Trang chủ --> Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng --> Chung tay để nhân rộng những hạt giống tốt
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Chung tay để nhân rộng những hạt giống tốt

 

Chúng ta có thể gieo những hạt giống tốt, dù ta đang giữ vị trí nào trong xã hội, dù hoàn cảnh của ta ra sao. Dù bạn là người sáng lập hay là một tình nguyện viên tham gia hoạt động nhân đạo quy mô lớn như hoạt động trên con tàu Mercy ở châu Phi, là người lãnh đạo một quốc gia như Tổng thống Sirleaf, thì việc thiện mà bạn đang làm được nhân lên nhiều lần qua vô số những cuộc đời mà bạn đã tác động.

 

Tất cả những nhà lãnh đạo trong các hoạt động phục người khác mà tôi gặp trong các chuyến đi của mình đều có chung những đặc điểm và thái độ mà tất cả chúng ta đều nên học học tập. Trước hết, họ rất khiêm tốn và không hề vị kỷ. Nhiều người trong số họ đã dành trọn cuộc đời để phục vụ người khác, và họ không quan tâm sự cống hiến của mình có được ghi nhận hay không. Thay vì đứng ở những vị trí nổi bật, hầu hết họ làm việc thầm lặng, thôi thúc những người tình nguyện và khích lệ những người mà họ phục vụ. Họ thích trao lời khen ngợi hơn là nhận về mình.

 

Thứ hai, những người lãnh đạo trong các hoạt động phục vụ người khác là những người biết lắng nghe và là những người có khả năng thấu cảm cao.Họ lắng nghe để hiểu nhu cầu của những người họ phục vụ, và họ quan sát, thấu cảm để nắm bắt những nhu cầu không được nói ra. Thường thì những người gặp khó khăn không cần phải đến để nhờ họ giúp đỡ, bởi vì họ chủ động phát hiện những ai đang cần giúp đỡ và cần giúp những gì. Những người lãnh đạo đó hoạt động với suy nghĩ như thế này trong đầu: Nếu mình ở trong hoàn cảnh của người này, thì điều gì sẽ làm cho mình cảm thấy được an ủi? Điều gì sẽ vực mình dậy? Điều gì sẽ giúp mình vượt lên hoàn cảnh?

 

Thứ ba, họ là những người chữa lành những vết thương. Họ cung cấp những giải pháp trong khi những người khác bị mắc kẹt trong các vấn đề. Tôi chắc chắn rằng những người tốt khác nhìn vào những phận người đang chịu đựng sự nghèo khổ, đớn đau và bệnh tật ở những nước thuộc thế giới thứ ba và thấy những vấn đề khó khăn to lớn. Làm thế nào bạn có thể xây dựng đủ bệnh viện ở những vùng xa xôi, nghèo đói để phục vụ tất cả những người đang gặp khó khăn? Don và Deyon Stephens đã nhìn vượt ra ngoài vấn đề và đi đến một giải pháp đầy sáng tạo: cải tiến những chiếc tàu du lịch thành những bệnh viện nổi và kêu gọi những người tình nguyện đến làm việc trên tàu, đến bất cứ nơi nào có những người đang cần được giúp đỡ.

 

Thứ tư, những người lãnh đạo đó không bận tâm với sự ổn định ngắn hạn, mà hướng tới sự ổn định lâu dài. Họ gieo những hạt giống mà họ biết sẽ tồn tại lâu dài và có những ảnh hưởng rộng rãi.Tổng thống Sirleaf đã thiết lập hòa bình trên mảnh đất quê hương đầy bất ổn của bà, và sau đó bà đã cho xây dựng những trường học, thu hút vốn đầu tư nước ngoài để tạo cơ hội cho các thế hệ tương lai.

 

Những người gieo những hạt giống tốt tiếp tục phát triển những gì họ đã làm, bằng cách tự gieo những hạt giống mới hoặc khích lệ những người khác tham gia với họ và vượt trên họ.

 

Thứ năm, những người lãnh đạo đó là những người xây dựng những cầu nối, dẹp sang một bên những lợi ích cá nhân hạn hẹp để khai thác sức mạnh của nhiều người để tạo ra sự thay đổi vì lợi ích của toàn nhân loại.Họ tin rằng sự dồi dào là phần thưởng đủ cho tất cả mọi người khi mà cả mục đích và sự thành công đều được chia sẻ. Nơi nào mà một số nhà lãnh đạo tin vào sự chia rẽ và chiếm đoạt, thì nơi ấy những người đi đầu trong việc phục vụ người khác tin vào việc xây dựng một cộng đồng của những con người có chung một mục đích.

 

Gần đây nhất tôi đã thấy một ví dụ điển hình của việc xây dựng những cầu nối trong khi tôi tham dự một sự kiện mang tên “I Heart Central Oregon” trong đó hơn hai nghìn năm trăm người tình nguyện từ ba hạt và bảy mươi nhà thờ thuộc nhiều giáo phái khác nhau chung tay gieo những hạt giống tốt trong cộng động của họ. Jay Smith, người tổ chức sự kiện này, đã mời tôi tới để nói chuyện với những người tình nguyện và với những em học sinh ở đó trong tuần lễ biến niềm tin thành hành động.

 

Jay và các thành viên của ban nhạc Elliot đã tổ chức những sự kiện này trong vài năm nay và điều lớn lao mà họ đã làm được là đưa tất cả những người thuộc các giáo phái đến với nhau để phục vụ mọi người trong cộng đồng. Họ không chỉ nói suông; lời nói của họ đi đôi với việc làm. Họ xuống đường vào các ngày thứ bảy trong một phong trào tình nguyện với quy mô lớn, sơn những vòi nước cứu hỏa ở ven đường, sửa chữa những ngôi nhà, làm vệ sinh đường phố, xén cỏ, làm việc vặt, chuyển đồ đạc, và làm bất cứ việc gì khác mà họ có thể để tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của những người sống trong cộng đồng.

 

Tôi đã nói với Jay rằng thật khó để đoán ra người tổ chức những sự kiện này, bởi vì tất cả mọi người đều đi đầu trong việc phục vụ và chăm sóc người khác với tinh thần tự nguyện. Thật thú vị, Jay đã tiếp tục hoạt động phục vụ cộng đồng của anh đúng vào thời điểm anh đang phải trải qua thách thức. Trước đó anh đã tham gia hoạt động thiện nguyện khắp thế giới trong mười lăm năm, đi đến hai mươi bốn quốc gia, làm việc với rất nhiều những người tình nguyện trẻ. Sau đó, vào năm 2006, Jay trải qua một mùa khó khăn và cần phải ở gần gia đình để tập trung chăm sóc bốn đứa con nhỏ. Anh trải qua cái mà anh gọi là “một mùa đổ vỡ”, và anh hiểu ra rằng những ngày đi khắp thế giới hoạt động nhân đạo của anh đã kết thúc, ít nhất là vào thời điểm đó. Anh đã quay về Ben, thành phố quê hương anh ở Oregon, quyết định sử dụng sức lực và lòng nhiệt tình mà trước đây anh đã dồn cho việc thiện ở những nơi như Uganda, Ukraine cho quê hương anh.

 

Trong giai đoạn khó khăn đó, người lãnh đạo phục vụ cộng đồng này đã không chìm đắm trong nỗi buồn của riêng mình mà thay vì thế, anh tìm đến với người khác để giúp đỡ họ. Bend là một thành phố khá thịnh vượng, nhưng nhiều người dân ở các vùng ngoại ô đang phải vật lộn với tình hình kinh tế suy thoái cũng như nạn bạo lực và ma túy. Vậy nên Jay quyết định tập trung những nỗ lực của mình vào những khu vực cần sự giúp đỡ.

 

“Chúng tôi không có tiền, nhưng chúng tôi dám nghĩ dám làm, bắt đầu thực hiện dự án phục vụ cộng đồng đầu tiên của chúng tôi với một trăm năm mươi người tình nguyện đến từ các nhà thờ khác nhau – chỉ để thấy tuyết phủ ngập đường trong ngày đầu tiên”, anh nói. “Kế hoạch của chúng tôi tưởng chừng bị tuyết phá hỏng. Thay vì bỏ cuộc, chúng tôi lấy xẻng, xe tải và máy ủi tuyết, dành cả ngày dọn tuyết khỏi các lối đi và các vỉa hè để mọi người có thể đi lại. Trong khi làm việc đó, chúng tôi phát hiện và giúp đỡ nhiều người cao tuổi cũng như những người khác bị mắc kẹt vì tuyết rơi.”

 

Họ đã nói chuyện với một ông già khi ông đang cố gạt tuyết khỏi mái nhà. Trong khi nói chuyện, ông ngất đi vì kiệt sức. Một số người tình nguyện đã chăm sóc ông và giúp ông làm nốt việc dọn tuyết. Một ngày phục vụ cộng đồng với những nỗ lực tập thể đã kết thúc bằng một buổi liên hoan: buổi biểu diễn của ban nhạc Elliot, và đây cũng là phần quan trọng của ngày hoạt động tình nguyện vì họ đã thu hút thêm gần bảy trăm bạn trẻ ở độ tuổi mới lớn.

 

Dù bắt đầu dự án vào một ngày tuyết rơi, thành công của sự kiện đầu tiên đó đã biến niềm tin của Jay và ban nhạc Elliot thành hành động theo một cách thật tuyệt vời. Trong những năm tiếp theo họ tổ chức hơn mười lăm sự kiện tương tự ở mười bảy thành phố của Oregon, trong đó có những sự kiện thu hút hai nghìn năm trăm người tình nguyện từ mười bảy nhà thờ tham gia làm những công việc hữu ích vì cộng đồng.

 

Tôi biết điều đó bởi vì tôi đã diễn thuyết tại một số sự kiện đó. Năm 2010 tôi xuất hiện trước hơn tám nghìn người tại một sự kiện của dự án I Heart Central Oregon ở trung tâm Expo. Chúng tôi bổ sung vào sự kiện đó phần thể hiện tình cảm qua những cái ôm, và tôi đã lập kỷ lục thế giới, Kỷ lục Người thực hiện nhiều cái ôm nhất trong một giờ. Tôi đã ôm 1749 người trong một giờ. Bạn có thể thấy video về kỷ lục này trên trang YouTube.com. Diễn viên hài Nick Cannon, chồng của nữ danh ca Mariah Carey, đã cố gắng phá vỡ kỷ lục này nhưng anh không thành công. Tôi đoán rằng anh không được trang bị đầy đủ để đánh bại tôi.

 

Mục đích quan trọng hơn của Jay qua những chiến dịch vụ cộng đồng là chứng minh niềm tin trong hành động của người Cơ Đốc giáo bằng cách phục vụ người khác, đồng thời mở ra những kênh thông tin và phá vỡ những bức tường ngăn cách giữa những nhà thờ và những giáo phái khác nhau.Cũng giống như tôi, Jay tin rằng các nhà thờ là nguồnhy vọng của thế giới. Trong khi tôi có thể đến một nơi nào đó với tư cách là một nhà truyền giáo truyền cảm hứng, sự khích lệ và hy vọng đến cho mọi người, chính nhà thờ và hội truyền giáo ở địa phương đó là nguồn khích lệ và hy vọng luôn sẵn có để phục vụ và yêu thương mọi người trong cộng đồng ở đó. Đó là lý do tại sao chúng tôi lo lắngkhi thấy các nhà thờ không hợp tác cùng nhau để nhân rộng những hạt giống tốt.

 

Cùng với sự khiêm nhường và tinh thần tập trung hướng tới lợi ích chung, một phần không nhỏ của việc trở thành một người lãnh đạo các hoạt động phục vụ cộng đồng là lắng nghe để biết người khác cần gì hơn là áp đặt những gì bạn muốn cho họ. Jay rất nhạy cảm trước thực tế rằng một số nhà thờ có ít nguồn lực tài chính hơn những nhà thờ khác, bởi vậy anh luôn cố gắng huy động các nguồn tài trợ để tránh đặt sức ép tài chính lên vai những người tham gia.

 

Ở một thành phố thuộc Oregon có nhiều người dân nghèo, Jay và đội tình nguyện của anh đã quyên góp được nhiều hơn cả số tiền cần thiết cho dự án của họ. Quả thực sau khi thực hiện dự án ở địa phương này, họ còn thừa một nghìn bảy trăm đô la. Một trong những mục sư tham gia dự án gợi ý cách sử dụng số tiền đó trong mùa Giáng sinh: Họ cho các thành viên của nhà thờ mượn số tiền đó và giao cho những người ấy nhiệm vụ nhân số tiền gốc này vì mục đích từ thiện theo bất cứ cách nào mà họ có thể, dù là cách mua kẹo giảm giá để đem bán, hoặc sử dụng nó mua nguyên liệu làm nước chanh để bán, hoặc mua nhiên liệu cho các máy xén cỏ để đi xén cỏ thuê. Một nghìn bảy trăm đô la ấy đã được nhân lên thành mười nghìn đô la và được sử dụng cho các dự án như dự án tặng các vật dụng tư trang cho những người vô gia cư, giúp các bà mẹ đơn thân mua quà Giáng sinh, tặng đồ chơi cho những trẻ em bị ngược đãi và những hoạt động từ thiện khác.

 

“Chúng tôi làm những việc đó để mọi người thấy được tình yêu của chúng tôi được thể hiện qua việc phục vụ người khác. Đó là một cách để cộng đồng biết rằng nhà thờ của họ quan tâm đến họ. Chúng tôi không thuyết giảng để hạ thấp họ, chúng tôi phục vụ họ”, Jay nói. “Và chúng tôi không định biến những ngày phục vụ cộng đồng của mình thành sự kiện chỉ xảy ra một lần. Thường thì sau khi chúng tôi đi khỏi một địa phương nào đó, mối quan hệ giữa các nhà thờ và các thành phố vẫn tiếp tục phát triển. Chúng tôi đã thấy những mối quan hệ như thế phát triển ở những nơi mà các thị trưởng có thể gọi điện cho các mục sư và đề nghị các giáo đoàn chung tay giúp họ trong các hoạt động vì cộng đồng. Khi mọi người đã cảm nhận được niềm vui của việc phục vụ cộng đồng, họ muốn tiếp tục tham gia các hoạt động thiện nguyện.”

 

Jay và những người lãnh đạo việc phục vụ cộng đồng thường có một số đề nghị hơi khác thường trước khi họ tình nguyện phục vụ một cộng đồng nào đó. “Chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi có năm trăm người tình nguyện, vậy chúng tôi có thể làm gì cho thành phố của họ? Một thành phố không thể chi tiền để xén cỏ ở các nghĩa trang của thành phố bởi vì ngân sách bị cắt giảm, vậy nên các nhà thờ phải lo việc đó và giờ đây những người tình nguyện đảm nhận nhiệm vụ này. Những hoạt động như thế mở ra những cách thức mới để các nhà thờ phục vụ cộng đồng”.

 

Các quan chức của thành phố Bend nói rằng họ không có ngân sách để sơn lại tất cả những vòi nước dùng để tiếp nước cho các xe cứu hỏa ở ven đường trên khắp thành phố, trong khi việc sơn lại những vòi nước đó lại là một việc cần thiết cho công tác cứu hỏa. Trong ba sự kiện của I Heart Central Oregon được tổ chức trong hơn hai năm, những người tình nguyện đã sơn lại ba mươi sáu điểm tiếp nước cho xe cứu hỏa, tiết kiệm cho thành phố hàng nghìn đô la. Ý tưởng của Jay và các tình nguyện viên là để mỗi thành phố tự xác định mình cần được phục vụ như thế nào, để tạo lòng nhiệt tình và tinh thần thiện nguyện trong cộng đồng. Ở một số thành phố, Jay và đội tình nguyện của anh cũng hợp tác với những tổ chức phi lợi nhuận như các ngân hàng lương thực của địa phương, những bếp ăn từ thiện, những trung tâm tạm trú cho phụ nữ, các tổ chức nhân đạo như Head Start, hoặc Habitat.

 

“Chúng tôi hợp tác với các tổ chức đó như một chất xúc tác. Thường thì ban đầu các mục sư khá e ngại nhưng sau đó những bức tường được dẹp bỏ và tất cả chúng tôi cùng cầu nguyện, cùng ăn và làm việc với nhau. Đà tích cực của các hoạt động đó được đẩy mạnh và ở thành phố tiếp theo chúng tôi đến, người ta đã nghe nói đến những gì đã diễn ra ở thành phố trước đó nên mọi người thường cởi mở và phấn khởi hợp tác cùng nhau vì lợi ích chung.”

 

Tôi rất vui khi kể với các bạn rằng mới đây Jay đã chuyển tới California. Anh và tôi hy vọng sẽ hợp tác với nhau trong một loạt các hoạt động chung: thể hiện tình yêu và niềm tin bằng hành động để phục vụ người khác và khơi gợi tinh thần phục vụ bằng chính việc làm của mình.

 

Bạn biết đấy, ở vai trò người lãnh đạo, điều quan trọng của việc gieo những hạt giống tốt trong không phải là thực hiện những dự án lớn như những dự án mà Jay đã tổ chức rất tốt. Ngay cả những hành động nhỏ xuất phát từ tinh thần phục vụ người khác cũng có thể tạo ra sự thay đổi lớn đối với ai đó. Jay đã nhắc tôi nhớ tới một chuyện xảy ra tại một trong những sự kiện mà Jay và các tình nguyện viên đã tổ chức ở Oregon.

 

Dạo đó tôi diễn thuyết ở Oregon, cố gắng thăm một loạt các trường trung học ở đó trong một ngày. Sau khi diễn thuyết tại một ngôi trường đặc biệt, chúng tôi vội vàng rời khỏi trường bởi vì (như mọi lần) chúng tôi có nguy cơ bị muộn giờ. Tôi không có thời gian để ôm bất cứ khán thính giả nào muốn tới để ôm tôi, và đó là điều rất không bình thường đối với tôi. (Tôi thích được ôm mọi người và được mọi người dành cho những cái ôm trìu mến).

 

Trên đường đi ra khỏi hội trường, tôi tình cờ nhìn thấy một cái đầu không có tóc, một điều không thường thấy trong một đám đông học sinh ở tuổi mới lớn. Tôi dừng xe lăn lại, ngồi thẳng người lên để nhìn và nhận ra một cô bé dường như bị rụng tóc do điều trị hóa chất. Tôi đã từng thăm nhiều bệnh nhân ung thư. Tôi biết vẻ ngoài của những người bị ung thư phải điều trị hóa chất.

 

Tôi điều khiển xe lăn tới gần chỗ cô ngồi ở cuối lối đi trong hội trường và nói: “Em gái, em hãy ôm anh một cái nào”. Không cần phải nói các bạn cũng biết tôi chẳng còn lo bị muộn giờ của buổi diễn thuyết tiếp theo nữa. Cô bé giang tay ôm tôi, rồi cô bật khóc, tôi cũng khóc, tất cả các giáo viên và học sinh ở xung quanh cũng khóc.

 

Tại sao chúng tôi lại khóc? Tôi không thể nói chính xác điều gì đang xảy ra với cô bé và những người ở xung quanh chúng tôi, nhưng đối với tôi, tôi khóc vì tôi biết ơn cơ hội được phục vụ những người đang gặp khó khăn, thách thức.

 

Thật khó để tôi diễn tả cảm xúc đó bằng lời, nhưng bức thư này của một cô bé mà tôi gọi là Bailey có thể tóm tắt một cách đầy đủ hơn cái trải nghiệm thay đổi cuộc sống của một người đi tiên phong trong việc phục vụ người khác.

 

Mười hai năm trước, mẹ của em dẫn em đi làm tình nguyện tại một trại dành cho những người lớn bị khuyết tật về phát triển. Tại trại của người theo Cơ Đốc giáo này, mỗi người tình nguyện được giao giúp đỡ một người lớn bị khuyết tật trong thời gian một tuần. Với một đứa trẻ mười hai tuổi như em, có lẽ không có gì tồi tệ hơn là bị buộc phải ở cả tuần cùng với những người khuyết tật.

 

Mẹ em không cho em được lựa chọn, và mẹ chắc chắn không cho em cách nào để thoát ra khỏi tình cảnh “tồi tệ” đó. Em nôn nao cả người khi phải ngồi đó trong sự căng thẳng. Sau đó, các nhân viên của trại phát cho chúng em những bản đăng ký và dưới mục “khuyết tật” em thấy có những chữ được in đậm to tướng: Hội chứng Down.

 

Cầm bản đăng ký vừa được phát, hai tay em run bần bật khi em cố chuẩn bị tinh thần để gặp người mà em đã đăng ký hỗ trợ vào ngày hôm sau. Suốt đêm hôm đó em trở mình trằn trọc, tự hỏi tại sao Chúa lại đẩy em vào một tình huống khiến em sợ hãi và khó chịu như thế.

 

Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng, các trại viên đến và những gì em thấy khiến em hoảng sợ hơn cả những gì em đã hình dung. Em có thể nhận dạng được từng trại viên bước ra khỏi xe ô tô nhờ khuyết tật của họ - hội chứng Down, chứng tự kỷ ám thị, chứng liệt não. Quả thực em đã thấy tất cả những chứng bệnh đó ở các trại viên tiếp tục đến trại. Cuối cùng, khi một cô gái bé nhỏ lặng lẽ bước xuống từ một chiếc xe tải nhỏ, người ta gọi tên em. Em ngượng ngùng bước tới và giám đốc của trại giới thiệu em với Schanna, trại viên mà em được giao giúp đỡ trong một tuần. Em không biết phải nói gì ngoài hai tiếng “xin chào”, nhưng trước khi em kịp thốt ra hai tiếng đơn giản đó, Schanna đã choàng tay quanh cổ em và dành cho em một cái ôm nồng ấm nhất mà trước đó em chưa từng trải nghiệm.

 

“Chị nóng lòng được làm bạn của em trong tuần này”, chị ấy nói, nắm tay em và kéo em đi tham gia hoạt động đầu tiên của trại. Làm thế nào mà một người vừa mới gặp em lại yêu quý em vô điều kiện như vậy? Chị ấy đâu có biết em học lớp mấy, em có bao nhiêu bạn và em có được mọi người biết đến hay không. Chị ấy đâu biết em là người như thế nào. Ngay trong buổi tối hôm đó mọi bức tường của sự nghi ngại, mọi rào cản của sự sợ hãi đã bị dẹp bỏ hoàn toàn bởi một người ở tuổi trường thành bị khuyết tật phát triển, và điều đó đã cho em và Schanna một cơ hội để trở thành bạn của nhau.

 

Đã mười hai năm kể từ tuần đầu tiên của em ở trại dành cho người khuyết tật ấy. Sau tuần ấy mẹ em không còn phải la ó hay ép buộc em làm những việc đó nữa. Kể từ đó em tự nguyện dành hơn ba mươi tuần trong mười hai năm cho trại, và em không chỉ là một tình nguyện viên, mà còn là một nhân viên của trại.

 

Hai mùa hè gần đây em trở thành một trong những nhân viên của trại, đảm nhận công việc trợ lý của giám đốc trại, và không gì khiến em vui hơn là được thấy những người lần đầu đến làm tình nguyện tại trại một tuần trong tình trạng lo lắng buồn lòng để rồi chẳng bao lâu sau được thấy những bức tường ngăn cách ấy bị dẹp bỏ bởi những con người bị xã hội của chúng ta bỏ quên.

 

Nhờ quãng thời gian em ở trại đó và rất nhiều giờ em dùng để phục vụ những người khuyết tật về phát triển mà mùa thu tới, em sẽ vào học tại một trường đào tạo sau đại học để lấy bằng về tư vấn. Mục tiêu của em là một ngày nào đó em sẽ trở thành người tư vấn cho các bậc phụ huynh, những người phát hiện ra con mình có khuyết tật – dù đó là khi họ phát hiện ra con mình mang thêm một nhiễm sắc thể thừa trước khi chào đời hay khi một người mẹ bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu của chứng tự kỷ ở con mình. ”

 

Bailey đã diễn tả niềm vui của người có niềm đam mê giúp đỡ người khác một cách thật tuyệt vời trong bức thư cô gửi cho tôi, đúng không bạn? Khi bạn giúp đỡ người khác, trái tim của bạn cũng được chữa lành. Một trong những niềm vui lớn nhất mà tôi nhận được là thấy ai đó thành công hoặc dành cả cuộc đời để khích lệ và truyền cảm hứng cho người khác. Thoạt đầu Bailey đã ngần ngại, nhưng rồi cô đã học được một bài học tuyệt vời trong khi cô làm việc tại trại dành cho người khuyết tật.

 

Tôi nghĩ quả là một trải nghiệm tuyệt vời khi những người trẻ tuổi tham gia hoạt động phục vụ và giúp đỡ người khác như Bailey đã làm – cho dù đó là hoạt động tình nguyện ở một nhà dưỡng lão, hoạt động giúp đỡ người khuyết tật hay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn tại những trung tâm dành cho người vô gia cư. 

Lượt xem : 1104 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo