Trang chủ --> Gương sáng --> “Mái nhà chung” cho người khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

“Mái nhà chung” cho người khiếm thị

 

 

Dáng người cân đối, nhỏ nhắn, đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt với cử chỉ mềm dẻo, linh hoạt cộng thêm nụ cười tươi rói và câu nói hài hước là những ấn tượng ban đầu khi chúng tôi gặp và tiếp xúc với anh. Chỉ nhìn thoáng qua, ngỡ tưởng anh cũng như biết bao người bình thường khác. Vẫn nghe anh nói, vẫn nhìn anh cười nhưng ánh mắt anh đăm chiêu… Khách hàng quen gọi anh là Nam - một người khiếm thị làm nghề xoa bóp bấm huyệt y học cổ truyền. Anh Nguyễn Văn Nam là một trong số hàng chục hội viên Hội người mù thành phố Việt Trì xóa bỏ mặc cảm tật nguyền, vươn lên khẳng định mình.

Mô tả ảnh.
 

Cửa hiệu xoa bóp bấm huyệt của anh và hai người bạn là địa chỉ có uy tín từ nhiều năm nay nằm trên đường Trần Phú, phường Tân Dân. Đến đây, chúng tôi không thấy tiếng nhạc ồn ào mà cảm nhận không gian gần gũi, thân thuộc được bao bọc xung quanh bởi cây cối râm mát. Anh cho hay: “Mặc dù chúng tôi là người khiếm thị, nhưng khách hàng tìm đến cửa hiệu ngày một đông. Điều đó đã khích lệ động viên anh em chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người”. 5 năm về trước, vợ chồng anh Nam tần tảo lắm mới nuôi được ba đứa con có đủ cơm ăn, áo mặc. Kể từ khi anh tham gia sinh hoạt ở Hội người mù thành phố, được Hội giúp đỡ học chữ nổi Brai và nghề xoa bóp bấm huyệt cuộc sống của bản thân và gia đình anh có nhiều khởi sắc. Anh nói: Khi chưa biết nghề này, tôi chỉ ở nhà phụ giúp vợ chăn nuôi thêm trong khả năng của mình nên kinh tế gia đình eo hẹp lắm. Được lãnh đạo Hội cử đi học nghề, tạo điều kiện vay vốn mở cơ sở hành nghề. Hiện tại, trừ chi phí mỗi tháng tôi cũng dành dụm được khoảng 1 triệu đồng thêm với vợ nuôi con. Nhờ có việc làm mà lúc nào tinh thần cũng vui vẻ, cảm thấy mình thực sự có ích cho đời, cho mọi người.

Cô Nguyễn Thị Bộ (phường Tân Dân) là khách hàng quen thuộc của cửa hiệu từ 3 năm nay. Khi được hỏi vì sao cô chọn phương pháp xoa bóp bấm huyệt để chữa bệnh, cô chia sẻ: “Tôi bị bệnh gai đốt sống lưng và đau nửa đầu. Trước có đi chữa bằng phương pháp thủy châm ở Sơn Tây nhưng thấy bệnh không thuyên giảm. Ba năm nay, tôi chuyển sang chữa trị bằng cách này thấy hiệu quả hơn hẳn. Với chi phí 60 ngàn đồng/lần, duy trì 4 lần/tháng cũng không tốn kém hơn so với cách điều trị khác mà hiệu quả rõ rệt”.

Là một trong hai cơ sở được Phòng Y tế thành phố cấp phép hoạt động, cơ sở của chị Trịnh Thị Hường ở đường Châu Phong, phường Gia Cẩm cũng là một địa chỉ đáng tin cậy. Ở đây, ngoài đáp ứng nhu cầu xoa bóp bấm huyệt của người dân, chị Hường còn liên kết với Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi và tàn tật thành phố nhận dạy nghề miễn phí cho các em. Mỗi khóa đào tạo có hàng chục em mồ côi, câm điếc theo học. Trước đây, chị Hường từng là công nhân của một công ty may, nhưng vì thấy thị lực của mình ngày càng kém đi nên chị xin nghỉ và đi học nghề xoa bóp bấm huyệt ở Học viện Y học cổ truyền trung ương. Sau đó chị tham gia vào Hội người mù thành phố và được tạo điều kiện mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt. Ngoài ra, chị còn mở kèm thêm dịch vụ tắm xông hơi và cắt tóc gội đầu phục vụ nhu cầu ngày một tăng cao của người dân.

Sau 6 năm thành lập, Hội người mù thành phố hiện có 174 hội viên, trong đó có 60% trong độ tuổi lao động. Lãnh đạo Hội xác định việc tạo điều kiện cho hội viên tham gia học nghề phát triển kinh tế gia đình là việc làm cần thiết nhất hiện nay. Trong số đó, lấy nghề xoa bóp bấm huyệt y học cổ truyền làm nghề mũi nhọn. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH đào tạo cho hội viên học làm tăm tre và chổi chít.

Được biết, Hội người mù thành phố là cơ sở hội đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh. Nơi động viên tinh thần những người khiếm thị cảm thấy tự tin hơn, vừa là tạo việc làm cho hội viên làm kinh tế xóa nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, Hội cũng phải đối mặt với không ít khó khăn như: Chưa tạo được nhiều việc làm phong phú cho hội viên; trình độ của hội viên không đồng đều; đầu ra cho sản phẩm do người mù sản xuất chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài… Đó là những thách thức mà người mù thành phố cần khắc phục, vượt qua trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội.

Hồng Nhung
 

 

.
Lượt xem : 47628 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo