai khuyết tật
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Quảng Bình: Nghị lực của chàng trai khuyết tật

Anh Bùi Thanh Hưng (sinh năm 1980 ở thôn 5, Thanh Hoá, Tuyên Hoá) giờ đây được mọi người biết đến không chỉ anh là Chủ tịch Hội Người mù huyện Tuyên Hóa mà còn bởi là "bậc thầy" làm chổi đót không thua kém gì những người mắt sáng. Đó là kết quả của những tháng ngày vất vả tự học và mày mò mới có được.  Điều đặc biệt nữa là cách đây gần 10 năm, anh Hưng là nhân viên của Trung tâm tẩm quất người mù Hoàng Kim . Nghe tiếng gọi tha thiết muốn có hội của người mù trong huyện, anh đã trở về thành lập và xây dựng Hội người mù huyện Tuyên Hóa. 

 

 

Năm 1994, khi đang là học sinh lớp 8, anh đã bị tai nạn cướp đi đôi mắt sáng. Mặc dù gia đình đã nỗ lực chạy chữa nhiều nơi mong tìm lại được ánh sáng cho con trai mình, nhưng đôi mắt anh cứ mờ đi, anh không còn nhìn rõ được bố mẹ và những người thân trong gia đình. Mất đi đôi mắt khiến mọi sinh hoạt hàng ngày của anh đều phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của mẹ và anh em trong gia đình.

Từ đó, anh không chỉ đối diện với bóng tối của cuộc sống, mà còn đối diện với bóng tối của tương lai. Suốt 5 năm trời, anh chỉ biết ở nhà, không thể làm bất cứ một công việc gì. Nhờ chiếc radio trong nhà, anh bắt đầu khám phá thế giới và nghĩ cách vượt lên số phận. Ý nghĩ ấy cứ thôi thúc anh từng ngày và anh đã bắt tay vào học cách làm kinh tế. Qua thực tế, anh thấy nghề làm chổi đót phù hợp với người mù. Năm 1999, anh đã khăn gói vào một gia đình ở xã Sen Thủy, Lệ Thủy để học làm chổi. Đối với một người mù hoàn toàn như anh, việc sinh hoạt đã khó thì việc làm chổi đót còn khó hơn trăm lần.

Anh Hưng cho biết: "Sinh ra trong cảnh gia đình nghèo khó, ở quê người dân chủ yếu là làm ruộng, không có một nghề phụ nào phù hợp với tôi, thấy nghề chổi đót hợp với người mù nên tôi đã đi học. Đi học làm chổi đót nhưng ban đầu thật khó khăn với một người mù như tôi. Nhưng tôi nghĩ, cả đất nước mình, có hàng vạn người bất hạnh, tật nguyền, chứ không riêng gì tôi. Qua chiếc đài, tôi hiểu rằng, con người vẫn có thể sống được bằng niềm tin và nghị lực".

 

Làm chổi đót, nghề đem lại thu nhập chính của anh Hưng.
Làm chổi đót, nghề đem lại thu nhập chính của anh Hưng.

Năm 2001, Hội Người mù tỉnh Quảng Bình mở lớp dạy làm chổi đót cho người mù, anh đã đăng ký học để nâng cao tay nghề. Sau khi học xong hai khóa học, anh quyết tâm mở xưởng làm chổi và thu hút những em có hoàn cảnh như mình về làm.

Từ một người khiếm thị, anh Hưng trở thành chủ một cơ sở sản xuất chổi đót với thương hiệu chổi đót Xuân Hưng. Ban đầu, chổi do cơ sở của anh sản xuất chỉ được bán lẻ tại các chợ trong huyện Tuyên Hóa. Những năm gần đây, anh đã liên hệ với Phòng Giáo dục huyện Tuyên Hóa nhờ sự giúp đỡ, cứ đến dịp đầu năm học, anh bỏ mối cho các trường trong toàn huyện. Từ đó, anh bắt đầu mở rộng cơ sở, sản xuất với quy mô lớn hơn.

Hiện nay, anh đã có một xưởng làm chổi đót tạo công ăn việc làm cho 5 lao động, trong đó có 3 người bị khiếm thị giống như anh. Ngoài ra, với lớp học xoa bóp 3 tháng, anh đã mở một phòng xoa bóp tẩm quất tại thị trấn Đồng Lê, tạo công ăn việc làm cho thêm 4 lao động trong Hội Người mù huyện Tuyên Hóa.

Những năm đầu mở xưởng làm chổi, việc thu mua nguyên liệu khá khó khăn với anh vì phải lên tận các xã miền núi giáp biên giới Việt - Lào mới mua được nguyên liệu. Giá thu mua đót ngày càng đắt đỏ, làm không có lãi nên anh đã nghĩ ngay tới việc trồng cây đót.

Với lợi thế đất núi đá vôi, anh xin xã Thạch Hóa thầu đất trồng đót. Từ nguồn vốn vay của gia đình và nguồn vốn vay của Hội Người mù tỉnh, anh đã thuê bà con trong thôn đi lấy cây đót về để mua làm giống và trồng. Anh Hưng chia sẻ: Nguồn giống được khai thác từ những bụi đót mọc dại phân tán trên các triền đồi sau khi đã thu hoạch bông làm chổi đót. Đốn phần ngọn, chừa lại phần gốc 30 - 40cm. Khoảng sau rằm tháng giêng, khi thời tiết có mưa ẩm mát, đào cây giống để tách gốc, mỗi khóm đót trồng mới từ 4 - 5 cây. Mật độ trồng 2.500 khóm/ha.

Khi cây đót bén rễ, nảy chồi tiến hành làm cỏ vun gốc. Vào đầu mùa mưa (tháng 7 âm lịch) làm cỏ phát quang, kết hợp bón phân thúc  (đào rãnh hai bên khóm đót sâu 15 cm, cách gốc 20 cm, bỏ phân và lấp đất lại). Sau 1 năm trồng, mỗi khóm đót của anh đã cho thu hoạch bình quân 2 kg bông đót tươi, năng suất đạt 3 tấn/ha.

Ước tính, năm thứ hai vườn đót nhà anh cho sản lượng gấp đôi năm thứ nhất. Theo kinh nghiệm của anh, sau thu hoạch có thể phát sát gốc, chừa gốc 20- 30 (cm). Khi thời tiết có mưa ẩm, khóm đót sẽ nảy mầm và tiếp tục phát triển. Lá ngọn cây đót có thể tận dụng làm thức ăn cho cá hoặc cho bò.
Anh Hưng cho biết thêm, "Cây đót là loài cây dễ trồng, chi phí ít, sớm thu hoạch, ít sâu bệnh, dễ tiêu thụ. Nhờ trồng đót nên mỗi năm tôi giảm bớt được chi phí mua nguyên liệu, không phải vất vả lên tận miền núi Minh Hóa để mua đót nữa".

Hiện nay, anh đã thu hoạch được hai mùa đót, mỗi mùa được 3 tấn đót tươi, đỡ chi phí mua nguyên liệu bên ngoài.

Từ một người khiếm thị, anh Bùi Thanh Hưng đã vươn lên trở thành chủ một cơ sở sản xuất nhỏ, không chỉ nuôi sống chính bản thân, gia đình mà còn tạo được việc làm cho nhiều người. Có thể nói anh là tấm gương điển hình của những người "tàn nhưng không phế".

                                                                                        P. H

 Hoàng kim (Theo Báo Quảng Bình)

Lượt xem : 43190 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo